Tâm sự nghề nghiệp

Thứ Hai, 31/07/2006, 14:20
Một số nhà báo trẻ hay gọi tôi là nhà báo lão thành. “Lão” thì đúng, vì đã sang tuổi 75. Làm báo lâu năm thì cũng có thể tạm nhận vì đến nay đã cầm bút 49 năm, còn khi rời tòa soạn báo Nhân Dân để làm công việc khác thì cũng đã đủ 40 năm làm báo chuyên nghiệp.

Còn “Thành” thì còn phải suy tính nhiều: “Thành nghề” thì đã thành nghề, còn “thành công” thì cũng có mức độ, có bài báo, có giai đoạn thành công, theo kịp sự phát triển của cuộc sống, nhưng cũng có bài báo, giai đoạn làm báo thất bại, bảo thủ. Chẳng ai dám vỗ ngực nói hay về mình, nhất là hay từ đầu đến cuối.

Vào tuổi này, người ta thường dành những phút, những ngày để suy ngẫm, tổng kết cuộc đời. Cuộc đời ở đây là cuộc đời làm báo, còn đời người thì còn nhiều khía cạnh phải suy nghĩ kỹ hơn. Tổng kết cuộc đời làm báo thì có mặt tổng kết các công việc đã làm với thái độ nghiêm túc nghĩ về mình xem đóng góp được chút gì cho xã hội, cho nghề nghiệp; đó cũng là lĩnh vực không đơn giản. Ở đây, chỉ thử nêu mặt yếu, mặt mạnh của thế hệ chúng tôi khi bước vào nghề, làm nghề, so với thế hệ các bạn làm báo trẻ trung, hiện đại ngày nay.

Tuy thời gian làm báo không ngắn, cũng suýt soát nửa thế kỷ; nhưng so với những người làm báo Việt Nam thì có thể tự xếp mình vào thế hệ thứ hai, hoặc thứ ba gì đó. Cũng bắt đầu tham gia chủ yếu là phóng viên, rồi dần dần từng bước một (chứ không có bước nhảy đột xuất nào), tham gia các công tác quản lý ở báo từ nhỏ nhất đến trách nhiệm lớn dần lên; tuy làm quản lý nhưng cho đến nay vẫn không bao giờ bỏ nghề viết.

Các lĩnh vực tham gia viết bài chưa thật nhiều, nhưng ít nhất cũng có thời gian viết chuyên về kinh tế, về xây dựng Đảng và viết về cuộc chiến đấu của dân tộc. Rồi còn tham gia giảng dạy từ khi bắt đầu có trường Trung cấp rồi Đại học Báo chí ở nước ta, làm Chủ nhiệm Khoa Báo viết đã 15 năm; nghĩa là có dịp làm quen với nhiều bạn trẻ làm báo... Cho nên cũng có điều kiện để hiểu được nghề báo, đặc biệt trong sự phát triển nhanh chóng của nghề báo thời kỳ đổi mới của đất nước.

Có thể khái quát thế hệ làm báo chúng tôi so với các bạn trẻ làm báo ngày nay có những đặc điểm khác nhau; từ sự khác biệt đó nảy sinh những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau của từng thế hệ.

Thứ nhất, thế hệ chúng tôi là thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, 14 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng chuyên nghiệp khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946, đang học dở năm thứ ba Trường Bưởi, nghĩa là chưa tốt nghiệp trung học cơ sở như cách gọi ngày nay; ngoại ngữ thì chỉ biết tiếng Pháp võ vẽ. Nghĩa là học hành dở dang. Rồi suốt thời gian tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến đấu ở vùng địch hậu, không có thời gian dài để học thêm.

Nói như thế để thấy, khi vào nghề báo là một nghề đòi hỏi trình độ văn hóa cao thì văn hóa của chúng tôi rất thấp. Khác xa với thế hệ các bạn làm báo hiện nay, khi vào nghề đã ít nhất có bằng cử nhân, có một số bạn đạt trình độ cao hơn, như thạc sĩ, tiến sĩ. Lúc mới vào nghề rất hăm hở, nhưng rồi dần dần cũng nhận ra nhược điểm của mình. Do đó phải tự học rất nhiều, học bổ túc, hàm thụ bậc đại học vào các buổi tối, rồi đọc sách báo. Dần dần thành thói quen tự học cho đến bây giờ; không lúc nào không tìm cách học thêm, học văn hóa chung và học chuyên ngành mà mình theo dõi để viết.

Càng làm việc càng thấy sự hiểu biết ngày càng thiếu hụt, vì nghề báo đòi hỏi nhà báo phải hiểu biết rộng, biết sâu vào lĩnh vực mình viết đến mức trở thành chuyên gia, thông thạo ngoại ngữ, và ứng xử có văn hóa trong giao tiếp. Tôi không dám và không đủ điều kiện để đánh giá các bạn trẻ làm báo hiện nay về sự tự học, tiếp tục học sau khi ra trường, để hiểu thêm sâu sắc lời căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhà văn hóa lớn của nước ta, đã nói: “Tốt nghiệp đại học là khởi đầu sự tự học suốt đời, là bước vào lớp một của Đại học đường đời”.

Thứ hai, thế hệ chúng tôi là thế hệ không được lựa chọn công việc mình làm, làm việc gì là do Đảng phân công. Các công tác mà tôi trải qua, như công tác đoàn thể, tham gia quân đội, công tác Đảng và cuối cùng là hoạt động báo chí chuyên nghiệp cũng là do Đảng phân công, điều động, trước hết là do yêu cầu công tác, tuy Đảng có xem xét khả năng, sở thích từng người. Tuy làm việc theo sự phân công, nghĩa là không phải việc gì lúc đầu cũng hứng thú.

Nhưng người xưa đã khuyên: “Không được làm việc mình thích thì hãy thích việc mình làm!”. Chúng tôi rèn luyện theo phương hướng đó. Vì tôi hiểu rằng: muốn thành đạt thì phải có lòng say mê, yêu thích công việc, từ say mê mà tạo điều kiện không ngừng nâng cao kiến thức, rèn luyện nghề nghiệp, phát huy sáng tạo. Cố gắng làm việc, đạt được kết quả nhất định nào đó, lại khuyến khích mình làm việc hăng hái hơn trở thành say mê với công việc.

Đến nay, tôi rất say mê nghề báo; tất nhiên phải đi đường vòng khá vất vả hơn so với một số bạn trẻ; nhưng cuối cùng cũng đạt tới niềm say mê nghề nghiệp cho đến lúc không còn trực tiếp làm nghề báo nữa vẫn say mê viết báo, đọc báo, vui mừng về những hoạt động sôi nổi, sáng tạo của các bạn trẻ mà tuổi trẻ của mình chưa làm được.

Thứ ba, báo chí nước ta phát triển khá sớm, nếu kể từ Gia Định báo – tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất bản năm 1865 và tờ báo Thanh Niên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925, thì báo chí tiếng Việt và báo chí cách mạng nước ta đã có lịch sử khá dài. Nhưng đến lúc chúng tôi tham gia đội ngũ báo chí chuyên nghiệp năm 1957 thì chưa có tài liệu có hệ thống nào tổng kết lịch sử cũng như nghiệp vụ báo chí nước ta. Tài liệu về lý luận và chừng mực nào về nghiệp vụ báo chí chỉ thỉnh thoảng được biết qua các bản dịch tài liệu của các Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô, Trung Quốc.

 

Nghĩa là thế hệ làm báo chúng tôi, tuy thừa kế truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam nhưng không được đọc và nghiên cứu lịch sử cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp của báo chí nước nhà. Lúc đó, chúng ta cũng chưa có trường dạy về báo chí; chỉ được nghe kể lại về lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc, trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, coi như lớp huấn luyện báo chí đầu tiên ở nước ta.

 

--PageBreak--

 

Kể lại như vậy, để thấy thế hệ chúng tôi không được kế thừa kinh nghiệm làm báo có nhiều đặc thù của cha anh. Đó là sự thiệt thòi rất lớn so với thế hệ các bạn trẻ ngày nay. Nhưng đã làm nghề thì phải học nghề. Việc học nghề của chúng tôi là cách học “cầm tay chỉ việc” do các đồng chí đã làm báo trong thời kỳ hoạt động bí mật và kháng chiến chống Pháp truyền lại; và chủ yếu là đọc bài của nhau để rút kinh nghiệm. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi đọc bài của nhau rất kỹ và trao đổi ý kiến khá thẳng thắn, có lúc đỏ mặt tía tai tranh cãi.

 

Những bài giảng (thực chất là các báo cáo) về kinh nghiệm làm báo của chúng tôi từ những ngày đầu những năm 60 của thế kỷ XX, là từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân và bạn bè. Thực sự thì đến nay vẫn còn duy trì thói quen là đọc kỹ bài của các bạn đồng nghiệp, còn những cuộc tranh luận thì vì nhiều lý do xã hội khác, không còn sôi nổi như cũ; thế cũng là sự thiệt thòi lớn trong quá trình không ngừng học tập và rèn luyện nghề nghiệp giữa những bạn bè, đồng nghiệp.

Thứ tư là, lúc đó phương tiện hoạt động nghề nghiệp rất thiếu thốn, một phần vì kỹ thuật truyền thông chưa phát triển, một phần vì nước ta còn nghèo. Ghi chép chủ yếu là cuốn sổ tay với chiếc bút máy bơm mực Cửu Long. Có bạn bè đi nước ngoài về cho cái bút bi của các nước xã hội chủ nghĩa nét to và ra nhiều mực đã là rất quý; còn bút BIC thì gọi là “bút nguyên tử”; máy ghi âm của cơ quan thì năm 1970 mới có, còn máy ghi âm của cá nhân thì phải đến sau năm 1975 mới có. Đời sống chỉ có đồng lương, chưa có tiền nhuận bút. Đi công tác, cơ sở thương thì cho cân gạo, cân lạc, chứ chưa có phong bì. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp; riêng tôi đến năm 1970 mới mua được một chiếc xe đạp của mình.

Phương tiện đi lại khó khăn nhưng lại có dịp thong thả, quan sát người, quan sát việc; việc đạp xe từ cơ quan đi Phú Thọ, Nam Định, Hải Phòng là việc bình thường; còn xa hơn, như đi Lào Cai thì đi xe lửa; vào Vinh, Quảng Bình thì mua vé xe ôtô hành khách.

Phương châm công tác lúc đó là: “Đi sát cơ sở, tới nơi tiên tiến", để cổ vũ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã giúp chúng tôi đi đến nhiều nơi. Đi viết một bài phải ở xã vài ba ngày tới một tuần lễ là ít, không kể những bài điều tra công phu thì phải ở dài hơn và đi nhiều nơi hơn v.v...

Còn viết bài thể nghiêm túc phản ánh chân thật, “bịa” ra là bị “treo bút” và bị đồng nghiệp khinh bỉ. Phải luôn luôn cẩn thận, không dám sao nhãng, cho dù cần nhanh, cần kịp thời cũng không thể vội vàng, làm ẩu.

Kể lại với các bạn thời công tác của chúng tôi không phải là “kể khổ”, và cũng không muốn các bạn quay trở lại thời kỳ đó. Chỉ muốn nói, chúng tôi (phải nói là thế hệ chúng tôi)  không dám so sánh với thế hệ đàn anh khi làm báo cách mạng thời bí mật còn phải vào tù ra tội, mà chỉ mô tả những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua. Tuy nhiên, nhiều khi trong khó khăn lại sinh ra những thói quen tốt.

Chẳng hạn, với khó khăn, có thể nói là thiệt thòi như chúng tôi đã kể ở trên, lại nảy sinh tinh thần tự học, tự mình và cùng nhau tổng kết kinh nghiệm công tác, và có điều kiện sát cuộc sống hơn... dần dần trở thành thói quen, trở thành phẩm chất cần có của cây bút gắn bó với cuộc sống, muốn vươn lên; không ít đồng chí trở thành những ngòi bút xung kích trong các giai đoạn cách mạng.

Cần nói thêm rằng, thế hệ chúng tôi là thế hệ viết báo đã trải qua nhiều bước chuyển hướng của đất nước dẫn đến sự chuyển hướng ngòi bút: Từ viết chiến tranh sang viết hòa bình xây dựng; từ viết trong quá trình xây dựng đất nước theo mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp với xu hướng làm to, làm nhanh, áp đặt sang viết của thời kỳ đổi mới, rộng mở, nhiều thành phần kinh tế, nhiều sáng tạo; từ viết trong khuôn khổ đóng kín hoặc chỉ quan hệ trong phe xã hội chủ nghĩa đến mở rộng tầm nhìn ra cả thế giới, đặc biệt là thế giới của các nước phát triển với nhiều tư duy và phong cách nghề nghiệp mới lạ...

Sự chuyển biến nhận thức về nội dung và hình thức cũng thường là thời kỳ có nhiều khó khăn, khi cái mới chưa hình thành rõ nét, cái cũ thì còn níu kéo theo quán tính, nhưng đã có những bạn đã vượt lên trở thành những người tham gia đột phá trong thời kỳ đổi mới. Và nhắc lại như thế, cũng muốn khi đánh giá cuộc đời làm báo của mỗi người cũng cần có cái nhìn lịch sử cụ thể để thông cảm.

Chẳng hạn như tôi, là một trong số bạn bè đạt khá nhiều giải thưởng Báo chí Việt Nam, nay gọi là giải Báo chí quốc gia. Nhưng phải thú thật trong số 8 giải nhất được trao, thì một chục năm sau nhìn lại thấy rõ là có bài được giải cao lại chưa phải là bài hay nhất, có hiệu quả nhất, và có một số bài thì không nên trao giải vì phản ánh và ủng hộ tư tưởng bảo thủ của lối làm ăn cũ v.v...

Vài lời tâm sự với các bạn chỉ  để nói một đôi điều suy nghĩ về cuộc đời làm báo của thế hệ chúng tôi. Cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân về một thế hệ làm báo trong đó có mình.

Trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau, mỗi thế hệ đều có mặt mạnh, mặt yếu. Đó là lý do cần tổng kết để trân trọng lẫn nhau và để bổ sung cho nhau

.
.