Rock Storm của Thạch

Thứ Tư, 29/01/2014, 13:30

Rock Storm vài năm gần đây không còn gợi được sự háo hức trong tôi. Tôi không đề cập đến tính lan tỏa và giá trị cộng đồng mà chương trình mang lại, cũng không bàn về chất lượng của các ban nhạc, bởi với nhiều đổi thay trong đời sống và trước thực trạng rock Việt thiếu sân chơi trầm trọng, họ vẫn kiên định trên con đường lắm thác ghềnh là điều đáng ngưỡng vọng. Một ngưỡng vọng mang tên tình yêu. Mê đắm, thuần khiết và cháy bỏng. Tuy nhiên, chừng ấy năm, với những cái tên quen thuộc, những bài hát gần như quen thuộc, không đủ để tôi thấy rằng, nếu bỏ lỡ, trái tim tôi sẽ vắng những nhịp đập cuồng nhiệt.

Tôi đến Rock Storm 2013 vì có anh tôi - Sơn Thạch - ở đó, trong một vai trò chủ chốt nhưng lặng thầm, lẩn khuất.

1. Chiều cuối năm, nắng lạnh, Sơn Thạch đón tôi bằng nụ cười hân hoan như đã quen thân tự lúc nào, bằng dáng vóc xuề xòa gần gũi, dẫu đây là lần đầu tiên tôi được gặp anh. Tôi nghĩ, có lẽ vì thịnh tình mà Sơn Thạch dành cho hai người anh đồng nghiệp của tôi. Và có lẽ, cũng vì sự trân quý ấy mà anh chân thành chia sẻ với tôi nhiều góc khuất.

Sơn Thạch nhận lời làm phó đạo diễn chương trình Rock Storm 2013 khi mọi sự đã rồi. Nói cho đúng và chính xác, không phải người ta bày sẵn các món cho anh ngắm nghía và thưởng thức, cũng không phải người ta đi chợ mua sẵn nguyên liệu hồi hộp chờ anh chế biến, mà là người ta nhích món này một ít, món kia một chút, rồi vứt ngổn ngang. Chương trình đã công bố, nhưng mọi thứ vẫn tam sao thất bản, lúc ấy người ta tìm đến anh như một sự cứu cánh. Thạch có biết anh thiệt thòi không? Chắc chắn là có. Thạch có chạnh lòng không? Chắn chắn có. Thế thì tại sao anh lại đồng ý? Điều chắc chắn thứ 3, Thạch không cần danh tiếng.

Nhạc sĩ Sơn Thạch.

Bởi những việc Thạch làm – như anh Hà Quang Minh viết về Thạch trong một bài tùy bút – sừng sững như cái tên. Sừng sững, lặng thầm đến mức thiệt thòi. Cũng không phải Thạch cần tiền bởi tôi biết lúc hoàn thành nhạc cho một bộ phim truyền hình mà anh nói vui là hơi “hại não”, anh đã định gói ghém năm cũ để nghỉ ngơi. Thạch nhận lời, đơn giản vì: “Khi người ta nhờ đến mình nghĩa là người ta đang rất cần mình, mình đâu có từ chối được em”.

Vậy là, Thạch hồn nhiên nhảy vào núi việc bủa vây. Hồn nhiên tới mức, không cần và không đòi hỏi bất cứ sự xác tín chức danh nào. Vỏn vẹn trong 10 ngày, anh quay cuồng, vừa góp nhặt, vừa làm quen tất tần tật công việc, xem năm trước đã làm được gì, điểm nào cần phát huy, khắc phục, làm ra sao, tiếp xúc các ban nhạc như thế nào để vá víu theo đường biên người khác đã vạch ra.

Tôi luôn nghĩ, chức danh không làm nên được giá trị của một con người hay thay thế tình cảm của người khác dành cho cá nhân ấy. Nhưng một khi đã đóng góp thì cần có một sự ghi nhận xứng đáng, không phải để tung hô, tán thưởng mà là để thể hiện sự trân trọng. Nếu một người anh thân thiết với Thạch không quyết liệt trước cái tính thiệt thà, vô tư đến mức thiệt thòi của “thằng em”, có lẽ Thạch cũng buông chìm vào mảng màu xam xám ấy.

2. Và dẫu “lẩn khuất” không ai biết, không ai hay, Sơn Thạch vẫn “cháy” hết mình, không toan tính. Bởi Thạch là người làm công việc sáng tạo nghiêm túc và kỹ tính. Hơn nữa, Thạch lại là người sáng tạo cực giỏi. Và anh đã chứng minh được điều đó, rõ ràng, rành rọt trong một thời gian cực ngắn.

Thạch chấp nhận và Thạch chơi với các ban nhạc. Chơi để hiểu, để lắng nghe tâm tư của các anh em, để thuyết phục họ theo thứ tự trình diễn hợp lý nhất. Có lẽ, chưa có một kỳ Rock Storm nào mà các ban nhạc lại có thể thoải mái “trút bầu tâm sự”, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua tin nhắn với người “đầu tàu” như vậy. Thạch trân trọng ghi nhận bằng cả hai tai và tác động thay đổi từng chút, từng chút một để anh em cảm thấy hài lòng chứ không phải kiểu hứa cho có rồi thôi. Thạch xuề xòa tới mức, tay guitarist của một ban nhạc tưởng anh là tay nhạc công đánh thế cho ban nhạc nào đó!

Nhạc sĩ Sơn Thạch trong Chương trình giao lưu Rock Storm 2013 tại Huế.

Thạch cũng chỉ cười cười, không phân bua, không giải thích. Thạch ân cần nhắc nhở các ban nhạc chuẩn bị, đặc biệt là các ban nhạc trẻ còn “ham chơi” quên trước quên sau. Ân cần tới mức anh bị/được gọi chết với cái tên… “mama tổng quản”. Cá nhân tôi nghĩ có được sự trân quý ấy từ anh em nhạc rock, ngoài cái tính dễ gần, biết lắng nghe từ vị trí của một người nhạc công, Sơn Thạch phải rất hiểu nhạc rock.

Hiểu để đồng hành cùng ban nhạc. Mỗi ban nhạc là một câu chuyện, mỗi bài hát lại chứa một câu chuyện khác. Kể thế nào để vẫn đảm bảo tính liên kết nhưng cũng đầy riêng biệt và ngẫu hứng với đủ cung bậc cảm xúc, sôi động, dữ dội, sâu lắng, hồi tưởng, đắm say, thiết tha, mênh mang ngọt ngào, mong manh, đổ vỡ và hạnh phúc. Từ khởi điểm Hải Phòng, Thạch rút tỉa kinh nghiệm, dần dần hoàn thiện, qua Huế, Đà Nẵng, tới Đồng Nai. Và tại Sài Gòn, người ta thấy một Oringschains rạo rực sức trẻ chào sân, tiếp đến là một Black Infinity bạo liệt đáng yêu, một KOP bất ngờ,…

Và rõ nét nhất là ở Ngũ Cung - ban nhạc có những thang âm biến hóa, tôi thường ví như tiếng gió lách qua các ngách đá trên cao nguyên rồi bung tràn ra khoảng trống, cao vút, ngộp thở, mê say. Họ bắt đầu câu chuyện từ Tấm khăn khô ướt - với hình ảnh cậu bé rụt rè ôm đàn hát về mẹ, rồi lớn lên, chân cứng đá mềm trên những Cao nguyên đá Đồng Văn trập trùng, đi kháng chiến trong Tiến quân ca. Và từ đó, bức sử thi dân tộc trải ra mãi với sông Như Nguyệt, sóng Bạch Đằng, núi Chi Lăng…

Thạch kỹ tính tới mức không bỏ sót những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt, ít người để ý ở khâu âm thanh, ánh sáng. Ví như để PAK thăng hoa cùng Sắc màu, Thạch đã nhờ người dịch, rồi chính anh giải thích cho vị kỹ sư ánh sáng người Nhật hiểu nội dung bài hát để không rơi vào tình trạng ca sĩ hát “một màu xanh xanh” mà ánh sáng lại chiếu màu đỏ hay màu vàng…

3. Một điểm nữa ghi rõ dấu ấn của Thạch là việc anh xem xét và lựa chọn điểm ra vào nhạc cho các band trong đoạn video intro rất kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo độ phối hợp chính xác giữa band và đoạn intro của từng band, thay vì cứ hết đoạn video intro, mặc các band thích nhảy vào chỗ nào thì nhảy như trước đây, và khâu nối tiếp đó thường để lại lỗi. Thế mới thấy nỗ lực khủng khiếp của Thạch và ê-kip làm chương trình.

Vậy mà, Thạch vẫn thấy tiếc nuối: “Anh còn tính để các ban nhạc biểu diễn chung với nhau nhằm tạo sự gắn kết và mới mẻ nhưng vì gấp quá, anh làm không kịp”. (Nhạc rock vốn có nhiều dòng, một số dòng gần gần nhau, nhưng cũng có những dòng khác nhau một trời một vực. Cái tài của người thực hiện là phải hiểu nhạc, nắm bắt để dung hòa, kết hợp chúng lại với nhau. Rất nhiều buổi trình diễn nhạc rock trên thế giới hiện nay đã làm được điều này, dẫu không phải ai cũng thích. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, tính sáng tạo, tìm tòi, làm “sống dậy” những bản nhạc tưởng chừng như đã cũ.)

Nguyễn Tiến Hưng - vocalist ban nhạc Black Infinity - nói về Thạch - gãy gọn, chắc nịch: “Mặc dù anh Sơn Thạch đến với chương trình này trong một thời gian rất ngắn ngủi nhưng so với Black Infinity - gần như là band gắn bó với Rock Storm từ những mùa đầu tiên - anh là người có kinh nghiệm và kiến thức về văn hóa nhạc rock. Tôi nghĩ là nếu để anh Sơn Thạch phát triển Rock Storm trong những năm tới sẽ tốt hơn, sẽ có những buổi biểu diễn hợp lý hơn so với những năm trước đó”.

Trước đêm diễn ở Sài Gòn, đêm đầu tiên ban nhạc người Thụy Điển góp mặt, tôi nói với Sơn Thạch: “Em có tìm hiểu thông tin và nghe thử nhạc của nhóm được mời sang biểu diễn cho chương trình. Chắc tại em không có tai nghe nhạc nên không cảm được…”. Như bắt được tâm trạng, Thạch thổ lộ: “Anh cũng lo quá chừng, chỉ sợ khán giả bỏ về trong tiếng nhạc của Andromeda…”.

Và Thạch đã đúng. 6 mùa Rock Storm, chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng lèo tèo khán giả cuối chương trình như hôm 28/12 vừa qua. Thảm hại hơn điều đó lại xảy ra với một ban nhạc nước ngoài. Những cánh tay thưa thớt, những tiếng hò reo đuối dần. Sân vận động giờ tan diễn, không nườm nượp cảnh xe máy nối đuôi nhau như những năm trước. Andromeda chơi tốt hay không, tùy vào cảm nhận của mỗi người.

Điều tôi đề cập ở đây là sự bất hợp lý khi mời một ban nhạc chơi progressive - dòng nhạc vốn đã “khó nuốt” ngay chính tại cái nôi của nhạc rock - về chơi tại Việt Nam. Và nếu, hiểu điều đó, hẳn nhà tổ chức đã không xếp Andromeda trình diễn sau chót - khoảng thời gian cần giữ “nhiệt” nhất khi người nghe đã thấm mệt - với thời lượng dài gấp đôi các ban nhạc rock Việt.

4. Chuyện của Sơn Thạch, ngoài mấy anh em thân thiết, cũng có một số người biết. Nhưng nếu có ai đó hỏi, chắc anh sẽ từ chối trả lời. Là vì tính anh xưa nay không hơn thua. Thạch lúc nào cũng chỉ lúi húi với công việc, làm mê say. Tận hiến. Đến khi nhìn lại, người ta đã ngắt mất trái ngọt anh dồn bao công sức chăm bẵm, nâng niu. Xót xa, chạnh lòng, hẫng hụt. Có đớn đau nào bằng vết cứa do chính những người chúng ta vẫn hết mực yêu thương, tin tưởng gây ra? Mà Sơn Thạch lại quá nhạy cảm, sự nhạy cảm phản chiếu qua đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt, buồn buồn…

Duy hai lần tôi thấy mắt anh lóng lánh niềm vui. Một là khi Thạch nói về con trai anh - cậu bé hệt anh như hai giọt nước. Hai là khi nghe tôi nói đĩa nhạc xuân của ca sĩ Hồ Trung Dũng, trong đó anh phối khí 4 bài, được đón nhận rất nồng nhiệt. Nụ cười Thạch ngưng tụ cả sự ồn ã nơi tôi và anh ngồi, sáng trưng một chiều nắng nhạt. Tôi hỏi vui Sơn Thạch: “Sau chương trình này, nếu được mời tham gia một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, anh có dám nhận lời không?” Anh cười hiền, chậm rãi: “Anh nghĩ khi người ta tìm đến mình, nghĩa là người ta tin tưởng mình. Đó cũng là cơ hội để anh có thêm sự cọ xát. Có điều phải nói thế nào để ít bị ném đá nhất”.

Thạch lúc nào cũng vậy, cũng nghĩ cho người khác, trước khi nghĩ đến bản thân

Hoàng Dung
.
.