Ông cố vấn Trần Đình Long – Chiến sĩ trung kiên, bất khuất

Thứ Hai, 17/08/2020, 09:40
Nhà báo Lê Xuân Kỳ - nguyên Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Thanh Hóa từng viết: Người đời biết rất ít về đời riêng của nhà báo, chiến sĩ cách mạng Trần Đình Long. Con người Trần Đình Long hiện rõ nét độc đáo của một chiến sĩ kiên trung, bất khuất.

Một trong những công lao to lớn của Ông Cố vấn Trần Đình Long là tham gia chỉ đạo việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội khi lệnh khởi nghĩa của Trung ương chưa về đến nơi. Tròn 75 năm trước, chiều 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định cho thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội với 5 thành viên do ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch, ông Trần Đình Long làm Cố vấn.

Bà Phương Mai, con gái nhà báo Lưu Động - nguyên Trưởng ban Nông nghiệp báo Nhân Dân, dẫn tôi đến căn hộ của ông bà bác sĩ nha khoa Phan Thế Vấn trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Những câu chuyện về miền Bắc, về Hà Nội một thời rổn rảng. Bất chợt tôi nhìn lên ban thờ và thấy tấm  di ảnh trong bộ complet rất quen. Tôi ngập ngừng hỏi:

- Xin lỗi bác, cụ trên ảnh thờ là…

Bà Trần Thị Phong, vợ nha sĩ Phan Thế Vấn trả lời tôi:

- Đó là bố đẻ của cô. Cụ Trần Đình Long.

Thiên ký sự về chế độ mới

Sau những khoảng lặng hồi cố, nỗi xúc động được kìm nén lại, bà Trần Thị Phong chậm rãi kể cho tôi nghe ký ức về cha mẹ. Bà Phương Mai ngồi bên cạnh cũng vài lần nén tiếng nấc nghẹn khi biết người chiến sĩ cách mạng tiền bối sớm hy sinh trong những ngày Nhà nước vừa thành lập.

Cố vấn Trần Đình Long (1904 - 1945) - Tư liệu gia đình.

Sau ba năm học tại Liên Xô cùng 9 sinh viên người Việt Nam khác, Trần Đình Long tốt nghiệp đại học (1931), ông trở về Pháp rồi lên tàu về Việt Nam. Tàu vừa cập cảng  Sài Gòn, ông bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị giải về Bắc Kỳ giam giữ 4 tháng vì "tội vượt biên trái phép sang Nga". Không có chứng cứ, ông được trả tự do và bí mật bắt liên lạc với Đảng.

Tại Hà Nội, ông gặp gỡ và kết hôn với một cô gái Hà Nội tên Phương. Hai vợ chồng thuê lại cửa hàng kinh doanh sách báo tiến bộ nước ngoài tại 26 phố chợ Đồng Xuân để sinh sống. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Khu, Đặng Thai Mai..., ông tích cực tham gia hoạt động báo chí công khai của Xứ ủy Bắc Kỳ.

Trần Đình Long đã viết bài cho các tờ báo tiếng Pháp như Le travail (Lao động), Ressemblement (Tập hợp), Notre voix (Tiếng nói chúng ta)…; các báo tiếng Việt như Tin tức, Đời nay và làm quản lý báo Thời thế. Ra được 13 số, đến ngày 12/2/1938 thì báo Thời thế bị chính quyền thuộc địa rút giấy phép, phải đóng cửa.

Theo hồi ký của nhiều bậc lão thành cách mạng, trong thời gian làm báo, Trần Đình Long đã tạo được ấn tượng với bạn đọc qua các thiên ký sự dài "Ba năm ở nước Nga Xôviết" đăng trên báo Thời thế. Bạn đọc rất hoan nghênh thiên ký sự này khi được biết tới một cuộc sống mới tự do, bình đẳng và hạnh phúc ở Liên Xô. Đó là 4 tháng tham gia Hồng quân. Trong đó, tác giả cho biết, "người quan không có quyền sai khiến hoặc bắt người lính phải chào mình". Sự bình đẳng giữa quan và lính, theo tác giả, không làm mất kỷ luật quân đội. Trái lại, kỷ luật của Hồng quân rất chặt chẽ và tối trọng; đó là một thứ kỷ luật sắt, dưới quyền lãnh đạo của một ban chỉ huy tập trung.

Thực dân Pháp muốn bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản nên ra sức tuyên truyền "Cộng sản tức là cộng thê". Trần Đình Long bác bỏ sự bịa đặt này. Ông chứng minh "người cộng sản cũng rất lưu luyến trước cảnh đẹp, rung động trước tình yêu thực thà, tự do, không chấp nê, không câu thúc". Cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 ở Nga đã đưa phụ nữ ngang hàng với đàn ông về mọi phương diện. Còn thanh niên cũng đóng vai trò nhất định trong xã hội, hậu thuẫn mãnh liệt trong việc cải cách xã hội, mở mang kinh tế. Nhờ đó, bạn đọc, nhất là thanh niên, càng tin tưởng chiến đấu theo chủ nghĩa cộng sản.

Khi báo Thời thế buộc phải đóng cửa, Trần Đình Long đăng tiếp dài "Ba năm ở nước Nga Xôviết" trên báo Tin tức. Báo Tin tức lại bị đóng cửa mà ký sự vẫn còn dang dở.

Bên cạnh đó, Trần Đình Long còn đăng cả phóng sự dài kỳ "Một cuộc điều tra muối" (ký tên Lương Phong). Địa bàn ông tìm hiểu đó là vùng biển Nam Định: đồng muối Văn Lý, Cồn Tròn, Tân Khai, Quất Lâm. Chính quyền thuộc địa giữ độc quyền việc sản xuất, phân phối và xuất khẩu muối. Vì vậy, họ đã dùng nhiều thủ đoạn tàn nhẫn bóc lột diêm dân. "Đối với dân làm muối, hễ nói đến nhà đoan, tức là nói đến sự khủng khiếp, run sợ, uất ức, căm hờn, khổ cực, đói rét… Dân quê sợ nhà đoan hơn hết thảy các thứ sợ".

Năm 1940, chính quyền Pháp lại bắt Trần Đình Long vì tội danh "cộng tác với báo chí cộng sản và cổ động dân chúng chống lại chính phủ bảo hộ". Ông bị giam tại nhà tù Sơn La, cùng với Trần Huy Liệu, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Xích Điểu... Suốt 5 năm bị quản thúc ở nhà giam, tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chi uỷ Đảng Cộng sản nhà tù Sơn La đấu tranh, một số tù nhân được trả tự do, trong đó có Trần Đình Long. Về đến Hà Nội, ông bắt liên lạc ngay với Xứ ủy Bắc Kỳ.

Ông cố vấn của chính quyền Cách mạng

Một trong những công lao to lớn của Trần Đình Long là tham gia chỉ đạo việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội khi lệnh khởi nghĩa của Trung ương chưa về đến nơi. Đó là chia sẻ của Đại tá Lê Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội lúc sinh thời, khi nhớ về Cách mạng Tháng Tám 1945, nhớ về ông Cố vấn Trần Đình Long.

Chiều 15/8/1945, biết được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh qua đài phát thanh, ông Nguyễn Khang và ông Trần Tử Bình - cùng là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ - đã quyết định cho thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội. Ủy ban có 5 thành viên do ông Nguyễn Khang làm Chủ tịch và ông Trần Đình Long làm Cố vấn.

Khởi nghĩa giành chính quyền tại Bắc Bộ Phủ - Hà Nội (19/8/1945) - Ảnh: Vũ Năng An.

Hầu hết thành viên trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đều là học sinh, sinh viên, tuổi đời mới ngoài 20. Riêng ông Trần Đình Long và ông Trần Tử Bình trên dưới 40 tuổi. Từng học đại học ở Liên Xô về, Cố vấn Trần Đình Long có đầy đủ kiến thức để tư vấn cho Ủy ban.

Đến chiều ngày 19/8/1945, Thường vụ và Ủy ban Quân sự cách mạng giao nhiệm vụ cho ông Lê Trọng Nghĩa và ông Trần Đình Long phải gặp được Tsuchihashi  lúc đó là Toàn quyền Nhật ở Đông Dương. Ông Lê Trọng Nghĩa kể: Trước khi đi, ông Long dặn đi dặn lại: "Khi vào hang cọp, không được nói năng động chạm đến việc phát xít Nhật đã bại trận hay bom nguyên tử đã nổ ở Hiroshima".

Nhớ về Cố vấn Trần Đình Long trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội, ông Lê Trọng Nghĩa đánh giá: "Tôi luôn nhớ đến một Trần Đình Long đầy bản lĩnh, sáng suốt, luôn dựa vào tình hình thực tế để đưa ra những quyết sách đúng đắn trên cương vị của một cố vấn".

Nhà sử học Nga A.Xô-cô-lốp tiết lộ: "Trần Đình Long được xem là ứng cử viên Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh 1946". Đáng tiếc là chiều 24/11/1945, ông bị một nhóm Việt Nam Quốc dân đảng quá khích bắt cóc mang đi thủ tiêu. Từ đó đến nay, 75 năm trôi qua, gia đình vẫn chưa biết ông được an nghỉ nơi đâu? Thậm chí, ông cũng chưa có một tấm huân chương tuyên dương công trạng.

Qua tìm hiểu các tư liệu, tôi được biết, cuối tháng 11/1945, Cố vấn Trần Đình Long xuống tỉnh Kiến An (nay là Thành phố Hải Phòng) để giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam Quốc dân Đảng với Vệ quốc đoàn (Việt Minh). Xong việc, ông trở về Hà Nội vào chiều 24/11/1945.

Bà Trần Thị Phong mắt ngấn lệ khi nhớ lại ngày cha ra đi vĩnh viễn không trở về:

"Hôm đó khi bố tôi trở về nhà và lên gác được một lúc thì thấy có chiếc xe Jeep chạy ào tới trước cửa nhà. Từ trên xe nhảy xuống 5-6 người, mặc binh phục Tàu - Tưởng. Họ vào nhà, gí súng vào bụng mẹ tôi, bắt gọi cha tôi xuống nếu không sẽ bắn. Nhà tôi có hai cửa, cửa sau có thể thoát được ra ngoài, nhưng có lẽ  thương mẹ tôi lúc này đang mang bầu em Thiện chỉ còn ít ngày nữa là sinh, cha tôi đã xuống. Thấy cha tôi, chúng xông đến bẻ quặt tay ông, giải ra xe. Mẹ tôi ngất lịm. Từ đó chúng tôi vĩnh viễn mất cha".

Trên báo Sự thật - cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (tức Đảng Cộng sản Việt Nam), nhà báo Thép Mới đã dành nhiều trang viết với đầu đề: "Hãy trả Trần Đình Long cho Chính phủ và Quốc dân". Nhưng rồi vẫn bặt tăm. Cố vấn Trần Đình Long vĩnh viễn không trở về. 75 năm trôi qua, gia đình vẫn không biết ngày giỗ cùng phần mộ của ông ở đâu. 

Tôi hỏi bà Trần Thị Phong, người con gái của ông Cố vấn Trần Đình Long về chế độ chính sách đối với người cha liệt sĩ của mình. Bà Phong buồn bã cho biết trước đây khi bà ở nhà cũ thì vẫn có nhưng từ nhiều năm nay cán bộ chính sách không thấy có ai đến thắp cho ông bà nén nhang.

Tôi cũng chợt nhớ rằng, Thủ đô Hà Nội cũng chưa có một hoạt động nào để ghi dấu ấn công lao của ông cố vấn Trần Đình Long, ví dụ như đặt tên ông trên một con phố.

Trần Đình Long sinh ngày 1/3/1904 tại làng Đồng Dụ, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Mâm, thành phố Nam Định. Tháng 11/1926, Trần Đình Long được anh trai lo tiền cho sang Paris học đại học. Tại đây, ông tham gia phong trào công nhân của Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1928, ông được giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông (Matxcơva) khóa dài hạn.

Kiều Mai Sơn
.
.