Pianist Nguyễn Việt Trung: Em không muốn gì ngoài tiếng đàn…
Cách đây hơn 10 năm, trong chương trình hòa nhạc được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 9/1/2004 với sự tài trợ của nhà tổ chức hàng đầu thế giới Moet Hennesy Asia, tôi đã sững người nghe Lang Lang, nghệ sĩ piano trẻ nổi tiếng thế giới người Trung Quốc trình diễn, lòng nghĩ, Việt Nam chắc chỉ một Đặng Thái Sơn hoặc sẽ còn rất lâu nữa mới có thêm một ai đó... Lang Lang không chỉ nổi tiếng ở Trung Hoa địa lục mà còn nổi tiếng khắp thế giới với ngón đàn điêu luyện, người đầu tiên của Trung Quốc được vinh dự ghi âm cùng nhiều dàn nhạc nổi tiếng trong đó có dàn nhạc Chicago Symphony...
Nhưng cuối năm 2012, cũng tại Nhà hát Lớn, trong chương trình Pastoral Symphony (12/2012), tôi vô cùng sửng sốt với cậu bé 16 tuổi, (vóc người và gương mặt chỉ như 14-15) xuất hiện trong tư cách khách mời quan trọng, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam giới thiệu rằng: em là Nguyễn Việt Trung. Lời giới thiệu, cũng như một list danh mục những giải thưởng nhiều vô kể của em không làm tôi choáng váng bằng tiếng đàn của em. Tôi nghĩ, không nghi ngờ gì nữa chúng ta đang có một “cậu bé vàng”, tầm thế giới biết đến.
Em không muốn gì ngoài tiếng đàn
Nguyễn Việt Trung bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Bố Trung làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, lấy học vị tiến sĩ xong, ông mang gia đình sang vừa tiếp tục nghiên cứu vừa nghĩ cách làm giàu. Mười năm trước ông là một trong những người giàu có, nhờ sự cởi mở của nền kinh tế Việt Nam theo hướng “kinh tế trí thức”.
Trung sang Ba Lan từ năm 1997, lúc mới 6 tháng tuổi. Khi 4 tuổi, chị gái học đàn, Trung đi theo. Chỉ nghe, rồi thích những bản mà chị gái chơi, vào giờ chị nghỉ giải lao, cậu ngồi vào đàn, chân còn phải với, nhưng tiếng đàn của cậu đã khiến bà giáo quá đỗi ngạc nhiên. Bà xúc động khuyên bố mẹ nên cho Trung vào trường nhạc. Khi 7 tuổi, Trung đi học cả hai trường (văn hóa, và nghệ thuật), học bằng tiếng Ba Lan, rồi sau tiếng Pháp, Trung đã vượt qua tất cả những thử thách một cách dễ dàng.
Nếu ai đã từng học ở nước ngoài và nhất là học nghệ thuật đều hiểu rằng, để có kết quả, người học phải trải qua nhưng thử thách kép, và không ít người chỉ gặt được “cái vỏ trình độ”. Nhưng với Trung thì khác, khác hẳn. Các giáo sư dạy Trung đều nói với cha mẹ Trung rằng, em là một “của hiếm”, thời gian không dễ dàng sản sinh cho nhân loại “của hiếm” nên cần “vượt khó” cùng Trung để dành cho em những điều kiện tốt nhất cho em phát triển tài năng. Thế là cha của Trung đã đứng trước lựa chọn, cuối cùng ông bỏ hết để tập trung vào việc: tìm thầy, chọn trường, bước từng bước với con trong con đường nghệ thuật của… người xuất chúng.
Cứ hai năm một lần, Ba Lan tổ chức thi toàn quốc về đàn dương cầm cho học sinh hệ trung cấp. Cuộc thi diễn ra theo ba vòng, thu hút hàng nghìn người ứng thí. Nguyễn Việt Trung liên tục đoạt các giải cao quý: Giải nhì cuộc thi piano tại Zyrardow, Ba Lan (năm 2004 và 2006); Giải nhất cuộc thi piano lần thứ ba toàn Ba Lan mang tên Emmy Alberg (2005); Giải đặc biệt cuộc thi Chopin vùng Mazowiecki, Ba Lan (2006).
Năm 2007, Nguyễn Việt Trung đoạt giải ba Festival piano quốc tế tại Glubczyce, Ba Lan và đặc biệt là Giải dành cho tay đàn thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất. Năm 12 tuổi (2008), em đoạt Giải Tư cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni - Ba Lan và Giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski - Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan, nơi em thi với những thí sinh hơn mình 3-4 tuổi.
Tại vòng thi chung kết diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18/1/2014, Nguyễn Việt Trung đã thể hiện xuất sắc ba tác phẩm khó, cực khó của J.S.Bach: Preludium i fuga G-dur DWK I, của F.Liszt: Etiuda gis-moll La Campanella, và của L.van Beethoven: 32 Variations in C-minor WoO 70. Và Trung, cậu bé vàng gốc Việt đã vượt qua 54 thí sinh khác để giành giải nhất và giải Grand Prix - Giải thưởng cao quý nhất của một cuộc thi âm nhạc. Chương trình Pastoral Symphony (12.2012).
Cũng trong lần về nước tháng 12 năm 2012, Trung xuất hiện trong Luala Concert đường phố, làm khán giả từ già tới trẻ đều “mắt trọn mắt dẹt” ngạc nhiên. Hôm đó, Trung say sưa thể hiện Trống cơm của Đặng Hữu Phúc, sau đó là bản của F. Chopin. Bản của F. Chopin, còn gọi là black key (phần lớn các nốt trong bản nhạc đều đánh vào phím đen, thế nên âm sắc nó rất giống với ngũ cung trong âm nhạc dân tộc) có lẽ Trung muốn dạo khúc đầu “về nguồn” bằng âm thanh. Sau đó là bản của F. Liszt. (Đây là bản La Campanella của Paganini được Franz Liszt chuyển soạn cho piano. Cả Paganini và Franz Liszt đều là thiên tài của violon và piano) Trung đã chọn những tác phẩm cực khó, và em đã thể hiện những kiệt tác tuyệt vời đó một cách tài tình.
Khi nghe Trung đàn, tôi lại nhớ đến cái danh mục giải thưởng dài dằng dặc của em: 2010, tên em vang lên với Giải nhì cuộc thi quốc tế “Chopin cho người trẻ tuổi”. Năm 2011, tại Tây Ban Nha, Nguyễn Việt Trung lại tiếp tục giành Giải nhì (không có giải nhất) và đoạt giải dành cho cây đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract - Rotary Int’l Piano Competition. Em là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan cùng giáo sư nổi tiếng Andrea Bonatta vào tháng 3/2013.
Muốn thành công phải nỗ lực
Dù còn rất nhỏ tuổi, đã có ước mơ thành người được thế giới biết đến, được bè bạn chú ý và có sức thu hút đối với bạn cùng trang lứa nhưng Trung đã có ý thức không chọn con đường “ăn xổi”. Em bảo, em muốn nổi tiếng như Lang Lang nhưng không theo cách của Lang Lang (diễn nhạc cổ điển thành pop). Với Trung, nhạc cổ điển là khuôn thước, là cơ sở cho thẩm mỹ nghệ thuật, nếu nó quá khó thì em sẽ tự nhận trách nhiệm làm cho nhạc cổ điển trở nên phổ cập hơn (tiếp cận với đông đảo công chúng hơn) chứ không phải biến nó thành một loại âm nhạc khác, khiến nó thiếu đi sự sang trọng của nghệ thuật đỉnh cao. Trung đã mường tượng đến những hy sinh, những ham muốn tuổi trẻ để cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật.
Có lẽ quê hương của Chopin đã góp phần nuôi dưỡng và tạo nên một tài năng piano Nguyễn Việt Trung, nhưng văn hóa Việt cũng chảy trong huyết quản cậu để tạo ra một Nguyễn Việt Trung tài năng mà giản dị, hồn nhiên. Trung học được ở các bậc thầy người Việt của mình sự tôn trọng âm nhạc, lúc tập đàn phải nghiêm túc và tập trung tuyệt đối. Khi tiếp cận một bản nhạc phải tự mình đặt ra câu hỏi vì sao tác giả lại viết như thế. Muốn hiểu được tác phẩm và tác giả phải tìm hiểu văn hóa, lịch sử, môi trường, thời đại mà tác giả đã trải qua. Quá trình trải nghiệm đó sẽ cho nghệ sĩ một cộng hưởng cảm xúc với tác giả để khi thể hiện tác phẩm, âm thanh không vang lên từ tổng phổ mà vang lên từ trái tim người nghệ sĩ.
Tìm hiểu về Nguyễn Việt Trung tôi lại nhớ đến ngày em chơi bản Nocturne No 20 của Chopin ở Hà Nội. Nhớ em kể, khi 13 tuổi em đi Hungary biểu diễn tại Festival giao lưu văn hóa Hungary - Ba Lan, em cũng chơi bản nhạc này, trong khán phòng em nhìn thấy không ít người mắt ngấn lệ, sau đó, trên báo Hungary gọi em là “cậu bé vàng Việt Nam, người có trái tim Ba Lan”. Cũng không ít người Ba Lan ở Hungary nói rằng khi nghe em đàn họ lại nhớ Ba Lan da diết.
Ở Ba Lan tuần nào cũng có chương trình biểu diễn âm nhạc. Trung thường đi nghe các nghệ sĩ lớn sang Ba Lan biểu diễn. Cuộc sống của em tràn ngập tinh thần nhạc cổ điển, từ những buổi chiều ngoài công viên hay trước khi bước vào giấc ngủ một ngày, em cùng mẹ hay bật nhạc Chopin để cùng nghe. Trung thạo tiếng Pháp, Anh, Ba Lan, nhưng tiếng Việt của em cũng tốt bởi gia đình em có một nguyên tắc là khi ở nhà thì nói tiếng Việt, và bố mẹ là người nêu gương sống với văn hóa Việt cho gia đình em.
Có thể vì quá xúc động sau khi nghe Trung đàn những tác phẩm của L.Beethoven, F. Chopin, S. Prokofiev đêm 3/7/2015 ở phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chúng tôi đã nổ ra tranh luận, tôi cho rằng Nguyễn Việt Trung “xử lý” những đoạn khó trong 3 tác phẩm của 3 nhà soạn nhạc thiên tài kể trên tài tình không kém bất cứ tài năng piano hiện tại nào, có người bảo tôi hơi “bốc đồng”.
Mang bó hoa lên sân khấu tặng cho em, người mà tôi lần đầu đến gần, nước mắt tôi lặng lẽ chảy cho sự tự hào nước Việt. Đêm đó, cả nhà tôi không ngủ, mở nghe Lang Lang. Và tôi vẫn giữ nguyên ý nghĩ của mình… Em lại sắp trở về Ba Lan, học tập và biểu diễn, em ơi, dù có quốc tịch Ba Lan rồi, hay sau này là người Mỹ, người Pháp… gốc Việt, em hãy nhớ em là niềm tự hào của tôi, của những người tự hào nước Việt, em nhé...