Tấm lòng của vị tướng về hưu

Thứ Tư, 27/08/2014, 10:00

Bước vào tuổi 85 nhưng ông còn xông xáo, năng nổ lắm. Sáng đi họp Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, chiều có mặt họp Hội đồng hương huyện Trực Ninh (Nam Định) tại Hà Nội. Về quê, có hôm họp Hội cựu chiến binh xã với tư cách Chủ tịch danh dự, hôm sau là Chủ tịch danh dự quỹ khuyến học của huyện, ông lại có mặt động viên bà con, tặng quà và học bổng cho các cháu học sinh vượt khó học giỏi của quê hương…

Đôi mắt ông vẫn tinh anh, diễn đạt khúc triết, mạch lạc và luôn nhiệt thành với người đối thoại. Ông là Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Chánh Thanh tra Bộ Công an... 

Tham gia cách mạng từ sớm, nhiều năm chiến đấu trong lòng địch thời chống Pháp, sau này Thiếu tướng Phan Văn Lai lại trải qua 12 năm “nếm mật nằm gai” ở chiến trường Trị Thiên Huế thời chống Mỹ. Tuổi cao nhưng sức còn khỏe và ông vẫn đang giữ nhiều “chức”, mỗi chức đều gắn liền với tấm lòng mà đồng đội, bà con ở quê hương giao phó như: Trưởng Ban liên lạc cán bộ Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hội đồng hương huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) tại Hà Nội, kiêm Chủ tịch danh dự Hội khuyến học huyện Trực Ninh… Đến thăm và trò chuyện với Thiếu tướng Phan Văn Lai, càng nhận thấy một điều, đời người quý nhất là sức khỏe, là tình người, là sự bình an của cuộc đời, nhất là lúc về già. Hỏi ông, đời ông có thể gọi là vào sinh ra tử, vậy mà sao ở tuổi gần 90 ông vẫn có sức khỏe và trí tuệ mẫn tiệp vậy? Ông cười hồn hậu: “Thì ngoài việc được “trời thương” còn bản thân mình phải luôn suy nghĩ và làm những việc tốt, việc đúng cho đời và xã hội. Khi còn công tác, phải giữ được sự thanh thản, luôn thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội của mình mà vẫn giữ được kỉ cương, kỉ luật công tác…”.

Sâu thẳm trong kí ức của Thiếu tướng Phan Văn Lai là ân nghĩa của dân trong những năm tháng bám trụ ở chiến trường Trị Thiên Huế. Ông trầm ngâm nhớ lại kỉ niệm nhờ dân mà thoát khỏi vòng vây của kỵ binh bay Mỹ: Khoảng dịp tết Đoan Ngọ (5-5 Mậu Thân 1968), sáng hôm ấy tôi và anh Nguyễn Đình Bảy (thường gọi là Bảy Khiêm, Phó Ban An ninh khu Trị Thiên Huế) đang trú trong nhà một cơ sở là bà Giáng thì hàng loạt đạn pháo từ căn cứ Phú Bài của địch trút xuống thôn Hà Trữ (xã Phú Cường, nay là xã Vinh Thái, huyện Phú Vang) làm rung chuyển mặt đất.

Theo kinh nghiệm, địch sẽ càn về vùng này. Đồng chí La Đình Mão, chiến sỹ an ninh huyện Phú Vang quyết định đưa chúng tôi đến hầm bí mật ở rú Hà Thượng. Chúng tôi khẩn trương di chuyển dưới làn đạn pháo, vừa đến rú thì đụng ngay một tốp kị binh bay của Mỹ với máy bay trực thăng HUIA đang cấp tập đổ quân đi càn. Đạn bắn xối xả trúng vào đội hình chúng tôi đang di chuyển; đồng chí Mão bị dính mảnh M79, máu túa ra ở tay và chân. Chúng tôi chạy thục mạng một đoạn thì quay lại chẳng thấy anh Bảy Khiêm đâu, có lẽ do bị máy bay đuổi bắn cấp tập, anh đã có tuổi nên không theo kịp hoặc đã hy sinh. Tôi vô cùng lo lắng và bàn với Mão: “Chúng ta không thể bỏ mặc anh Bảy Khiêm, phải bằng mọi giá tìm được anh đưa đến nơi an toàn. Nếu anh bị thương, phải đưa anh thoát khỏi vòng vây của địch”. Mặc dù  bị thương, nhưng Mão xin được quay lại và rất may đã tìm được anh Bảy Khiêm đang bị lạc trong rú, đưa trở lại nơi chúng tôi ẩn nấp. Hết sức mừng rỡ nhưng chúng tôi rất lo khi nhìn vết thương của người chiến sĩ dũng cảm. Tôi xé áo băng vết thương cho Mão.

Với sự mưu trí, thông thạo địa hình của Mão, chúng tôi len lỏi vượt qua vòng vây của địch về đến cơ sở ở thôn Dưỡng Mong A (xã Phú Cường). Vừa xuống hầm bí mật trong vườn của gia đình ông Hoàng Sa thì bọn địch càn đến. Suốt 5 ngày đêm chúng chà đi xát lại, chúng tôi phải ở dưới hầm, được gia đình ông Sa che chở, tiếp tế cơm nước… Nằm dưới hầm, chúng tôi nghe rõ tiếng kêu khóc thảm thiết của vợ con ông Sa do bị địch tra khảo, đánh đập dã man, hăm dọa đốt nhà, bắn bỏ nếu không chịu chỉ hầm bí mật. Trước thử thách hiểm nguy nhà tan cửa nát, sống chết cận kề, vợ chồng và các con ông Sa vẫn trước sau chỉ nói: “Gia đình tui không có hầm bí mật, không nuôi Việt cộng trong nhà!”. Nhờ sự bao bọc, kiên trung của gia đình ông Sa, tôi và anh Bảy Khiêm mới thoát khỏi tay địch.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, càng cảm phục về nghĩa tình son sắt của dân, Thiếu tướng Phan Văn Lai càng đau đáu, nhớ thương về những người đồng chí đã dũng cảm hi sinh. Năm 1967, ông có dịp về huyện Hương Thủy và gặp lại ông Lê Như Khánh, là Trưởng ban An ninh huyện. Ông Khánh kém ông Lai 7 tuổi, là đồng hương và cùng học lớp bồi dưỡng tại C500 để đi B nên hai người coi nhau như anh em ruột thịt. Đêm đó, họ ngồi bên bếp lửa cùng ôn lại kỷ niệm buổi chia tay vợ con trước ngày lên đường vào Nam. Ông Lai nhớ lại: Hai anh em nói chuyện suốt đêm bởi tôi và Khánh có nhiều kỉ niệm sâu nặng. Ngày ấy, chúng tôi cùng công tác ở Công an tỉnh Hà Nam và được Bộ triệu tập về học lớp B2 (tháng 12/1962), cùng được chi viện vào tỉnh Thừa Thiên, cùng có con trai sinh năm 1962.

Thiếu tướng Phan Văn Lai (bìa phải) và các đồng đội trong lần gặp gỡ tại Kiên Giang.

Vài ngày trước khi đi B, ngẫu nhiên hôm ấy vợ tôi và và vợ Khánh cùng bồng bế đứa con còn bú mẹ, tất tả lên Trường Công an Trung ương thăm chồng. Đây là thời điểm nhạy cảm nên nhà trường rất hạn chế việc cán bộ đi B tiếp xúc với gia đình nhằm giữ bí mật. Tôi và Khánh phải ghìm nén tình cảm, cố tỏ ra vui vẻ như mọi lần và giữ kín chuyện sắp đi xa để tránh gây sự xúc động của hai người vợ. Chúng tôi chỉ được trò chuyện chốc lát ở phòng thường trực, ôm hôn đứa con của mình rồi động viên vợ: “Chủ nhật tới các anh sẽ về Phủ Lý thăm các em và con. Con chúng mình còn nhỏ, trời rét, đường xa, xe tàu khó khăn, vất vả lắm, từ nay các em không phải lên nữa, cứ một hai tuần các anh sẽ thu xếp về thăm”… Nói vậy chứ tôi và Khánh đều hiểu rõ đó chỉ là lời an ủi, động viên; từ đó đến ngày lên đường chúng tôi đâu còn cơ hội về thăm vợ con!

Nhớ lại kỉ niệm đó, cả hai chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Bất chợt Khánh nhìn tôi với vẻ đăm chiêu: “Anh Thi! Công tác ở huyện gian khổ lắm. Em là lãnh đạo, phải gương mẫu mới động viên anh em xông pha nơi trận mạc được. Vì vậy, hy sinh là chuyện khó tránh khỏi. Nếu em có mệnh hệ nào, anh còn sống thì cố tìm phần còn lại của em và đưa em về quê hương nhé!”. Tôi sững sờ, cố trấn tĩnh để động viên Khánh: “Sao Khánh nói gở thế? Anh em mình cao số lắm, kháng chiến thắng lợi, hai anh em cùng nhau về Phủ Lý trả món nợ cũ cho hai nàng như lời hẹn hò năm xưa ở cổng Trường C500 chứ!”.

Ông Lai xúc động kể tiếp, tôi động viên Khánh vậy thôi, chứ ai đã hoạt động ở chiến trường đều thấm thía những gì anh nói. Thật đau lòng, sau Mậu Thân 1968, mặc dù được bà con che chở, bảo vệ nhưng hôm ấy Khánh bị địch xăm trúng hầm bí mật. Chúng kêu gọi Khánh đầu hàng nhưng với khí phách anh hùng và tấm lòng kiên trung, anh đã bật nắp hầm, nhảy lên bắn trả quyết liệt bọn địch và anh dũng hy sinh… 

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông Lai công tác tại Bộ Công an và được giao nhiều trọng trách. Ở cương vị nào, ông cũng tâm niệm phải phát huy bản chất người cán bộ Công an đã từng vào sinh ra tử, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình (ông có người anh cả và em trai út là liệt sỹ; thân mẫu ông được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng)… Với cái tâm sáng, Thiếu tướng Phan Văn Lai luôn nhớ tới quê hương và tri ân đồng bào từng cưu mang, đùm bọc mình trong chiến đấu. Ông đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa, thăm hỏi tặng quà những cơ sở cách mạng như  các gia đình bà Giáng, ông Hoàng Sa, v.v…

Với quê hương mình, chỉ tính vài năm gần đây, vợ chồng vị tướng già đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và bà con trân trọng. Năm 2012, vợ chồng ông trích lương hưu tặng Văn phòng Hội khuyến học huyện Trực Ninh bộ máy vi tính trị giá hơn 10 triệu đồng. Năm 2013, huyện Trực Ninh xây dựng quỹ khuyến học mang tên Trạng nguyên Đào Sư Tích, Thiếu tướng Phan Văn Lai đã vận động Hội đồng hương, Hội doanh nhân huyện Trực Ninh tại Hà Nội ủng hộ được 950 triệu đồng… Trân trọng tấm lòng của Thiếu tướng Phan Văn Lai, ông Vũ Quang Khải, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phương Định tâm sự: “Khi còn công tác cũng như lúc đã nghỉ hưu, hằng năm bác Lai và gia đình đều nhiều lần về quê hương nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sỹ và các ngày lễ lớn. Hai bác và gia đình thường xuyên trích tiền lương hưu để cùng Hội cựu chiến binh đi thăm, tặng quà các đồng chí thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, hội viên nhiễm chất độc da cam”…

Tạm biệt Thiếu tướng Phan Văn Lai, tôi cứ ngẫm mãi lời tự bạch của vị tướng già đã từng xông pha nơi trận mạc: “Luôn suy nghĩ và làm những việc đúng để lương tâm mình thanh thản”. Được biết, những người con của ông bà đều trưởng thành; người con cả nối nghiệp của ông cũng được phong quân hàm cấp tướng. Âu cũng chữ phúc mà ông và bà đã bền bỉ dựng xây

Trần Duy Hiển
.
.