Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich: Danh tiếng đã xứng tài năng

Chủ Nhật, 01/11/2015, 13:44
Nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich - thường được biết đến là một cây bút mà “danh tiếng không xứng tầm tài năng” - cuối cùng cũng vừa được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh trao giải Nobel Văn học 2015 vì “những tác phẩm đa âm sắc, một tượng đài về nỗi đau và lòng dũng cảm của thời đại”.

Như vậy, nữ văn sĩ 67 tuổi này trở thành cây bút nữ thứ 14 và là nhà báo đầu tiên được trao giải thưởng danh giá với trị giá 8 triệu crown (972 nghìn USD). Giới mộ điệu hết sức hâm mộ giọng văn pha chất báo chí của bà, và vô cùng bất ngờ những sáng tạo của một thể loại văn học mới đậm chất Alexievich. Trong suốt 30 đến 40 năm qua, Svetlana Alexievich đã dành thời gian định vị đất nước - con người Liên Xô và hậu Xô Viết. Nhưng không hoàn toàn là những sự kiện lịch sử, các tác phẩm của bà tạo nên những cung bậc khác nhau của cảm xúc.

Tỉ mỉ góp nhặt

Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại thị trấn Ivano-Frankivsk của Ukraine, cha là người Belarus, mẹ là người Ukraine. Khi cha bà hoàn tất nghĩa vụ quân sự ở Ukraine, cả gia đình đã quay trở về Belarus sinh sống. Sau khi hoàn tất việc học, bản thân bà Alexievich đã nối nghiệp cha mẹ và có thời gian làm nhà giáo ở một trường học quê nhà. Tuy vậy, người ta chủ yếu biết tới Svetlana Alexievich với vai trò nhà văn - nhà báo. Con đường báo chí mới là sự chọn lựa suốt đời của Svetlana Alexievich khi bà bắt đầu viết ngay khi còn trung học. Bà từng học chuyên ngành báo chí ở Trường Đại học Minsk (Belarus) từ năm 1967 đến năm 1972. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc cho một tờ báo địa phương ở thành phố Brest, gần biên giới Ba Lan.

Lý do bà không tìm việc làm ở thủ đô Minsk mà đi đến một thành phố vùng biên lập nghiệp là bởi ngay từ buổi đầu, cô phóng viên trẻ đã có những quan điểm chính trị rất rõ ràng, dứt khoát, không thỏa hiệp và không khoan nhượng. Về sau, Svetlana Alexievich có quay trở lại thủ đô Minsk và làm việc cho tờ Sel’skaja Gazeta. 

Trong nhiều năm làm báo, bà đã tích cực thu thập tư liệu để âm thầm chuẩn bị cho cuốn sách đầu tay War’s Unwomanly Face (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ). Tác phẩm là lời tự bạch của những phụ nữ từng trải qua Thế chiến II ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc chiến theo một cách mà người đọc hiếm khi được thấy trước đó. Đây là một bức tranh đầy sống động nhưng cũng nhiều cay đắng, mở màn cho nhiều tác phẩm quan trọng khác sau này của bà Alexievich.

Tiểu thuyết nổi bật khác là Boys In Zinc (Những cậu bé trong quan tài kẽm) nói về cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan giai đoạn 1979-1989 với những thân phận bị lãng quên. Svetlana Alexievich đã phải trải qua nhiều năm để viết cuốn sách này, trên hơn 500 lần phỏng vấn những cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến và những bà mẹ của những chiến sĩ đã bỏ mạng trên trận địa. Trong gia tài sáng tác được thế giới tôn vinh của bà Alexievich, gây tiếng vang bậc nhất phải kể đến quyển Voices from Chernobyl (Những tiếng nói từ Chernobyl) xuất bản năm 1998, phơi bày nỗi kinh hoàng của những người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine.

“Cuốn sách nào của tôi cũng chứa đựng lời kể của các nhân chứng, các thanh âm sống động của con người. Thông thường, tôi dành 3-4 năm để viết một cuốn sách, nhưng tác phẩm về Chernobyl tốn hơn 10 năm” - nữ văn sĩ chia sẻ.

Nhà văn Alexievich từng giành được nhiều giải thưởng văn học, đáng kể có giải Hòa bình - một giải thưởng quốc tế uy tín được trao thường niên tại Hội chợ sách Frankfurt (Đức) kể từ năm 1950; giải Prix Médicis của Pháp - một giải thưởng thường niên trao cho những tác giả mà “danh tiếng chưa xứng tầm tài năng”, được trao từ năm 1958.

Trong sự nghiệp làm báo, bà từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng trải qua những sự kiện chấn động nhất Liên Xô gồm Thế chiến II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan, sự sụp đổ của Liên Xô (1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl (1985). Hầu hết tác phẩm của Svetlana Alexievich đã được xuất bản ở hơn 19 quốc gia, được ghi nhận như những biên niên sử bằng văn chương về đất nước - con người Xô Viết và hậu Xô Viết. 

Âm hưởng của thời đại

“Điều bất thường” của giải Nobel Văn học năm nay là lần đầu tiên Viện Hàn lâm Thụỵ Điển tôn vinh không phải một nhà thơ, một nhà văn viết loại văn học hư cấu giả tưởng mà là một nhà báo viết về những sự kiện xảy ra trong thực tế (tức là thể loại phi hư cấu). Các tác phẩm của Svetlana Alexievich có thể gọi là phóng sự điều tra hoặc tự sự, gói ghém những lời chứng và sự thật mà bà đã tôn trọng, thu nhặt tỉ mỉ qua những trang sách nhờ ngòi bút mạnh mẽ, miệt mài từ suốt nhiều thập kỷ qua.

Các tác phẩm của Svetlana Alexievich mang lại cái nhìn trung thực về những biến cố quan trọng trong lịch sử nhân loại. Đó chính là thứ văn chương không biên giới, toàn cầu, cần thiết để giúp cho thế giới tránh lặp lại những thảm họa đau thương. Vì thế, bà được hoan nghênh không chỉ ở Belarus mà trên toàn thế giới rộng lớn thời hậu Xô viết.

Chính vì tiếp cận với những sự đang xảy ra trong thực tại mà Svetlana Alexievich chọn thể loại phi hư cấu thay vì sáng tác như một nhà văn. Công việc của nhà báo điều tra với tất cả lương tâm cũng vĩ đại không thua bất cứ sự sáng tạo nào trong tưởng tượng.
“Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” (phải) và “Những tiếng nói từ Chernobyl” (trái) là hai trong số nhiều tác phẩm xuất sắc của nữ văn sĩ Alexievich.

Bằng nhiều phương pháp “đặc biệt” cùng kinh nghiệm làm báo lâu năm, bà Alexievich đã ghi lại bản hợp ca những âm điệu của lịch sử và khắc sâu sự hiểu biết của độc giả về cả một thời đại. Ủy ban trao giải Nobel Văn học đã từng bình luận rằng Svetlana Alexievich là “một tượng đài của sự đau khổ và lòng quả cảm trong thời đại của chúng ta”, là bởi những mâu thuẫn trong quan điểm chính trị giữa nhà văn và nhà cầm quyền đã khiến bà có những giai đoạn phải sống ở nước ngoài.

Trên trang web cá nhân, Svetlana Alexievich giải thích lý do bà theo nghề báo: “Tôi chọn một thể loại mà tiếng nói con người được lên tiếng cho chính họ”. Với nữ nhà văn này, lắng nghe và thấu hiểu là những yếu tố rất quan trọng nếu muốn phản ánh chính xác nhất hiện thực cuộc sống đầy khốc liệt và luôn bị che đậy bởi sự giả dối. “Tôi vẫn tìm kiếm một phương pháp biểu đạt sao cho có thể mô tả cuộc sống rõ ràng nhất. Cuộc đời ngoài kia lúc nào cũng cuốn hút tôi như thanh nam châm. Nó ám ảnh, thôi miên và tôi muốn phô bày tất cả trên từng trang viết”.

Bà Alexievich đã dành gần 40 năm tìm hiểu người dân Liên Xô cũ, nhưng tác phẩm của bà không chỉ nói về lịch sử mà là “cái gì đó vĩnh cửu, một cái nhìn thoáng qua của sự vĩnh cửu”. Bà chối bỏ việc ghi nhận các sự kiện khô khan, mà đi sâu vào phản ánh lịch sử của cảm xúc con người. Đó là những gì con người nghĩ, hiểu và nhớ về những sự kiện; hay những gì họ tin tưởng, hoặc đặt niềm hi vọng sai chỗ, cùng những ảo tưởng, hoài nghi và cả nỗi sợ lan tỏa trong tâm trí từng người.

Trước đây đã có những người không phải là nhà văn sáng tác hư cấu cũng được trao giải Nobel, nhưng hầu hết lại là những khuôn mặt nổi bật trong giới hàn lâm hoặc trên chính trường. Nobel Văn học 2015 là lần đầu tiên một nhà báo thuần tuý được vinh dự cùng sát cánh với những tên tuổi lẫy lừng nhất của văn học thế giới.

Được vinh danh chiến thắng giải Nobel Văn học mang lại cho Svetlana Alexievich cảm giác “phức tạp”. Với bà, đây không đơn thuần là một giải thưởng cho cá nhân, mà là “quà tặng cho nền văn hoá của chúng tôi, cho xứ sở nhỏ bé của chúng tôi”. Và giải thưởng trị giá gần một triệu USD đó, bà đã tặng cho quê hương Belarus của mình với hi vọng điều này góp phần cho cuộc tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận.

Nữ nhà văn cũng hóm hỉnh chia sẻ, bà đã “mua” tự do cho chính mình, nhận được một khoản thù lao quá hậu hĩnh sau quãng thời gian dài hoàn thiện các cuốn sách. Và giờ đây, khi những ý tưởng mới dần hình thành, Svetlana Alexievich lại có thêm động lực để viết thêm nhiều tác phẩm với giọng văn “vị nhân sinh” đặc trưng, đem tới cho độc giả những món ăn tinh thần đầy cảm xúc về con người và thời đại…

Nam Hồng
.
.