Sách của mụ Hoa

Thứ Năm, 18/04/2019, 15:47
Lâu lâu lại ghé tiệm sách Mụ Hoa gần bờ hồ Hoàn Kiếm, mua vài cuốn sách mới, nghe mụ Hoa chủ tiệm review sách, cảm giác thú vị và thư thả.


2h chiều, mụ Hoa đang ngồi trước cửa tiệm, mắt lim dim, đầu gật gù. Tưởng mụ ngủ, hỏi khẽ cô bé nhân viên: Có cuốn "Của chuột và người" không em? "Của John Steinbeck hả, giải Nobel Văn chương 1962 đấy, bìa vàng, quyển thứ 2, hàng thứ 3 bên tay trái". 

Úi chà, tiếng mụ Hoa chứ ai, mụ vẫn có thói quen vừa ngủ vừa bán sách, thế mà chẳng lẫn quyển nào. Bởi, có một sơ đồ sách luôn có sẵn trong đầu mụ…

1. Khi đã ở quán sách nhỏ như cái tổ tò vò của mụ Hoa, ta sẽ sống một cuộc sống khác - cuộc sống của sách, cũng muôn hình vạn trạng và không kém phần sôi động. Và mụ Hoa sống trong thế giới ấy đã hơn 20 năm. Mụ Hoa bán sách, hẳn người mua sách Hà thành ai cũng biết. 

Mụ Hoa yêu sách, ham đọc sách, điều ấy những người yêu sách lại càng biết. Mụ trước khi là một người bán sách thì đã là người đọc sách rồi. Chính vì mê sách mà mụ bán sách, và có lẽ mụ bán sách là để nuôi dưỡng đam mê ấy.

Ai đến quán sách cũng gọi mụ bằng cái tên trên biển hiệu kia, có khi chả nhớ Vũ Thúy Hoa là ai. Mụ bảo, vì lão nhà văn Hồ Anh Thái và nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái khi đến tiệm cứ hay gọi "mụ Hoa" nên mụ đặt luôn cho dễ nhớ. "Chiều hôm qua ta đến, lúc mụ đang ở trên gác, nghe có tiếng ai giọng  miền Trung như ông Nguyên Ngọc ở trên ấy, ta đang vội nên đi luôn".

Đấy, lão nhà văn Hồ Anh Thái nhắn tin cho mụ. Mỗi khi cần sách, lão lại nhắn "chỗ mụ còn cuốn này, cuốn kia không". Những lúc bận bịu với sách, mụ nhắn cái tin cộc lốc "hết rồi lão" hay "còn đấy lão". 

Vậy là hôm sau, nhà văn đến, đọc sách, mua sách, chuyện trò rổn rảng cả phố sách Đinh Lễ. Thành lệ, mỗi lần đi công tác, lão nhà văn lại mua quà tặng mụ. Khi nhà văn ra mắt tiểu thuyết mới, mụ lại bỏ công bỏ việc đến nghe chăm chú. 

Mà không chỉ với Hồ Anh Thái, mụ còn đi dự buổi ra mắt "101 bộ phim Việt Nam hay nhất" của Lê Hồng Lâm, "Tuổi 20 yêu dấu" của Nguyễn Huy Thiệp và rất nhiều đầu sách nữa.

Những lúc vắng khách, mụ Hoa lại ngồi đọc sách.

Cả phố sách Đinh Lễ đều đã quá quen với quán sách bé tí nhà mụ Hoa, sách xếp cao đến tận trần nhà mà lúc nào cũng đầy những khách. Khách đến mua sách là một nhẽ. Khách đến trò chuyện với mụ chủ, đến để gặp nhau và mạn đàm chữ nghĩa. Những buổi kí tặng sách ngay trước cửa tiệm của lão nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Xuân Khánh, nhà báo Trương Anh Ngọc chật kín độc giả.

Góc cà phê nhỏ xinh trên gác cũng ngồn ngộn những sách mà hút khách không ngờ. Nhiều người nghiện cốc cà phê trứng mụ pha, cứ đến hẹn lại lên là phải ghé qua. Những chậu cây xinh xinh, cả cái bảng menu đồ uống cũng tự tay mụ viết và trang trí, những là trà vải "Lệ Chi Viên", trà đào "Lặng lẽ Sa Pa", sấu đá "Ta còn em", nước dâu "Cho tôi một vé đi tuổi thơ", nước chanh "Hoàng tử bé", nghe đã thấy rất "sách" rồi…

Góc quán nhỏ của mụ Hoa còn là nơi đi về của những cô cậu sinh viên thiếu tiền nhưng thừa đam mê chữ nghĩa. Bởi thế, mụ bảo các cô cậu ấy cứ đến đây đọc thoải mái từ sáng tới tối, khát thì có nước, đói thì có mỳ tôm, miễn sao đừng hỏi "Đây là sách thật hả cô". Bởi chỉ câu hỏi đó thôi cũng đã đủ làm mụ tự ái rồi. 

Có cậu sinh viên tìm cuốn từ điển Nga - Việt, mụ nhìn cậu cười: "Thế mày học tiếng Nga hả con, mày trắng như người Nga ý. Đi vào trong nhà, bên tay phải, chồng thứ 2, gáy sách đỏ con ạ".

Một cậu khách hàng thân của mụ, nay đã là người thành đạt. Khi được hỏi rằng sự khác biệt giữa thời sinh viên và khi đã thành đạt là gì, cậu trả lời rằng, lúc sinh viên phải nhịn ăn để có tiền mua sách, còn bây giờ cậu có thể mua bất cứ cuốn sách nào cậu muốn. Chỉ đơn giản vậy thôi. Và mụ Hoa chính là người được chứng kiến sự đổi thay tuyệt vời đó.

2. Ông cụ thân sinh mụ Hoa trước kia làm việc ở Trường Đại học Y dược khoa Hà Nội, bộ môn Bào chế. Ông được phân nhà trong khu tập thể Đinh Lễ này. Mụ Hoa lớn lên, lấy chồng, sinh con, cũng đều ở đây. 

Năm 1998, mụ quyết định nghỉ việc ở Nhà máy Dược phẩm TW 2 để về bán sách, đặng có thu nhập gồng gánh cả gia đình. Buổi đầu không có vốn, mụ đâu dám mơ đến một cửa hàng khang trang. 

Tối tối, mụ chong ngọn đèn dưới gốc cây, bày vài chục cuốn sách ra vỉa hè ngồi bán. Rồi dần dần mua được cái xe đẩy, chiều chiều ba mẹ con đẩy xe sách đi bán quanh phố Tràng Tiền. Tiếng rao mỏng mảnh của ba mẹ con mụ chìm trong ồn ào phố thị. 

"Chú ơi chú mua sách đi", ông khách liếc nhìn gia tài sách nghèo nàn của mụ, hất hàm hỏi "Có gì mà mua", rồi sang hàng sách khác. Câu nói đó mụ Hoa chẳng thể nào quên được, vì nó mà mụ giật mình xót xa, vì nó mà mụ xác định phải bật lên. Rồi mụ chăm chỉ cập nhật sách mới, tìm hiểu nội dung sách, nhớ tỉ mỉ từng vị khách thích đọc loại sách gì để giới thiệu cho họ.

Những lúc vắng khách, mụ Hoa lại ngồi đọc, nào truyện, thơ, tiểu thuyết… Vì thế mụ biết mặt, biết tên, biết tạng văn của không ít tác giả có tiếng. Vì đọc nhiều, hiểu nhiều mà giữa mụ với các tác giả, các nhà xuất bản có mối liên kết thật sự chân tình. Vì đọc nhiều, nên mụ có khả năng thẩm định và lựa chọn sách hay cho bạn đọc.

Và rồi ông khách kia một bữa quay lại, mụ Hoa nhanh nhảu giới thiệu một cuốn sách mới ra, không quên trình bày về tác giả, nội dung. Ông khách khó tính nhìn mụ ngạc nhiên, rồi dừng lại, đảo mắt hết lượt giá sách. Rồi ông không chỉ mua một mà rất nhiều cuốn khác.

Ông quay trở lại nhiều lần nữa vì những tư vấn sách hấp dẫn, vì nụ cười tươi rói của mụ bán sách, vì câu cảm ơn và hẹp gặp lại đầy lịch thiệp. Lâu dần, ông thành khách ruột, giới thiệu tiệm sách cho bạn bè. Có những chủ nhật, người ta phải xếp hàng mua sách mụ Hoa.

Mụ Hoa kì công với sách. Cỡ năm 1998 - 1999, mụ vào Sài Gòn thăm người bà con. Lang thang tìm hiểu thị trường sách, mụ mê mẩn vì có bao nhiêu sách hay mà ở Hà Nội không hề có. Thế là mụ vay tiền, mua gom cả đống sách, đáp tàu hỏa ra Hà Nội. 

Chẳng ngờ sách bán hết veo. Từ đó, mụ Hoa có thói quen lùng sách hay, sách hiếm về lưu trong cái tổ tò vò của mình. Tiệm của mụ nhiều khi là nơi các nhà xuất bản, các tác giả gửi gắm những cuốn sách thuộc "hàng độc" với những ý tưởng bán sách chẳng giống ai.

Nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái đợt bệnh nặng, gửi gắm cho mụ Hoa ít sách, vẫn nhắn tin bảo: "Số tiền bán sách chị dành tặng cho cô bé con liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma đang học trong TP Hồ Chí Minh". Giáo sư Ngô Bảo Châu khi có dịp về Việt Nam lại ghé tiệm mụ Hoa, vì gửi gắm tạp chí toán học Pi ở đây cho những người yêu toán.

Góc cà phê trên gác hai tiệm sách Mụ Hoa cũng ngồn ngộn sách.

Mụ Hoa kĩ càng với sách, nhiều lúc cũng vì sách mà trở nên ghê gớm. Có lúc mụ cáu với cô bé nhân viên: "Ôi con bé kia, sách mà để xuống đất thế kia à. Còn gì là sách". 

Mụ kĩ lưỡng với cả khách hàng. Có ông khách quen đến mua sách, mụ cười niềm nở: "Hôm nay chú có lấy túi đựng sách không ạ"? Mụ này hỏi lạ, cả đống sách thế kia mà không lấy túi đựng thì mang vác kiểu gì. Chẳng ngờ, chú kia cười: "Vẫn như mọi lần, buộc dây cho tôi". Và thế là mụ thoăn thoắt xếp sách thành chồng, lấy dây buộc chắc chắn đưa cho chú khách. 

Mụ quay lại cười: "Chú khách này hay lắm, nói không với túi nilon, mua bao nhiêu sách cũng bó lại và xách. Nên lần nào cũng phải hỏi". Một cô bé ghé mua quyển từ điển, cho vào túi và đi. Chợt mụ gọi với theo bảo cô bé quay lại: "Giời ạ, quyển sách dày thế kia thì con phải để gáy sách quay xuống dưới, vừa đỡ hỏng sách mà lại không rách túi". Mụ vừa nói vừa xoay lại sách, trong khi cô bé líu ríu cảm ơn.

Công việc bán sách chẳng hề sung sướng, nhưng mụ Hoa bảo, từ cái cửa tiệm bé xíu này, mụ có thể nhìn ngắm được cuộc sống muôn màu. Cô bé tiếp thị sách Tri thức trẻ Books quê Nghệ An thỉnh thoảng ghé quán mụ, sau khi trao đổi vài thông tin sách, cô sà xuống bên mụ Hoa, tâm sự nhỏ to chuyện chồng con. 

Rồi mụ kể chuyện ông mài dao gia cảnh thế nào, cô bán hàng khô chồng con ra sao. Có ông lão, gần đến tết dương lịch đến hỏi mua lịch. Hỏi giá xong thì ông lại không mua.

Vài hôm sau ông đến, mụ Hoa vẫn nhớ, liền hỏi: "Hôm trước sao ông không mua lịch?". Thì ra ông lão đi mua lịch tặng cô giáo của con, nhưng không đủ tiền. Hôm nay gom đủ mới đến mua. Ông lão ra về với cuốn lịch trên tay, với cái giá vừa bán vừa tặng của mụ Hoa, ông vui lắm. Mụ cũng thấy vui lây.

Chợt mụ đập tay xuống đầu gối: "Này, sao hay thế nhỉ, có thằng bé xin mẹ mua sách, mà mẹ nó nhất định không cho. Thằng bé khóc vang cả phố. Trẻ con mà yêu sách, thích đọc sách là ta yêu lắm. Ta tặng luôn thằng bé cuốn sách. Mẹ nó ngượng quá, lại mua cho con". 

Đã 4 năm nay, có hai chị em cứ sau giao thừa là dắt nhau đến tiệm mụ Hoa xông đất mở hàng. Bọn chúng bảo, năm mới chỉ thích được mùng tuổi bằng sách thôi.

Mụ Hoa giờ cũng tập tành facebook. Vào face mụ, cũng vẫn chỉ thấy sách. Bạn face của mụ là những người đọc sách cùng mụ bao năm nay. Mụ Hoa giờ đã là bậc lão làng ở phố sách này. Nhưng mụ bảo, bà cụ Mão mới là người có công khai sinh ra phố sách Đinh Lễ.

Ngày 26-5-2017, ngày cụ Mão rời thế gian, mụ Hoa viết những dòng đầy xúc động: "Thế là cái ghế này từ nay không còn bà ngồi, làng sách mất đi một người làm sách tiên phong, ưu tú. Phố Đinh Lễ mất bà, người khởi sinh phố sách. Dương thế bộn bề, có lẽ đi về miền đất mới, bà lại kiến thiết thêm một phố sách bình yên".

Hỏi mụ rằng, bao giờ thì thôi bán sách? Mụ bảo, các con mụ đã mấy lần khuyên mụ đóng cửa tiệm sách này. Vì cái cửa tiệm xíu xíu này mà tiền thuê thì chẳng xíu xíu tẹo nào, lời lãi là bao. 

Nhưng mà mụ chưa nghĩ đến chuyện nghỉ đâu. Bao nhiêu là bạn bè, bao nhiêu niềm vui nỗi buồn quanh tiệm sách này. Con mụ làm sao mà hiểu được. Mụ muốn tổ chức một buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các thế hệ đọc sách đã gắn bó với mụ bao năm nay mà chưa thực hiệc được, nên lòng mụ còn bứt rứt chưa yên...

Huyền Châm
.
.