Ông Sô Lây Tăng - người con của núi rừng Tây Nguyên

Thứ Tư, 29/06/2005, 07:33

Ông Sô Lây Tăng, dân tộc Giẻ Triêng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, đã về hưu. Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ở cương vị nào, ông Sô Lây Tăng cũng là một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, sống trung thực, giản dị, gần dân. Ông được đồng chí, đồng bào yêu quý và nể trọng.

Hồi nhỏ, ông tên là A Tăng. Cậu bé A Tăng sinh năm 1940 tại làng Nú Vai, xã Đắk K'Roong, huyện Đắk Glây, thuộc vùng biên giới Việt - Lào. A Tăng mồ côi cha từ nhỏ. Vì nhà nghèo nên ngày ngày cậu phải vào rừng đào củ để lấy cái ăn. Và phải đóng khố, ở trần.

Quê A Tăng có ngục Đắk Glây do Pháp lập ra để giam cầm, đầy đọa các chiến sĩ cách mạng. Gần nhà A Tăng có đồn Đắk Bung. Người làng Nú Vai thường bị Pháp bắt lên đồn làm xâu. Anh trai của A Tăng là A Ngố cũng phải đi làm xâu. Vì còn bé nên A Tăng phải lên đồn tiếp tế lương thực cho A Ngố. Tại đây, A Tăng tận mắt chứng kiến cảnh người làm xâu bị Pháp đối xử tàn tệ như thế nào, nhất là trường hợp ông A Xẻ, do chúng nghi có quan hệ với Việt Minh, nên đã bị đánh đến chết.

Nhớ lại chuyện này, ông Sô Lây Tăng kể: “Tôi lách vào giữa vòng người. Ông A Xẻ nằm đấy như một đống giẻ bê bết bùn máu. Hai thằng lính lực lưỡng tay lăm lăm gậy và roi mây. Chúng thở hồng hộc. Một thằng xách xô nước đổ ào lên người ông. Nó kéo tay ông dựng dậy, bắt ông khai ra Việt Minh ở đâu. Ông A Xẻ ngơ ngác lắc đầu. Thế là, trận mưa roi gậy lại tới tấp giội xuống đầu, xuống cái lưng còng, cháy đen của ông. Thấy cảnh tượng như vậy, tôi bất giác cảm thấy nỗi căm thù trỗi dậy và nắm chặt tay một người lớn đứng bên cạnh”.

Việt Minh là ai mà Pháp sợ đến như vậy? Pháp mạnh như thế mà còn sợ Việt Minh, huống chi dân làng yếu như thế này, làm sao không sợ Việt Minh? Dân làng không ai biết rõ Việt Minh thực hư như thế nào, cho nên cứ thấp thỏm chờ. Cho đến một ngày cuối tháng 9/1952, có tin Việt Minh đến. Những người sợ chạy hết vào rừng. Những người không sợ thì ở làng nghe ngóng. A Tăng cũng sợ Việt Minh, nhưng vì hôm đó bị ốm nặng trong trạng thái chờ chết nên đành phải nằm ở nhà cùng mẹ và đứa em gái mới lên 6 tuổi. Những nhà có người ở lại hầu như đều đóng cửa. Chỉ có những cái đầu thập thò ngó qua phên liếp dò xét.

Thế rồi, một đội công tác của Việt Minh đến thật, có tới 9 người, người nào cũng đeo bao gạo giống như người ta quàng một con trăn lớn qua vai. Trong số họ chỉ có 3 người mang súng. Họ đi một vòng quanh làng. Không nghe tiếng súng nổ. Không nghe tiếng người la hét, tiếng heo gà kêu như mỗi lần Pháp tới. Họ vào nhà A Tăng. Một người da sạm đen, hỏi mẹ A Tăng bằng tiếng H'Re pha tiếng Xê Đăng: “Ai đó, đau gì?”. Mẹ A Tăng trả lời: “Con tôi đó, thằng A Tăng, nó bị đau nặng, nó sắp bị con ma bắt đi rồi. Cúng hai lần rồi. Nhà nghèo, không có gì cúng nữa. Chỉ cho nó nằm chờ con ma bắt đi thôi”. Một người trong số họ đặt bàn tay lên trán A Tăng. Anh luồn vào nách A Tăng một vật cứng mà sau này cậu mới biết đó là cái nhiệt kế. Một người nữa lấy thuốc cho A Tăng uống. Thế là A Tăng thoát chết. Dân làng Nú Vai bàn tán sôi nổi: “Việt Minh làm cho Pháp sợ. Cả con ma cũng sợ Việt Minh, không dám bắt thằng A Tăng”. Ba ngày sau, A Tăng khỏe hẳn.

Những người trốn vào rừng đều trở về tập trung lại để nghe Việt Minh nói lời của Đảng, của Bác Hồ, kể tội ác của giặc Pháp, kêu gọi mọi người theo Việt Minh đánh Pháp. A Tăng lân la làm quen, biết được người nói tiếng H'Re pha tiếng Xê Đăng tên là K'Rỏ, còn người cho cậu uống thuốc tên là Kỉnh, y tá của đội công tác. Các anh cho mỗi nhà một ít muối rồi ra rừng ngủ. Tò mò, A Tăng rủ 4 người bạn cùng đi theo. Anh K'Rỏ tỏ ra rất quý mến bọn trẻ. Anh nhờ chúng đi lấy ớt làm thức ăn cho đội công tác. Việc đó thật dễ bởi ở đây, nhà nào cũng có ớt. Nhưng A Tăng không ngờ rằng, đây chính là hành động đầu tiên tham gia công tác cách mạng của mình. 

Những lần ra rừng đưa ớt cho các anh chính là những dịp cậu được giác ngộ cách mạng. A Tăng và các bạn còn được các anh cắt tóc, dạy cách tắm rửa thế nào cho sạch và mặc quần. Hôm ấy, thấy người cắt tóc cầm cái kéo tí tách trên đầu, A Tăng cứ sợ mình sắp bị cắt tai nên ngó ngoáy không yên. Buồn cười nhất là khi bỏ khố, mặc quần, cậu thấy nó cứ rộng thùng thình. Thế rồi, từ hôm đó trở đi, A Tăng chính thức được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Việt Minh ở địa phương.

Tháng 12/1952, sau lễ cúng cơm mới của người Giẻ Triêng, A Tăng bắt đầu cùng anh em du kích cài chông, mìn, phục kích đánh địch. Tháng 3/1953, tuy mới bước vào tuổi 13, A Tăng đã chính thức được tham gia chiến dịch giải phóng Đắk Pek, Đắk Xút. Do có nhiều thành tích nên A Tăng được bầu là chiến sĩ thi đua. Hôm tổ chức lễ mừng chiến thắng ở thị xã Kon Tum, A Tăng là chiến sĩ nhỏ tuổi nhất, người ta phải công kênh cậu lên lễ đài cho mọi người nhìn thấy.

Cuối năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, A Tăng tập kết ra Bắc. Lần đầu mới ra Hà Nội, cái gì cũng lạ. Tại sao xe điện không có ống khói như tàu hỏa mà vẫn chạy được? Nghe tiếng nói trong cái hộp (cái đài bán dẫn) mà không thấy người đâu? Tại sao cái dây điện không có răng mà cắn người còn đau hơn rắn cắn (điện giật)? Tại sao những người cùng sống tập thể, là người xa lạ, tiếng nói không giống nhau, áo quần khác nhau, lại coi mình như anh em, giúp đỡ mình tận tình? Tất cả những điều lạ lùng đó, sau khi vào học tại Trường Thiếu sinh quân và các trường học khác, A Tăng mới từng bước hiểu được.

Ngày 1/6/1955, A Tăng được cùng các bạn học sinh thủ đô vào Phủ Chủ tịch báo cáo thành tích học tập với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sự kiện này trở thành kỷ niệm không bao giờ phai đối với A Tăng. Anh học một mạch từ lớp 1 đến hết lớp 10 (chương trình phổ thông hệ 10 năm), sau đó được chọn vào học Đại học Y khoa. Trong quá trình học tập, anh luôn luôn suy nghĩ: “Mình là người dân tộc Giẻ Triêng, được cách mạng cứu sống và dìu dắt, cho học hành, nên phải phấn đấu vươn lên trở thành học sinh xuất sắc”. Và anh đã thực hiện đúng như vậy. Ngày 19/5/1961, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 1/1970, anh tốt nghiệp Đại học Y khoa, trở thành người trí thức - bác sĩ đầu tiên của dân tộc Giẻ Triêng.

Ngày 7/4/1970, Sô Lây Tăng lên đường trở về miền Nam trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng quê hương. Thời gian đầu anh thuộc biên chế của Ban Dân y Trung Trung Bộ, đến tháng 4/1974, chuyển về Ban Dân y H40 (biệt danh huyện Đắk Glây). Mùa xuân 1975, Sô Lây Tăng tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Kon Tum ở hướng phía bắc. Trong những ngày đầu giải phóng, anh tham gia tiếp quản Bệnh viện Kon Tum, trực tiếp cứu chữa số bệnh nhân cũ và hàng nghìn người đói khát, bệnh tật di tản từ Phú Bổn về.--PageBreak--

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến trước khi về hưu, ông Sô Lây Tăng đã kinh qua nhiều chức vụ: Phó ty Y tế; Trưởng ty Y tế; Phó chủ tịch UBND; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ông Sô Lây Tăng có thâm niên 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy, gần 8 năm tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng, 15 năm là đại biểu Quốc hội.

Với cương vị người đứng đầu tỉnh Kon Tum, ông Sô Lây Tăng đã tỏ rõ tác phong làm việc nhanh nhạy, sâu sát, có lý, có tình. Việc gì đã đề ra trong nghị quyết là phải chỉ đạo thực hiện bằng được. Khó đến mấy cũng phải làm. Ông là con người hành động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói ít, làm nhiều. Ông chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, không để xảy ra một sự sơ hở nào bất lợi cho tổ chức.

Ông có sức lôi cuốn đối với mọi người, từ cán bộ, đảng viên đến người dân bình thường. Về địa phương, sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt là ông lại xuống thăm dân, sẵn sàng cùng múa xoang, đánh chiêng, hát hò uống rượu, ăn cơm với bà con thâu đêm, suốt sáng. Vừa vui với bà con, ông vừa tranh thủ tuyên truyền, vận động làm cho bà con hiểu rõ hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong một lần đi công tác ở xã Đắk K'Roong, huyện Đắk Glây, ông đã không ngần ngại tặng luôn bộ quần áo mà mình đang mặc cho một người dân. Từ đó ông có thói quen đi công tác ở đâu đều mang quà theo để tặng bà con, khi thì tấm vải, khi thì gói bột ngọt, cân đường. Ông vào nhà ai là nhà đó vui như tết. Ông kéo chủ nhà đi thăm ruộng vườn, nhỏ to bàn cách làm ăn, cách nuôi dạy con cái, rồi nói, rồi cười hể hả.

Đối với dân thì như vậy, còn đối với cấp trên, tức là đối với các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, khi về làm việc ở tỉnh, ông cũng chân tình, đóng góp ý kiến thẳng thắn. Là người dân tộc thiểu số, nhưng ông có vốn tiếng Việt rất phong phú và rất giỏi trong việc sử dụng từ đồng âm khác nghĩa hay từ khác âm đồng nghĩa. Trong một tiệc rượu, vào lúc cao trào, ông chợt hỏi hai đồng chí bộ trưởng là bạn thân: “Này, hai anh làm việc ở bộ hay sao ấy nhỉ?”. Hai đồng chí bộ trưởng ngạc nhiên: “Là bộ trưởng, đương nhiên là chúng mình làm việc ở bộ rồi”. Nào ngờ ông nói luôn: “Hai anh làm bộ rồi, bây giờ phải làm thật đi”. Đương nhiên là sau đó, cả khách và chủ đều cười vui vẻ.

Lại một lần nữa, ông nói với cán bộ ngành Điện rằng, tỉnh ông 52% số dân đã có “tivi" đen trắng, rồi giải thích luôn: “Vì không có điện cho nên dân chỉ “sử dụng” loại tivi đen trắng đó... Chính vì lẽ đó mà tình trạng sinh đẻ vỡ kế hoạch luôn luôn xảy ra”. Mọi người cười vui nhưng đều nghĩ tới trách nhiệm của mình với Kon Tum. Rồi hôm gặp ông Giám đốc ngành điện tên là Đường, ông hỏi: “Này ông tên là gì nhỉ?”. “Dạ tên là Đường ạ”. “Tên là Đường mà sao ông để đường sá cứ tối om om như thế? Điện phải gắn với đường, ông có nhớ như vậy không?”.

Đối với đồng bào, đồng chí thì như vậy. Còn đối với những phần tử chống đối lại cách mạng thì sao? Hễ có dịp tiếp xúc với họ là ông chỉ rõ tội danh, nghiêm khắc phê phán những hành vi sai trái, kêu gọi họ cải tà quy chính, phấn đấu trở thành người công dân chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước.

Ông nhìn xa, trông rộng, sống có nghĩa, có tình, không cục bộ, bản vị. Ông coi trọng cả đội ngũ cán bộ là người Kinh cũng như người dân tộc thiểu số, người miền Nam cũng như người miền Bắc, hễ ai có đủ tài đức là sử dụng. Chính vì thế, sau khi ông đến tuổi về nghỉ theo chế độ của Nhà nước, đội ngũ cán bộ kế cận ông ở tỉnh Kon Tum không những đảm nhận tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, mà còn có nhiều khả năng vươn xa hơn. Bí thư Tỉnh ủy kế tiếp ông trước kia là ông Nguyễn Thanh Cao và giờ đây là bà Y Vêng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tỉnh Kon Tum hiện nay không những phát triển vững mạnh về kinh tế - xã hội, mà còn ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công lao đó thuộc về Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kon Tum, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của ông Sô Lây Tăng

Lê Văn Thiềng
.
.