Nữ văn sỹ Đoàn Lê: Trời vẫn không nín gió

Thứ Tư, 01/06/2005, 15:07

Đôi khi, tạo hóa vẫn thích cho chúng ta những cảm giác "đánh lừa" khi đứng trước một gương mặt ai đó. Có lẽ đó là một trong những thú vui của ông trời trong cái cách mà ông tạo ra những chân dung phận người. Tôi đã mang chút chút những lạ lẫm ấy khi đối diện với nữ sỹ Đoàn Lê trong câu chuyện cuộc đời.

Tôi nói như vậy về Đoàn Lê, bởi hình như cùng với thời gian và những thăng trầm được coi là "ghê gớm" đối với một người đàn bà thuộc thế hệ của chị, (thế hệ mà ông bà, cha mẹ của tôi suốt đời không vượt qua nổi những rào cản khắc nghiệt của một chữ "Đạo") thì người phụ nữ này như không có tuổi.

Dường như mọi sóng gió, vất vả, cực thân, hay những nỗi đau u uẩn của một kiếp "hạt mưa sa" đa đoan trong đời riêng của chị đã không tới được, đã nhòa nhạt đâu đó ở phía ngoài dung nhan của chị. Khó có thể hình dung, ở tuổi làm bà với đàn cháu chắt, chị vẫn nhẹ nhõm và thanh thoát với vẻ đẹp đầy nữ tính, vừa cổ điển, vừa dịu dàng và vẫn sóng sánh nét thanh tân trong nụ cười.

Đương nhiên, với những người thuộc giới văn nghệ sỹ như chị, lại đủ các yếu tố của một "tài tử - giai nhân" (chị vừa viết văn, làm thơ, diễn viên, biên kịch, đạo diễn, và hội họa) thì rõ ràng đời sống nội tâm của chị hẳn nhiên sẽ phong phú và ăm ắp những sáng tạo dư đủ để chị cảm thấy cuộc sống luôn tươi mới, khác lạ.

Tất cả những cái đó sẽ xua đi những sầu bi, muộn phiền trong đời sống mà chị đã trải, để kéo những niềm vui, những thanh xuân về tưới tắm cho cuộc đời chị vượt qua những nỗi héo tàn. Thành thử, chị vẫn trẻ mãi, vẫn nhẹ nhõm những bước đi mỏng manh như nắng..

Nhưng cái đời sống mà người đàn bà với vẻ ngoài mỏng nhẹ như chị đi qua không hề đơn giản, hoặc biến mất như những ảo ảnh phù du. Trái lại, nó làm tất cả chúng ta phải thốt ngạc nhiên bởi những dấu ấn mà chị để lại. So với một người đàn bà viết, thì những dấu ấn của Đoàn Lê hẳn không tầm thường.

Thế mà chị đã ngại ngùng cười khi bắt đầu câu chuyện cuộc đời của mình bằng một sự tự thú: "Có lẽ, mình đã bước vào đời với những bước đi chênh vênh của cảm giác. Mình đã lựa chọn những sai lầm đầu tiên cho cuộc đời nhiều bất trắc của mình. Mình đã phải trả giá sâu sắc, trả đến tận cùng cho những ảo tưởng. Ôi những ảo giác đến suốt đời mình vẫn cứ vấp váp, mà không sao lường tránh được".

Tôi hiểu chị muốn nói gì. Nhưng có lúc chúng ta vẫn phải cần những cảm giác để tự đánh lừa mình, để đi qua những nỗi ê chề và chán ngán của cái gọi là thực tế nghiệt ngã và trụi trần của cuộc sống, để đến với những điều đẹp đẽ hơn. Tôi cũng biết Đoàn Lê đã cần những khoảnh khắc ấy để tới được ngày hôm nay, mặc dù có lúc chị tưởng như căm ghét nó.

Chị nói về sai lầm đầu tiên khi chọn thi vào lớp diễn viên điện ảnh khoá đầu. Cũng bắt đầu từ những ảo ảnh sáng lòa của năm 16 tuổi, chị mơ mình thành ngôi sao màn bạc. Học để làm diễn viên nhưng ngay từ những ngày đó có một nỗi đam mê nguyên thủy khởi phát còn quyết liệt hơn cả giấc mơ màn bạc đấy là viết văn. Chị đã có những sáng tác đầu tay in ở Báo Văn nghệ: "Trương Viên", "Đôi mắt hoa nhài", "Cây xoan non mảnh dẻ" v.v...

Chị nổi tiếng trong giới sinh viên bởi bài thơ "Bói hoa". Có lẽ, sau những trải nghiệm đau đớn đầu tiên về mối tình đầu ngơ ngác, chị đã rút lòng để viết nên những câu thơ mà hầu như không mấy nữ sinh viên không một thời chuyền tay nhau và thổn thức cùng chị: "Ngày xưa em thơ ngây/Ngồi bói bông hồng nở/ Đoán tình yêu sau này/ Vẹn tròn hay dang dở".

Khi rời quê lên Hà Nội học, chị cũng không ngờ rằng giấc mơ diễn viên chưa kịp thực hiện thì chị đã bị cái bẫy ngọt ngào, nhưng cũng lại đầy "cảm giác" của tình yêu đã giăng. Chị bước lên xe hoa năm 17 tuổi, ngơ ngác yêu, ngơ ngác thành đàn bà và ngơ ngác làm mẹ. Trong ba năm vỏn vẹn của cuộc hôn nhân này, chị đã kịp sinh hai đứa trẻ, đã kịp nhận ra những giá trị đích thực của cái gọi là tình yêu và hôn nhân.

Cảm giác bị đánh lừa không nặng nề bằng cảm giác ta không nhận được điều gì ý nghĩa, hay gọi là hạnh phúc từ hôn nhân mang lại. Tất cả chỉ như là một sự ngốn ngấu của thời gian đã vội vã ăn cắp thời con gái, vội vã kết thúc những mộng đẹp của tuổi thiếu nữ trắng trong. Cảm giác ấy đè nặng, và người đàn bà ngay từ đầu ẩn chứa tính cách mạnh mẽ đến hoang dã là Đoàn Lê đã kiên quyết chia tay với hôn nhân cũng nhanh như khi chị đón nhận nó, vừa lúc chị tròn 20 tuổi.

Từ đó, trong sự đổ nát của tình yêu đầu, trong những đêm trường vừa cắp con, vừa cắm cúi viết... chị đã kịp nhận ra những khoảnh khắc tự do bất tử của hội họa. Chị thi đỗ vào Trường Mỹ thuật tạo hình. Thế nhưng chiến tranh, lại đang lúc mang thai, chị không có điều kiện theo học. Nhưng, cái khát khao được đến với hội họa, được vẽ đã thao thức trong tâm khảm chị.

Chị đã có may mắn gặp được hai người thầy lớn của hội họa là Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên. Chị học thầy Phái từ những khái niệm đầu tiên của hội họa. Sau đó, chị cùng với một người bạn gái nữa đã theo học vẽ một cách nghiêm túc trong một thời gian dài với thầy Liên. Sau này, khi đã kiên quyết bỏ nghề diễn viên chỉ sau vai diễn duy nhất, chị mới thực sự tìm thấy mình trong nghề viết.

Chị viết văn, viết kịch bản phim, làm biên kịch, đạo diễn phim, và thỉnh thoảng lại hý hoáy vẽ. Chính môi trường công tác của chị ở Hãng phim truyện Việt Nam đã là một trường học lớn dạy chị trưởng thành trong nghề nghiệp. Chị đều thành đạt ở cả hai lĩnh vực văn chương và điện ảnh, trong đó có những tác phẩm xuất sắc như: Tiểu thuyết "Cuốn gia phả để lại" và bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".

Năm 1967, sau tan vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên với người chồng là nhà biên kịch, Đoàn Lê lại yêu, lại ngỡ đã cầm nắm được hạnh phúc đích thực của đời người. Chị lên xe hoa lần thứ hai với diễn viên, đạo diễn Từ Huy. Cuộc hôn nhân kéo dài 27 năm, chị có thêm một con trai, và tưởng chừng đã vẹn tròn với hạnh phúc. Thế nhưng, ai có thể ngờ rằng, Đoàn Lê đã xách va ly ra khỏi căn nhà hôn nhân sau 27 năm khi chị đã 53 tuổi, mái tóc đã nhuốm bạc, cơ thể bệnh tật. --PageBreak--

Nhớ lại quyết định "kinh khủng" của mình, nước mắt chị lại rơi, cho dù chị đã đi xa cái ký ức ấy đến vạn dặm mà không chút nuối tiếc: "Cuộc chia ly nào cũng đau đớn và trả giá. Mỗi người đều phải trả giá cho chính quyết định của mình. Đó là thời điểm tôi tổ chức triển lãm tranh đầu tiên ở Hà Nội. Suốt 3 tháng, tôi hầu như không chợp mắt. Không phải tôi thất vọng ở người đàn ông mà tôi đã dành trọn cả cuộc đời còn lại với bao nhiêu trìu mến và tin tưởng, bao yêu thương và hy vọng. Thực ra, tôi thất vọng ở chính cuộc đời, ở chính niềm tin của mình. Với lại, căn nhà hôn nhân của tôi đã thực sự gục ngã trước sự thay đổi đột ngột của thời mở cửa, thời mà mọi giá trị ngỡ là truyền thống, là vĩnh cửu, đột nhiên bị đảo lộn. Và tôi, một người đàn bà nhất mực khăng khăng đã không thể chấp nhận nổi thực tại nghiệt ngã. Có thể với những người phụ nữ thông thường khác, họ mềm yếu hơn tôi, dễ tha thứ hơn tôi, và biết hy sinh, chịu đựng nhiều hơn tôi. Còn tôi thì khác. Tôi đã ra đi khỏi cuộc hôn nhân cuối cùng của mình với một tâm trạng rối bời và không ít sợ hãi. Không tiền bạc, không tuổi trẻ, không niềm tin, tôi đã đi thuê nhà như một sinh viên trắng tay, lao vào kiếm sống. Có lẽ tôi là người quá mạnh mẽ và cũng lắm khát vọng ở cuộc đời. Nếu không có khát vọng, con người ta dễ dàng chùn bước trước khó khăn. Tôi lắm khát vọng nên tôi may mắn có được nhiều thứ ở cuộc đời. Có lẽ là vậy".

Một mình chiến đấu với những sai lầm và đổ vỡ trong cả cuộc đời, chị không chịu thất bại. Chị đã tạo ra cuộc sống riêng của chị, theo quyết tâm, ý thích mà không bị bất cứ một ràng buộc. Làm phim như điên, viết kịch bản như điên, chị lao vào kiếm tiền và từ tay trắng, chị xây dựng được một cơ ngơi đàng hoàng ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

Chị lại trở về chính nơi mảnh đất chị sinh ra, đã cất bước ra đi, rồi trở về sau bao nhiêu đổ vỡ và thất bại trong tình riêng. Chị nói: "Bây giờ mọi chuyện đã xa, đã bình yên thì mình vẫn không hết đau, hết xa xót. Mình vẫn rất thương anh Huy và không thể hiểu nổi cái cách mà anh ấy đối xử với bản thân anh ấy. Mình đã nói với anh ấy rằng: Em như người không biết bơi mà bị buộc đẩy xuống sông. Hỳ hụp thế nào vẫn qua được bờ bên kia và lúc đấy mới biết mình vừa thoát chết. Em không thể và không bao giờ còn quay lại bờ bên ấy được nữa. Em sợ mình sẽ lại không sống sót".

Tôi đã một lần vô tình đến thăm nhà đạo diễn Từ Huy. Tôi nhớ mãi hình ảnh một người đàn ông khô héo lặng lẽ bên cánh cổng trong một buổi chiều tà hoang vắng. Trong sân, lá vàng rụng bời bời. Một đứa trẻ chạy quẩn quanh những khóm hoa tàn, từ lâu thiếu bàn tay chăm sóc. Dù sao, lúc ấy, tôi cũng đã nghĩ vì sao ngôi nhà ấy trở nên hoang vắng, và chắc chắn phần lỗi đâu có thể thuộc về riêng một người. Nhưng cũng không thể trách cứ được Đoàn Lê khi chị sống phần nhiều bằng cảm giác. Chị thuộc về một sự khăng khăng, quyết liệt và nhất mực. Chị không biết thỏa hiệp với chính mình, có lẽ cho đến chết vẫn vậy.

Những ngày này, Đoàn Lê đang triển lãm tranh cùng với 5 nhà văn khác. Tôi đã đến xem cái gọi là khoảnh khắc tự do bất tử của chị. Cả chồng cũ của chị, ông Từ Huy cũng đến. Tôi thấy ông với bó hoa tươi thắm dành tặng cho Đoàn Lê với bao nỗi ân tình. Thực ra... nào ai có lỗi cho những bi kịch của đời sống... Chỉ biết rằng, chia tay nhau mà vẫn giữ cho nhau những ký ức đẹp, ân tình vậy đã là nhiều quá rồi.

Ngắm các bức tranh của chị, tôi thấy đời sống tâm hồn của chị vẫn còn xanh tươi lắm, xáo động lắm. Tôi không biết mọi người nghĩ gì, viết những gì khi xem tranh của chị, những bức tranh nói về một góc quên lãng mà thực ra chưa bao giờ quên lãng. Hình như chị đang cố quên đi sự tồn tại của một ai đó, một đời sống xa xanh nào đó, nhưng hình bóng cái người đàn ông mà chị ám ảnh, day dứt thì vẫn lẩn quất đâu đó trong những bức tranh của chị, chưa hề bước ra khỏi nội tâm đời sống của chị, cho dù chưa một lần hiện rõ. Rõ rệt nhất là các bức: Góc quên; Nông nhàn; hay bức Xóm núi.

Chị nói với tôi: "Tự bây giờ chị muốn rời bỏ tất cả để ở nhà viết và vẽ. Không có gì hạnh phúc hơn khi ta cầm cọ vẽ đứng trước thiên nhiên. Chỉ có hội họa mới giúp con người cởi bỏ hết mọi ràng buộc. Con người không phải chịu đựng với bất kỳ áp lực nào. Khi tôi bất lực trước chữ nghĩa, đó là lúc tôi tìm đến cọ vẽ. Vẽ giải phóng tất cả những ẩn ức tình cảm, trong tâm hồn mình, là sáng tạo tự do nhất".

Rời phòng tranh và những câu chuyện mới, cũ của Đoàn Lê, tôi cứ nghĩ về những câu thơ người em gái viết riêng tặng chị. Câu thơ như vận vào đời... "Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ ô hay trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh..."

.
.