PGS – TS Nguyễn Văn Huy: “Gia đình là trường học lớn của tôi”

Thứ Năm, 19/04/2007, 09:30

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, trong cuộc sống, cha mẹ ông, GS.TS Nguyễn Văn Huyên và họa sĩ Vi Kim Ngọc luôn hài hòa trong việc dạy dỗ các con. Họ khuyến khích con cái tham gia các hoạt động đoàn thể ngoài xã hội nhưng cũng không quên dạy các con gắn bó chặt chẽ với gia đình, biết yêu thương và thông cảm với những người thân.

Ông là một người bận rộn. Cứ miên man những cuộc điện thoại làm ngắt quãng buổi nói chuyện của chúng tôi. Tưởng ông đã thôi làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì ông sẽ thư nhàn hơn đôi chút. “Chưa nghỉ ngơi được, vẫn còn bề bộn công việc phải làm lắm”- Ông nói. Và câu chuyện về gia đình có người cha từng 29 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và người mẹ là một họa sĩ nổi tiếng có lúc làm cho không khí như chùng xuống vì những rưng rưng kỷ niệm... .

Thật khó có thể hình dung rằng vị PGS.TS ta đang trò chuyện trong bài viết này ngày nhỏ lại từng là học sinh học kém, thậm chí từng bị “đúp” hồi lớp 5. Ông kể: “Ngày nhỏ tôi ham chơi vô cùng. Tôi có thú chơi tem, chơi cờ người và mải mê đến nỗi học hành sa sút. Cha tôi, khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, mặc dù rất bận rộn, nhưng ông vẫn dành thời gian các ngày thứ bảy và chủ nhật để kèm tôi học thêm. Nhờ có cha, tôi mới thoát khỏi tình trạng học kém”.

Tên của người cha, GS. TS Nguyễn Văn Huyên nay đã thành tên con đường chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nơi người con trai út của ông, cậu học trò nghịch ngợm, ham chơi năm nào đang dốc tâm sức, tài năng và nhiệt huyết của mình với mong muốn nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa đẹp đẽ mời gọi nhân dân trong nước và khách quốc tế đến tìm hiểu về tinh hoa Việt Nam.

Gia đình GS.TS Nguyễn Văn Huyên (ảnh chụp năm 1957). PGS.TS Nguyễn Văn Huy ngồi ngoài cùng bên phải.
GS. TS Nguyễn Văn Huyên là một nhà trí thức lớn, từng tốt nghiệp đại học Sorbone (Pháp) môn Văn chương và môn Luật năm 1931 và trở thành tiến sĩ ít lâu sau đó. 29 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã có nhiều đóng góp vào việc chấn hưng và phát triển nền giáo dục nước nhà. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng danh giá dành cho những người đã có những tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn hóa nghệ thuật.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy kể lại một kỷ niệm về người cha yêu quý: “Khoảng năm 1949-1950 gia đình tôi đi tản cư ở vùng Chiêm Hóa. Ở đấy có trụ sở  Trường đại học Y. Gia đình tôi ở cùng với mấy gia đình trí thức lớn của Việt Nam bấy giờ như gia đình GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di... Người Pháp rất muốn mua chuộc các gia đình trí thức nên thường lái “máy bay bà già” rồi chĩa loa từ trên cao xuống kêu gọi gia đình chúng tôi “theo chính phủ”. Nhiều lần họ cho quân thả dù, lùng bắt trí thức. Chúng tôi phải chạy vào rừng sâu. Một lần chạy Tây tôi đã bị cha tát cho một cái rất đau. Vì cả mấy gia đình đang nín thở trốn sự lùng bắt của lính Tây thì tôi bỗng... khóc òa. Sợ bị lộ, cha tôi tát cho tôi một cái thật mạnh, khiến tôi sợ hãi nín bặt. Sau vụ “thoát nạn” ấy, mọi người đều gọi cú tát mà ông cụ dành cho tôi là “cú tát lịch sử”. Bởi vì nó đã cứu cả mấy gia đình chúng tôi thoát khỏi hiểm nguy kề cận, để được tiếp tục ở lại vùng kháng chiến, tham gia đóng góp cho cách mạng”.

Kể từ sau “cái tát lịch sử ấy”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chưa từng được nhận thêm một cái tát nào khác của cha mình. “Cha tôi yêu thương các con vô cùng. Ông không bao giờ đánh chúng tôi mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, dạy dỗ. Ông rất nghiêm khắc nhưng cũng ân cần. Ông làm gì cũng rất cẩn trọng. Trên bàn ông luôn luôn có một cái kéo để cắt thư, ông không xé thư bằng tay bao giờ. Tất cả thư từ, thắc mắc của nhân dân gửi đến ông đều đọc trực tiếp và xử lý. Biết cậu con trai nhỏ thích chơi tem, bao giờ bóc thư xong ông cũng lột lấy tem mang về cho tôi”.

Những câu chuyện về người cha có lúc làm cho đôi mắt của ông Huy như dâng đầy nước. Ông cũng không quên nhắc về người mẹ. Theo ông, để có được sự trưởng thành như ngày hôm nay, ngoài cái bóng lớn của cha đổ xuống cuộc đời mình, ông còn được học những bài học quý từ mẹ, bà Vi Kim Ngọc. Bà vốn là con gái cưng của cụ Vi Văn Định, nguyên là Tổng đốc tỉnh Thái Bình. Lớn lên trong nhung lụa, nhưng khi gặp GS.TS Nguyễn Văn Huyên và trở thành vợ ông, bà bỏ tất cả để đi theo kháng chiến.

Cũng phải nói thêm một chi tiết rằng, chị gái và cháu gái của bà đều là vợ của các nhà khoa học, trí thức tên tuổi  như GS. Hồ Đắc Di, GS. Tôn Thất Tùng,... Giống như nhiều phụ nữ Việt Nam tảo tần chung thủy, bà Vi Kim Ngọc đã suốt đời đứng sau sự nghiệp của chồng, giữ lửa cho mái ấm gia đình, nuôi dạy các con chu toàn để chồng yên tâm với sự nghiệp mà ông đang theo đuổi. Các anh chị em trong gia đình PGS. TS Nguyễn Văn Huy đều xem mẹ mình như một tấm gương sáng về sự nỗ lực vươn lên...

Như nhiều phụ nữ sống trong thời kỳ phong kiến, việc học hành bị giới hạn, bà Vi Kim Ngọc đã không ngừng nâng cao trình độ kiến thức trong suốt cuộc đời. Vừa lo lắng cho gia đình bà vừa đi học bổ túc văn hóa, rồi học trung cấp y và trở thành người kỹ thuật viên đứng đầu phòng nghiên cứu của GS. Đặng Văn Ngữ. Bà học tiếng Pháp và học vẽ tranh. Sau này bà đã trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của họa sĩ Vi Kim Ngọc hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. --PageBreak--

PGS. TS Nguyễn Văn Huy thường nhớ lời dạy của mẹ rằng, trên đời này không có việc gì là không làm được. Hãy nhìn các nghệ sĩ biểu diễn xiếc. Họ có thể làm được những động tác khiến chúng ta thót tim. Những người khuyết tật vẫn có thể tạo ra những kỳ tích. Tại sao người lành lặn lại thấy khó khăn, ngại ngần? Những lời vàng ngọc của mẹ, ông Huy đã mang theo suốt cả cuộc đời, như là kim chỉ nam cho những hành động sống và ứng xử với con người, công việc.

Không bao giờ được phép nói “không” với mọi khó khăn thử thách. TS Nguyễn Văn Huy nhớ lại, khi ông tổ chức các hoạt động tại Bảo tàng dành cho người khuyết tật, nhìn những con người khiếm khuyết về thân thể ấy đang nỗ lực không ngừng để tìm đường đi, ông rất xúc động. Và hình ảnh người mẹ dịu hiền với những lời khuyên ân cần lại trở về, thôi thúc ông hãy làm việc cho đời nhiều hơn nữa.

Trong cuốn hồi ký viết về gia đình do người con cả của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh chủ biên, người đọc rưng rưng cảm động vì tình cảm của những người con trong gia đình thương nhớ mẹ, khi bà đã vĩnh viễn ra đi: “Con xin mượn lời của nhà văn Mácxim Goócky để nói lòng mình với mẹ: “Hỡi bạn của tôi, hãy tự kiểm điểm lại mình như tôi và hãy nói: bạn đã làm buồn phiền ai hơn Mẹ mình trong cuộc đời bạn? Có phải vì tôi, vì bạn, vì những thất bại, những lỗi lầm, những đau khổ của chúng ta mà mẹ của chúng ta bạc đầu? Nhưng sẽ đến lúc tất cả những điều đó quay lại trách cứ trái tim mình bên nấm mồ của Mẹ. Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ hãy tha lỗi cho con, vì chỉ có một mình Mẹ, một mình Mẹ trên trái đất này có thể tha lỗi được thôi”.

Trong cuộc sống PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhận thấy rằng cha mẹ ông đã rất hài hòa trong việc dạy dỗ các con. Họ thường khuyến khích con cái tham gia các hoạt động đoàn thể ngoài xã hội nhưng cũng không quên dạy các con gắn bó chặt chẽ với gia đình, biết yêu thương và thông cảm với những người thân yêu máu mủ ruột rà.

Theo bước chân cha, TS Nguyễn Văn Huy đã miệt mài con đường nghiên cứu dân tộc học, một ngành khoa học mà người cha kính yêu của ông đã khởi xướng những bước đầu tiên. Ngày hôm nay, ông Huy miệt mài công sức với Bảo tàng dân tộc học, nơi ấp ủ biết bao ý tưởng, dự định và cả những mong muốn riêng là nối dài con đường của người cha đã đi. Được làm việc tại một địa chỉ văn hóa trên con đường mang tên người cha yêu dấu là niềm tự hào và trách nhiệm lớn. Đối với ông, làm tốt vai trò của một nhà khoa học chưa đủ mà đó còn là tình cảm thiêng liêng hướng về cha mình...

Với những nỗ lực của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng các cộng sự đã xây dựng được một “thương hiệu” cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Với rất nhiều hoạt động cụ thể và sống động, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một địa chỉ văn hóa tin cậy cho những ai muốn biết nhiều hơn về tinh thần Việt Nam. Dũng cảm quyết đáp những vấn đề mình tin là đúng, cộng với việc không ngừng học hỏi tìm ra lối đi riêng, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đã góp phần làm thay đổi quan niệm của mọi người về hoạt động bảo tàng, biến các hoạt động của bảo tàng từ trạng thái “tĩnh” sang “động”, thu hút ngày một nhiều hơn sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những cuộc trưng bày như: “Việt Nam, cuộc hành trình của những linh hồn”, “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”, “Từ di sản văn hóa đến tương lai”... đã trở thành những hoạt động quan trọng gây tiếng vang trong đời sống văn hóa xã hội.

PGS. TS  Nguyễn Văn Huy được giới làm bảo tàng không chỉ trong nước, trong khu vực mà cả trên thế giới đánh giá cao vì những tìm tòi mới mẻ trong phương thức hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học, nơi ông đóng vai trò như một người chèo lái đầu tiên. Ông Huy hoàn toàn có thể tự hào về những gì ông đã và đang làm, để tiếp bước truyền thống gia đình mà cha mẹ ông đã dày công tạo dựng, trở thành một nhà khoa học có những đóng góp thiết thực cho đời sống của nhân dân và đất nước

Bình Nguyên Trang
.
.