Tưởng niệm nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut, qua đời ngày 11/4/2007:

Sống gửi, thác về

Thứ Sáu, 01/06/2007, 11:00
Ông là tác giả của 14 tiểu thuyết và 5 vở kịch, 3 tập truyện ngắn và 5 tập tiểu luận. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông "Timequake" in năm 1997. Đầu năm 2000, Vonnegut thổ lộ rằng ông đang viết tiểu thuyết mới "Nếu Chúa còn sống" nhưng ông đã không kịp hoàn thành tác phẩm này.

Năm 2007, Hội những người yêu sách tại thành phố Indianapolis (Mỹ) dự định tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng cho người đồng hương danh tiếng, nhà văn Kurt Vonnegut, vào ngày 27/4 này.

Trong buổi lễ đó, nhà văn sẽ được nhận phần thưởng lớn nhân 85 năm ngày sinh sắp tới (ông sinh ngày 11/11/1922; cũng vì thế nên năm nay được người Mỹ tôn vinh là "Năm Vonnegut"). Ấy vậy mà Vonnegut đã bất ngờ ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 11 vừa qua tại New York.

Ông là tác giả của 14 tiểu thuyết và 5 vở kịch, 3 tập truyện ngắn và 5 tập tiểu luận. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông "Timequake" in năm 1997. Đầu năm 2000, Vonnegut thổ lộ rằng ông đang viết tiểu thuyết mới "Nếu Chúa còn sống" nhưng ông đã không kịp hoàn thành tác phẩm này.

Tháng 8/2006, khi nói về cuốn sách đang dang dở, Vonnegut đã buồn bã tâm sự: "Tôi thua rồi… Tôi không thể viết xong… Hồi ở trong quân đội, người ta giữ tôi lại vì tôi biết đánh máy và tôi đã đánh máy giấy ra quân cho những người khác và tôi cứ nghĩ thầm: "Tôi đã làm tất cả những việc cần làm rồi. Phải cho tôi về nhà đi chứ!".

Giờ tôi cũng cảm thấy như thế. Tôi đã viết nhiều sách. Tôi đã làm những gì có thể làm được. Giờ tôi có thể về nhà được rồi chứ?". Sống gửi, thác về. Đâu mà chẳng vậy. Các bậc tiền bối trong dòng họ Vonnegut sang Mỹ từ thời trước nội chiến.

Họ là những người vô thần và chỉ tin vào khoa học. Nhân sinh quan này về sau ảnh hưởng rất sâu sắc tới nhà văn. Và cũng chính vì thế nên Vonnegut đã rất thoải mái khi nói về cái chết và thế giới bên kia.

Thậm chí năm 1984, Vonnegut đã định tự vẫn bằng cách uống thuốc ngủ kèm rượu. May mà người nhà đã phát hiện ra việc này nên ông được kịp thời cứu sống. Vốn là người nghiện thuốc lá nặng, nhà văn đã không chỉ một lần tuyên bố rằng ông sẽ kiện các hãng sản xuất thuốc lá vì tội… tới giờ ông vẫn sống mặc dù hút thuốc liên tục hàng ngày (?!).

Vonnegut không sợ hãi những gì ông không biết, hay không thể hình dung ra được. Ông là một người sống luôn trên cơ sở tư duy thực tế. Không phải ngẫu nhiên mà ông đã chọn cuốn sách gối đầu giường của mình là truyện ngắn triết học "Candide" mà nhà văn Pháp Voltaire đã viết từ năm 1759.

Chính trong truyện ngắn này, Voltaire đã chế nhạo những biểu hiện của chủ nghĩa lạc quan quá đáng nhưng không vì thế mà trở nên bi quan quá độ. Trái lại, Voltaire đã luôn đề cao tinh thần nhìn thẳng vào sự thật với niềm hy vọng duy lý rằng dẫu hôm nay mọi sự có thể tồi tệ nhưng "hết mưa là nắng hửng lên thôi".

Thực ra, như mọi nhà văn sâu sắc khác, Vonnegut thường suy tư về kiếp nhân sinh một cách chua chát. Có lần, ông tâm sự: "Trong số các nhà văn được giải Nobel, tôi thích nhất Albert Camus.

Ông ấy từng nói: "Câu hỏi mang tính triết học duy nhất đáng giá - đó là câu hỏi về việc liệu chúng ta có nên tự vẫn hay không. Tất nhiên là như thế rồi, chúng ta hãy cùng làm vậy nhé. Cõi đời nhiễu nhương đến mức không thể sống sót mà không cảm thấy đau đớn".

Thậm chí, không lâu trước khi mất, ông còn than thở: "Thật kém may mắn làm sao khi phải sinh ra làm người!". Như những pho tượng La Hán chùa Tây Phương: "Đau đời có cứu được đời đâu!" (thơ Huy Cận).

Nhưng cũng chính vì thế nên Vonnegut không sống trong tháp ngà văn chương thuần tuý. Ông luôn luôn theo dõi sít sao tình hình thời sự trong nước Mỹ và thế giới. Những năm cuối đời, Vonnegut đã trở thành một trong những nhà phản biện đanh thép và quyết liệt đối với những gì mà ông coi là có hại và sai trái trên chính trường nước Mỹ.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, với tâm trạng lo âu vì những gì đang diễn ra trên thế giới sau tấn thảm kịch 11/9/2001, Vonnegut đã quả quyết: "Chúng ta đã phá hủy cả hành tinh.

Cuộc chơi kết thúc rồi vì chúng ta đã làm hỏng bầu khí quyển và nước. Chiến tranh ở Iraq sẽ không bao giờ kết thúc. Con người luôn luôn khao khát báo thù. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình và họ có quyền nổi khùng lên.

Những tên lửa có cánh của Mỹ đã giết quá nhiều người, đã biến nhiều phụ nữ thành goá phụ và nhiều đứa bé thành trẻ mồ côi nhân danh khôi phục "công bằng"… Tôi không lạc quan.--PageBreak--

Tôi không thích những gì chính phủ nước tôi đang làm. Chính sách đối ngoại của nước Mỹ hiện nay thực kinh khủng…". Thế nhưng, không phải vì đời nhiễu nhương mà chúng ta thôi yêu cuộc sống, hoặc nguôi hi vọng vào những gì tốt đẹp sẽ tới.

Bởi lẽ, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng vẫn luôn mang tới cứu rỗi cho tâm hồn bản chất là hướng chân, thiện, mỹ của con người: "Dù chính phủ của chúng ta, dù nền doanh thương to lớn của chúng ta, dù các phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta, dù các tổ chức tôn giáo và từ thiện của chúng ra có bị nhiễm bệnh tham nhũng và bất nhẫn tới đâu, âm nhạc vẫn không bao giờ bị mất đi sức quyến rũ.

Nếu khi nào đó tôi bắt buộc phải chết đi, - cầu giời, đừng để chuyện này xảy ra, tất nhiên là thế -  thì xin hãy viết lên mộ chí của tôi những dòng sau: Đối với ông ấy, minh chứng cần và đủ cho sự tồn tại của Chúa trời là âm nhạc!". Vonnegut không chỉ một lần trầm trồ: "Thực may mắn là những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đã được sinh ra…".

Đó là những lý do đã gìn giữ ông lại với kiếp nhân sinh, thí dụ như bức tranh "Guernica" của Picasso, các vở kịch của Arthur Miller và Tennessee Williams, bộ phim "Casablanca"…

Đó còn là các tác phẩm của Tsekhov, G ogol… Cho tới những ngày sau cuối của cuộc đời mình, Vonnegut vẫn tuyên bố thẳng thắn rằng ông là một người theo tư tưởng Xã hội và luôn luôn quan tâm tới học thuyết của Marx…

Nhà văn cũng coi mình là kẻ nối nghiệp thủ lĩnh đảng Xã hội Mỹ Eugene Debs (1855-1926), người qua đời khi Vonnegut chưa đầy 4 tuổi. Ông thích nhất câu danh ngôn của Debs: "Một khi còn những người cùng khổ thì tôi là một trong số họ; một khi còn những người phạm tội thì tôi là một trong số họ; một khi còn có một linh hồn bị cầm tù thì tôi còn chưa thấy mình tự do…".

Thời trai trẻ, Vonnegut từng là lính trực tiếp cầm súng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đã tận mắt nhìn thấy chết chóc và đau đớn. Năm 1944, Vonnegut bị quân đội phát xít Đức bắt làm tù binh.

Chính trong trại tù binh ở gần thành phố Dresden, Vonnegut đã tận mắt chứng kiến cuộc ném bom thảm khốc của máy bay Anh xuống thành phố cổ kính này của nước Đức. Chỉ thiếu chút nữa thì Vonnegut cũng bị vùi xuống đống tro lửa ngùn ngụt thiêu đốt Dresden.

Sau này, nhà văn nhớ lại: "Trong địa ngục đó số người chết còn nhiều hơn cả ở HiroshimaNagasaki cộng lại". Chính trên cơ sở những ấn tượng về cuộc ném bom khủng khiếp đó, Vonnegut đã viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng: "Vụ thảm sát số 5".

Khi trả lời câu hỏi: "Nếu được chọn thì ông chọn kiểu chết nào cho mình?", Vonnegut đã nói: "Tôi không biết. Khi tôi còn là lính, tôi chỉ mong độc một điều: Làm sao để nếu chết thì đừng phải đau đớn. Có lẽ nếu được chọn thì tôi sẽ chọn một cái chết không đau đớn. Tôi ghét sự đau đớn và tôi thích ngủ.

Người chị yêu quý của tôi đã chết vì ung thư và những lời cuối cùng của chị là tiếng kêu kinh ngạc: "Không đau chút nào, không đau chút nào cả!". Thực dễ chịu nếu mà được như thế…". Câu trăng trối mà ông tự nghĩ cho mình để ghi lên mộ chí là: "Mọi sự đã thật tuyệt vời và không hề đau đớn chút nào cả!".

Dù thế nào thì cuộc đời vẫn đẹp. Đây cũng là lời khẩn khoản của ông: "Đừng tước bỏ của tôi niềm tin vào hạnh phúc của nhân loại: bởi nếu thế thì tôi sẽ không thể ra khỏi những suy tư u ám liên tục của mình, đang có quá nhiều lý do để cảm thấy như thế, nếu tôi không có "ước mơ nhỏ bé rạng ngời" này: Chủ nghĩa không tưởng của tôi!"

Đinh Thế Phong
.
.