Sợ thầy...

Thứ Ba, 10/12/2019, 17:35
Hơn ba chục năm trước, khi tôi vào đại học thì thầy cũng từ Liên Xô quay trở lại trường, rồi làm Trưởng Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) TP HCM. Học thuật uyên thâm, phong thái tao nhã, tác phong mô phạm, đám sinh viên Văn Khoa chúng tôi rất ngưỡng mộ thầy, nhưng không dám quá gần.

 Tôi thuộc hàng học điểm không giỏi, cúp cua không dở, lại hay cãi, cố nhiên càng ít dám diện kiến thầy hơn. Khoảng cách giữa thầy và trò được đo bằng chiều rộng và bề sâu trí tuệ mà thầy đã dày công tích lũy nửa đời, còn chúng tôi thì chỉ vừa mon men bước vào.

1. Chưa bao giờ là một sinh viên "chăm chỉ, chuyên cần", tôi lên lớp rất ít, đi thư viện đọc sách rất nhiều, làm thêm và đi chơi vung vít còn nhiều hơn nữa. Học văn khoa, song phần lớn thời gian tôi dành để đọc triết, lịch sử, mỹ học, cả... võ thuật và vô số thứ không ăn nhập khác, chẳng quan tâm gì lắm đến thi ca với thi pháp... 

Vì là kẻ phạm quy nên óc tôi thường hay nảy ra những ý tưởng lệch lạc. Thỉnh thoảng mới đến lớp, thường là vào các buổi thảo luận, thuyết trình đề tài, tôi thường hay bị các thầy cô khác phê bình gay gắt, vì toàn đưa ra những ý kiến chẳng giống ai, cũng không phù hợp lắm với giáo trình hay bài giảng. Không hiểu sao mỗi lần như thế, thầy đều biết. Thầy không mắng, nhưng thỉnh thoảng lại nhắc nhẹ tôi vài câu. Câu nào cũng khiến tôi phải dành nhiều thì giờ suy nghĩ.

Ra trường, tôi đi làm cho một tờ báo thiếu nhi suốt 5 tháng ở miền Tây. Cuối năm 1993, tôi được NXB Công an Nhân dân gọi về làm biên tập viên. Chị Hoàng Anh (con gái GS Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học), người đi tuyển nhân viên mới sau đó đã cho tôi biết, chính thầy đã đề nghị NXB nhận tôi, với lý do duy nhất là "phù hợp". Rất ngạc nhiên. Tôi chưa từng thưa với thầy chuyện mình đã nộp đơn xin về NXB Công an Nhân dân từ gần một năm trước cùng một số bạn đồng song khác. Tôi cũng không kỳ vọng sẽ được thầy quan tâm, đánh giá cao như những gì đã nhận xét để đưa tôi vào công việc. Trong im lặng, thầy đã dành cho tôi một "thư tiến cử" không viết ra giấy.

Vì bằng tốt nghiệp đại học loại trung bình, tôi nghĩ cần thay thế nó bằng một tấm bằng cao học loại xuất sắc. Gần như tôi đã hoàn tất mong ước đó. Thi đầu vào, điểm tôi cao nhất (dù điểm ngoại ngữ chỉ trên trung bình một chút). Chương trình Cao học yêu cầu 22 học phần, tôi đăng ký học và thi hết 26 học phần, điểm số cao. Hai chứng chỉ chung là Triết học và Phương pháp luận giảng dạy đại học, tôi đạt điểm thủ khoa Cao học và Nghiên cứu sinh toàn thành của khóa. Bảo vệ tốt luận văn, chắc chắn bằng tốt nghiệp Thạc sĩ loại giỏi tôi sẽ nắm trong tay.

Nhưng đề tài tốt nghiệp "Phác thảo về thẩm mỹ vi mô trong thơ Việt Nam sau năm 2000" của tôi đã không được chấp nhận, vì gần chuyên ngành Mỹ học hơn Văn học. Lần lượt các thầy Lê Tử Thành, Lê Ngọc Trà, Đỗ Văn Khang (ở Hà Nội), Hoàng Thiệu Khang... - những tên tuổi hàng đầu trong bộ môn Mỹ học của cả nước -  đều từ chối hướng dẫn. Mỗi người vì một lý do, nhưng đa phần đều kèm giải thích hợp lý, không thể năn nỉ thêm là vì "thầy chưa nghiên cứu tới". Gã sinh viên điên khùng là tôi bạo gan gặp thầy đề xuất: "Em có thể bảo vệ một luận án không có... người hướng dẫn không?".

Tất nhiên là không. Tôi biết là thầy bực lắm. Không Giáo sư Trưởng Khoa nào lại có thể chấp nhận một gã sinh viên chẳng biết chút gì, chẳng tuân thủ chút gì cái gọi là quy chế nghiên cứu khoa học.

GS.TS. Huỳnh Như Phương.

Đề tài rất an toàn do Khoa phân công: "Cảm thức thơ chống Mỹ cứu nước" thì chính tôi lại không muốn nhận. Cũ, dày, rậm rịt và theo tôi là... không có gì hay. Tôi thưa: "Trước em chắc đã cả hàng trăm người tìm hiểu đề tài này. Em không thấy nó giàu hàm lượng khoa học". Thầy gắt, và đó là lần đầu tiên tôi bị thầy gắt: "Em nên làm tròn chuẩn mực trước khi nghĩ đến chuyện phá cách. Việc của em là tốt nghiệp với kết quả tốt nhất, để ở lại trường dạy, rồi học hành nghiên cứu tiếp. Cứ lấy cho được bằng Tiến sĩ đi rồi làm khoa học thật sự cũng không muộn".

Theo phân công của khoa, chắc cũng có phần ưu ái của thầy, người hướng dẫn tôi là Giáo sư H., một cây đại thụ trong giới nghiên cứu văn chương. Được cụ hướng dẫn xem như một đặc ân, vì khó có chuyện luận văn chệch khỏi điểm tuyệt đối - tiền đề cho việc tốt nghiệp xuất sắc như tôi mong muốn. Giáo sư H. được xem là "thầy của các thầy", tuổi cũng đã ngoài thất thập khá lâu. Luận văn đã được cụ hướng dẫn, thầy cô khác phản biện chắc cũng không có ai xổ toẹt hay chê bôi gay gắt.

Miễn cưỡng, tôi viết đề cương đưa lên. Cụ H. chỉ lướt qua: "Tốt! Cứ thế mà làm".

Viết xong chương thứ nhất, tôi đem nộp, cụ không cần đọc, khen nức nở: "Tuyệt! Anh viết tuyệt vời!".

Sau khoảng 4 tháng, luận văn hoàn tất, tôi mang đến, cụ giáo sư đẩy sang một bên: "Tuyệt lắm, cứ thế mà hoàn thiện. Rất xuất sắc".  Sự dễ dãi khiến tôi chưng hửng, thất vọng, muốn bật khóc tức thì: "Nhưng thưa thầy, thầy chưa hề đọc. Em mong thầy....". "Không cần đâu - cụ H. gạt phắt - Cứ thế mà làm. Anh viết là tuyệt vời rồi. Cứ cầm về mà bảo vệ. Không thể tuyệt vời hơn!".

Trong tích tắc đó của một sáng đầu hè năm 1997, trong lòng kẻ nổi loạn là tôi đã có một cơn địa chấn giật đổ ngôi đền thiêng khoa học. Cầm lại bản thảo, tôi không về nhà mà đi thẳng về văn phòng khoa. Tôi thưa với thầy tôi: "Em xin lỗi thầy. Học phí nộp đủ, chương trình đã hoàn tất, vượt 4 học phần, luận văn em cũng đã viết. Em xin phép thầy không bảo vệ, không tốt nghiệp, để có thể giữ lại chút tự trọng tri thức của mình".

Và tôi bước thẳng ra đường, vĩnh viễn chia tay với giấc mơ bằng cấp khoa cử, không quay lại, không hối tiếc. Tôi nghĩ, 25 tuổi, bạn có quyền điên. Thật ra, điên là một trạng thái đặc biệt của tinh thần lãng mạn. Bỏ dở việc học, tất nhiên cũng sẽ bỏ luôn giấc mơ dạy học. Tôi không chịu nghe ai can gián. 

Điều duy nhất mà tôi day dứt, đó là đã phụ sự quan tâm, có thể cả chút kỳ vọng nữa, mà thầy trưởng khoa đã giành cho tôi, cho học vấn và sự nghiệp của học trò, dù thầy không một lần nói gì về điều đó. Thay đổi duy nhất, chỉ mình tôi nhận ra, là từ hôm đó, thầy luôn gọi tôi bằng "anh" thay vì bằng tên hay bằng "em" như vốn dĩ. Nâng bậc đại từ xưng hô lên khách sáo không bao giờ là một lời khen.

GS.TS. Huỳnh Như Phương và tác giả Nguyễn Hồng Lam.

2. Gần 10 năm sau nữa, một hôm thầy bỗng gọi điện kêu tôi đi uống cà phê. Lỗi là tại tôi, đám cưới khá muộn nhưng thiệp mời đã không chu đáo để trực tiếp đến tận tay thầy. Thầy không giận, còn chủ động gặp học trò để chúc mừng muộn. Tôi càng áy náy hơn. Thầy bảo: "Dạo này em viết nhiều cái được quá. Thầy tôn trọng chọn lựa của em. Thôi thì, mỗi cuốn sách em viết bây giờ cũng như một luận án rồi. Nhưng giá em làm nốt...".

Dường như thầy vẫn chờ tôi quay lại việc học. Dường như thầy chưa từng quên...

Vâng, thưa thầy, giá mà... Nhưng không ai có thể quay về với chữ giá mà. Em chỉ mừng phát khóc, vì thầy không gọi xa cách bằng "anh" nữa. Gọi học trò bằng tên, bằng "em", tôi biết thầy đã tha lỗi cho học trò. Cũng như chính tôi thôi, sau 10 năm, một quyết định trong đời của học trò, thầy vẫn còn nghĩ tới. Tôi biết, đó không phải chuyện mảnh bằng, không phải chuyện nghề nghiệp hay công việc. Đó là chuyện tri thức. 

Có một ngôi đền kỳ vỹ mà thầy luôn muốn dắt học trò vào qua cổng chính. Chỉ tại học trò ương bướng, thích phiêu lưu thử thách chính mình, cứ muốn lòng vòng đi tìm ngõ khác. Khăng khăng tìm  lối của riêng mình, tôi biết, tôi đã không làm được điều thầy chờ, cũng là điều tôi luôn khao khát. Chỉ có một gã điên mới ném đi chìa khóa mở kho báu mong ước đã nắm chặt trong tay. Rất nhiều năm, học trò đã có lỗi khiến thầy phải lưu một chút buồn và lo lắng.

Bạn học cùng khóa Cao học với tôi, sau đó đều tốt nghiệp. Phần lớn họ đều học thành tiến sĩ và theo nghiệp giảng dạy ở đại học như ước định. Toàn người giỏi giang thành đạt: Trần Lê Hoa Tranh thành PGS, Phó Trưởng khoa Ngữ Văn của trường cũ; vợ chồng Lý Hoàn Thục Trâm - Đỗ Vạn Hỷ sang Trung Quốc rồi sang Mỹ làm Tiến sĩ; Võ Danh Hải cũng hoàn tất bằng tiến sĩ ở bên Mỹ, nay là Phó Chủ tịch  Liên đoàn Võ thuật thế giới; anh Trần Nam, chị Diễm Thúy đều học hết bằng  cấp cao nhất, về dạy Đại học ở miền Tây; thầy Quốc Hùng, thầy Phúc tiếp tục dạy ĐHSP TP HCM và viết sách... 

Chỉ mình tôi đi không đến cuối con đường khoa cử, lăn ra đời làm bạn với sông hồ để viết báo, viết sách. Cả đời tôi luôn tự xem mình vẫn đang đặt chân ở vạch xuất phát trên đường dài tri thức. Vì thế mà tôi ngại ngần, ít khi dám gặp thầy, ít khi léo hoảnh lạm bàn về giấc mơ học thuật. Tôi sợ phải nghe thầy tôi buông tiếng thở dài.

Thầy của tôi là nhà giáo, GS.TS. Huỳnh Như Phương, nghỉ hưu đã nhiều năm, nhưng nay vẫn tiếp tục chèo đò, tiếp tục thỉnh giảng tại trương cũ. Ba chục năm, đây là lần đầu tiên tôi muốn và dám viết về thầy. Dẫu không thành được truyền nhân đắc ý của thầy, tôi tin chắc mình vẫn vĩnh viễn là một đứa học trò hạnh phúc.

Vì có một hiền sư để nghĩ về mà vẫn cảm thấy sợ thầy.

Nguyễn Hồng Lam
.
.