Rồi thì cày ruộng làm thơ

Chủ Nhật, 02/04/2017, 10:18
Gặp Trần Hữu Dũng ngoài đời, ít ai nghĩ đây là một nhà thơ, bởi anh có cốt cách của người gắn bó gần như cả đời với đồng ruộng.

Áo quần ít khi ủi, thỉnh thoảng còn xoắn quần lên, ngồi nói chuyện khoái chí co chân lên ghế. Thế nhưng, nói chuyện với ai đôi ba lần, lại không nghĩ anh làm ruộng cả đời mà lại một thi sĩ từ trong huyết quản. Với các câu thơ ám ảnh ruộng vườn mang đầy nhịp đập của phù sa nước lớn nước ròng.

Dấu ấn đồng ruộng hiện diện trong thơ Trần Hữu Dũng rất nhiều, trong đó tập Hòa âm cuộc lữ của anh chủ yếu về đồng ruộng miền Tây Nam bộ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng trong cuốn Thơ đến từ đâu do NXB Lao động in năm 2009 mở đầu bài phỏng vấn Trần Hữu Dũng (trang 95), có viết: “Gần đây, trên các trang web văn học, người ta đọc thấy một giọng thơ mới mẻ, dịu dàng, nhưng khá lạ, là giọng thơ Trần Hữu Dũng: “Chạy mãi trên đồng trống, đường trắng/ Có ai cắn nát trái cam mặt trời/ Có ai chọc khẽ vào tim nhói buốt/ Thương là thương người ấy/ Đầm xa ếch lẻ bạn kêu chiều...”. Thơ anh đầy hương vị nông thôn miền Nam. Đây là điều khá hiếm trong thơ Việt Nam hiện nay...”.

Thực ra, Trần Hữu Dũng làm thơ từ trước khi anh làm ruộng. Trần Hữu Dũng kể: “Trước 1975, nhóm Con Đuông do họa sĩ Ngy Cao Nguyên, nguyên là Chủ tịch Hội Họa sĩ trẻ ở Sài Gòn chủ trương, trước đó đã in thơ Bùi Giáng, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng... loại sách in typo, 100 tập, phổ biến trong giới thân hữu. 

Mê văn chương, tôi nhắm mắt gửi liều tập thơ Trần Hữu Dũng cho nhóm, không ngờ được in. Bìa do họa sĩ Lê Triều Điển thiết kế, tranh mộc bản. Hôm nhà thơ Bùi Đức Long tìm tới nhà tôi ở quận 8, giao sách, anh bất ngờ khi gặp tôi, lúc đó còn quá trẻ”.

Năm 1974, Trần Hữu Dũng học ngành trồng trọt ở Đại học (ĐH) Cần Thơ, chiến tranh đang lan rộng, phải có giấy hoãn dịch vì lý do học vấn hằng năm. Cách tốt nhất là có một nghề nghiệp ổn định, nuôi sống bản thân, không đi lính, nên Trần Hữu Dũng học nghề nông. 

Mãi đến tận bây giờ, Trần Hữu Dũng vẫn cho rằng: “Văn chương là thứ viễn mơ, cơm áo không đùa với khách thơ. Nhiều lúc nghĩ lại thấy sự lựa chọn làm thơ hay làm ruộng là do hoàn cảnh xã hội, chớ không có toan tính gì sâu xa cả”.

Thi sĩ Trần Hữu Dũng ký tặng "Âm thanh những giấc mơ" cho bạn bè tại một quán cà phê vỉa hè Sài Gòn.

Tại ĐH Cần thơ, Trần Hữu Dũng thọ giáo với thầy Võ Tòng Xuân suốt đời gắn bó với cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Giáo sư Võ Tòng Xuân tốt nghiệp tiến sĩ ở Nhật, nhiều năm gắn bó với Viện Lúa gạo IRRI ở Philippines.

Trần Hữu Dũng, cho biết: “Tôi học rất nhiều điều từ thầy Xuân, các thầy cô khác ở mái trường ĐH Cần Thơ là tính trung thực, phải biết kính trọng người nông dân làm ra lương thực, cách vận dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, cách đi vào nông thôn, sống chan hòa tình nghĩa... nhất là làm sao cho họ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, vui sống với mảnh đất cha ông bỏ công khai hoang, gầy dựng thành những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay”.

Học làm ruộng, đến ngày đi thực tập, Trần Hữu Dũng gặp được ông Hai Lúa và suýt trở thành con rể của nhân vật huyền thoại này. Lâu nay, cứ nói đến Hai Lúa là người ta nghĩ ngay đến những người nông dân Nam bộ. Kỳ thực, ông Hai Lúa có tên họ đàng hoàng.

Ông tên Võ Văn Chung, thời đó được mệnh danh “lão nông tri điền”, từng được tham dự nhiều Hội nghị Nông dân tiên tiến ở Thái Lan, Ấn Độ. Lúc Trần Hữu Dũng đi thực tập ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, ngay tại quê nhà, được các thầy hướng dẫn chọn làm tổ trưởng và cho vào ở nhờ nhà ông Hai Lúa Võ Văn Chung. Ông Hai Chung sản xuất lúa gạo rất giỏi, đặc biệt là lúa giống cung cấp cho cả miền Tây, nên dân trong vùng gọi ông “chết danh” Hai Lúa là vì vậy.

Sau này, đi cà phê gặp đạo diễn Lê Văn Duy, ông vui miệng tiết lộ, khi làm phim Nàng Hương lấy nhà thơ Trần Hữu Dũng làm nguyên mẫu do Lê Công Tuấn Anh đóng. 

Hỏi Trần Hữu Dũng, anh trả lời: “Lúc đang thực tập tại nhà ông Hai Chung, có hàng trăm văn nghệ sĩ kéo đến tham quan, lấy tư liệu viết bài, soạn chập, tuồng cải lương, sáng tác nhạc. Trong sổ ghi cảm tưởng còn lưu lại tôi nhớ có nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, đạo diễn Hồng Sến, Lê Văn Duy...”.

Sau này gặp lại đạo diễn Lê Văn Duy ở Sài Gòn, Trần Hữu Dũng kể lại cuộc đời ông Hai Chung, mối tình sinh viên của mấy anh sinh viên với cô giáo, thiếu nữ ở xã. Lê Văn Duy hào hứng đề nghị nhà văn Võ Phi Hùng viết câu chuyện của Trần Hữu Dũng thành phim truyền hình Nàng Hương nhiều tập cho đài Cần Thơ. Diễn viên Lê Công Tuấn Anh đóng vai chính, quay ở tỉnh Long An.

Phim quay đến tập thứ 3 thì Võ Phi Hùng bận viết phóng sự, Lê Văn Duy chấp bút viết tiếp. Ròng rã đến tập thứ 6, xảy ra vụ Lê Công Tuấn Anh tự tử vì tình, xôn xao dư luận một thời, phim khép lại. Nàng Hương hấp dẫn là ở đề tài thời sự nông thôn đang nóng bỏng, không khí đổi mới ở HTX miền Nam thời hòa bình với nhiều trăn trở, biến động, xáo trộn đến tận gốc rễ đời sống người nông dân thời đó.

Nhờ làm ruộng, Trần Hữu Dũng còn được gặp ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư TP HCM và nhận được ân tình từ ông Sáu Dân. Ông Võ Văn Kiệt nổi tiếng luôn chiêu hiền đãi sĩ, ngoài việc tập hợp lực lượng trí thức trước 1975 trong Hội Trí thức yêu nước, còn chú trọng đến thành phần ưu tú người Việt đang ở nước ngoài, lớp trẻ mới trưởng thành để xây dựng đất nước.

Trần Hữu Dũng sau khi tốt nghiệp về làm ở Công ty Giống cây trồng - Sở Nông nghiệp TP HCM và được ông Sáu Dân cho phiếu mua xe đạp hiệu Lucia. Dũng nhớ lại: “Ông Sáu Dân biết tôi mới ra trường gặp khó khăn, nên cho mua cùng lúc 2 chiếc xe, một bán đi để dư ra tiền mua chiếc còn lại. Đây là ân tình làm tôi nhớ mãi”.

Chuyện là vầy, ông Võ Văn Kiệt biết chàng sinh viên Trần Hữu Đức (tên thật của thi sĩ Trần Hữu Dũng) làm ruộng giỏi khi ông đến thăm nhà ông Hai Chung. Tuy nhiên, khi ông Võ Văn Kiệt hỏi về tuổi Đoàn, tuổi Đảng thì chàng sinh viên Trần Hữu Đức bảo là chưa vào vì có cha là công chức chế độ cũ.

Ông Võ Văn Kiệt trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Cậu làm tổ trưởng thực tập tức là học giỏi được các thầy tin tưởng, tôi sẽ xin cậu về Sở Nông nghiệp TP HCM với điều kiện cậu phải nằm trong top 10 khi ra trường”.

Chính nhờ học được nhiều từ ông Hai Lúa và trước đó là giáo sư Võ Tòng Xuân ở ĐH Cần Thơ, cộng với lời động viên của ông Võ Văn Kiệt, năm 1979 Trần Hữu Đức đỗ tốt nghiệp đứng thứ 6 toàn trường. Anh về làm ở Công ty Giống cây trồng của Sở Nông nghiệp TP HCM, gắn bó với ruộng đồng và người nông dân 21 năm rồi chuyển qua làm báo Văn nghệ TP HCM đến nay.

Hỏi Trần Hữu Dũng, bạn đọc ít nhiều gì cũng đã đọc được tác phẩm thơ của anh in trên sách báo, vậy còn tác phẩm hạt lúa của anh có gì đóng góp cho cuộc đời này?

Trần Hữu Dũng đang nói chuyện thơ bỗng thần sắc trở lại như một kỹ sư nông nghiệp xoắn quần lội ruộng cùng nông dân: “Có rất nhiều giống lúa được nhân ra từ phòng kỹ thuật của Sở Nông nghiệp thời đó như giống Ấn Độ hạt nhỏ, IR36, hàng loạt giống lúa miền Tây ký hiệu MTL... chúng tôi làm ra từ việc thực địa trực tiếp trên ruộng. Các bạn tốt nghiệp sau này áp dụng công nghệ mới lai giống, nhân giống từ phôi nhũ trong phòng thí nghiệm nên đạt thành công nhanh chóng hơn, ít vất vả lặn lội ngoài đồng ruộng. Bây giờ tôi trở thành lạc hậu so với nền công nghệ áp dụng vào thực tiễn nông nghiệp mới này rồi...”.

Dù làm thơ mơ mộng nhưng nói về lúa gạo và người nông dân, Trần Hữu Dũng luôn đau đáu: “Gạo Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài có lúc đứng đầu thế giới, giờ biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt nước, nhiễm mặn, cơ cấu cây trồng phải thích ứng mới để nông dân sống được, khá lên...”.

“Năm 2001, tôi hưu non, 21 năm công tác được lãnh 21 tháng lương cộng thêm 3 tháng ưu đãi. Chuyện này do nhiều thứ tác động như má tôi bệnh tim nặng đang cần người chăm sóc, tôi lại muốn thử sức mình bên văn chương nên chọn cách này. Năm 2016, đúng tuổi về hưu. 

Tôi được lãnh trọn một gói lương hưu gồm 10 tháng cho 10 năm làm phóng viên. Kỷ niệm chuyến đi thong dong này tôi bèn in tập thơ Âm thanh những giấc mơ, tác phẩm thứ 10. Đây là những bài thơ ghi lại cảm xúc, ý tưởng về các chuyến đi thực tế cùng các bạn văn nghệ, giang hồ mê mải khắp các miền đất nước từ đầm Thị Tường (Cà Mau), Côn Đảo, Đà Lạt mù sương, qua núi Đá Bia (Tuy Hòa), lang thang vùng Tây Bắc... 

Có lúc nào đó trong những giấc mơ hoang tưởng chợt vang lên những âm thanh mê hoặc ngân dài, vây bủa, phủ chụp xuống cuộc mưu sinh hằng ngày. Nhiều đêm tôi còn mơ thấy mình rong ruổi trên cánh đồng ngập nước trắng xóa...” - Trần Hữu Dũng nói về cuộc sống hiện tại.

Ông nhà thơ kiêm nhà nông Trần Hữu Dũng năm nay ngoài 60 tuổi hiện vẫn sống độc thân chăm sóc cha mẹ già. Trần Hữu Dũng cưới vợ một lần rồi chia tay sau đó không lâu, chưa kịp sinh con đẻ cháu, để cho nàng qua Mỹ định cư. Bao nhiêu năm Trần Hữu Dũng vẫn chạy chiếc xe Cup cà tàng, một lần vợ cũ về Sài Gòn, thấy vậy mua tặng chiếc xe mới, âu cũng là ân tình vậy.

Trần Hoàng Nhân
.
.