Phương Thảo – Ngọc Lễ: Những lời tình như mây

Thứ Năm, 13/11/2014, 10:52

Sài Gòn một sáng mù mây. Mưa rây rây tạo thành lớp màn mờ ảo trước mắt tôi. Quán nâu trầm nép mình giữa dòng xe cộ ồn ào. Những chiếc bàn nho nhỏ, những chiếc ghế nho nhỏ được ghép lại từ mớ gỗ vụn thô mộc, phảng phất mùi thời gian. Rì rầm những âm thanh. Như thể người ta sợ tan mất cái nước thời gian ấy. Trong một phút bất chợt, tôi nhận ra rằng, có những thứ thô mộc luôn ánh lên vẻ cuốn hút lạ lùng. Để khi đặt cạnh nhau, chúng cùng nhau thăng hoa, tỏa sáng. Thứ ánh sáng giản dị và dịu mát tâm hồn. Âm nhạc của Phương Thảo – Ngọc Lễ là thứ ánh sáng như vậy.

1. Thật khó để hình dung, một ngày nào đó Phương Thảo thôi hát cùng Ngọc Lễ. Dẫu trước khi kết đôi, họ đã có vị trí của riêng mình. Dẫu những ngày tháng nơi đất lạ, mấy lúc nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ tiếng pháo tay giòn giã và trên hết là cái năng lượng thèm được bung tỏa qua những giai điệu, ca từ. Phương Thảo bàn với Ngọc Lễ tìm một vài giọng ca trẻ, sáng tác trên tông nhạc của họ.

Trong đời sống, hoặc những công việc thường nhật của cơm áo gạo tiền, người ta đôi khi rất cần một tâm hồn đồng điệu để mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tôi luôn tin rằng, bên cạnh gia đình thì không gì hạnh phúc bằng việc có được một người bạn, một cộng sự hiểu mình, có thể tiếp bước những gì mình đang thực hiện hoặc yên tâm giao phó khi tất bật cho một chuyến đi xa. Dĩ nhiên, không phải ai cũng sở hữu được may mắn ấy. Trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, sự đồng điệu càng trở nên cần thiết. Bởi lẽ, trong trái tim nhạy cảm, đa mang của tâm hồn nghệ sĩ luôn chất chứa “mặc cảm” cô đơn, cần những “chiếc cầu” san sẻ. Cho nên, nghe nhạc Trúc Phương, người ta tìm cho kỳ được tiếng hát liêu trai của danh ca Thanh Thúy. Trong gần chục ca sĩ từng hát nhạc của Trường Sa, người ta vẫn chỉ xuyến xao trước tiếng hát Lệ Thu. Giả dụ, nhạc của Lê Uyên Phương vắng tiếng hát khàn đặc của Lê Uyên bên cây guitar bập bùng thì thật vô hồn. Là vậy đó! Có những mảnh ghép – từ lúc sinh ra trong cuộc đời này – chỉ để dành cho nhau, ở một dạng thức nào đó.

Có những giai điệu được khơi nguồn từ đời sống xung quanh, song cũng có những giai điệu chảy ra từ chính câu chuyện của người nhạc sĩ. Nhạc của Ngọc Lễ là nhạc của tiếng lòng, và Phương Thảo hát bằng sự đồng cảm của một tri âm. Có lẽ vậy nên mười mấy năm rồi, những giai điệu ấy vẫn ngân nga, vẫn xuyến xao khi góc quán cũ kỹ nào đó bất chợt vang lên tiếng guitar trầm trầm: Sáng nay, café một mình/ Sài Gòn chợt mưa, chợt mưa/ Nhớ em bao nhiêu cho vừa... Album này đánh dấu giai đoạn rực rỡ của cặp đôi Phương Thảo – Ngọc Lễ sau thời kỳ Ngọc Lễ là chàng rocker phong trần, phủi bụi với ban nhạc Đen Trắng. Nếu, tôi nhớ không nhầm thì, ngoài băng cassette Không dám đâu (1994) của ca sĩ Ngọc Ánh, Café một mình (1997) là băng cassette thứ hai thời điểm đó cán mốc kỷ lục khi bán được một trăm ngàn bản.

Những sáng tác của Ngọc Lễ qua tiếng hát Phương Thảo man mác nỗi buồn trong sáng, da diết, thơ mộng, những xúc cảm tinh khôi của bao đôi lứa yêu nhau: Nhớ khi xưa anh chở em/ Trên chiếc xe đạp cũ/ Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè/ Nhớ khi xưa bao mộng mơ/ Trên chiếc xe đạp cũ/ Dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu…  Tôi không thể nào quên được dáng ông cậu gầy nhom, nằm đu đưa trên võng, bóng nắng xiên vách, vu vơ hát: “Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu. Mối tình xưa, thoáng như một giấc mơ…”.  Biết bao lần, nghe cậu hát bài này, vậy mà tự dưng bữa đó thấy thương cậu vô cùng. Cậu tôi, đến tận bây giờ, vẫn lẻ bóng đi về… Chiếc xe đạp xước xẹo năm nào được đặt trân trọng trong một góc nhà. Ngùi ngùi thương nhớ. Xa xăm… Tôi nhớ thằng bạn ất ơ từ ngày còn học ở quê, yêu cô bạn cùng phòng tôi, mỗi sáng dù nắng dù mưa vẫn đều đặn đạp qua bốn năm lượt cầu chở cô gái đi học. Tiếng cười rúc rích vọng lại phía sau. Yêu thương vốn dĩ khó lý giải. Ngày hai đứa chia tay, gã con trai ngồi thất thần bên thành cầu. Chân liên tục xoay những vòng xe trống không…

2. Chính bởi âm nhạc của Ngọc Lễ được khơi nguồn từ cảm xúc thật trong đời sống nên, từ ngày có Na, có Nấm, say sưa với hạnh phúc gia đình, Ngọc Lễ và Phương Thảo gần như chuyển hẳn sang viết và hát những bài tụng ca hạnh phúc, tụng ca những niềm vui nhỏ bé trong nhà mà chẳng cần gợi ý từ một cuộc vận động sáng tác nào. Đó có thể là đêm chị trở dạ sinh con, là cơn sốt của trẻ nhỏ, âu lo của ba mẹ, là những vật dụng, đồ chơi nhỏ xíu của con trong nhà. Nói khác đi, đó là câu chuyện rất thật trong đời sống được kể lại bằng âm nhạc, và được Phương Thảo – Ngọc Lễ say sưa như đàn hát những tụng ca lớn lao của cuộc đời. Có ông bố bà mẹ nào không cảm thấy được sẻ chia, đồng cảm, được “nói hộ lòng mình”? Có đứa trẻ nào trong giai đoạn đó mà không thuộc nằm lòng vài ba câu trong Ba ngọn nến lung linh, Con heo đất, Em vẽ mùa xuân, Em bé bán diêm,...? Cứ thế, nhạc của Phương Thảo – Ngọc Lễ nhẹ nhàng, thương mến thấm vào lòng người nghe, toả đi khắp nơi, trở thành đồng dao cho cả nhà.

Sự “dấn thân” hồn nhiên của Phương Thảo – Ngọc Lễ đã khơi nguồn cho dòng nhạc tạm gọi là “gia đình ca”. Chừng ấy năm trôi qua, Na giờ đã trở thành cô gái tuổi trăng tròn, Nấm cũng đã bước sang tuổi 12, vậy mà hôm tôi đến thăm một người bạn, nghe cháu của bạn ngọng líu: Mẹ mua cho con heo đất/ Mẹ mua cho con heo đất/ í o í ò… Heo không đòi ăn cơm/ Heo không đòi ăn cám/ Heo chỉ cần em bế trên tay ầu ơ… Bài hát này còn được nhiều người lớn tinh nghịch chọn làm nhạc chuông điện thoại. Bỏ qua băn khoăn về sự thiếu hụt những ca khúc thiếu nhi đang làm đau đầu rất nhiều người, mới thấy nhạc của Ngọc Lễ thật sự giá trị và có một chỗ đứng nhất định. Không vì thiếu mới tồn tại đến hôm nay. Để rồi nhìn thẳng vào thiếu hụt ấy, mới thấy viết và hát cho trẻ con, bằng góc nhìn của con trẻ, chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Và cũng vì tình yêu con, Ngọc Lễ từ chối cơ hội trở thành cây viết nhạc ăn khách, Phương Thảo không màng đến giấc mơ diva, âm thầm định cư trên đất Mỹ. Trên đất lạ, để có thể toàn vẹn chăm sóc hai con, một lần nữa, Phương Thảo – Ngọc Lễ chọn cuộc sống lặng lẽ. Người hâm mộ chẳng nghe gì về anh chị cũng như chẳng tìm thấy một nhạc phẩm mới nào, cả trên các sân khấu và các trung tâm ca nhạc hải ngoại. Cho đến một ngày giữa tháng 8, Phương Thảo – Ngọc Lễ bất ngờ xuất hiện trong một chương trình ca nhạc trên truyền hình trong nước, mới vỡ lẽ, hóa ra anh chị vẫn đều đặn đi về mỗi năm. “Người ta gọi những điều anh chị thực hiện là một sự hy sinh…” – tôi ngập ngừng. Ngọc Lễ cười: “Mình có từ nào khác không em? Anh không cho đó là hy sinh, mà là điều tất yếu, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng sẽ dành cho con mình”.

3. 10 năm rứt ra khỏi sân khấu, với Phương Thảo – Ngọc Lễ là một nỗi tiếc nhớ. Tuy nhiên, trong cuộc “thoái ẩn” vì gia đình đó, âm nhạc vẫn chưa bao giờ vắng bóng trong căn nhà nhỏ có bốn ngọn nến lung linh. Nồng nàn. Cuộn cháy. Như những lời tình tự Phương Thảo – Ngọc Lễ dành cho nhau suốt bao năm. Ngọc Lễ vẫn thu âm, vẫn viết nhạc. Để thỏa đam mê ngày trẻ, anh chị thay phiên nhau vừa chăm con, vừa đi học nhạc ở Trường Đại học Cộng đồng. Na và Nấm ngày nào còn líu ríu theo chân ba mẹ giờ đã chững chạc và dạn dĩ. Ở cái tuổi bắt đầu biết điệu nhưng hai em vẫn không khác mấy ngày còn nhỏ. Vẫn gương mặt trắng trẻo, xinh như thiên thần. Vẫn ánh mắt trong veo và mái đầu Nấm do Phương Thảo làm “thợ”.

Còn Phương Thảo – Ngọc Lễ vẫn tay trong tay, nồng nàn, đắm say như “lúc mới yêu”. Trong cuộc trò chuyện với tôi, Ngọc Lễ luôn là người giữ nhịp. Chị Phương Thảo ngồi cạnh anh, thi thoảng bổ sung, làm rõ suy nghĩ của chồng. Mấy lúc anh chuyện say, chị đưa tay vén vài sợi tóc vừa phủ xuống trán. Hỏi bí quyết gìn giữ trước đời sống quá nhiều đổi thay, Ngọc Lễ cười nồng ấm: “Có lẽ do may mắn đó em. Bọn anh làm việc chung nhiều với nhau rồi nên đồng quan điểm với nhau trước nhiều vấn đề trong cuộc sống”. Hạnh phúc của Phương Thảo – Ngọc Lễ không toát ra sự thái quá hay gượng gạo như người ta thường thấy ở những cặp đôi nổi tiếng. Cũng không rụt rè, bẽn lẽn như lúc mới yêu. Nó đằm thắm, âu yếm và mãnh liệt. Thứ tình cảm mà chỉ những ai đã đi một quãng rất dài bên nhau, qua bao thăng trầm của đời sống mới có thể cảm nhận hết được.

Và càng đong đầy hơn khi cách đây một năm, Na quyết định theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Một giấc mơ đã được tiếp nối. Tự nhiên. Cháy bỏng. Giấc mơ của 2 thế hệ. Có lẽ một ngày không xa, cha, mẹ và con sẽ lại đứng trên sân khấu, như những đồng nghiệp

Hoàng Dung
.
.