Phó giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách: Cái tình còn mãi

Chủ Nhật, 30/03/2014, 10:30

Thời gian trôi thật là nhanh, thế là đã mười năm kể từ khi bác sĩ Tôn Thất Bách qua đời. Cho tới hôm nay, tôi còn nhớ mãi cú điện thoại đầu tiên sáng ngày thứ bảy 27/3/2004, nhận được từ một người bạn vong niên, anh Trương Xuân Hương, lúc đó đang là Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế (bây giờ anh Hương đã nghỉ hưu): “Anh báo cho em một tin buồn, anh Bách mất rồi em ạ...”. “Sao lại mất? Ở đâu?- “Anh ấy lên Lào Cai để giảng bài về việc chữa bệnh cho người nghèo, sáng nay mọi người tới phòng đánh thức thì thấy anh ấy đã đi rồi... Bây giờ anh phải cùng anh Liêm (đồng chí Trần Chí Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) lên Lào Cai đưa anh Bách về đây...”.

Thực sự đó đã là một tin choáng váng đối với tất cả mọi người vì ở thời điểm đó, PGS Tôn Thất Bách, đại biểu quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đang trong giai đoạn còn rất sung sức và ấp ủ không ít ý tưởng hữu ích cho tương lai. Nói thực, ở tuổi mới sát lục thập nhưng ngồi với đám trai tứ thập chúng tôi trong những lần gặp gỡ, lắm khi anh Bách còn sôi nổi, nhiệt huyết hơn nhiều...

Cũng phải nói rằng, là một nhà báo, không chuyên về lĩnh vực y tế, tôi không có cơ hội được gặp anh nhiều nhưng tôi luôn coi anh là một trong những người có suy tư gần gụi với mình. Và có lẽ anh cũng có cảm giác tương tự về tôi nên mỗi lần tôi có việc gặp anh, chúng tôi luôn như người quen cũ gặp lại nhau và nói tiếp những điều đau đáu dường như đã bị bỏ dở từ cuộc trò chuyện trước.

Trong con mắt xã hội, PGS. Tôn Thất Bách là một nhân vật nổi tiếng, tài năng và vững chãi. Một vị đại biểu Quốc hội luôn kịp thời đưa ra những ý kiến đóng góp hợp lòng đại chúng. Một quan chức cấp cao của ngành y tế, dù ở cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội hay Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, lúc nào cũng quan tâm tới những vấn đề của các tầng lớp dưới. Một bác sĩ gia truyền hành nghề xứng đáng với người cha rất đỗi lừng lẫy của mình, cố GS. Tôn Thất Tùng. Anh là người tự biết mình và cũng hiểu đời. Anh từng tâm sự: “Tính mình thẳng, bộc trực nên nhiều khi những câu nói của mình không đúng chỗ, có thể gây hiểu nhầm. Cái thứ hai là tính tự trọng, nó không cho phép mình luồn cúi. Mình biết cái đó để làm sao mình phù hợp với công việc chung. Khi anh làm thì phải thấu hiểu tất cả các điều đó để dung hoà các mối quan hệ”.

Cá nhân tôi thì luôn có cảm giác về anh như một người đàn ông thực chất là đa cảm và lắm suy tư. Anh rất yêu kính ba mình nhưng anh muốn khẳng định anh như một giá trị tự lập. Anh hiểu, mặc dù anh không bao giờ dựa vào hào quang của cố GS. Tôn Thất Tùng, nhưng những gì mà anh đạt được có phần rất quan trọng của hào quang đó: người đời nhìn vào anh khắc nghiệt hơn, nhưng cũng dễ dàng cảm thông hơn. Xét từ góc độ này, mới thấy việc trở về làm Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, từng vô cùng gắn bó, gắn bó một cách máu thịt với cố GS. Tôn Thất Tùng, có ý nghĩa thế nào đối với anh. Anh đã vượt qua không ít khó khăn để về nơi ba anh từng gây dựng cơ đồ với ham muốn,  như anh đã tâm sự cùng chúng tôi trong cuộc phỏng vấn cuối cùng cho chuyên mục “Trò chuyện cuối tháng” trên Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng, vun đắp danh thơm cho “tổ ấm y tế” này bằng cách xác lập một phương thức lao động hợp lý để vừa nâng cao đời sống của chính đội ngũ cán bộ y tế, vừa giảm bớt mọi khó khăn cho người bệnh.

PGS. Tôn Thất Bách và con trai, Tôn Hiếu Anh.

Nhận xong quyết định trở về Bệnh viện Việt Đức, anh đã lặng lẽ tới thắp hương trên mộ của ba anh trong Nghĩa trang Mai Dịch... Nước mắt đã âm thầm chảy trên gò má người đàn ông mà đời vẫn quen nhìn thấy tươi cười, hào sảng. Tâm sự về cha mình, anh nói: “Có nhiều cái cha tôi đã để lại cho tôi: thứ nhất là sự trung thực, trung thực từ những việc nhỏ nhất trở đi cho tới việc nghiên cứu khoa học. Một người làm công tác nghiên cứu khoa học, làm cái việc mổ xẻ mà không trung thực thì không ai có thể phát hiện ra được, và một khi ta đã không trung thực một lần rồi, đã nói dối một lần rồi là ta ngựa quen đường cũ, sẽ nói dối lần thứ hai, thứ ba... và chung cuộc là sẽ đi vào tà đạo. Cái thứ hai cha tôi để lại cho tôi là tính nghiêm khắc, cái này cực kỳ quan trọng, vì nó buộc mình không được thoả mãn với tất cả những gì mình đạt được. Thứ ba, cha tôi đã giáo dục cho tôi lòng thương yêu con người, điều này tôi nghĩ nói thì dễ nhưng thực sự thể hiện nó trong tâm tư tình cảm và hành động thường ngày thì không dễ. Phải sống sao để ta luôn có sự đồng cảm sâu sắc nhất đối với những người nghèo khổ, đồng cảm và không vụ lợi.  Thứ tư, cha tôi dạy tôi sự tự lập, tức là mình phải tự làm mọi thứ của mình ngay từ bé, không dựa dẫm. Bản thân tôi được bố dạy là tự đứng trên đôi chân của mình. Đó là những ấn tượng sâu sắc của tôi về cha mình ngoài tài năng mổ xẻ của cụ...”.

Sinh thời, là một lãnh đạo mang trọng trách trong ngành, PGS. Tôn Thất Bách không khỏi có những băn khoăn về phẩm hạnh của đội ngũ cán bộ y tế hiện nay. Anh từng tâm sự: “Ngành y mặc áo trắng nhưng bây giờ cái áo ấy nhiều chỗ bị hoen rồi.  Chúng tôi chữa khỏi bệnh, nếu người bệnh tri ân tặng cho cái gì đó thì cũng có thể chấp nhận, nhưng nếu lấy công việc của mình ra làm thứ để mặc cả với người bệnh thì đấy là điều sỉ nhục lớn nhất đối với ngành y. Tôi biết chuyện này báo chí đã nói giúp nhiều rồi nhưng tôi nghĩ, nếu có thể, báo chí nên đưa thẳng tên họ, địa chỉ cụ thể người phạm lỗi, và trong những trường hợp cần thiết có thể đăng tải nói đi nói lại về một tình huống nào đó. Một sai phạm đã xảy ra cần được nhìn trên nhiều góc độ, để rút kinh nghiệm chung giúp những người khác không mắc phải nữa, điều đó sẽ tốt hơn là chỉ tập trung xử lý một cá nhân. Nói cho cùng, xử lý con người để loại bỏ người ta thì rất dễ, khó là làm sao từ những  chuyện không hay đã xảy ra, chúng ta tự đặt ra cho mình các câu hỏi về thiết bị, con người, tổ chức, cơ chế... và cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ...

Điều nữa tôi muốn nói, cần phải làm sao để chúng ta thuyết phục được người bệnh không chấp nhận sự tiêu cực, bởi vì tôi cũng biết là có rất nhiều người bệnh cứ đến đưa tiền trước cho bác sĩ. Gặp bác sĩ tốt trả lại thì có khi người ta lại nghĩ, hay là anh này chê ít, và người ta lại mang tới nhiều hơn. Cần kiên quyết không để xảy ra hiện tượng biếu xén trước khi nhập viện. Chúng ta đừng biến nét đẹp của người Việt Nam là sau khi ra viện có quả trứng, con gà, điếu thuốc, thậm chí bây giờ là phong bì, chai rượu để biếu bác sĩ hay y tá lại trở thành hiện tượng được coi là tệ nạn, tiêu cực. Đó là chuyện để cho người ta cảm ơn, và đừng để cho người ta biến cái cảm ơn đó thành chuyện mua bán...”. Anh đã rất tỉnh táo khi nhìn nhận vấn đề không đơn giản này: “Chế độ đãi ngộ cho ngành y hiện nay quá bất cập. Nhưng có những ông bác sĩ xe ôtô có rồi, nhà lầu ngất ngưởng rồi mà vẫn tiêu cực. Như vậy đâu có phải là vì cuộc sống khó khăn? Chúng ta phải tách cái này cho hợp lý: vấn đề thứ nhất là phải bảo đảm đời sống tối thiểu của người cán bộ y tế, ít ra là như vậy. Điều này khi chúng tôi lên miền núi, đi về các buôn, các xã mới thấy, thậm chí các em học các trường dân tộc nội trú không muốn đi học ngành y vì các em nói rất đơn giản: học thì dài và khó, lương ra trường thì thấp, làm việc thì vất vả. Còn cái thứ hai, về việc chống tiêu cực thì quan điểm của tôi là, hiện nay đó là vấn đề của tất cả các cơ quan công quyền làm việc với dân chứ không phải riêng ngành y.  Tôi nghĩ, ở đây cần một giải pháp lớn, và ngành y tế cũng là một phần trong đó, thế còn trong lúc chúng ta vẫn để cho các ngành khác có tiêu cực như vậy mà không tập trung ráo riết giải quyết thì khó có thể đưa ngành y tế đi lên được...”.

Còn nhớ, trong lần gặp gỡ cuối cùng khi PGS. Tôn Thất Bách còn sống, trước câu hỏi: “Cho đến lúc này anh có hài lòng với tất cả các đoạn đời đã qua của mình không? Hay còn điều gì muốn làm mà vẫn chưa làm được?”, anh đã trả lời: “Đến cái tuổi này người ta bao giờ cũng ước ao quay lại tuổi trẻ từ đầu với những kinh nghiệm mình đã có. Nhưng với riêng tôi, đối với những việc mình làm được, gọi là thoả mãn thì không, nhưng mà mình cảm thấy hài lòng. Vì sao? Vì mình được mọi người quý mến. Tôi nghĩ, đấy là một niềm hạnh phúc. Còn những việc mình vẫn chưa làm được, mình để lại cho thế hệ trẻ làm tiếp, không nên sốt ruột...”.

Đã mười năm trôi qua khi PGS. Tôn Thất Bách về cùng thế giới bên kia nhưng những ký ức tốt đẹp về anh vẫn còn tươi rói trong lòng đồng nghiệp, bạn bè và những người thân. Con trai anh, nhà thiết kế thời trang Tôn Hiếu Anh, khi nhắc về cha mình, vẫn còn bổi hổi: “Lúc sinh thời, bố tôi chỉ mong ước  con trai mình sống có trách nhiệm với bản thân mình. Tôi cảm thấy tôi  đang làm được điều đó và như thế tôi thấy bố tôi mãn nguyện rồi. Ai chẳng muốn mình giàu có nhưng tôi nhận thấy thiên thời - địa lợi - nhân hoà không có, hay phước phận may mắn đó không dành cho mình, thì cũng phải vui vẻ sống cách khác. Theo tôi nhìn nhận dù có trong người máu rồng hay máu phượng thì cũng chỉ cần sống sao cho đáng sống. Sống có lý tưởng, có ước mơ là điều tôi quan tâm. Gia đình là nơi yên ấm nhất của mình dù mình có là ai. Đã là  gia đình thì mọi người sẽ hiểu nhau nhất. Vì lẽ đó, tôi chưa bao giờ miễn cưỡng buộc mình làm việc gì mà mình không thích. Sống cho mình và chăm sóc bố mẹ mới là phận sự của kẻ làm con. Bố mẹ không thể sống hộ tương lai của mình nên bố mẹ luôn ủng hộ các quyết định của tôi. Chính vì vậy nhiệm vụ mà gia đình tôi đặt ra cho tôi chỉ là: Không vi phạm pháp luật và có trách nhiệm với bản thân, và điều đó còn hơn là công thành danh toại...”.

Khi nhắn tôi nhớ tới dự lễ tưởng niệm lần thứ 10 PGS. Tôn Thất Bách, tổ chức ở nhà nghỉ cuối tuần của gia đình anh trên Xuân Mai ngày chủ nhật 23-3-2014, anh Đỗ Hán, một cựu chiến binh Quảng Trị, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (giúp việc cho anh Bách), nguyên Chánh Văn phòng Bộ Y tế, đã gửi kèm những câu thơ: “Anh đi xin gửi gió theo/ Gió mang hương của đất nghèo mẹ cha/ Xin đừng quên nhé tháng Ba/ Dẫu xa xôi mặt chẳng nhòa nhạt hương...”. Đúng thật, những con người tài đức vẹn toàn như PGS. Tôn Thất Bách thì dù đã đi xa vẫn lưu lại trong lòng hậu thế cái tình không thể bao giờ phai nhạt...

Minh Huyền
.
.