Sự kỳ dị của tình yêu và Cái chết

Thứ Sáu, 31/08/2007, 15:00

Nhà tư tưởng, nhà văn J-J. Rousseau đã từ trần vì đứt mạch máu não như bác sĩ của ông đã nói, hay chết vì bị bắn như kẻ thù của ông không ngớt lời rêu rao? Đã hơn hai trăm năm qua, cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này vẫn còn tiếp diễn.

Bởi lẽ, cuộc đời và các công trình sáng tạo của ông trong hơn hai thế kỷ qua vẫn giữ nguyên giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của nhân loại.

Ông là nhà tư tưởng khai sáng, nhà văn người Pháp Jean-Jacques Rousseau, tác giả của bộ sách "Bàn về khế ước xã hội" từng được coi như bảo bối tinh thần của các nhà cách mạng Pháp ở thế kỷ XVIII và cho tới nay gợi mở rất nhiều điều bổ ích cho những ai muốn không ngừng cải thiện đời sống xã hội của loài người theo những tiêu chí nhân văn. Tuy nhiên, trong cuộc đời riêng, ông đã có rất nhiều sự bất bình thường.

Có chí thì nên

Jean-Jacques Rousseau sinh ngày 28/6/1712 tại Genève (Thụy Sĩ) trong một gia đình thợ đồng hồ. Chưa đầy 9 ngày tuổi, cậu bé đã mồ côi mẹ. Bạn bè thân thiết nhất với đứa trẻ đơn độc này là những cuốn sách. Cậu đặc biệt thích những chuyện về các danh nhân lịch sử Hy Lạp cổ đại qua cách diễn giải của Plutarque…

Khi nhà tư tưởng tương lai lên 10 tuổi, do sinh kế, người cha phải rời khỏi Genève. Thế là cậu con trai nhỏ tá túc ở một nhi viện đạo Tin Lành gần biên giới với Pháp trong hai năm 1722-1723. Vị cha cố ở đó đã dạy cho cậu những ngôn ngữ cổ đại và môn văn học.

Trở về Genève, Jean-Jacques dự định học thành một tuỳ phái viên ở tòa án rồi học thêm nghề chạm khắc. Tuy nhiên, không chịu nổi sự rèn giũa "yêu cho roi cho vọt" của ông thầy dạy nghề, ngày 14/3/1728, chàng trai Rousseau đã rời bỏ thành phố chôn nhau cắt rốn, lao mình vào những chuyến chu du thiên hạ bất tận.

Rousseau đã tới rất nhiều nơi trên đất Italia và Pháp. Và cũng đã làm rất nhiều nghề, từ nhân viên văn phòng công chứng, phụ thợ chạm khắc, thậm chí cả đày tớ… Rousseau cũng từng là giáo viên dạy… nhạc. Dường như nghề nào ông cũng cố gắng làm thông thạo nhưng vì sao đấy ông không cảm thấy mãn nguyện.

Mãi tới năm 37 tuổi, sau khi giành được giải nhất trong cuộc thi viết tiểu luận, Rousseau mới quyết định chuyển hẳn sang viết văn. Và tới năm 46 tuổi, ông đã là một gương mặt, nói theo ngôn ngữ thời nay, cực kỳ "ăn khách" đối với giới thượng lưu Pháp, mặc dù ở đâu ông cũng đưa ra những phát ngôn chống lại ách áp bức đối với những người cùng khổ.

Dị thường lãng mạn

Ngay từ thời trai trẻ, Rousseau đã thể hiện rõ tâm trạng u hoài lãng mạn của một thanh niên coi tình cảm là chuyện quan trọng nhất trên đời. Ngoại hình dễ chịu, ăn nói duyên dáng và thông minh, Rousseau rất được phụ nữ thích. Và đời tư của ông cực kỳ phong phú. Theo chính những gì mà Rousseau đã viết, ông biết thế nào là phụ nữ ngay từ khi còn nhỏ.

Chuyện là thế này: Ở trường, cậu học trò Jean-Jacques đã phạm phải một lỗi nhỏ và cô giáo Lambertie đã phát vào mông cậu mấy cái. Sau này, Rousseau nhớ lại: "Ai có thể nghĩ rằng, việc chịu xử phạt ở tuổi thơ khi mới lên 8 tuổi bởi một cô giáo muộn chồng 30 tuổi (sự thực là khi đó, nhà văn tương lai đã 11 tuổi rồi, còn cô giáo đã 40 tuổi) lại để lại dấu ấn sâu đậm đến vậy trong thẩm mỹ của tôi, dục vọng của tôi, ham muốn của tôi và ở trong chính tôi, trên chính tôi cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời".

Khi cô giáo ngừng phát vào mông cậu học trò thì cậu lại cứ rưng rưng mơ ước để những cái phát ấy tiếp diễn mãi mãi không thôi. Cô giáo tất nhiên là hiểu ngay "thâm ý" của cậu học trò tai quái và từ đó về sau, không bao giờ phạt cậu theo kiểu đó nữa. Nhưng với Jean-Jacques, mọi sự đã muộn màng: Từ đấy cậu luôn luôn bị hành hạ bởi mơ ước bị phụ nữ phạt bằng những cái phát vào mông.

Sau này, Rousseau viết: "Toàn bộ cuộc đời tôi đã trôi qua giữa những người mà tôi yêu hơn tất cả mọi sự trên đời. Không dám thổ lộ về những thích thú dị thường của mình, tôi cảm thấy mãn nguyện ngay từ những mối quan hệ ít nhiều có chứa đựng sự liên tưởng xa xôi tới những thích thú đó… Ngồi ở đâu đó dưới chân tình nhân nữ chúa, thực hiện tất cả mọi yêu sách của nàng và bắt buộc phải cầu khẩn nàng thứ lỗi - đấy chính là cái mang lại cho tôi sự thỏa mãn và sung sướng tột đỉnh".

Trong đời Rousseau chỉ được một người đối xử theo đúng cách làm thỏa mãn những mơ ước khổ mới sướng. Đó là một cô bé 11 tuổi. Cô bé này luôn đùa vui với bạn Jean-Jacques theo kiểu cô giáo và học trò. Và đã chiều theo những lời van vỉ của bạn phát vào mông bạn thật đau. Và cậu bé Jean-Jacques đã cảm thấy sung sướng tột cùng… Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi người lớn phát hiện ra trò đùa dị thường của hai đứa trẻ "khôn" trước tuổi này, họ đã tách chúng ra, không cho tiếp xúc gần với nhau nữa.

Ngày thanh niên, Rousseau rất hay phải lòng những người phụ nữ lớn tuổi hơn mình. Người đàn bà đầu tiên của Rousseau là nữ quý tộc De Varen. Nàng hơn chàng 13 tuổi. Khi mới quen, chàng gọi nàng là "mợ", còn nàng gọi chàng  là "mèo con". Hai người thân ái và quyến luyến nhau tới mức khi gần gụi nhau, Rousseau cứ có cảm giác như mình đang ở cạnh một bà chị họ! Về sau Rousseau đã viết: "Tôi quá yêu quý bà ấy để mà thèm muốn"... Rousseau đã ở trong nhà bà De Varen 5 năm, cho tới khi ở đó xuất hiện một chàng trai trẻ khác…

Sinh thời, Rousseau cũng bộc lộ một số nét kỳ dị khác trong đời sống dục cảm. Thí dụ, ông có thể cảm thấy hứng khi nhìn một số vật vô tri vô giác. Khi còn sống trong nhà bà De Varen, ông thường thích đi thơ thẩn trong nhà và hôn ghế ngồi, mành cửa và thậm chí cả sàn nhà.

Một lần, một quý bà quen biết tặng cho Rousseau bộ đồ lót của mình. Bà ta muốn thợ may khâu cho Rousseau tấm áo gilet từ bộ đồ lót ấy. Nhớ lại chuyện này, Rousseau viết: "Trong cơn hứng khởi, tôi đã hôn tới hai mươi lần cả tờ thư lẫn bộ đồ… Tôi có cảm giác như nàng đang khỏa thân chiếm hữu tôi…". --PageBreak--

Hôn phu khắc nghiệt

Năm 33 tuổi, trong một khách sạn ở Paris, Rousseau bất ngờ phải lòng cô hầu phòng Therèse Le Vasseur, 24 tuổi. Quan hệ của họ đã tiếp diễn cho tới khi Rousseau chết. Ngay từ khi vừa quen nhau, Rousseau đã nói với bạn tình: "Anh sẽ không bao giờ bỏ em nhưng cũng sẽ không bao giờ cưới em!". Tuy vậy, 23 năm sau đó, cuối cùng ông cũng làm lễ thành hôn với Therèse.

Trong thư gửi một người bạn, Rousseau viết: "Dẫu sao, một phần tư thế kỷ cũng là thời hạn đủ để cặp vợ chồng tương lai kiểm tra lẫn nhau". Therèse là một phụ nữ tốt tính và tốt bụng, lại nấu ăn rất ngon. Tuy nhiên, về mặt trí tuệ thì khoảng cách giữa hai người là một trời một vực. Therèse khó khăn lắm mới phân biệt được giờ trên đồng hồ, tới cuối đời cũng không học được cách đọc thông viết thạo, cũng không biết đếm tiền cũng như không kể hết được tên các tháng trong năm.

Therèse trung thành với Rousseau một cách kỳ lạ, bất chấp tính cách khó ở và sự cứng rắn mà ông đã bộc lộ trong cách ứng xử với 5 người con chung của hai người. Theo quan điểm nhiều phần cực đoan của Rousseau trong vấn đề hôn nhân và gia đình, tất cả 5 người con đó đều được đưa vào nuôi trong trại dành cho trẻ không nơi nương tựa.

Những lý do mà Rousseau đưa ra để biện hộ cho quyết định này thật kỳ cục. Thí dụ, ông khẳng định rằng cần phải làm như thế "để bảo vệ danh dự" của Therèse vì khi đó hai người vẫn chưa chính thức kết hôn (?!).

Về sau, Rousseau đã rất ân hận khi nhớ lại chuyện đã đưa con vào nuôi trong trại trẻ. Cũng phải nói thêm rằng, không bao giờ Rousseau yêu cầu Therèse phát vào mông mình, mặc dù cho đến già ông vẫn thích được phụ nữ làm như vậy. Ông cũng đã viết trong sách rằng, Therèse lúc ở trên giường luôn luôn lạnh lẽo. (Nói chung, so sánh với tính hừng hực yêu đời của Rousseau, người phụ nữ dù nồng nhiệt đến mấy cũng trở thành lạnh lẽo!).

Theo những nguồn tư liệu hiện còn lưu giữ được, Therèse chỉ phản bội lại Rousseau duy nhất với một người đàn ông. Oái oăm thay, đó cũng lại là một người cực kỳ hâm mộ tư tưởng và tác phẩm của Rousseau. Chính với người đó mà Therèse đã có lần thổ lộ chuyện Rousseau trên giường rất năng nổ nhưng cũng rất vụng về!

Dục vọng muộn màng

Năm 44 tuổi, Rousseau đã bất ngờ rơi vào một mối quan hệ tình cảm nồng nàn và phức tạp với bá tước phu nhân d'Houdetot. Đó là một người phụ nữ tầm thường thôi, thậm chí lại rất không đẹp. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ bá tước phu nhân đã có chồng mà là ở chỗ nàng rất trung thành với tình nhân, một sĩ quan là bạn thân thiết của Rousseau, thường xuyên đi xa vì công vụ.

Như thường lệ, thoạt đầu Rousseau cảm thấy yêu nàng nhiều tới mức không thể nghĩ gì tới chuyện chung đụng. Nhưng khi điều cần xảy ra đã xảy ra, Rousseau đã thấy phấn chấn như trên chín tầng mây và để lại những dòng ghi chép còn lại cho tới hôm nay: "Tôi hứng khởi quá và những cảm giác này tôi sẽ mang theo mình xuống mộ…".

Rousseau cho rằng, đấy mới là lần đầu tiên ông thực sự yêu một người phụ nữ đích đáng. Bá tước phu nhân đã tạo cảm hứng cho ông viết nên tác phẩm "July hay là nàng Héloise mới" với nữ nhân vật chính là một quý bà thượng lưu cực kỳ kênh kiệu…

Nói chung, khi yêu, Rousseau hay thần thánh hóa đối tượng tình cảm của mình. Để rồi khi dấn thân vào những mối quan hệ đời thường, ông dễ cảm thấy thất vọng. Có nhà nghiên cứu tiểu sử của ông cho rằng, sở dĩ Rousseau hay bị như vậy chỉ đơn giản vì ông đã bị mắc căn bệnh thận trầm kha… Cũng vì bệnh thận nên 24 năm cuối đời, ông không được biết tới những thú vui dục cảm bình thường.

Cái chết nhiều bí ẩn

Rousseau qua đời ngày 2/7/1778 tại Ermenonville, trong ngôi nhà hiếu khách của hầu tước De Girardin. Theo các bác sĩ, ông chết vì đứt mạch máu não. Thế nhưng, trí óc náo động của những người hâm mộ tư tưởng của Rousseau không thể chấp nhận được việc vĩ nhân của họ lại có thể chết một cách giản đơn vì bệnh tật như thế.

Ngay từ thế kỷ XVIII đã nảy sinh vô số tin đồn về việc Rousseau bị bắn vào đầu vì chuyện ghen tuông hoặc đã tự sát… Những tin đồn này càng về sau càng được tô vẽ thêm chi tiết. Đến mức ngày 18/12/1897, người ta đã phải khai quật mộ Rousseau lên để khám nghiệm lại tử thi. Kết luận: trên hộp sọ ông không hề có vết đạn nào.

Tuy thế, cho tới hôm nay, những chi tiết kỳ dị hay chưa rõ ràng trong tình yêu và cái chết của Rousseau vẫn không ngừng làm náo động tâm trí của những người hâm mộ tư tưởng triết học và nhân sinh của ông.

Vì sao lại vậy? Có phải vì không tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mà Rousseau đã đặt ra trong "Bàn về khế ước xã hội", chúng ta đành tìm nguồn giải thoát trí tuệ trong những kiếm tìm ít thực chất và ít quan trọng hơn đối với kiếp nhân sinh từ những bất bình thường vốn rất hay song hành cùng cuộc đời những vĩ nhân ở tầm cỡ như ông?

Huyền Anh
.
.