Nữ sĩ Thảo Phương và hai phiên bản thơ "Nỗi nhớ mùa đông"

Thứ Ba, 08/06/2010, 15:00
Đã gần hai năm sau ngày nhà thơ Thảo Phương qua đời tại Sài Gòn. Chị ra đi vào mùa đông năm 2008, để lại "Nỗi nhớ mùa đông" trong lòng bạn bè văn chương và những độc giả yêu mến thơ chị cùng những ca khúc phổ thơ của chị.

Dường như ai đi ngang cửa…

Mùa lá rụng năm rồi, nhìn thảm lá ven hồ Gươm, tôi bồi hồi nhớ lại gần hai mươi năm trước, trên những nẻo đường quanh co nào đó ở khu phố cổ, tôi và Thảo Phương chầm chậm vừa đi, vừa nói với nhau về những dự định sáng tác của mình. Hai mươi năm về trước, chúng tôi vẫn được lớp đàn anh trong văn chương gọi là những "nhà thơ trẻ" mặc dù tuổi tác cũng đã trải qua bốn chục mùa lá rụng.

Năm nay, sẽ lại thêm một mùa rụng lá, nhưng nhà thơ Thảo Phương đã ở cách xa chúng ta cả một thế giới. Chị không còn được trở về với mùa lá rụng phương Bắc nữa rồi, nhưng tôi vẫn nghe trong gió thoảng đâu đây cái nhịp trầm buồn nhưng trong vắt của một giai điệu đẹp: "Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi". Cảm ơn Thảo Phương và Phú Quang, thơ và nhạc này sẽ còn mãi rung động trái tim những người đã một lần yêu Hà Nội, một lần từng gắn bó với Hà Nội.

Dường như, cuộc đời của mỗi một nhà thơ đều có những dấu ấn thăng hoa và thăng trầm trong sáng tạo, những quãng lặng và những quãng nổi sóng. Cách đây gần hai mươi năm, tôi và Thảo Phương quen biết nhau trong cuộc hội thảo "Thơ hôm nay" của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội sau khi tôi và chị được trao giải thưởng cuộc thi thơ toàn quốc của tuần báo Văn nghệ. Trong cuộc hội thảo thơ ấy, sự xuất hiện của Thảo Phương với một cá-tính-thơ-mới và bản tham luận của nhà thơ Bùi Chí Vinh từ Sài Gòn gửi ra đã là hai điểm nhấn gây sự chú ý của các nhà văn phía Bắc. Thảo Phương tâm sự với tôi có hai nhà thơ của thời đổi mới mà chị yêu thích là Ý Nhi và Hoàng Hưng và những bài thơ đầu tiên của chị viết theo hướng cách tân đã được sự góp ý của hai nhà thơ này.

Thảo Phương là một người đa cảm và biết chịu đựng. Thời gian đầu quen biết nhau, tôi không hề biết chị đang gặp nhiều khó khăn lớn trong đời sống khi phải một mình nuôi 5 người con ở Sài Gòn. Sau này, vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc nói cho tôi biết chuyện ấy, tôi se lòng và thấy cảm thông hơn với chị - một người thơ đã phải vắt kiệt mình cho mưu sinh qua tháng ngày nhưng vẫn nuôi dưỡng trong tâm hồn mình "ngọn lửa thơ" không hề nguội tắt. Chắc khoảng thời gian ấy, Thảo Phương cũng thấy cảm mến tôi từ những bài phê bình đầu tiên tôi viết giới thiệu về thơ chị trên một số tờ báo.

Thời gian đầu, Thảo Phương tuần nào cũng viết thư từ Sài Gòn ra và gửi những bài thơ chị mới viết cho tôi, trong đấy có bài thơ "Nỗi nhớ mùa đông" sau này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Chữ chị rất đẹp, chữ của một cô giáo đã từng có thời gian mấy chục năm cần mẫn với bảng đen và phấn trắng trước khi đi làm báo. Nhưng rồi sau đó, do hoàn cảnh công việc mỗi người ở một đầu đất nước, nên chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau.

Làm sao về được mùa đông

Bài thơ "Nỗi nhớ mùa đông" của nhà thơ Thảo Phương gửi cho tôi cách đây gần 20 năm có nội dung tương tự với ca khúc phổ thơ "Nỗi nhớ mùa đông" của nhạc sĩ Phú Quang sau này. Bài thơ được phổ nhạc có hơi khác một chút với bài thơ "Không đề gửi mùa đông" trước đó của Thảo Phương. Nhưng nhìn chung, 2 phiên bản "Nỗi nhớ mùa đông" và "Không đề gửi mùa đông" của Thảo Phương đều có cùng một nhịp điệu thơ trữ tình xa vắng và buồn thao thiết. Những năm 90 ấy, Thảo Phương viết thư tâm sự với tôi, chị không nguôi nỗi nhớ Hà Nội, thành phố đã từng gắn bó với tuổi thơ của chị.

Ở phiên bản thơ đầu tiên "Không đề gửi mùa đông", Thảo Phương viết như sau: "Dường như ai đi ngang cửa/ Hay là ngọn gió mải chơi?/ Chút nắng vàng thu se nhẹ/ Chiều nay cũng bỏ ta rồi/ Làm sao về được mùa đông?/ Chiều thu - cây cầu... đã gãy/ Lá vàng chìm bến thời gian/ Đàn cá - im lìm - không quẫy/ Ừ, thôi… Mình ra khép cửa/ Vờ như mùa đông đang về!". Nhịp thơ 6 chữ với cảm xúc trữ tình khá rung động và câu thơ chấm phá xuyên suốt bài là câu "Làm sao về được mùa đông" khi "Chiều thu - cây cầu… đã gãy". Cảm giác cô đơn trọn vẹn ấy được nhà thơ khép lại ở hai câu thơ cuối như một mong muốn được tìm lại sự chia sẻ nơi mùa đông phương Bắc đã từng gắn bó với mình.

Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, Thảo Phương gửi cho tôi phiên bản thơ thứ hai với tựa đề "Nỗi nhớ mùa đông" như sau: "Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi/ Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/ Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/ Giờ đây cũng bỏ ta đi/ Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về/ Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gãy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về" .

Đây là phiên bản mà sau này Phú Quang đã phổ nhạc. Bài thơ ở phiên bản thứ hai này có vẻ hoàn chỉnh hơn phiên bản đầu về mặt nhạc điệu, nhưng chủ đề "Làm sao về được mùa đông" vẫn là tứ thơ xuyên suốt bài. Theo tôi, Thảo Phương ở phiên bản thơ thứ hai này đã mở rộng hơn và mở sâu hơn về mặt nhịp điệu cảm xúc nhưng chất thơ có vẻ mỏng đi về mặt tâm trạng so với phiên bản đầu tiên "Không đề gửi mùa đông". --PageBreak--

Có thể, trong quá trình phổ nhạc bài thơ này, Thảo Phương đã trao đổi với nhạc sĩ Phú Quang để chau chuốt lại về mặt ca từ cho "Nỗi nhớ mùa đông", nên đã tước bớt và bổ sung thêm một số câu thơ. Nhưng việc bỏ đi một số câu thơ hay của phiên bản đầu tiên có thể nói là điều rất đáng tiếc. Trong "Không đề gửi mùa đông", khổ thơ 4 câu: "Làm sao về được mùa Đông?/ Chiều thu - cây cầu... đã gãy/ Lá vàng chìm bến thời gian/ Đàn cá - im lìm - không quẫy" theo tôi, là  4 câu vào loại hay nhất của thơ Thảo Phương. Cái cảm giác không thể trở về với mùa đông trên cây cầu chiều thu đã gẫy đã làm cho nhà thơ rơi vào một vòng xoáy cô đơn nghiệt ngã. Khi ấy, chị chợt ngoái lại nhìn về dĩ vãng và thấy, trên bến bờ thời gian vô tận và lặng lẽ kia, những chiếc lá vàng của hoài niệm ký ức mình đang chìm dần như một đàn cá im lìm tìm xuống tận đáy sâu thời gian.

Sự liên tưởng ấy khá độc đáo và giàu tâm trạng thơ. Rất tiếc, hai câu thơ "Lá vàng chìm bến thời gian/ Đàn cá im lìm không quẫy" không được phổ nhạc. Nhưng bài thơ "Nỗi nhớ mùa đông" đã hoàn tất sứ mệnh trữ tình xúc động của nó trong âm nhạc Phú Quang và là một tài sản tinh thần khi ta nhớ về Thảo Phương…

Theo tôi, thơ Thảo Phương đọc kỹ, thấy cái lôi cuốn nơi thơ chị chính là sự không chịu bằng phẳng, mòn cũ trong cách viết. Vẻ "ưa nhìn" của cái đẹp tiềm ẩn trong một cá tính mạnh, càng đọc kỹ càng thấy thấm đượm những nỗi niềm: "Em gửi anh bài thơ người khác/ Trái tim em đã cạn nguồn/ Ngày mai em không làm thơ nữa/ Em những tưởng tình yêu làm tượng đá rùng mình tỉnh thức/ Trong hạnh phúc làm người/ Hết bàng hoàng rồi đá trở về bệ cũ/ Nét buồn ngưng lại trên môi".  Người đàn bà không mềm yếu trong thơ Thảo Phương để lại bước đi rắn rỏi nơi cần đối mặt với thực tế khốc liệt. Tôi vẫn tin ở đâu đó, nơi tận cùng của bất hạnh, thơ đã cứu rỗi và giải thoát con người hơn tất cả mọi năng lực siêu nhiên nào khác: "Ta quỳ bên chiếc lá này/ Nghe trong run rẩy những ngày xa xưa/ Một giọt mưa, một giọt mưa/ Mưa thu chợt rắc xanh bờ thời gian/ Giã từ ơi chiếc lá vàng/ Giã từ ơi tiếng chuông tan mơ hồ/ Đã trông trong bụi mưa mờ/ Ngẩn ngơ sắc biếc chồi tơ nõn nà". Sau khi đọc mấy câu thơ lục bát hiếm hoi của Thảo Phương nói trên, ta bỗng thấy mình thanh thản hẳn lên để có thể gửi gắm, tri âm đôi điều gì đấy với cuộc đời.

Thôi đành ru lòng mình vậy

Người đàn bà trong thơ Thảo Phương có tất cả những bức xúc và đau đớn mà cuộc đời và số phận mang lại. Nhưng bất hạnh không đè bẹp được họ. Trong các loại hình sáng tạo nghệ thuật-văn hóa thì hành trình khắc nghiệt của văn chương có đôi khi quay lại "tàn phá" thật sự mỗi cá thể sáng tạo, như một sự phải trả giá của chính người nghệ sĩ. Và hiểu như thế, tôi muốn được chia sẻ và thông cảm hơn, nhất là đối với những cây bút nữ, họ đã vắt kiệt hết sức lực và trí não của mình cho văn chương và cho cái thiên chức yêu thương của mình. Mà có thể, những người đàn ông chúng tôi, hoặc rất tuyệt vời hoặc đầy khiếm khuyết trong cái nhìn nữ tính vị tha của họ như trong cái nhìn dưới đây của Thảo Phương: "Ta soi bóng trên đầm lầy im ắng/ Gương mặt người tình nhìn ta đăm đăm/ Sâu đáy nước lạnh xanh trong vắt/ Những xác rượu đã cất lên gương mặt dịu buồn kia/ Và đầm lầy ngào ngạt men say/ Những bản thảo, những tứ thơ/ Ngủ lơ mơ và thiêm thiếp chín".

Thơ Thảo Phương có một nhịp điệu riêng và dường như chị không mấy quan tâm đến cái ngoài mình, để độc lập hành trình với cái tôi của mình trong những khám phá cần thiết cho một phong cách. Nhà thơ Tây Ban Nha Leon Philip từng nói: "Nhà thơ không phải là kẻ khéo léo đùa giỡn với một ít ẩn dụ trong ngôn ngữ, mà là kẻ biết thức tỉnh ở đó tinh thần Promete, từ đó tạo nên những ẩn dụ lớn lao có ý nghĩa xã hội và lịch sử". Vậy có lẽ, với  mỗi cá thể sáng tạo, thơ không chỉ là một phạm trù hẹp của sự giải thoát và thể hiện chính mình. Vượt lên cao hơn những giới hạn đó, nhà thơ phải tham dự vào những nỗi khổ đau và buồn vui đã làm nên gương mặt của thời đại mình sống. Và, Thảo Phương với hành trình thơ của mình cho tới ngày cuối cùng, đã vượt cao hơn những giới hạn đó.

Hôm mới đây, tôi và nhà văn Bảo Ninh gặp nhau, chúng tôi cùng nhắc đến Thảo Phương và mỗi người đều lặng đi trong nỗi nhớ về một người bạn cũ đã ra đi. Bảo Ninh nhìn tôi với đôi mắt đỏ vằn màu men rượu và nụ cười thân thiết:  "Thơ Thảo Phương hay chứ mày, tao cũng đang muốn làm thơ đây?". Tôi bảo anh: "Mỗi thằng đều có một cách riêng để nhớ về Thảo Phương" và tôi đọc cho Bảo Ninh nghe mấy bài thơ tôi viết tặng Thảo Phương ngày ấy. Ngày ấy, cũng đã có lần Thảo Phương đọc cho tôi nghe câu thơ "Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về" với một ngụ ý khác như một lời trách móc. Những năm đó, Bảo Ninh vào chơi Sài Gòn và anh đã gặp Thảo Phương ở trong ấy, còn tôi thì gặp chị ngoài Hà Nội. Thế mà thấm thoát đã gần hai mươi năm...

Nguyễn Việt Chiến
.
.