Phan Trọng Tuệ: Vị tư lệnh của đường 559 huyền thoại

Thứ Sáu, 15/02/2008, 09:45
Đồng chí Phan Trọng Tuệ là một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, có đức độ và tài năng, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng, chân thành và thuỷ chung, gần gũi và đoàn kết mọi người...

"Cuộc đời hoạt động hơn nửa thế kỷ của đồng chí luôn có mặt trên khắp các chiến trường, ở những nơi gian khổ, khó khăn bậc nhất. Đồng chí luôn gắn bó với dân, dựa vào dân và được dân tin yêu, đùm bọc.

Đồng chí Phan Trọng Tuệ là một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, có đức độ và tài năng, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng, chân thành và thuỷ chung, gần gũi và đoàn kết mọi người...".

Trên đây là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho đồng chí Phan Trọng Tuệ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, vị Tư lệnh đầu tiên của CAND vũ trang, vị Tướng của đường 559 huyền thoại…

Người cộng sản trung kiên

Quê gốc ở Sài Sơn, Hà Tây, nhưng nơi chôn nhau cắt rốn của đồng chí Phan Trọng Tuệ là đất nước Triệu Voi. Thân phụ đồng chí Phan Trọng Tuệ là cụ Phan Trọng Định, khoảng đầu thế kỷ XX, đã phiêu bạt sang tận Lào, Thái Lan mưu sinh.

Sau khi gây dựng được cơ ngơi tại Viêng Chăn, cụ Định về nước đón cụ bà Trịnh Thị Miễn cùng hai người con gái Phan Thị Lạng và Phan Thị Nén sang đoàn tụ. Tại vùng đất mới an lành, hai cụ sinh được thêm 4 người con là Phan Trọng Tuệ (sinh ngày 7/7/1917), Phan Trọng Quang, Phan Thị Sáng, Phan Thị Suốt.

Đúng như tên gọi - cũng là ước nguyện của các bậc sinh thành, những người con trong gia đình cụ Phan Trọng Định - Trịnh Thị Miễn đều thông minh, hiếu học.

Khoảng giữa năm 1930, Viêng Chăn trở thành nơi lưu trú của nhiều chiến sĩ cách mạng sau sự kiện Xôviết Nghệ Tĩnh bị dìm trong biển máu, phải lẩn trốn sự truy lùng của mật thám Pháp.

Cụ bà Trịnh Thị Miễn, tuy chỉ là người nội trợ, nhưng cũng là người đứng đầu tổ chức ái hữu, đã vận động bà con Việt kiều che chở, đùm bọc những chiến sĩ cách mạng. Được tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những người cách mạng, Phan Trọng Tuệ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội như giúp đỡ người nghèo, chống lại sự hà hiếp, áp bức của bọn chức dịch, tay sai…

Năm 1934, Phan Trọng Tuệ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1935, Phan Trọng Tuệ tham gia lãnh đạo cuộc mít tinh lớn phản đối thực dân Pháp, nên bị bắt giam 4 tháng. Sự việc này, cùng với ảnh hưởng và những việc làm yêu nước của gia đình họ Phan khiến chính quyền sở tại lo ngại, họ bèn trục xuất cả gia đình về quê gốc Sài Sơn để quản thúc…

Tại quê hương, mặc dù bị bọn mật thám, tay sai kiểm soát gắt gao, song những thành viên trong gia đình họ Phan vẫn một lòng hướng về cách mạng. Tháng 10/1940, Đảng bộ tỉnh Sơn Tây được thành lập, đồng chí Phan Trọng Tuệ trở thành Bí thư đầu tiên, sau làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ… những người em trong gia đình đồng chí cũng đ?u tham gia công tác cách mạng.

Một câu chuyện cảm động và đầy chất hào sảng thể hiện sự trung kiên của những người cộng sản, vẫn được lưu truyền: Cùng dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang), ba vị Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình và Phan Trọng Tuệ - vốn gắn bó khăng khít từ ngày cách mạng còn trứng nước - gặp lại nhau sau bao năm xa cách và đều từng trải qua nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân Pháp…

Họ bồi hồi nhớ lại ngày 6/5/1943, đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) chủ trì Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ tại một địa điểm thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam, có sự tham dự của hai xứ ủy viên Trần Tử Bình và Phan Trọng Tuệ.

Cuộc họp tiến hành nhanh gọn, kết thúc vào ngay buổi chiều. Để đảm bảo bí mật, cơ sở sắp xếp 3 vị nghỉ qua đêm trên võng tại một trang trại giữa cánh đồng. Bỗng nửa đêm, có tiếng chó sủa rát, Trần Tử Bình thức giấc, vừa hô vừa giật võng báo động "Trốn, mật thám vây!", rồi cõng "thượng cấp" Hạ Bá Cang (có tật ở chân vì bị giặc tra tấn, không chạy bộ được) thoát khỏi vòng vây; riêng Phan Trọng Tuệ bị bắt…

Nhắc lại chuyện xưa, Phan Trọng Tuệ hỏi: "Lần đó, các anh chạy nhanh quá. Biết bị vây, sao anh Bình không báo tôi?".

Trần Tử Bình phá lên cười: "Tôi đã giật võng báo ông, rồi phải đưa "thượng cấp" chuồn ngay không thì bị bắt cả lũ. Ít lâu sau, tôi còn nghe trong nhân dân truyền miệng rằng: đêm đó, bị mật thám vây tứ phía mà ông Cang "thọt" vẫn bình tĩnh bật người, túm lấy ngọn tre, vọt ra ngoài biến mất!".

Hiểu ra căn nguyên, Phan Trọng Tuệ mới hết "ấm ức": "Thấy bị rơi xuống đất, tưởng mình nằm mơ, tôi lại trèo lên võng và ngủ tiếp. Ai ngờ…". Đến lúc này, đồng chí Hoàng Quốc Việt vui vẻ xen vào: "Tại ngày ấy chú Tuệ còn trẻ quá, mới 26, đang tuổi ăn, tuổi ngủ"… Cả ba vị cười giòn tan trong tình đồng chí thắm thiết.

Vị tướng nơi "đầu sóng ngọn gió"

Cuộc đời Tướng quân Phan Trọng Tuệ (đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 11/1955) gắn với Đường 559 anh hùng, gắn với những mặt trận gay go, ác liệt.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị) trong hồi ức của mình nhớ lại: "Đầu năm 1965, anh Phan Trọng Tuệ được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 và anh Đinh Đức Thiện là Phó tư lệnh. Mang tấm lòng sâu nặng đối với chiến trường miền Nam, hai anh đã chủ trương thí điểm vận tải cơ giới có quy mô cấp tiểu đoàn (mùa khô năm 1965) để làm cơ sở đẩy mạnh vận tải cơ giới, đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Đây là một chủ trương táo bạo, đúng đắn, kịp thời"…

Tuy nhiên, do lực lượng phòng không của ta còn mỏng nên các tuyến đường bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Trước tình hình trên, có người đặt câu hỏi: Việc vận chuyển sẽ dùng sức người gùi thồ là chính hay cơ giới là chính?

Sau nhiều cuộc thảo luận - như đồng chí Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng tình với ý kiến của anh Tuệ, anh Thiện: lấy vận tải cơ giới là chính, chủ động kết hợp vận tải thô sơ, từng nơi, từng lúc".

Để chi viện đắc lực sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đồng chí Phan Trọng Tuệ đã trực tiếp có mặt trên hầu khắp các cung đường máu lửa của Trường Sơn, kịp thời đưa ra những quyết sách sáng suốt trong tổ chức, xây dựng và đảm bảo an toàn cho mạng lưới giao thông của Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại: "Năm 1972, tôi về Hà Nội báo cáo với Quân ủy, với Thường trực Chính phủ về dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn (đường ngắn nhất tiếp cận chiến trường). Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo tôi sang bàn thêm với anh Phan Trọng Tuệ.

Trong chương trình, tôi cũng sắp xếp việc đó. Do đã biết chỗ làm việc của anh, sau khi xin phép trên điện thoại, tôi đến thẳng. Xúc động, anh ôm tôi vào lòng chúc mừng chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, chúc mừng kế hoạch vận tải chi viện năm 1971. Tôi biết trách nhiệm của anh gắn chặt với Nam Bộ nên từng bước đi của chiến trường, của tuyến vận tải đều có anh trong đó…".

Trong buổi làm việc trên, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã báo cáo những thuận lợi, khó khăn cùng những đề xuất với đồng chí Phan Trọng Tuệ để sớm hoàn thành việc nâng cấp tuyến đường huyết mạch phục vụ tốt hơn cho chiến trường.

Đồng chí Phan Trọng Tuệ chăm chú lắng nghe và phát biểu: "Tôi hoàn toàn nhất trí, sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, chúng tôi đã cảm nhận được tuyến vận tải chi viện chiến lược sẽ có bước ngoặt mới. Nắm bắt tình hình đó, cuối năm 1971, chúng tôi đã cho mở đường 71 từ Tân Kỳ đến Hà Tĩnh.

Lực lượng giao thông Trung ương, địa phương, thanh niên xung phong, công binh hiện đang phối hợp thi công khẩn trương. Lạ thay, việc không hẹn nhưng chúng ta đã gặp nhau ở cả tư duy và hành động. Vậy kể từ hôm nay, chúng ta hãy thống nhất đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn: điểm đầu là Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, điểm cuối là Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (Đông Nam Bộ)"…

Thực tế chiến trường cho thấy, chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, là một nhân tố quan trọng dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - mà trong đó, sự đóng góp của đồng chí Phan Trọng Tuệ có ý nghĩa rất lớn…

Được tham dự Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Phan Trọng Tuệ ngay trên mảnh đất Sài Sơn địa linh nhân kiệt, tôi cảm nhận được lòng kính trọng và tự hào của người dân nơi đây dành cho người con ưu tú của quê hương mình.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thành kính dâng hương tưởng nhớ cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ và trao tặng Bằng Huân chương Sao vàng cho đại diện gia đình là bà Phan Thị Gia Liên, thứ nữ của đồng chí Phan Trọng Tuệ.

Nhân buổi lễ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp viết thư tay gửi gia đình đồng chí Phan Trọng Tuệ với tình cảm thắm thiết: "Anh Phan Trọng Tuệ đã suốt đời cống hiến tài năng và trí tuệ vì sự nghiệp của Tổ quốc và nhân dân, của Đảng. Chúc mừng gia đình nhân dịp anh Tuệ được truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý. Mãi mãi nhớ đến anh"

Trần Duy Hiển
.
.