Ông tân tiến sĩ Trịnh Hoàng Ngạn: Nỗi niềm chống lũ

Thứ Tư, 12/03/2008, 10:30

Cuối năm 2003, sau hơn 40 năm mới gặp lại, Trịnh Hoàng Ngạn, người bạn học cùng cấp II với tôi ở Hà Nội, nói đang làm luận án tiến sĩ, tôi nửa đùa nửa thật với anh: "Ông có thần kinh không đấy! Sắp về hưu còn đi làm luận án tiến sĩ trong lúc người ta đang phê phán bao nhiêu tiến sĩ giấy kia kìa!".

Thế rồi, đầu năm 2008, từ TP. Hồ Chí Minh Ngạn gọi điện báo tin cho tôi biết anh đã nhận được học vị Tiến sĩ.

Từ một trận lũ lịch sử...

Năm 2000 xảy ra trận lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long, làm 453 người chết, đời sống của 10 triệu dân bị ảnh hưởng, hơn 800.000 ngôi nhà bị ngập, gần 50.000 hộ phải di dời, nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp, 80.000 học sinh phải nghỉ học… Thiệt hại lên tới gần 3.800 tỉ đồng.

Năm đó, Trịnh Hoàng Ngạn là Trưởng Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Nhiều năm làm công việc gắn với dòng sông này, anh hiểu được nguồn lợi to lớn từ sông Mê Kông mang lại, nhưng hiểu hơn, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn nỗi cơ cực của người dân đồng bằng sông Cửu Long mỗi khi lũ về. Vì thế, ngay từ những năm 1990, khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tập trung sức người, sức của chống chọi với lũ, nhất là nhiều nơi triển khai việc làm đê bao chống lũ, Trịnh Hoàng Ngạn có nhiều trăn trở trước những giải pháp chống lũ ở vùng đồng bằng rộng lớn này.

Anh bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu tài liệu mong góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau xung quanh các giải pháp kiểm soát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, manh nha một đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về một vấn đề mà anh tâm đắc. Đó là tìm hiểu và phân tích việc sử dụng số liệu "đầu vào" trong các công trình nghiên cứu về lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đối chiếu với các kết quả nghiên cứu khi ứng dụng vào thực tiễn kiểm soát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Trận lũ lịch sử năm 2000 ở đồng bằng sông Cửu Long, đối với Trịnh Hoàng Ngạn và nhiều người khác, là "một đợt tổng duyệt" về nhận thức và hiệu quả của các giải pháp kiểm soát lũ sông Mê Kông đã thực hiện trong hơn một thập kỷ qua để "sống chung với lũ". Trận lũ lịch sử ấy càng cho thấy kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào kiểm soát lũ trên dòng sông này còn nhiều điều bất cập.

Điều đó càng làm cho Ngạn thêm trăn trở mỗi khi đi công tác trên sông Mê Kông, nhất là khi đến với nhiều công trình ngăn lũ, thoát lũ được triển khai ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nó thôi thúc Ngạn làm thủ tục và hồ sơ gửi Viện Cơ học ứng dụng thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xin làm luận án tiến sĩ thuộc đề tài khoa học chuyên ngành cơ học chất lỏng: "Ứng dụng phương pháp phân tích số liệu nghiên cứu lũ đồng bằng sông Cửu Long" và được Viện chấp nhận.

Năm 2003, khi gặp lại Trịnh Hoàng Ngạn ở Hà Nội sau mấy chục năm xa cách, tôi đâu có biết, những năm làm luận án tiến sĩ là những năm anh đã trải qua bao thấp thỏm, lo âu vì sau một lần khám bệnh, bác sĩ nghi anh bị ung thư thanh quản, sức khỏe anh giảm sút trông thấy. Anh cố chạy đua với thời gian để mong làm được một việc có ý nghĩa nhất của cuộc đời mình. Thế mà đã có lúc tôi không hiểu anh!

Đến dự đoán năm 2030...

Học hết phổ thông, Trịnh Hoàng Ngạn thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học ngành Thủy điện và Thủy lợi. Ra trường, với tấm bằng kỹ sư thủy lợi, bàn chân anh đã lội bùn, lội ruộng ở hàng trăm công trình thủy lợi lớn nhỏ khắp ba miền đất nước, sang cả Campuchia và Iraq xa xôi.

Ngay trong những năm chiến tranh chống Mỹ, anh đã tham gia khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, kiểm tra độ ổn định ở cả chục công trình thủy lợi khắp miền Bắc... Sau này, anh là Trưởng nhóm nghiên cứu khả thi dự án thủy lợi Đạ Tẻ (Lâm Đồng), nghiên cứu khả thi hệ thống thủy lợi Sông Hinh (Phú Yên), Trạm bơm tưới Tân Biên và khôi phục đập tràn cho dự án thủy lợi Dầu Tiếng (Tây Ninh); khu phụ trợ Nhà máy Thủy điện Trị An (Đồng Nai)…

Những năm 1980-1983, Ngạn là chuyên gia thủy lợi giúp Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp Campuchia. Là Chủ nhiệm Dự án nâng cấp và khôi phục hệ thống thủy lợi Slaku (Ta Keo) và Dự án Stung Chinit (Kongpongthom) của Campuchia, anh là chuyên gia Việt Nam đầu tiên ứng dụng công nghệ "Đập đất có cốt" của Pháp vào thi công hai công trình thủy lợi này trong những năm 80 của thế kỷ trước, rút ngắn thời gian thi công và tiết kiệm được 1.500m3 bêtông cốt thép, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Sau một thời gian tự học tiếng Anh, Trịnh Hoàng Ngạn trở thành người phiên dịch làm việc trên công trường Dự án thủy điện và thủy lợi Badush, Mossel ở Iraq. Nhiều người tham gia xây dựng công trình này vẫn còn nhớ tới anh, một người phiên dịch đã vận dụng một cách khôn khéo sự hiểu biết kỹ thuật và chuyên môn của mình trong ngành Thủy lợi để bảo vệ danh dự và quyền lợi của các kỹ sư và công nhân Việt Nam trên công trường.

Cũng nhờ vốn tiếng Anh tự học và những năm làm việc ở nước ngoài, sau này khi về nước Trịnh Hoàng Ngạn trở thành chuyên gia tư vấn thiết kế cho nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long... Anh là Phó Chủ nhiệm Dự án Thủy lợi Nam Măng Thít ở hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long; trợ lý Trưởng nhóm tư vấn quốc tế Dự án khôi phục hai tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long; trợ lý Trưởng nhóm tư vấn quốc tế của Dự án phát triển thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long…

Từ năm 2000, Trịnh Hoàng Ngạn là Trưởng Văn phòng đại diện của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm phối hợp các hoạt động phát triển bền vững ở lưu vực sông Mê Kông.

Chính những năm tháng lăn lộn trên khắp các công trình thủy lợi ở trong nước và ngoài nước, nhất là những năm gắn bó với nhiều biến động trong quá trình tìm giải pháp kiểm soát lũ và chung sống với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã giúp Trịnh Hoàng Ngạn có điều kiện để hoàn thành tốt luận án tiến sĩ của mình. Trước công trình nghiên cứu luận án tiến sĩ này, anh cũng đã có 11 công trình nghiên cứu khoa học về thủy lợi được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và ngoài nước.

Trong luận án tiến sĩ của mình, lần đầu tiên Trịnh Hoàng Ngạn đề cập đến một vấn đề tưởng chừng giản đơn là cơ sở dữ liệu  “đầu vào” được sử dụng trong công cụ (mô hình toán) để nghiên cứu, quy hoạch kiểm soát lũ và tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông; nhưng đó lại là khâu cơ bản, mang tính quyết định tới kết quả tính toán để đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tới hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Do đó, nếu cơ sở dữ liệu không chuẩn, thiếu chính xác sẽ dẫn đến kết quả nghiên cứu không phù hợp, “đầu ra” không đủ độ tin cậy, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng khi đưa ra các chính sách, quyết định đầu tư. Khi đề cập tới các số liệu tính toán, Trịnh Hoàng Ngạn đã phát hiện những bất cập trong cơ sở dữ liệu của bộ mô hình của Ủy hội Mê Kông (DSF), cũng như của các mô hình đang sử dụng ở Việt Nam. Từ đó có thể giúp các chuyên gia mô hình bổ sung, cập nhật bộ số liệu, đồng thời gián tiếp giúp Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông (MRCS) có kiến nghị để hoàn thiện bộ mô hình (DSF) trong chương trình khai thác tài nguyên nước trên phạm vi rộng lớn hơn.

Đối với Trịnh Hoàng Ngạn, anh chỉ mong công trình của mình được đóng góp một phần nhỏ giúp các nhà hoạch định chính sách thấy rõ giải pháp kiểm soát lũ, chung sống với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những bất cập và chỉ có thể đối phó với những trận lũ nhỏ và vừa, chứ không đảm bảo đối phó an toàn khi xảy ra cơn lũ bằng hoặc lớn hơn trận lũ lịch sử năm 2000.

Theo anh, trên cơ sở phân tích số liệu quan trắc hàng trăm năm qua, dự đoán trận lũ lịch sử  ở lưu vực sông Mê Kông sẽ có thể xảy ra vào khoảng những năm 2030 với tần suất lớn hơn năm 2000. Vì thế, ngay từ bây giờ cần tính toán và bổ sung quy hoạch kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long một cách tích cực hơn, hoàn thiện hơn và khôn ngoan hơn,  đủ sức đối phó với những trận lũ lớn có thể xảy ra trong tương lai kết hợp sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Tình yêu "bóng bàn" và niềm vui bất ngờ dành cho đám cưới bạc

Hôm vào TP Hồ Chí Minh dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của Trịnh Hoàng Ngạn, tôi hơi ngạc nhiên khi không thấy vợ con của Ngạn có mặt, như thường thấy trong các buổi bảo vệ luận án của các tiến sĩ khác. Bó hoa tôi tặng và chúc mừng sau buổi bảo vệ, Ngạn không mang về nhà mà mang về nơi làm việc. Tôi hỏi vì sao lại thế, Ngạn chỉ cười, lúc sau mới nói:

- Bà xã và các con không biết mình làm luận án đâu!

Sau này Ngạn mới kể với tôi mọi chuyện. Chẳng phải vợ con ghét bỏ gì anh đến nỗi anh phải giấu chuyện làm nghiên cứu sinh của mình. Năm 2003, sau khi bác sĩ nghi anh bị ung thư thanh quản, dù cố giấu nhưng rồi vợ con anh cũng biết. Thế là chị và các cháu "cấm" anh làm việc nhiều, nhất là khi nghe có người nói anh đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thì chị phản đối quyết liệt, một phần vì thấy anh đã gần đến tuổi về hưu, ham hố tên tuổi làm gì, phần khác, quan trọng hơn là vì anh không được khỏe.

Chị dứt khoát không để anh thức khuya, làm việc nhiều ở nhà như trước đây. Thế là Trịnh Hoàng Ngạn phải lặng lẽ nhốt mình trong phòng làm việc ở cơ quan, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật, giấu vợ con và nhiều người thân từ khi bắt đầu chuẩn bị đề tài nghiên cứu đến cả ngày bảo vệ luận án.

Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, anh mới nói cho vợ con biết. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, vợ anh và hai con anh bất ngờ trước tin này, vừa giận vừa thương, vừa tự hào về người chồng, người cha của mình.

Ngày 20/11/2007, kỷ niệm 30 năm ngày cưới, chị Hương mời một số bạn bè thân thiết đến dự lễ cưới bạc của vợ chồng mình, nhân thể cũng báo tin vui cho bạn bè biết chồng mình đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ... ở tuổi về hưu!

Còn Trịnh Hoàng Ngạn, thấy vợ vui mà lòng tràn đầy hạnh phúc. Anh biết ơn "mối tình bóng bàn" như anh thường nói, biết ơn người vợ đã chia sẻ cùng anh biết bao vui buồn suốt 30 năm qua.

Năm 1975, khi còn là cán bộ của Viện Thiết kế Bộ Thủy lợi, trong một lần chơi bóng bàn, Ngạn đã đánh quả bóng bay qua cửa sổ ra ngoài phòng, rơi xuống hành lang. Khi Ngạn ra nhặt bóng thì quả bóng ấy đang lăn đến chân một cô gái đi qua. Ngạn sững sờ trước vẻ đẹp bình dị của người con gái mà anh bất ngờ gặp. Thế rồi, như người ta thường nói, "tiếng sét ái tình" đã quật ngã cả anh và chị sau lần gặp gỡ tình cờ ấy.

Lần này, sau 30 năm chung sống, việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi về hưu của anh cũng là một sự kiện bất ngờ đối với chị, nhưng đó lại là món quà có ý nghĩa nhất mà anh muốn dành cho chị trong lễ cưới bạc của hai người. Quả thật, đây là một món quà khác thường của "ông tiến sĩ già" - ông tiến sỹ thật, bạn tôi, dành cho vợ con

Dương Đức Quảng
.
.