Nữ sĩ Tương Phố: Quán trọ phù sinh khách lỡ làng

Thứ Năm, 20/02/2014, 15:04

Ngày trước, mỗi lần lên Đà Lạt, tôi thường ghé đồi Tương Sơn gần thác Prem để thắp lên mộ nữ sĩ Tương Phố, người đàn bà quê Hưng Yên từng có bài thơ khóc chồng nổi tiếng vào bậc nhất trong lịch sử văn học Việt nén nhang tưởng nhớ bà.

Chuyến xe thổ mộ lộc cộc tiếng vó ngựa chở tôi đi trên con đường nhỏ qua con đèo Mimosa giữa những rặng thông vi vu gió và hơi sương bảng lảng dẫn ra ngọn đồi dưới chân dãy Langbiang… Ngọn đồi hoang từ ngày có phần mộ nữ sĩ  được mang tên mới - đồi Tương Sơn. Trên mộ nữ sĩ, hiện còn khắc bốn câu thơ trong “Giọt lệ thu” làm xao xuyến bao người: Trời thu ảm đạm một màu/ Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em/ Trăng thu bóng ngả bên thềm/ Tình thu ai để duyên em bẽ bàng… Điều bí ẩn với tôi là không hiểu sao bà lại chọn Đà Lạt làm nơi sống cuối cùng trong cuộc đời nhiều cay đắng của mình.

Có một thời thiên hạ đồn đoán rằng ở phương Nam có nhà thơ Đông Hồ, người từng khóc vợ bằng bài thơ nổi tiếng không kém bài khóc chồng của bà Tương Phố và thế là hai người đã tìm đến nhau bởi sự tương đồng tâm tưởng… Nhưng không. Đó chỉ là câu chuyện làm quà của ai đó, lâu dần thành giai thoại, thế thôi, bởi Đông Hồ kém nữ sĩ Tương Phố đến sáu tuổi, hai người chỉ biết tiếng nhau và cảm mến tấm lòng nhau qua những bài thơ… Và cảm tấm chân tình của nhau, họ làm thơ tặng nhau, như là để sẻ chia nỗi niềm tâm sự. Đó là nỗi niềm của một người khóc vợ (Đông Hồ với Linh Phương lệ ký), một người khóc chồng (Tương Phố với Giọt lệ thu) đã làm cho độc giả một thời tê tái. Có chăng chút tình cảm cũng chỉ là tình cảm văn chương đặng an ủi đời nhau... khi Đông Hồ Lâm Tấn Phác viết:

Kẻ Bắc, người Nam hai giọt lệ
Đông Hồ - Tương Phố một dòng châu
Đoạn trường gặp gỡ năm canh mộng,
Một hội thương tâm, một nhịp cầu.

Nỗi đau mất mát đã đưa họ lại gần nhau trong Một hội thương tâm... Thì đây bài đáp từ của Tương Phố rõ ràng là mối cảm qua thơ, bởi lòng nàng từ ấy cửa đà như đã khép:

Hồ Đông mạch nước còn tràn,
Sông Tương lai láng khôn hàn tình xưa.

Hiểu thấu lòng chị, nữ sĩ Song Khê cảm hoài bằng những câu thơ làm lay động lòng người:

Đã đành gương vỡ khôn lành
Thu về cả một trời tình chị ôi?
Phòng văn khuya sớm chị ngồi
Thêu hoa dệt gấm cho người cửu nguyên 

Giọt lệ thu xuất hiện làm rung động con tim bao người đương thời. Nữ thi sĩ Pháp Duclos-Salesses, đã dịch tập thơ khóc chồng này ra tiếng Pháp. Bà đã dịch Giọt lệ thu như một ngoại lệ bởi nỗi bi hoài chứa chất trong những câu thơ dòng văn khiến ai cũng nao lòng. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, Giọt lệ thu đã được chuyển ngữ ra tiếng Pháp, một ngoại lệ hiếm hoi thời ấy, nhưng cũng từ đó Giọt lệ thu vang xa hơn ra ngoài biên giới… Và một ngày nọ nhạc sĩ, danh cầm G. de Gironcourt nhân đọc Lames ở vườn Luxembourg đã viết một bản nhạc về Giọt lệ thu. Năm 76 tuổi ông tìm sang Việt Nam, lên tận Vĩnh Yên tìm gặp đề tặng nữ sĩ.

Tương Phố tên là Đỗ Thị Đàm, nguyên quán Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Do sinh ra vào năm cuối cùng của thế kỷ XIX (1900) cạnh Đồn Đầm xã Phượng Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh  Bắc Giang nên bà được đặt tên là Đàm để nhớ địa danh ấy (Đàm, nghĩa Hán văn là Đầm). Đây cũng là nơi sinh nhà văn Bùi Huy Phồn… 

Cha bà là nhà nho Đỗ Duy Phiên. Từ nhỏ hai chị Đỗ Thị Đàm, Đỗ Thị Quế, sau này là nữ sĩ Song Khê được cha dạy chữ Nho, lớn lên học trường Tây tại thị xã Hưng Yên. Mười bảy tuổi cô tiểu thư Đỗ Thị Đàm vào học Trường nữ Sư phạm Hà Nội. Cô nữ sinh ấy hẳn có tâm hồn lãng mạn lắm, cho nên cuộc gặp gỡ đầu tiên với chàng sinh viên trường thuốc Thái Văn Du đã làm nên tiếng sét ái tình để ít lâu sau, cuộc hôn nhân của đôi trai tài gái sắc ấy diễn ra. Một năm sau đó, cậu con trai đầu lòng của họ ra đời đặt tên là Thái Văn Châu. Đương lúc mặn nồng hương lửa thì người chồng  bác sĩ phải sang Pháp học tiếp. Nghe nói năm sau sung quân đội Pháp sang Đức chiến đấu rồi mang bệnh trở về Huế và mất tại đó. Nửa chừng xuân đứt gánh riêng tư, Tương Phố khi ấy mới đôi mươi ôm nỗi buồn đơn lẻ nhớ thương người chồng xấu số đã viết những vần thơ lẫn trong những câu văn cảm thán mà thành tuyệt tác mang tên Giọt lệ thu nức tiếng một thời…

Đỗ Thị Đàm bắt đầu theo đuổi mộng chữ nghĩa từ đó. Bút danh Tương Phố ngay từ đầu đã để lại ấn tượng trên văn đàn, dẫu chưa ai biết được nàng là ai. Cuộc tình đầu tiên và cuối cùng trong đời nữ sĩ hình như đã làm thay đổi cuộc đời bà, để từ đó bà bước vào địa hạt văn chương mà phần lớn tác phẩm là để khóc thương người tình xấu số, cũng là để khóc thương chính thân phận mình…

Ngày đầu gặp gỡ, nàng đâu biết chàng trai Thái Văn Du đã đèo bòng và thân phận nàng, cuối cùng chỉ là thiếp. Dẫu vậy, họ vẫn đắm say trong hạnh phúc bởi hai tâm hồn cùng lãng mạn, ưa văn chương và lấy làm tâm đầu ý hợp… Nhưng duyên phận của họ quá ngắn ngủi. Khi mới ngoài đôi mươi đương độ thanh xuân nàng đã phải chịu cảnh góa bụa…  Ẩn ức với nỗi đời cô lẻ sớm nửa chừng xuân, vì thế nỗi niềm người cô phụ càng đớn đau day dứt…Và Giọt lệ thu không còn là bài thơ khóc chồng của Tương Phố làm xúc động bao nhiêu thế hệ từ bấy đến nay, mà là tiếng lòng của những lứa đôi nương theo truyền thống đạo lý cũ…

Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng

Giọt lệ thu ngay sau khi đăng báo Nam Phong năm 1928 đã làm xao động tâm hồn bao người. Và chỉ một thi phẩm ấy, tên tuổi Tương Phố đã nổi lên trên văn đàn Việt.

Có thể nói Tương Phố đã dùng thi ca để diễn tả lòng mình. Giữa bối cảnh đầu thế kỷ XX thì đó là một hành động vượt lên ảnh hưởng xã hội. Bà muốn đem tiếng lòng cá nhân, đem tình cảm riêng tư sẻ chia với muôn kiếp người  như một cách thi ca hóa, bất diệt hóa tình yêu và nỗi đau duyên phận… Và chính vì thế, cái tên Tương Phố từ đó đã đóng dấu trên văn đàn một thông điệp mang nỗi buồn trần thế.

Về nữ sĩ Tương Phố, Từ điển văn học Việt Nam ghi: “Góp vào bộ phận văn chương hợp pháp  ba mươi năm đầu thế kỷ XX một tiếng khóc ảo não ít nhiều có làm sống lại tâm trạng người chinh phụ trong văn học quá khứ…”. Đời người đàn bà lẽ ra khuê các ấy bỗng nửa chừng xuân đứt gánh. Và thơ bà đã được viết bằng những giọt lệ buồn làm xao xuyến tâm hồn bao người đương thời. Bây giờ đọc lại những Mưa gió sông Tương, Khúc thu hận, Bức thư rơi, Trúc mai… thấy tâm cảm người xưa yêu và sống hết mình cho tình yêu và thơ ca…    

Nửa chừng xuân bỗng dưng lẻ bóng, năm 1935, bà tái giá với tuần phủ Phúc Yên Nguyễn Khắc Khánh nhưng rồi chỉ là muốn làm trọn kiếp hồng nhan đặng nương tựa, nhưng thâm tâm, bà vẫn còn sầu cảm khôn nguôi với người tình xứ Huế:

Tấn tuồng tạo hóa vui chua chát
Quán trọ phù sinh khách lỡ làng
Dồn cuộc trăm năm còn giọt lệ
Thấm lan giấy mực mấy muôn hàng...

Bài thơ Tim em là tâm sự của bà trước hoàn cảnh và khép lại vẫn là mối u sầu thương nhớ người xưa không thể nguôi ngoai:

Tim em tan nát từ năm ấy
Những vết thương đau, mãi chẳng lành,
Tuổi trẻ dễ tin, em những chắc,
Duyên sau chắp lại mối tơ mành.

Vì đứa con côi, em phải sống,
Nuôi con rỏ lệ máu tim hoà,
Muôn vàn hạnh phúc hi sinh hết,
Tim nát, thời gian lặng lẽ qua! 

Biết  đời chẳng thể gắn với ông Tuần phủ, bà đã một lần nữa đi tìm cho chồng một người thiếp để mình còn rong ruổi thơ phú... Nửa chừng xuân, bước ra từ cô thiếu nữ làng Đầm đến Hà thành hoa lệ, rồi Huế và Nha Trang, Đà Lạt... Đó là hành trình lưu lạc của người đàn bà nổi tiếng Tương Phố. Cảm mến tài và tình của nữ sĩ, chính những ngày an trí tại Huế, nhà chí sĩ Phan Bội Châu cũng đã có mối tương giao bằng những vần thơ  tặng nữ sĩ đất Bắc: Cái nợ cầm thi mới trả xong/ Khi vui bút mực cũng mây rồng/ Tưởng là rồi kiếp cùng trời đất/ Đâu nghĩ còn duyên với núi sông... Đàn Nha nay gặp Chung Kỳ gái/ Muôn thủa Hồng Lam với Tản Hồng...

Ôm nỗi đau riêng, thêm một lần nữa lỡ dở tình duyên, nữ sĩ đi tìm nguồn vui khác, ở tình sông núi và bà đã tìm đến với lòng yêu nước. Bài thơ ca ngợi Hai Bà Trưng là một bằng chứng về sự thay đổi ấy: Non sông cũ mấy mù khói tỏa/ Nước Tây Hồ tăm cá bóng chim/ Anh linh nay biết đâu tìm/ Khói hương để mãi đàn em sau này/ Năm năm hội đến ghi ghi nhớ/ Sử xanh còn muôn thủa khắc công/ Yếm khăn đổi lấy tang bồng/ Hai Bà Trưng để má hồng ngàn thu...

Tìm lại di cảo của nữ sĩ, còn đây những câu thơ cho thấy bà đã có lúc bắt đầu đồng hành cùng cách mạng và kháng chiến: Trong chăn ấm cảm sa trường lạnh/ Chiến sĩ đêm nay đánh mặt nào/ Sương khuya đẫm ướt chiến bào/ Rừng khuya gió táp biết bao lạnh lùng...

Không ai hiểu vì sao bà chọn Đà Lạt làm nơi  ẩn mình và sống đến cuối đời. Bà mất năm 1973 và được chôn cất trên một đồi thông  dưới chân đèo Mimosa thuộc dãy Langbiang. Từ khi bà nằm xuống, ngọn đồi ấy mang tên Tương Sơn - như để nhắc nhớ người nằm  đó - nữ sĩ Tương Phố... Thật hiếm có một người làm thơ được đặt tên đường phố và còn nữa, tên một địa danh... Có lẽ Giọt lệ thu đã giúp bà định vị trên văn đàn và trong đời thường đến tận hôm nay...

Tân Linh
.
.