Bà Trần Thị Huỳnh Nga, vợ cố họa sĩ Trần Trung Tín:

Rực rỡ một mối tình buồn

Thứ Năm, 05/12/2013, 15:09
Bà Trần Thị Huỳnh Nga ngồi đó, trên chiếc ghế băng dài, trong phòng tranh của chồng bà có tên “Bi kịch lạc quan”. Buổi trưa, nên khách tới xem phòng tranh có vẻ thưa vắng hơn các buổi khác trong ngày. Bà ngồi như đang tưởng nhớ. Chiếc màn hình lớn trong phòng triển lãm  đang chiếu lại những thước phim về người đàn ông yêu dấu của cuộc đời bà, họa sĩ Trần Trung Tín.

Bà đã xem đi xem lại những thước phim này không biết bao nhiêu lần. Và cũng không biết bao nhiêu lần những giọt lệ khan trào trên khóe mắt. Có một nỗi buồn len nhè nhẹ, từ dáng hình ông gầy gò trên những thước phim kia, trên những bức tranh màu sắc đẹp u uẩn trên tường. Và có cả một nỗi buồn rực rỡ trong lời kể của bà, với tôi, về một mối tình không năm tháng…

Có mối tình đẹp nào trên đời không chứa trong nó một nỗi buồn. Nỗi buồn có đôi khi giống như một món quà của Thượng Đế, chỉ trao tặng cho những cuộc yêu mà ở đó, sự thấu hiểu của hai kẻ si tình đã chạm tới đáy. Bà Huỳnh Nga nói, mối tình của bà với họa sĩ Trần Trung Tín là một mối tình buồn. Nó không phải là một mối tình dang dở, vì họ đã được đến với nhau, sống cùng nhau, yêu thương và san sẻ. Và nỗi buồn ở đây, được nhắc như tâm thế của hai con người mà tư chất nghệ sĩ của họ, tình yêu của họ dành cho nhau phải vượt qua rất nhiều thăng trầm, rào cản. Thậm chí, họ phải nương tựa vào nhau để vượt lên hoàn cảnh thời mình đang sống. Họ tay trong tay từ lúc gặp mặt đầu tiên đến phút giây một người từ biệt cõi đời này. Nên, mối tình ấy, nếu có mang theo một nỗi buồn, thì chắc chắn đó phải là một nỗi buồn rực rỡ. Như những bức tranh của Trần Trung Tín, màu rất đẹp mà cảm nhận vẫn rất buồn.

Trong cơn mê ngủ của ký ức, tôi thấy gương mặt đài các một thuở của bà Trần Thị Huỳnh Nga như đang tỏa ra một thứ ánh sáng trong vắt. Như thể đó là ánh sáng của lần đầu tiên bà gặp ông, một danh họa tài danh nhưng đang bị ốm đau trong tâm hồn, cô đơn không người thấu hiểu. Ông vừa từ Hà Nội vào Nam, bỏ lại đằng sau những năm tháng tuổi trẻ buồn nhất, với ký ức chiến tranh đầy ắp Hà Nội.

Ông bỏ lại những bức họa vẽ trên giấy báo, trên vỏ bao tải cho một người bạn là đạo diễn cất giữ. Ông không mang theo gì vào phương Nam. Ông muốn tìm một đời sống khác, một vùng đất khác. Ở đó, sẽ ít mưa phùn, không gió lạnh mùa đông, sẽ là nắng nhiệt đới, sẽ là nhiều hơn những ồn ào, bụi bặm, giữa Sài Gòn cũng không kém phần đổ nát sau chiến tranh. Nhưng sự kiếm tìm và rời bỏ có vẻ như bắt đầu mang gương mặt của sự tuyệt vọng. Rằng chẳng có điều gì đánh thức trái tim một con người đang đau ốm vì quá nhạy cảm nếu thiếu đi sự tri âm, tri kỷ…

Họa sĩ Trần Trung Tín và vợ.

Trần Trung Tín lang thang giữa Sài Gòn. Cảm giác lạc loài lại trở về hiện hữu, dù phương Nam chính là mảnh đất nơi ông sinh ra. Và rồi ông gặp người đàn bà của số mệnh. Góa phụ trẻ, gương mặt còn vương nhan sắc của thời thiếu nữ, nhưng đã in hằn một nỗi sầu. Nàng quá đẹp để làm một góa phụ.

Bà Trần Thị Huỳnh Nga kể lại: “Sau 9 tháng cưới nhau thì chồng tôi chết trong chiến tranh. Tôi phải trải qua một nỗi đau quá tuổi 25 đầy mơ mộng của mình. Lúc tôi gặp anh Tín, tôi 27 tuổi, có một đứa con nhỏ. Anh nói với tôi rất nhiều về chiến tranh, về sự ám ảnh của chiến tranh trong tâm hồn anh. Anh kể về những bức họa anh vẽ ở Hà Nội, những năm bom đạn dội không ngừng xuống thành phố. Chúng tôi có chung một quá khứ đó, quá khứ chiến tranh, với những mất mát không thể gọi tên. Anh Tín nghèo, cô đơn, tưởng như không ai hiểu anh trên cuộc đời này. Trái tim anh như thể đã mang nhiều thương tích, vì anh nhạy cảm. Trước khi gặp tôi, anh đã lang thang ở Sài Gòn một thời gian, nhưng không thể quay lại vẽ được. Anh bế tắc với hội họa. Nhưng sau khi gặp tôi, và sau những trò chuyện, đồng cảm, anh Tín bỗng nhiên tìm lại được cảm hứng sáng tác. Anh bắt đầu vẽ trở lại”.

Họa sĩ Trần Trung Tín cũng từng kể lại sự gặp gỡ định mệnh này: “Một ngày, tôi đợi Nga đi làm về và tôi bỗng bắt đầu vẽ trở lại. Nhà của cô ấy bình yên tuyệt vời. Cô ấy là người mê chụp ảnh và tôi vẽ trên những tờ giấy ảnh mà cô ấy có. Sắc màu trên những bức tranh bỗng nhiên rực rỡ hẳn, trong ánh sáng nhiệt đới của miền Nam. Những cái cây bỗng nhiên chói lọi như hoa, như lửa cháy”.

Tình yêu đã tới, như lửa cháy, giữa một họa sĩ nghèo được xem là khùng điên và một góa phụ trẻ mất chồng trong chiến tranh. Những năm tháng ấy, trong mắt bạn bè đồng nghiệp, Trần Trung Tín là một người điên. Người ta nói tranh của ông không hiểu được, chỉ để chơi, không thể bán, thậm chí cho cũng không ai lấy. Ông là một nghệ sĩ không nhập gì với thời cuộc. Một kẻ cô quạnh trong thế giới của riêng mình.

Được đào tạo để trở thành một diễn viên điện ảnh, một đạo diễn, nhưng Trần Trung Tín lại chọn hội họa để nương náu. Trước đó ông cũng từng làm thơ. Nhưng thơ ca với cuộc chơi của những con chữ không cho ông tự do như ông muốn. Và ông tìm được tất cả trong hội họa. Những năm Hà Nội chiến tranh, Trần Trung Tín làm ở hãng phim truyện. Nhưng phần lớn thời gian ông dành cho vẽ. Ông thường đóng cửa căn phòng nhỏ của mình và ngồi lì ở đó, trò chuyện với màu sắc.

Ông vẽ những gương mặt người Hà Nội, đẹp và buồn. Những bức tranh vẽ những người đàn bà với đôi mắt sáng trong, vô nhiễm, mà trên tay cầm súng. Một tiếng nói xót thương cho thân phận người, đặc biệt là người phụ nữ, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Những người đàn bà ngồi như cái Thiện, giữa bom đạn, hoang phế, tàn tích…

Sau ngày hòa bình, Trần Trung Tín rời Hà Nội vào Sài Gòn. Ông đã gặp ở đó tình yêu của đời mình. Một nơi chốn để sưởi ấm trái tim suốt những năm tháng tuổi trẻ lạnh giá bởi nỗi buồn nghệ sĩ. Ông và góa phụ Trần Thị Huỳnh Nga yêu nhau rồi cưới nhau. Họ thành vợ chồng.

Những năm tháng sau chiến tranh nghèo khổ, họ phải nương tựa vào nhau, chèo chống sống qua ngày tháng. Trần Trung Tín không biết kiếm tiền. Ông chỉ biết vẽ. Tranh ông thì không thể bán. Người làm mỹ thuật ở Sài Gòn phần lớn tin rằng ông bị điên. Còn lại một mình bà  Huỳnh Nga lo lắng chợ đời, cơm áo. Thương vợ, ông viết bài thơ, mà theo bà Huỳnh Nga, thì đọc xong bài thơ đó ta có thể hiểu gương mặt đời sống của một thời: “Chiều chủ nhật buồn/ Còn ai còn ai/ Tôi xin nói còn Em còn Em/ Còn em trong nước gạo chợ đen/ Còn em xếp hàng mua thịt mua rau/ Còn em bán bàn thờ tổ tiên để sống/ Còn em với nỗi lo kinh tế mới/ Còn em với những ước mơ/ Với những bến bờ đi không tới/ Sao tôi biết còn em/ Mà lòng tôi buồn vô cùng…”.

Người đàn bà Trần Thị Huỳnh Nga chính là Em trong rất nhiều đàn bà của Sài Gòn khi đó, khi đất nước vừa hòa bình, chưa kịp sắp xếp lại nhiều thứ, còn cả những tao loạn. Họ, hai người yêu nhau đã dìu nhau đi qua những ngày tháng như vậy. Họa sĩ Trần Trung Tín vẫn lặng thầm vẽ trong sự dửng dưng của cuộc đời, của con người. Đến năm 1989 ông mới bán được bức tranh đầu tiên có tên gọi Bi kịch lạc quan cho một nhà ngoại giao người Pháp. Một bức chân dung tự họa mô phỏng một tinh thần lạc quan để sống qua một thời khốn khó. Nghĩa là Trần Trung Tín không sống được bằng nghề.

Rồi sau 7 năm hạnh phúc bên người đàn bà mình yêu, ông bị tai biến. Năm đó bà Trần Thị Huỳnh Nga mới 36 tuổi. Bà đã theo ông đến nhiều bệnh viện để chữa bệnh cho chồng. Ông có bình phục lại chút ít, nhưng không thể khỏe mạnh như xưa. May mắn là trí tuệ của ông vẫn minh mẫn, và ông vẫn có thể vẽ tranh.

Bà Trần Thị Huỳnh Nga nhớ lại: “Năm 1984, anh Tín ốm nặng, tưởng không qua khỏi. Anh nói với tôi là nếu phải chết anh cũng không tiếc nuối gì, vì những việc cần làm anh đã làm cả rồi. Anh chỉ có một ước mơ là trước khi nhắm mắt, những bức tranh của anh sẽ được mang ra công khai cho người xem ngắm nhìn. Nghĩa là anh mơ về một cuộc triển lãm cá nhân. Tôi khi đó có hiểu gì về triển lãm tranh. Tôi chỉ là người đàn bà của cơm áo. Tôi quyết thực hiện tâm niệm này của anh. Tôi tìm kiếm thông tin, rồi chạy tới Sở Văn hóa nói với người có trách nhiệm rằng tôi muốn làm triển lãm cho chồng. Họ đã khuyên tôi đừng làm, vì tranh của chồng tôi chỉ để xem chơi, không nên triển lãm. Nhưng rồi tôi quyết định làm theo ý nguyện của chồng tôi. Triển lãm diễn ra có rất nhiều ý kiến khác nhau, khen chê đủ cả. Rồi sau triển lãm đó, tranh của anh Tín được mời sang Mỹ triển lãm”.

Những năm tháng cuối đời, họa sĩ Trần Trung Tín gần như không thể đến các cuộc triển lãm tranh của ông. Vì sức khỏe không cho phép. Cuối cùng thì người ta cũng nhìn thấy tầm vóc của một danh họa. Không chỉ trong nước mà cả quốc tế đã nhìn thấy Trần Trung Tín, như một điềm lành, một món quà vô giá cho hội họa Việt Nam. Người ta đã thừa nhận ông là một trong những họa sĩ lớn của hội họa hiện đại Việt Nam.

Cho đến ngày họa sĩ Trần Trung Tín từ giã cõi đời này, tính ra ông đã nằm bệnh 25 năm. Bà Huỳnh Nga, 25 năm ấy, bên chồng, chăm lo cho người đàn ông mình yêu, không một lời thở than. Không ít người ái ngại cho một phụ nữ trẻ, bên người chồng họa sĩ ốm đau, yếm thế. Bà Huỳnh Nga kể lại: “Tôi không thấy vấn đề gì. Tôi đã yêu anh Tín. Số phận buộc chúng tôi vào nhau. Giữa chúng tôi là một sự thấu hiểu sâu sắc. Tôi có thể dành cả đời mình để chăm sóc anh, bên anh, đó là  một niềm hạnh phúc. Thật quá riêng tư, nhưng tôi muốn chia sẻ rằng, những đêm nằm bên nhau, chúng tôi cầm tay nhau cả trong lúc ngủ. Một cái cầm tay trong giấc ngủ có khi cũng đã là quá đủ đầy rồi. Những ngày ốm nặng, anh Tín thường bảo tôi, anh rất sợ nếu lúc nào đó anh ra đi mà tôi không ở cạnh anh. Anh ấy muốn tôi xác nhận một điều rằng, nếu anh ấy phải chết, thì anh ấy sẽ chết trong vòng tay của tôi”.

Và cái chết không mang theo một nỗi lo sợ nào cả, với họa sĩ Trần Trung Tín. Ông đã ra đi khi tay mình vẫn nằm trong tay người đàn bà ông yêu dấu. Người đàn bà mà khi còn sống ông đã từng chia sẻ, rằng trong bất cứ bức họa vẽ đàn bà nào của ông, cũng có hình bóng của “nàng”. Giây phút cuối cùng trên môi ông là một cái tên rất đẹp: Trần Thị Huỳnh Nga. Ông gọi tên người đã thấu hiểu ông, cho ông sự bình yên trên cõi đời này. Và mang theo sự ngọt ngào ấy để bay tới một chân trời khác.

Trên chiếc ghế băng dài của phòng triển lãm tranh, bà Huỳnh Nga nói với tôi về những bức tranh trên tường. Một bức có tên Câu hỏi giữa đời, vẽ hai khuôn mặt nhìn nghiêng của một người đàn ông và một người đàn bà. Họ đang hỏi nhau làm thế nào để sống qua những tháng năm gian khó. Đấy là vẽ hai người thời mới gắn bó số phận cùng nhau. Một câu hỏi nhưng thực ra là một sự thấu hiểu.

Nói về sự thấu hiểu, bà Huỳnh Nga như chợt tỉnh. Bà kể về một phụ nữ trẻ mới hôm qua tới xem triển lãm tranh của chồng bà. Cô ấy xem xong thì tới gặp bà và bảo: “Cháu mới lập gia đình với một họa sĩ. Cô hãy nói cho cháu nghe, làm thế nào để cháu có thể làm được như cô, nếu đời sống có lúc nào đó để cháu rơi vào hoàn cảnh tương tự?”. Bà mới trả lời cô gái má còn đang hồng lên vì hạnh phúc ấy, rằng: “Tình yêu chỉ tồn tại khi có một sự thấu hiểu. Mà thấu hiểu một người nghệ sĩ thì rất khó...”

B.N.T.
.
.