Phát kiến lỗi lạc và tình yêu lặng lẽ

Thứ Tư, 14/03/2007, 14:00

Sau khi từ chối huy chương cao quý nhất của giới toán học và lảng tránh phần thưởng 1 triệu USD, nhà toán học Nga Grigori Perelman vẫn hiện diện trong danh sách 5 tác giả có công trình khoa học xuất sắc nhất năm 2006. Song, vị thiên tài mới 40 tuổi này vẫn lui vào ở ẩn và hình như đang... yêu một cô nàng.

Như thách thức các nhà toán học thế kỷ XX, ngày 8/9/1900, nhà toán học David Hilbert đã đưa ra danh mục 23 bài toán thiên niên kỷ, trong đó có bài toán Fermat đã 358 năm nay chưa ai tìm ra lời giải. Trên thực tế, năm 1994, nhà toán học Anh Endrew có trình bày lời giải cho bài toán này, nhưng rút cuộc lại là lời giải sai.

Theo gương David Hilbert, nhiều nhà toán học đưa ra các bài toán khác để loài người giải trong thế kỷ XXI. Từ năm 2000, Viện Toán học tư nhân Clay (Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ) đã chọn ra 7 bài toán của thiên niên kỷ (trong đó có bài toán của Poincaré) và treo giải thưởng một triệu USD (tương đương giải Nobel) cho người nào giải được một trong 7 bài toán đó. Theo quy định, lời giải phải được công bố trong một tạp chí khoa học có uy tín và quyết định tặng giải thưởng phải được cộng đồng các nhà toán học thông qua. Nghĩa là, trong vòng 2 năm sau khi công bố, lời giải đó không ai có thể bác bỏ; đặc biệt - tác giả lời giải vào thời điểm trao giải phải chưa đầy 40 tuổi, tính từ đầu năm…

Một bài giải và phần thưởng triệu đô

Năm 2002, lần đầu tiên, nhà toán học Nga Grigori (Grisha) Perelman 36 tuổi tuyên bố đã giải thành công bài toán do nhà toán học-vật lý học kiêm triết gia Pháp Jules Henri Poincaré đề xướng năm 1904. Anh còn giải được cả bài toán Thurston - một dạng tổng quát, trong đó bài toán Poincaré chỉ là trường hợp cá biệt. Từ bấy đến nay, 4 năm đã trôi qua, những bộ óc hàn lâm nhất thế giới đã tập trung rà soát, phân tích nhưng vẫn không tìm được một sai lầm nào của Perelman.

Lời giải bài toán Poincaré của Grigori Perelman là bước phát triển đột phá trong toán học, cho phép mô tả các quá trình vật lý vô cùng phức tạp trong không gian ba chiều và tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển công nghệ máy tính topo. Thậm chí, phương pháp của Grigori Perelman có thể giúp chúng ta tìm ra lời giải thích chính xác về ý nghĩa của thuyết phong thủy, nghĩa là bí quyết về tác động của các cấu hình vật thể lên không gian sinh tồn của con người. Phương pháp giải bài toán của Poincaré do Grigori Perelman đưa ra sẽ mở ra một hướng mới trong sự phát triển bộ môn hình học và topo học, xứng đáng được tặng Fields Medal - huy chương cao quý nhất của Hội Toán học quốc tế.

Tuy nhiên, tại Đại hội các nhà Toán học toàn cầu lần gần đây (Madrid, 8/2006), dự kiến vinh danh Tiến sĩ Grigori Perelman đã không thành mặc dù trước đó, ngài John Ball - Chủ tịch Hội Toán học quốc tế - đã đích thân đến Nga thuyết phục Perelman đến với các đồng nghiệp quốc tế và nhận huy chương… Còn phần thưởng một triệu USD của Viện Clay vẫn nằm trong két, trong khi người có quyền nhận nó - Grigori Perelman - cứ sống độ nhật bằng khoản lương hưu của người mẹ già nua.

Bậc thiên tài có cuộc sống dị thường

Cậu bé Grisha chào đời ngày 13/6/1966 và sớm bộc lộ tài giải toán nhanh hơn thầy nên được gọi vào trường chuyên Toán-Lý ở Peterburg. Mới 16 tuổi, Grisha đã giành được Huy chương vàng với số điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 1982. Sau khi được tuyển thẳng vào đại học rồi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Peterburg, Grisha ra làm việc cho Viện Toán học mang tên Steklov. Cuối thập niên 80 của thế kỷ vừa rồi, Grisha sang làm việc cho một số trường đại học của Mỹ rồi trở về Viện cũ làm việc cho phòng thí nghiệm Toán-Lý từ 10 năm nay với đề tài chứng minh hình thức của vũ trụ.

Giải xong một bài toán của thiên niên kỷ, anh rút khỏi biên chế Viện Steklov rồi về đóng cửa ngồi nhà…  Hỏi các đồng nghiệp của Perelman ở Peterburg, họ đều khuyên: "Muốn trông thấy cậu ấy, hãy đến phòng hoà nhạc, vào một cuộc thi giọng hát hay". Chọn đúng dịp như thế, một nữ phóng viên khả ái đã quyết rình để gặp Grigori Perelman. Cứ lặng lẽ tăm tia suốt nửa chương trình biểu diễn, đến lúc nghỉ giữa giờ, cô đã tiếp cận được người cần tìm: mặt mũi râu ria, hốc hác, chiếc quần jeans và đôi giày thể thao cũ rích, chiếc áo vét sờn mòn, đứng thu lu ở một góc khuất, nét mặt đăm chiêu, chỉ có một chi tiết quen qua những tấm ảnh từng đăng trên rất nhiều báo chí quốc tế: Đôi mắt rất sáng!

Cô vuốt lại nếp váy và mạnh dạn tiến đến gần:
- Thưa, ông là Grigori Perelman?
- Vâng - trong ánh mắt người đáp lộ rõ vẻ lo lắng…
- Tôi rất muốn được làm quen với ông, ông là người duy nhất…

Cô phóng viên xinh đẹp chưa kịp nói hết câu diễn tả lòng hâm mộ của một người bình thường yêu toán học, đã thấy Perelman lắc đầu quầy quậy: "Không, không, không. Tôi không nói gì đâu" - rồi nhảy phóc vào… buồng vệ sinh. Cô phóng viên không thể tiếp tục bám theo nhân vật, đành ngóng chờ bên ngoài, nhưng vô ích: nhà toán học không nghe nốt chương trình, mà tìm cách biến khỏi phòng hoà nhạc, lặng lẽ rút về căn hộ của mình…

Và một tình yêu khó tả

Những phóng viên tò mò đã phát hiện ra một địa chỉ khiến nhà toán học luôn luôn lảng tránh người đời vẫn cứ đến thường xuyên và không cần dè chừng gì cả. Đó là một siêu thị cỡ nhỏ ngay gần nhà anh ở Peterburg. Về nguyên tắc, chuyện chợ búa thì người mẹ có thể lo liệu, nhưng nhà toán học trẻ tuổi lại cứ thích làm lấy việc này. Một người phụ nữ hàng xóm bật mí rằng nhà toán học đã phải lòng một nhân viên bán hàng trong đó, nhưng tính tình nhát gái như sợ lửa nên anh chưa dám ngỏ lời yêu.

Thế là hàng ngày Perelman đến siêu thị, lẳng lặng ngắm "người tình trong mộng", mua bán qua loa… rồi mới an tâm trở về căn hộ của mình. Theo lời các cô Olga Mintz và Tatiana Poliakova - kế toán của siêu thị - thì Grigori Perelman trong rất nhiều năm qua thường chỉ mua một vài thứ quen thuộc: ổ bánh mì đen, gói mì ống, sữa chua, loại "Bifidk" hoặc "Bifilife". Quầy hoa quả thì hầu như anh không đặt chân đến. Những loại táo, cam nhập ngoại vốn không phù hợp với túi tiền của anh. Nói chung, anh chỉ mua những thứ giá không đắt và đủ để chế biến được những món ăn thông thường. Đặc biệt, không bao giờ Grigori Perlman mua bất cứ một thứ rượu bia hoặc đồ xa xỉ nào. Còn tình yêu - nhà toán học thiên tài cứ lặng lẽ và đơn phương hưởng thụ mà chưa cần chi phí một khoản tiền nào.

Nữ nhân viên siêu thị đó có tên Antonina Orlova. Cô thổ lộ: "Từ lâu, tôi đã để ý đến anh ấy ở siêu thị này. Tôi sẵn lòng làm quen với anh ấy thôi, bởi anh ấy là người thông minh như thế. Tất cả các cô gái ở đây mới nghe được chuyện của anh ấy cho nên đều để mắt tới anh ấy, chứ trước kia, họ đều nhìn anh một cách bán tín bán nghi: người đâu mặc toàn đồ đen, tóc tai bù xù, móng tay cũng dài… Anh ấy xuất hiện như một bóng ma, vào đúng cái giờ mọi người khác đều đi làm cả. Riêng tôi thì tôi hiểu, anh ấy không phải hạng người kỳ dị: áo quần không che giấu nổi một bộ óc và nét duyên riêng!"

Nguyễn Đăng Bẩy
.
.