Phạm Cao Củng: Thuở vào nghiệp văn

Thứ Tư, 03/02/2016, 23:46
Nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan nhận định: “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”.


Bài viết của kẻ hậu sinh chỉ như chép lại con đường vào nghiệp văn có phần tung tẩy và ngẫu hứng của Phạm Cao Củng.

Ông là người được con chữ lựa chọn, giai thoại lựa chọn, đời sống lựa chọn.

Phạm Cao Củng là con trai út của một nhà Nho, ông sinh năm 1913 vào tháng mười, nhà số 38, phố Hàng Sắt, tỉnh Nam Định.

Thuở thiếu thời, ông có người bạn thân nhà liền kề. Những lúc rỗi rãi, bạn bè thường kể cho nhau nghe về những giấc mơ đã trôi qua. Tất nhiên, không phải đêm nào ông cũng nằm mơ, mà muốn câu chuyện suôn sẻ thì không thể nào bạn chỉ kể về giấc mơ của bạn còn ông thì chỉ ngắc ngứ nghe. Vậy là, ông cũng kể. Có mơ đâu mà kể, không sao, ông bịa. Bịa tỉnh queo.

“Rất có thể nhờ thói quen bịa chuyện từ thuở thơ ấu mà sau này khi tôi muốn viết những truyện dài, truyện ngắn, tôi bịa cũng khá dễ dàng”, ông chép vậy trong hồi ký.

Ông theo nghiệp văn đầy ngẫu nhiên. Nhà ông có cửa hàng buôn bán nông cụ, những trưa cửa hàng vắng, ông được mẹ giao cho nhiệm vụ trông coi vật phẩm. Chẳng có khách lúc trưa, ngồi mãi cũng buồn, ông bèn lôi giấy bút ra viết. Tất nhiên, là viết truyện ngắn đa phần phóng tác dựa theo tiểu thuyết Pháp. Viết xong, gửi đăng báo ở Hà Nội. Hết thảy đều được đăng.

Kỳ thú hơn, ở thời điểm này ông đã nghiễm nhiên trở thành phóng viên của tờ Bắc kỳ Thể Thao. Lúc ấy, ông vẫn đang học bậc Thành chung (tương đương trung học cơ sở bây giờ). Vậy mới ngoạn mục.

Cơn cớ ông chính thức trở thành phóng viên của tờ báo này là do tỉnh Nam Định của ông có đội bóng đá Nhà máy Sợi, đây là đội bóng tương đối nổi tiếng trong tỉnh. Tuy nhiên, mỗi lần đội bóng này thi đấu với đội bóng khác (đặc biệt là các đội bóng ở Hà Nội), ký giả của nhiều tờ báo thường có bài tường thuật theo lối bênh vực đội bóng Hà Nội và bỉ bai đội bóng Nhà máy Sợi. Ông ức lối viết này lắm và cứ chờ cơ hội để phóng bút.

Dịp may đến, trong trận đấu tranh giải vô địch Bắc Kỳ diễn ra ở Nam Định, ông ngồi theo dõi từ đầu đến cuối rồi về nhà viết một bài tường thuật gửi Bắc kỳ Thể Thao, chủ bút Nghiêm Xuân Huyến nhận được bài sướng rơn. Không ngại mất thời gian, ông Nghiêm Xuân Huyến tỉ mẩn biên thư mời Phạm Cao Củng trở thành ký giả của báo thường trú tại Nam Định. Để chắc chắn hơn, ông Nghiêm Xuân Huyến còn in thẻ ký giả tìm đến tận nhà để trao cho Phạm Cao Củng.

Tuổi này mà có thẻ ký giả hẳn hoi, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là xác tín quyền năng của chiếc thẻ danh giá ấy với cô gái mà ông thích. Đáng tiếc, cô gái không để ý đến quyền năng này. Buồn đời, ông vác thẻ ký giả đến rạp chiếu phim, thấy ông oắt con nên bảo vệ ngăn lại. Cơ hội đã đến, Phạm Cao Củng bèn chìa ra tấm thẻ ký giả, nhân viên bảo vệ lập tức đổi thái độ mời ký giả đường đường chính chính vào rạp chiếu. Thật là oai phong.

Trở lại chuyện viết của ông, ông viết đều suốt, được in đều suốt, nên tiếng tăm chắc chắn vang dội. Vang dội đến độ, nhà văn Lê Tràng Kiều khi này cũng chạc tuổi ông rủ: “Tôi với bạn in truyện trên báo nhiều rồi, nhưng cái này lẻ tẻ lắm. Muốn thành nhà văn đích danh phải có sách đề tên mình. Hay tôi và bạn gom truyện ngắn lại rồi tự in”.

Nghĩ là làm, hai ông tìm đến Nhà in Nam Việt để in tuyển tập truyện ngắn có tựa là Hang Gió. In hẳn 1 nghìn cuốn, in thiếu. Hai ông dự tính mang số sách này đến hội chợ từ thiện có tên Chợ Phiên thể nào bán cũng hết sạch. Đó là còn chưa kể dự định sẽ in thêm nếu thiếu sách. Vậy mà, sách ế chỏng vó. Năn nỉ lắm mới bán được vài cuốn ở Chợ Phiên. Mang sách về Nam Định gửi nhờ bà chủ hiệu sách, bà chủ hiệu sách vui vẻ mua ủng hộ vài mươi cuốn vì “nghe danh nhà văn Văn Tuyền (một trong số những bút danh của Phạm Cao Củng) đã lâu nay mới có dịp diện kiến”. Bán được bấy nhiêu thôi, còn lại hàng đống Hang Gió trùm mền.

Ít lâu sau, có trát Tòa gửi đến tận nhà của Phạm Cao Củng, Nhà in Nam Việt gửi đơn kiện ông và nhà văn Lê Tràng Kiều ra Tòa vì in sách mà không trả tiền. Ông hoảng lắm, tìm nhà văn Lê Tràng Kiều bàn bạc. Lê Tràng Kiều đích thị dân chơi, phán: “Rồi sẽ qua cả thôi”. Khi ông nghe Lê Tràng Kiều nói mấy câu này, ông đã bị bố mắng hết hơi vì tội “phá gia chi tử”.

Tác phẩm của nhà văn Phạm Cao Củng do nhà in Mai Linh xuất bản.

Mà đúng như lời của Lê Tràng Kiều nói, chuyện cũng qua thật. Vì bố mẹ ông và bố mẹ Lê Tràng Kiều đã gặp nhà in để trả toàn bộ tiền in sách của hai ông con danh nhân lừng danh.

Chơi rồi viết, viết rồi chơi, ông trượt kỳ thi kết thúc bậc Thành chung. Không vui không buồn, ông nằm nhà quay sang viết thư trêu Tú Mỡ. Tú Mỡ thời điểm này, lừng lững tiếng tăm.

Số là Tú Mỡ có viết bài thơ nhại giọng thi sĩ Tản Đà in trên tờ Phong Hóa, miêu tả tâm trạng thèm ăn rau sắng chùa Hương quá mà không có cô gái mến thương nào gửi tặng. Nhà văn Lê Tràng Kiều bảo với Phạm Cao Củng: “Anh chàng Tú Mỡ này vô duyên quá, bây giờ có phải là mùa rau sắng đâu, chỉ có rau muống thôi”. Phạm Cao Củng nghe xong cứ nhớ mãi.

Ông mua ít rau muống kèm theo mấy chục quả mơ, vài miếng gỗ lão mai để pha trà gửi đến tòa báo Phong Hóa tặng Tú Mỡ, kèm theo bài thơ tha thiết với đại ý đọc thơ thấy Tú Mỡ thèm rau sắng, thương quá mà không biết làm sao. Ngặt nỗi, không phải mùa rau sắng nên chỉ tặng rau muống để tỏ lòng nhau. Phía dưới bài thơ ký tên, Phạm Thị Cả Mốc, lại cẩn thận ghi chú Người Tình Nhân Không Quen Biết.

Tú Mỡ nhận được món quà ấy, cảm động đến độ biên thơ trên báo Phong Hóa cảm tạ một tấm chân tình rực rỡ: “Mớ rau sông Vỵ xu hai/ Hãy xin tạm lánh kẻo ai giận lòng”. Mãi về sau này khi danh tiếng lẫy lừng rồi, Phạm Cao Củng mới biết cái tên Phạm Thị Cả Mốc đã ám ảnh Tú Mỡ suốt một thời gian vì tơ tưởng cho đến khi Thế Lữ đánh tiếng Phạm Thị Cả Mốc chính là Phạm Cao Củng, Tú Mỡ bần thần đau xót khôn nguôi.

Thi hỏng tốt nghiệp bậc Thành chung, Phạm Cao Củng đăng ký vào học Trường Bách nghệ ở Hải Phòng. Ông nghĩ đơn giản, tính ông thích đi đây đi đó, học Trường Bách nghệ sau này xuống tàu làm việc sẽ được ngao du thỏa chí tang bồng.

Ấy vậy mà, học đến năm hai của trường thì ông tạch. Tạch vì mê viết, thấy kiếm tiền từ nghề viết sướng quá, với lại nghĩ chắc mình quá giỏi để phải học rồi.

Hồi mới vào Trường Bách nghệ, Phạm Cao Củng bắt đầu viết truyện trinh thám, nhân vật chính có tên là Kỳ Phát, mang hơi hướng của kẻ trộm hào hoa bay bướm trong tiểu thuyết Pháp Arsène Lupin. Kỳ Phát là cậu bạn học ngoài đời của Phạm Cao Củng, Đặng Kỳ Phát. Theo miêu tả của ông thì Đặng Kỳ Phát trắng trẻo dễ thương như con gái, hết sức yêu mến Phạm Cao Củng. Ở lớp thì ngồi cạnh nhau, về đến phòng thì kê sát giường trò chuyện.

Viết xong, chuyển cho tuần báo Loa của Dương Mậu Ngọc (bút danh Côn Sinh) tại Hà Nội, truyện in dài kỳ. Dương Mậu Ngọc đọc xong thì mê lắm, viết thư về trường mời bằng được Phạm Cao Củng ra Hà Nội để bàn bạc công việc. Hẳn nhiên, Phạm Cao Củng không từ chối lời mời này.

Ở cuộc gặp đầu tiên này, Dương Mậu Ngọc hào hứng giữ Phạm Cao Củng trò chuyện đến hơn 1 giờ sáng mới cho về. Trước khi về, vui chuyện Phạm Cao Củng tự thú ông chính là Phạm Thị Cả Mốc, người tình không quen biết của Tú Mỡ. Nghe Phạm Cao Củng tự thú, Dương Mậu Ngọc bèn yêu cầu Phạm Cao Củng ngồi yên để ông vẽ chân dung Phạm Thị Cả Mốc thông qua hình ảnh của Phạm Cao Củng.

Bức họa sau đó được in nguyên trang trên Tuần báo Loa với hình ảnh nhân vật một nửa đàn ông một nửa đàn bà, tay cầm nón quai thao tay cầm mặt nạ, tóc đuôi gà vương vấn ngang vai, chú thích: “Chân dung Phạm Thị Cả Mốc”. Thế Lữ có trách bức họa này lắm, vì chính bức họa này đã khiến cõi lòng nhà thơ Tú Mỡ nát tan.

Tú Mỡ có trách cứ Phạm Cao Củng không? Chắc chắn là không. Bởi khi in quyển Dòng nước ngược, Tú Mỡ còn cẩn thận gửi tặng Phạm Cao Củng. Gửi theo địa chỉ ở Trường Bách nghệ. Có điều, do ở nội trú không tiện nhận sách nên Tú Mỡ phải gửi tạm tại tiệm sách Mai Lĩnh để cuối tuần Phạm Cao Củng ra nhận.

Chủ nhân tiệm sách Mai Lĩnh chính là ông Đỗ Xuân Mai, chủ bút của tờ Hải Phòng Tuần Báo với những cây bút đình đám như Phùng Bảo Thạch, Lưu Trọng Lư, Lan Khai… Ngoài ra, Mai Lĩnh còn có một nhà in nho nhỏ.

Chính từ việc đến nhà sách Mai Lĩnh đã đưa tới cho Phạm Cao Củng một cơ hội lớn, cơ hội để sống hết sức phong lưu từ khả năng viết giả kiếm hiệp. Thật sự, đó là quãng thời gian cực kỳ thống khoái đối với người cầm bút mà kẻ hậu sinh như tôi không thể không nói câu ngưỡng mộ.

Tôi xin hầu bạn đọc về quãng thời gian này của nhà văn Phạm Cao Củng trong số báo Tất niên của Chuyên đề ANTG Cuối tháng 1, số ra ngày 25-1-2016.

Ngô Kinh Luân
.
.