Nữ tỷ phú Lê Phương Dung: Tấm lòng thiện dâng đời

Thứ Năm, 22/04/2010, 10:21
Trước Tết, tình cờ đọc được bài báo "Số phận lớn ẩn khuất của nữ tỷ phú tốt bụng", viết về em, tôi mới nhận ra, em chính là cô học trò nhỏ của tôi từ mấy chục năm về trước. Định bụng sẽ tìm gặp lại em để hàn huyên chuyện cũ vì tôi lưu giữ những kỷ niệm về em khá nhiều, đủ để em luôn là một học trò cá tính đặc biệt mà tôi cũng như phần lớn giáo viên đã từng dạy em ở Trường Phổ thông cấp II Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ đã nhớ về em...

Duyên hạnh ngộ, đúng Tết Nguyên tiêu, khi đang cùng với những người bạn cũ hành hương về Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội để dự Ngày Thơ Việt Nam thì, tôi bất ngờ trước tiếng gọi vỡ òa của một thiếu phụ hãy còn trẻ: "Thầy ơi, thầy nhớ em không, em là Phương Dung học trò lớp 7B Tiên Cát đây ạ".

Đúng là cô bé Phương Dung năm xưa đây rồi. Tôi lặng người đi bởi giọng nói lảnh lót và trong veo của em trải qua bao tháng năm không hề thay đổi. Ký ức về em, chợt ùa về như một phần ký ức đẹp nhất, xa cũ nhất và cũng nhớ thương nhất của tôi, một nhà giáo đã gắn bó cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người.

Cô trò nhỏ cá tính

Năm học 1969-1970, tôi được cấp trên điều về làm Hiệu trưởng Trường Cấp II Tiên Cát. Những năm tháng chiến tranh, trường đóng ở nơi khu vực sơ tán của cơ quan tỉnh Phú Thọ. Tôi dạy Văn và Sử ở khối 7. Phương Dung học lớp 7B.  Ngay từ hồi học sinh, em đã có những nét đặc biệt cả ở ngoại hình lẫn tính cách. Ai mới gặp Dung lần đầu cũng phải xuýt xoa bởi Dung có nước da trắng ngần, một gương mặt xinh xắn và quý phái lạ lùng. Em còn có một giọng nói trong veo, lảnh lót. Lúc nào, bất cứ ở đâu trong chúng bạn, mỗi khi Dung cất giọng, chất giọng nữ cao trong ngần của em khiến có sức hút kỳ lạ. Dung hay cười, hay hát, nên em đặc biệt được thầy cô yêu, bạn mến.

Cả Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt ấn tượng với Phương Dung còn bởi lẽ, mỗi lần lên lớp về, tập thể giáo viên hay kể cho nhau về các học trò yêu của mình và câu chuyện về em hầu như không bao giờ cạn. Em có một trí nhớ kỳ lạ. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa như xem phim, hoặc đọc được cuốn sách đâu đó, Phương Dung nhớ như in những bài thơ trong trang sách em đọc được, hay những bài hát trong phim, dù chỉ nghe qua có một lần.

Nhớ nhất là mỗi lần chào cờ đầu tuần, có 15 phút sinh hoạt văn nghệ, bao giờ trò Phương Dung cũng xung phong lên hát hoặc đọc thơ cho thầy cô và các bạn nghe. Phương Dung có chất giọng trời phú, nên em hát và đọc thơ rất hay. Dung thường hát bài "Chiếc ví rơi" do em tự biên tự diễn. Bài hát "Chiếc ví rơi" là một bài học đạo đức sâu sắc để chúng tôi truyền dạy cho các em học sinh "nghèo cho sạch, rách cho thơm". Kỷ niệm đó cũng như một ấn tượng khó mờ phai trong ký ức của các thầy cô giáo ở Trường Cát Tiên II. Hình ảnh của em gắn với: "Chiếc ví rơi", "Kalinka", "Cánh buồn đỏ thắm", "Lửa nước và ống đồng" của một thời.

Thông minh và có năng khiếu thiên bẩm về ca hát, Phương Dung lại là một học trò gương mẫu và luôn có những hành động bày tỏ tình cảm với các thầy cô giáo của mình cảm động đến rơi nước mắt. Cuộc sống thời chiến tranh gian khổ và đói nghèo vô cùng. Đời sống của các thầy cô giáo rất cơ cực. Thương các thầy cô giáo mỗi bận lên lớp nhịn đói vì không đủ lương thực để ăn, Phương Dung đã bớt khẩu phần ăn hạn hẹp của mình để lúc thì dăm củ sắn nướng, lúc thì củ khoai lùi còn ấm nóng thơm phức được em bọc gói cẩn thận trong giấy học sinh lặng lẽ đặt vào phòng tập thể của các thầy cô giáo với lời đề tặng nắn nót: "Kính biếu thầy cô bồi dưỡng sức khỏe để dạy dỗ chúng em" và ký tên Phương Dung.

Không những thế Dung còn vận động các bạn mang khoai, sắn hay những gì có thể, ăn được để bồi bổ sức khỏe cho các thầy cô giáo. Cầm những củ sắn củ khoai, còn ấm tấm tình quý mến của cô học trò nhỏ Phương Dung, chúng tôi rơi nước mắt vì thương em, bởi Dung không phải là cô học trò sinh ra và lớn lên trong một điều kiện vật chất và tinh thần đầy đủ, nếu không muốn nói là thiếu thốn và có phần bất hạnh.

Tuổi thơ lầm lụi

Ông ngoại của Dung là người Pháp sang công tác ở Việt Nam lấy bà ngoại sinh ra mẹ của Dung. Bố Dung là ông Lê Kim Hùng, con ông chủ dây thép quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Bố Dung từng là học sinh Trường Bưởi danh tiếng, song ông bỏ dở dang đường học hành để đi kháng chiến. Chín năm ròng rã trên chiến trường, hòa bình lập lại, ông về công tác ở Công ty Kim khí Hóa chất Việt Trì. Tại đây, ông gặp và nên duyên vợ chồng với bà Nga, người con gái mang trong mình dòng máu lai Pháp xinh đẹp nổi tiếng ở làng nón Sai Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ.

Khi Phương Dung lên 6 tuổi thì trong một cơn đau do vết thương cũ tái phát, bố Dung qua đời để lại người vợ trẻ và 4 đứa con thơ dại. Mẹ Dung mất chồng từ khi còn trẻ, bà cắn răng ở vậy thờ chồng, nuôi đàn con khôn lớn. Dung là chị cả, từ nhỏ đã gồng mình sức nặng trách nhiệm của chị lớn trong nhà, vừa thay cha, vừa thay mẹ để bảo ban chăm sóc đàn em. Mọi việc nặng nhọc để đỡ đần mẹ, Dung đều làm tròn trách nhiệm mà không chút than phiền. Một buổi đi học, một buổi đi mò cua bắt ốc và làm đủ mọi việc gánh nước, băm bèo nuôi lợn để đỡ đần mẹ nuôi các em.

Những năm tháng bao cấp, đất nước chưa qua chiến tranh, cái đói nghèo, khốn khó là chuyện thường ngày, Phương Dung gánh vác trách nhiệm của cha để đỡ đần mẹ, đôi khi còn là nơi để mẹ Dung trút bỏ những muộn phiền, đau đớn của người đàn bà một mình chèo chống để nuôi con. Dung hiểu mẹ, thương mẹ và cắn răng chịu đựng những cơn đòn roi bất thường của mẹ trong những lúc bà không kiềm chế nổi. Nhiều lúc chúng tôi nhìn thấy trò Phương Dung đến trường với những vết bầm tím trên gương mặt và trên cánh tay trắng trẻo bụ bẫm của em, chúng tôi vô cùng xót xa. Có bận mẹ đánh đau quá, Dung đi học với vết đòn roi còn tứa máu, cô giáo chủ nhiệm của Dung báo lên với tôi hoàn cảnh của Dung. Tôi gọi em lên phòng giám hiệu để hỏi em có cần cho thầy cô giáo đến nhà làm công tác tư tưởng để mẹ khỏi đánh. Dung hồn nhiên ngây thơ nói với tôi: "Thầy ơi, mẹ em không đánh oan đâu ạ, tại em hư nên mẹ mới đánh. Mẹ em vất vả, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi chúng em, nếu mẹ đánh em mà vơi đi những nhọc nhằn buồn bực của mẹ thì em chịu đựng được thầy ạ. Thầy đừng để cô giáo đến nhà em rồi mẹ em lại buồn".

Lời con trẻ hồn nhiên thơ ngây đến xa xót. Từ đấy, tôi càng thương quý em hơn, và tôi dặn dò các thầy cô giáo chủ nhiệm thi thoảng tới nhà thăm hoàn cảnh gia đình em, động viên mẹ em làm sao để bà ít đánh con và quan tâm tới con nhiều hơn. Tôi nhớ có lần tôi đã đích thân cùng giáo viên chủ nhiệm tới thăm gia đình em và có đề cập đến chuyện này. Mẹ Dung, người phụ nữ nền nã, trông rất nhân hậu và bặt thiệp đã khóc khi tâm sự với chúng tôi: "Những lúc không kiềm chế được bản thân, tôi đánh con như một sự trút hận. Đánh xong rồi, nhìn thân thể con bị bầm dập đòn roi, tôi lại ôm nó mà khóc xót xa, ân hận. Tôi có lỗi với con và ân hận lắm, thầy ơi".--PageBreak--

Như là số phận của em, Dung sinh ra để nhận những trận đòn roi trong cơn khủng hoảng tinh thần của mẹ, và để làm những việc nhân nghĩa ở đời. Có một câu chuyện về Dung từ hồi còn thơ ấu khiến cho chúng tôi nhớ mãi không quên về tấm lòng nghĩa hiệp kỳ lạ của em. Trong khu tập thể nơi Dung ở bị mất trộm một ổ gà ấp. Chủ nhân mất trộm gà đã báo Công an khu vực đến điều tra vì thời bao cấp, gia tài đáng giá đôi khi chỉ là con gà và ổ trứng. Trẻ con trong khu đều bị tra hỏi và truy bức gắt gao, không khí nghi kị lẫn nhau trong các gia đình ở khu tập thể rất căng thẳng. Để chấm dứt những nghi kị, Dung đã đứng ra nhận là người ăn cắp ổ trứng gà. Dung bị các chú Công an báo lên ban giám hiệu nhà trường và yêu cầu kỷ luật đuổi học.

Tôi là người thi hành kỷ luật của Dung mà không thể tin nổi cô học trò xinh như búp bê, mỗi sáng chào cờ lại xung phong lên cất cao tiếng hát bài "Chiếc ví rơi" lại có thể là thủ phạm của vụ trộm gà. Các thầy cô giáo chủ nhiệm của em rất buồn khi biết tin này, thậm chí cô giáo chủ nhiệm còn khóc và khăng khăng khẳng định học trò của mình bị oan.

Sống trong ánh mắt khinh thường của hàng xóm, trong đòn roi nghiệt ngã của mẹ, trong ánh mắt ghẻ lạnh và kỳ thị của bạn bè cùng trường, vậy mà Dung vẫn lặng lẽ, mang một gương mặt thánh thiện đến ngơ ngác và nỗi buồn thẳm sâu trong đáy mắt mỗi khi đến trường.  Em vẫn hồn nhiên cùng chúng bạn đùa vui trong bầu không khí nghẹt thở, sự ái ngại của thầy cô và bạn bè khi nghĩ đến cái án khủng khiếp sắp tới là Dung bị đuổi học.

Gần đến ngày thi hành án kỷ luật, bỗng dưng cậu bé có biệt danh là "Lân chéc" trong khu tập thể đã vì lương tâm dằn vặt trước nghĩa cử cao đẹp của chị Dung nên đã đến cơ quan Công an Gia Cẩm tự thú việc mình là thủ phạm của vụ trộm. Ngày đó, khi các chú Công an hỏi Dung tại sao không làm mà lại nhận tội thay bạn, Dung hồn nhiên: "Tại cháu thương thằng Lân, nó bao nhiêu tội rồi, thêm tội lần này nữa thì sẽ bị các chú Công an bắt đi tù nên cháu bảo nó để chị  nhận hộ, cùng lắm là bị mẹ đánh một trận là xong".

Nghe Dung kể lại mà ai nấy đều phì cười mà lòng tràn đầy một niềm thương cảm mến phục. Riêng tập thể các thầy cô giáo cũng như các bạn bè Trường Cát Tiên II thì xúc động và thương em đến rơi nước mắt. Hơn bao giờ hết, mọi người càng yêu quý và cảm phục Dung nhiều hơn.

Trở thành nữ tỷ phú có tấm lòng thiện

Bây giờ Phương Dung đã được biết đến với cương vị một nữ tỷ phú có tấm lòng từ thiện. Những việc làm nhân nghĩa của em báo chí trong thời gian qua đã đề cập nhiều và cụ thể với số tiền từ thiện của em tới những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người gặp bất hạnh trong cuộc sống lên đến hàng tỷ đồng. Phương Dung làm từ thiện hằng ngày, hàng giờ trong cuộc sống thường nhật của em, và em coi đó như là một thói quen sống mà không bao giờ em quên lãng dù chỉ là giây phút. Những món tiền từ chục triệu cho đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng em đem đến cho người nghèo, cho những số phận bất hạnh, cho các trường học, chùa chiền nơi em phát tâm nguyện nhiều đến không thể kể hết.

Trong khuôn khổ một trang báo lại càng không thể kể hết tấm lòng thiện tâm mà em đã làm trong suốt cuộc đời mình. Đã biết em từ ngày thơ bé, đã hiểu và dõi theo em, người học trò thông minh, xinh đẹp từ bé đã có tấm lòng ngay thẳng, nghĩa hiệp sẵn sàng hy sinh quên mình vì bạn bè, vì người khác nên tôi không hề ngạc nhiên khi bây giờ em thành đạt, và trở thành nữ tỷ phú chuyên đi làm công tác từ thiện cứu người, giúp đời.

Lần gặp mới nhất, em nói với tôi. "Em nghĩ làm từ thiện thì nên lặng lẽ, em quan niệm cho mà không cần thiết phải nhận thầy ạ, như vậy thiện tâm của em mới tích đức cho con cháu được". Em đã sống đúng như tấm lòng trong trẻo và thánh thiện của em, nhưng tôi tin, như lời của một nhà báo khác đã viết về em: "Cho từ bi sẽ nhận được từ bi".

Cuộc sống hiện tại của em đã là một phép màu nhiệm mà em xứng đáng được hưởng. Bài báo này tôi viết như một quà tặng nhỏ chở lời chúc phúc tới với em. Thầy giáo cũ của em. Kim Dũng

Kim Dũng
.
.