“Sự thật sẽ là trọng tài cho cuộc đua thông tin giữa báo chí và mạng xã hội”
- Báo chí cần phát hiện cái mới, biểu dương gương tốt, thúc đẩy cải cách hành chính
- Facebook, Google không còn được "dùng chùa" tin bài báo chí ở Pháp
- Cần tỉnh táo trước “cạm bẫy” trên mạng xã hội
- Ứng dụng mạng xã hội trong phòng, chống tội phạm
Quyền lực thứ tư chính thống và quyền lực thứ tư không chính thống dạo này va nhau liên tục, sự xung đột thông tin diễn ra liên tục... Trao đổi giữa phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng và Cuối tháng với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, một trong những cây bút hiếm hoi đã kinh qua tất cả những cung bậc của nghề báo, từ phóng viên cho đến lãnh đạo báo chí rồi giảng viên và giờ là cố vấn Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh.
“Nhiều nhà báo nhìn doanh nghiệp tư nhân khắt khe quá”
- Nhà báo Ngô Kinh Luân: Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, liên tiếp trong thời gian qua xuất hiện hai loạt bài điều tra trên hai ấn phẩm báo giới có sức lan tỏa thông tin lớn. Thật sự vui mừng khi được sống trong không khí của báo giới từ những cơn địa chấn truyền thông này, tuy nhiên theo quan sát của tôi thì hiện tại đã có sự “kháng cự thông tin” một cách quyết liệt.
Có thể đó là từ một Facebooker viết trên trang cá nhân, từ một admin của một cái page nào đó... rất nhiều phân tích đúng sai, dẫn chứng từ hiện thực cho đến luật định khi tranh luận. Mường tượng thôi đã đủ náo nhiệt rồi huống hồ quan sát toàn bộ diễn biến của câu chuyện. Đây là điều chưa từng hiện hữu trước đây.
Ông nghĩ gì về điều này?
- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi có đọc những loạt bài mà anh đề cập, đó là những bài điều tra gây được sự chú ý nhưng đồng thời cũng gây ra những thông tin trái chiều. Đây là một đặc điểm vừa khác lại vừa mới mà theo tôi là có cả sự đặc biệt.
Cá nhân tôi cho rằng đã thực hiện phóng sự điều tra mà gây dư luận trái chiều nhiều quá thì rất khó có thể thuyết phục trọn vẹn trong nội dung mà mình cung cấp, hướng đến (Đây có thể hiểu về mặt thông tin, trên báo đưa thông tin một đằng, trên mạng xã hội lại cung cấp những thông tin hoặc bằng chứng theo một cách khác. Điều này hết sức nguy hiểm vì khiến bạn đọc dễ có khuynh hướng hồ nghi về mặt thông tin đã được cung cấp. Và thông tin càng bị hồ nghi, càng ít có giá trị - N.K.L).
Như chúng ta đều biết, mục đích của điều tra chính là sự thật, chính là tìm ra đâu là đúng đâu là sai, phát hiện ra căn nguyên cội rễ của vấn đề... Đây là những yếu tố mà tôi chưa tìm thấy trong những loạt điều tra gây tranh cãi trong thời gian vừa qua. Thêm nữa, có vẻ như những loạt bài ấy vẫn chưa đề cập thẳng vào bản chất, có thể hơi lan man, hơi lòng vòng, hơi kéo dài trong việc dẫn nhập... nên dễ bị đặt các câu hỏi, tại sao làm báo phải như thế này, tại sao làm báo phải như thế kia.
Như bọn mình mấy mươi năm trước làm điều tra khác bây giờ nhiều, có lẽ do thời thế thời cuộc, các vấn đề đơn giản nên cốt mong phơi bày được rõ đúng sai. Còn thời buổi bây giờ khác nữa, chúng ta đang làm báo trong một giai đoạn đất nước phát triển mà có quốc gia nào phát triển lại không kèm theo các hình thái kinh tế khác, rồi kinh tế phát triển thì có những phương tiện truyền thông khác, nhất là mạng xã hội.
Mạng xã hội rõ ràng là một kênh giám sát riêng, một trọng tài riêng mà nói thật mạng xã hội là một lực lượng vừa thẩm định mình, vừa phê phán mình và bắt buộc mình phải thận trọng hơn. Nhưng mạng xã hội cũng có tác động lôi kéo mình, thúc đẩy mình nên nếu không tỉnh táo hay bản lĩnh thì dễ cũng xuôi theo các luồng dư luận chưa rõ đúng sai lắm. Nên điều tra bây giờ có lẽ phức tạp thật, như chúng ta hay nói đùa “nay đúng, mai sai, ngày kia lại đúng chăng?”.
- Tiện thể đang trao đổi về các loạt bài điều tra xuất hiện trên báo giới ở thời gian gần đây, dễ nhìn thấy nhất cốt lõi trong những điều tra ấy là các hạn chế hay sai phạm của doanh nghiệp. Sòng phẳng mà thừa nhận thì làm kinh doanh ở nước mình là khó, khó từ thị trường, khó đến thủ tục hành chính, khó từ ông thanh tra đến bà thuế vụ... Nhưng may mắn là trong sự khó ấy, chúng ta cũng có được những doanh nghiệp tỷ đô.
Rất nhiều người bạn của tôi vẫn đang tranh luận về mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp, đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi cùng giúp nhau phát triển hay đơn thuần chỉ là một dạng nhóm lợi ích. Ông nhìn nhận vấn đến này ra sao?
- Câu hỏi này của anh chính tôi cũng đã suy nghĩ nhiều, chúng ta xưa nay vẫn bị tư duy hơi cũ, có cả định kiến, như con buôn là không tốt đẹp, nhà này có con buôn thì hẳn không phải nhà thiện lương rồi. Mặc định, con buôn là xấu xa. Còn ai đó giàu lên thì hình như phải liên quan đến chuyện mờ ám, là bất chính, cá nhân thì lúc nào cũng phải thua tập thể, ai có ý sáng tạo trước thì phê bình cầm đèn chạy trước ô tô... Ai giàu nhiều quá thì bảo là trọc phú, không còn thiếu sự quy chụp nào không được sử dụng. Cách nhìn này rõ ràng không được khách quan.
Tôi nghĩ rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang kêu gọi tất cả mọi thành phần đều làm kinh tế xây dựng đất nước mà Việt Nam mình thì tập đoàn kinh tế lớn ít, kinh tế nhỏ và vừa rất cần. Những ông chủ tư nhân, những tập đoàn gia đình có tiềm lực tài chính tốt, có bước phát triển kinh doanh hợp lý thì chúng ta nên ủng hộ thay vì đả kích.
Còn giả dụ họ có sai thì tất nhiên ai làm mà không sai thì song song với phê bình nhà báo cũng phải xét đến các yếu tố mà doanh nghiệp đã làm được từ đóng góp ngân sách, phát triển hạ tầng, tạo môi trường đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động... Họ có sai thì luật định sẵn rồi cứ vậy mà xử lý, rồi còn những bình phẩm của đám đông, dư luận. Tôi cho rằng chúng ta đang khắt khe với tư nhân làm kinh tế.
- Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, hiện thực vẫn còn nhiều tồn đọng cần thời gian để giải quyết mà nhân dân bao giờ cũng thường sốt ruột. Bất chấp, một chớp mắt của lịch sử đằng đẵng hằng năm trời. Thế nên có vẻ như những tập đoàn kinh tế lớn phút chốc trở thành “một thế lực” trong tâm thế của cả nhân dân lẫn không ít nhà báo. Nói đi cũng phải nói lại, việc một vài tập đoàn kinh tế tư nhân lớn vắng bóng về thông tin (tạm gọi là bất lợi) trên các cơ quan truyền thông cũng tạo nhiều tin đồn hoặc các cảm xúc tiêu cực dồn nén, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thừa kinh nghiệm để hiểu rõ điều này.
Chắc chính vì vậy mà cái đơn giản, cái gần như là một mối quan hệ cộng sinh giữa tòa soạn và doanh nghiệp là hợp đồng truyền thông phút chốc bỗng biến thành một điều gì đó mờ ám, thậm chí là xấu hổ.
- Truyền thông hiện tại là thế mạnh của doanh nghiệp, không phải từ lâu lắm chúng ta đã được dạy và được chứng kiến ai nắm được thông tin thì người đó sẽ chiến thắng hay sao? Thông tin chính là tiền chứ còn gì nữa nên thông tin tạo ra thế mạnh cho sản xuất, cho dịch vụ chứ còn gì nữa. Trong bối cảnh hiện tại thì đơn vị kinh tế nào chú trọng phát triển truyền thông thì sẽ dẫn dắt, sẽ kiểm định, đảm bảo cho tất cả sản phẩm, dịch vụ mà đơn vì kinh doanh đó hướng đến được đảm bảo về sự hiệu quả, lợi nhuận, cũng như chuẩn mực hơn.
Nhiều người hay bảo sao người ta làm được cái này bán rất chạy, còn mình cũng làm được y hệt lại không bán được, vì mình thua về mặt truyền thông, thua về mặt tiếp thị. Không tiếp cận được thị trường, không biết khách hàng cần gì thì làm sao mà bán buôn.
Ngày xưa làm báo chỉ là làm báo thôi, còn bây giờ làm báo theo tôi nghĩ nên cần đồng hành cùng truyền thông doanh nghiệp. Tôi dùng từ là phối hợp, hợp tác chứ không phải là mua chuộc nhau. Mà làm được điều này rõ ràng rất tốt, một bên có phương tiện loan tải thông tin mình cần, một bên có thêm thu nhập đường hoàng chính đáng.
- Chỉ tiếc là sự tốt đẹp như anh vừa nói đang bị hiểu méo mó đi rất nhiều?
- Đấy là do từng đơn vị, từng con người, từng vụ việc. Chứ tôi nghĩ truyền thông với cơ quan báo giới là chuyện phải có, còn ai mua ai thì đó là chuyện của cá nhân.
Nhưng phải thừa nhận một thói quen không tốt đang tồn tại trong xã hội ta là bị trói buộc bởi đồng tiền nhiều quá, ai làm gì cũng phải tìm cách cảm ơn bằng tiền, tìm cách trả công bằng tiền. Trả công bằng thù lao cũng là một cách, trả công bằng phong bì cũng là một cách, trả công bằng hợp đồng quảng cáo cũng là một cách. Nhiều lúc giúp đỡ nhau làm chuyện đúng thì cái này cũng không có gì gọi là tham nhũng hay hối lộ gì.
Còn ngược lại, khi cầm tài liệu hồ sơ về một sai trái để đòi này đòi kia thì rõ ràng đó là làm bậy, làm sai rồi.
Chúng ta đều hiểu, mối quan hệ giữa nhà báo với doanh nghiệp đâu phải lúc nào cũng tiền bạc, nhiều khi là tình cảm hữu hảo nảy sinh trong quá trình trao đổi hợp tác nữa chứ, đâu phải nhà báo nhìn doanh nghiệp chỉ thấy tiền. Nên tôi cho rằng nên khoanh vùng, nên nói vụ việc cụ thể khi liên quan đến hợp đồng truyền thông, đừng đánh đồng cái đúng và cái tiêu cực.
“Nhận định nhà quản lý của mình ngại mạng xã hội là không chính xác”
- Lại bắt đầu câu chuyện thông tin trên báo chính thống và thông tin trên mạng xã hội, đây không phải là vấn đề bàn cho có bàn nữa, thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ngay cả tư lệnh của nhiều bộ, ngành cũng hết sức băn khoăn về trào lưu thông tin còn khá mới mẻ này. Thế nhưng, có lẽ bàn nhiều và nói nhiều, họp hành nhiều hội thảo nhiều, rồi hàng loạt trang mạng xã hội “made in Việt Nam” đã ra đời với kèn trống chào đón, hồ hởi hy vọng đủ cả, vậy mà dường như vẫn chưa thu được những kết quả như mong muốn.
Chắc vì vậy nên có những vụ việc báo nói một đằng, mạng xã hội nói một nẻo diễn ra thường xuyên. Rồi báo giới nói mạng xã hội toàn đưa tin giả, đưa tin bôi nhọ. Mạng xã hội lại nói báo giới đưa tin không đúng sự thật, đưa tin không sòng phẳng khách quan.
Anh nhìn nhận ra sao về sự xung đột này?
- Tôi nghĩ sự xung đột thông tin này cũng tất yếu vì một vụ việc nóng các báo khai thác theo góc độ riêng của tòa soạn. Người sử dụng mạng xã hội đưa ra nhận định theo tư duy của họ, vậy là xung đột thôi. Với lại cũng có người đứng góc này người đứng góc kia, người ở bên này người ở bên kia, làm sao mà không xung đột cho được, không có vấn đề gì cả. Như mấy vụ doanh nghiệp đúng, doanh nghiệp sai vừa diễn ra ấy mà.
Thế nhưng mà khi khác nhau về quan điểm hay vấn đề thời sự nào đó thì nên tranh luận trên sự tôn trọng lẫn nhau. Chứ tôi thấy có nhiều đả kích chửi bới thật không ra làm sao. Những chuyện liên quan đến nghề thì ai cũng biết hết ấy mà. Tiếc là tôi thấy sự xung đột này toàn là những người giỏi.
Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp kiện nếu báo giới phản ánh hay điều tra không đúng về hoạt động của doanh nghiệp. Tôi nghĩ cái này công bằng hơn, văn minh hơn. Chứ giờ ai bị báo giới dòm ngó cũng hay tìm đến sự thỏa hiệp, hay tìm cách dàn hòa hay làm sao đó để cho qua chuyện thì thôi.
Làm như vậy không có qua chuyện được đâu, hết chuyện này đến chuyện khác thôi, hết lần thỏa hiệp này đến lần thỏa hiệp khác thôi, vậy thì lấy đâu ra công bằng xã hội. Chứ đừng thấy báo chí không đúng, thấy báo chí sai nhưng lại im lặng rồi sau đó miệt thị.
Kiện báo chí thì có gì ghê gớm đâu, cũng bình thường thôi vì ai sai phải chịu trách nhiệm về cái sai của mình và báo chí cũng không ngoại lệ. Như vụ kiện của Tập đoàn FLC đối với Báo Giáo dục Việt Nam, hiện tại thì tòa tuyên Tập đoàn FLC thắng đấy. Báo chí đừng đứng trên một cái bục khác để đi phán xét người khác, ai cũng có trách nhiệm đảm bảo cho xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn.
- Nhưng đôi lúc doanh nghiệp chọn cách gửi đơn đến cơ quan quản lý báo chí thay vì gửi đến tòa án?
- Họ có quyền này mà, cái này cũng đúng quy định, quy trình. Hiện tại có đến 7 cơ quan quản lý báo chí nên doanh nghiệp hoàn toàn có quyền khoanh vùng xem họ gửi đơn kiện đến đâu thì hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc, chứ báo phản ánh mình, mình chưa làm việc với báo để phân định trắng đen lại vội gửi đơn đến cơ quan quản lý của tờ báo ấy thì cũng không hay lắm.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. |
- Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, có một sự thật đối với những người làm báo là phải tuân thủ các quy định về thông tin theo yêu cầu của cơ quản lý. Nên đôi khi nhà báo nhìn thông tin trên mạng xã hội được đưa nhanh, đưa liên tục (mà không phải lúc nào cũng không chính xác) cũng có chút bùi ngùi. Rồi lại thi thoảng có một vấn đề lớn nóng, người ta lại ồ lên “Nhờ công Facebooker đã lên tiếng”, như việc xử lý nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng. Mới nhất là những ầm ĩ xung quanh vụ việc thẩm phán và giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM nhào vào chỗ ở của người khác để tranh chấp nhà... Những cơn sóng thông tin trên mạng xã hội trong các vụ việc ấy rất khủng khiếp.
Hay như thông tin Bộ Giao thông Vận tải chính thức phát thông báo quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư (hình thức hợp đồng BOT), cũng được cho rằng là “công lớn của mạng xã hội”
- Tôi có tham khảo và quan sát thì nhận thấy rằng nhà báo chịu tác động ảnh hưởng từ mạng xã hội rất nhiều nhưng ngược lại chính nhà báo cũng tác động lên mạng xã hội. Đây là nguồn thông tin cực kỳ lớn để tạo thêm nguồn để tài, theo dõi các vấn đề nhà báo quan tâm. Tuy nhiên, đừng nên sa đà hay để bị chi phối quá nhiều. Theo chỗ tôi được biết các cơ quan báo giới cũng có quy định riêng dành cho nhà báo tham gia mạng xã hội.
Tôi hiểu tâm tư anh vừa nói, xin được trả lời lấy theo ý Bộ Giao thông Vận tải chính thức phát thông báo quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước. Chắc chắn là Bộ Giao thông Vận tải phải cân nhắc cái được và cái chưa được, rồi dựa vào các quy định của pháp luật để hủy đấu thầu quốc tế, trở về với nhà thầu trong nước có những cái hay riêng, ít nhất là về mặt tinh thần dân tộc.
Thế nên bảo cái thắng lợi này là của người sử dụng mạng xã hội cũng không hợp lý lắm đâu. Mà nói thẳng ra thì đa phần những cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở nước ta phần lớn đều là nhà báo cả. Cá nhân tôi không thích lắm chuyện phân biệt đâu là mạng xã hội đâu là cơ quan báo giới, chính những người viết mạng xã hội hay nhất là nhà báo chứ còn ai nữa.
Không phải nhà báo thì đó là những trí thức nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu chuyên biệt lĩnh vực nào đó. Vậy thì ý kiến của họ phải được lắng nghe, được tiếp thu... Đừng đánh đồng hay phân biệt thông tin này của báo mới chính thống, còn mạng xã hội lại không chính thống.
Trong một xã hội đa chiều thì có lúc báo tác động ở vấn đề nào đó, có lúc mạng xã hội tác động... điều này hết sức bình thường không nên nặng nề quá. Bởi suy cho cùng, lẽ phải tác động vào một vấn đề vào một vụ việc là chính xác nhất, là tốt nhất.
Sự thật sẽ là trọng tài trong cuộc đua thông tin giữa báo chí và mạng xã hội.
- Nhưng có lẽ những nhà quản lý ở nước mình vẫn còn nhiều e dè, chưa thiện cảm với mạng xã hội?
- Tôi không nghĩ vậy đâu, họ dùng hết đấy. Trừ khi là họ phát biểu trước hội nghị, hội thảo thì phải có thận trọng vì vai trò đang đảm nhiệm, thẩm quyền cá nhân. Chúng ta nhiều lúc cũng phải thông cảm cho họ, như có ông làm nhà xuất bản đọc bản thảo thích lắm nhưng không in được vậy.
Chứ nhận định nhà quản lý nước mình ngại mạng xã hội là không chính xác đâu.
- Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đặt câu hỏi cuối này cho ông có vẻ hơi cổ điển nhưng có lẽ là cần thiết. Bằng kinh nghiệm của một nhà báo có nhiều thành công trong nghề, ông đánh giá như thế nào về thông tin trên mạng xã hội cả trước đây và hiện tại?
- Tôi nghĩ thông tin trên mạng xã hội rất cần thiết vì nó rất rộng.
- Có giá trị về mặt thông tin không, thưa anh?
- Có chứ, có những thông tin rất giá trị. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là fake news. Tin giả trên mạng xã hôi bây giờ nhiều quá. Chính cái tin giả này khiến người ta hay nghi ngờ về thông tin trên mạng xã hội, chứ thông tin trên này đa chiều, nhiều góc độ, nhanh như chớp và nó cho phép mình tìm được rất nhiều thông tin, ví dụ, so sánh...
Mạng xã hội hệt như kéo cả thế giới về cho mình nhưng người sử dụng phải thông minh, phải trang bị cho mình khả năng nhận định tin thật hay tin giả trên mạng xã hội.
Nhiều người không có ý đồ hay động cơ gì đâu, đáng tiếc là do không phân biệt được nên chia sẻ các thông tin giả này. Và thực tế đã chứng minh, chúng ta cũng chịu nhiều thiệt hại về tin giả. Tôi hy vọng mỗi cá nhân sớm có sự điều chỉnh phù hợp cho bộ lọc tin của chính mình.
- Xin cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về cuộc trao đổi này!