Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Có một Hà Nội đi xa

Thứ Sáu, 30/03/2012, 16:00
Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp hẹn tôi ở quán cà phê trên tầng nhà cao nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời tiết mùa đông trở lạnh, sau buổi thu thanh cho chương trình Tết Nhâm Thìn ở đài. Gương mặt người phụ nữ một thời làm xao lòng bao chàng trai vẫn ánh lên nét tươi sáng dù giờ đây chị đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”...

Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên những ngày mùa đông đối với chị thật sự là những ngày  đáng nhớ. Bởi thế, mỗi năm, dù bận đến mấy, chị cũng luôn kiếm cớ bay ra từ thành phố Hồ Chí Minh để được mặc một chiếc áo ấm trong tiết trời co ro của Hà thành, cùng một vài người bạn cũ đi lòng vòng ở những góc phố thân quen để tìm lại những khoảnh khắc ấu thơ một thời dấu yêu chị đã gắn bó.

Con đường âm nhạc của Quỳnh Hợp không mang gien di truyền như nhiều ca sĩ, nhạc sĩ con nhà nòi cùng thời của chị. Quỳnh Hợp say mê âm nhạc và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng chỉ vì hồi bé nhiều lần theo gia đình đi sơ tán, vài lần chị được xem một nhóm nhạc tập dượt với nhau, người này đọc cho người kia ghi: “la móc đơn, mi móc kép…”, rồi đàn hát trông thật quyến rũ. Chính những giây phút ngây ngất ấy đã dẫn dắt bước chân chị đến Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương.

Ba năm học nội trú ở trường là thời gian Quỳnh Hợp miệt mài góp nhặt kiến thức và trang bị cho mình một vốn liếng cơ bản nhất về âm nhạc. Những ngày nghỉ, trong khi các bạn rủ nhau xuống phố vui chơi thì Quỳnh Hợp vẫn say sưa tập nhạc bên cây đàn piano. Những ngày mùa đông rét mướt, các bạn ngủ vùi trong chăn đệm ấm áp thì 5 giờ sáng, tiếng đàn của Quỳnh Hợp đã vang lên từ phòng học. Không ai bảo ai, mỗi khi tiếng đàn ấy cất lên trong đêm thanh vắng, bạn bè biết ngay đó là tiếng đàn đầy đam mê, khát vọng của chị. Tập đàn piano chưa đủ, chị tập chơi ghi ta thùng. Bù lại cho những nỗ lực của mình, sau khi ra trường, Quỳnh Hợp đã được nhận ngay vào Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc.

Những thập niên 80, trong khi hầu hết các nữ ca sĩ đều mặc những chiếc áo dài thướt tha hoặc những bộ quần áo thể hiện sự dịu dàng lả lướt, thì có một cô gái dong dỏng cao, trắng trẻo với gương mặt sáng và ánh cười luôn tươi rói, mỗi lần xuất hiện trên sân khấu với những giai điệu sôi động và nồng nàn trong những bộ quần áo, trang phục khá… hầm hố, lại có lúc đầy mạnh mẽ trong bộ quân phục màu xanh của lính, đã khiến cho bao con tim khán giả hâm mộ, cả hàng nghìn những người lính ở các sư đoàn chị đi qua phải rung lên thổn thức, không ai khác đó chính là nữ ca sĩ Quỳnh Hợp.

Đối với riêng chị, đó là những năm tháng đẹp không thể quên trong cuộc đời, vì chị được đi khắp mọi miền quê của nước Việt Nam, được đàn hát hết mình cho hàng ngàn khán giả hâm mộ luôn luôn đợi chờ để lắng nghe chị ở phía dưới sân khấu. Chị vẫn còn nhớ, có những lần đi hát cho bộ đội, dù trời mưa nhưng các anh vẫn đội mưa để thưởng thức.

Lần khác chị đang hát thì bị mất điện, vậy nhưng các chiến sĩ vẫn ngồi chờ đến gần một tiếng đồng hồ cho đến khi có điện để tiếp tục thưởng thức các tiết mục của đoàn văn công. Nhiều lần chị được khán giả yêu cầu hát lại bài đã hát và có những buổi biểu diễn dường như đã kéo dài trong tiếng vỗ tay bất tận của khán giả, đã khiến cho trái tim của cô ca sĩ đầy cá tính ấy rung lên thổn thức. Thổn thức bởi đã có những trái tim đồng cảm và đầy sẻ chia, thổn thức bởi những âm thanh của giai điệu âm nhạc đã đưa tâm hồn lãng mạn, bay bổng của người ca sĩ trẻ trung ấy như lạc vào một thế giới đầy mộng ảo.

Nhắc đến những ngày đi biểu diễn, Quỳnh Hợp tâm sự rằng, âm nhạc đã mang lại cho chị nhiều điều, trong đó có những tình bạn lớn trong cuộc đời. Một trong những người bạn thân thiết của chị chính là ca sĩ, NSND Lê Dung, một người nghệ sĩ đầy nội lực và sức sống với tiếng hát vút cao đầy bản năng và khát vọng, người đã truyền cho chị những kỹ năng cơ bản trong nghề và cũng đã cho chị thấy một nhân cách yêu và sống hết mình vì âm nhạc, vì cuộc sống. Nhiều lần chị đã cùng với NSND Lê Dung đi biểu diễn cho nhiều đơn vị bộ đội, có khi hát trong một khu rừng vắng, có khi lại hát giữa một miền đồng bằng xa, có khi lại trèo đèo lội suối để đến với những miền quê đẹp nhất của đất nước, để đắm mình trong một tình yêu với âm nhạc, với con người, với thiên nhiên.

Năm 1982, cuộc đời âm nhạc của Quỳnh Hợp chuyển sang một hướng khác như một cơ duyên trời định. Tại buổi văn nghệ kỷ niệm ngày thành lập Nhạc viện Hà Nội, khi nghe Khoa Sáng tác giới thiệu một tác phẩm mới của một sinh viên người Lào, Quỳnh Hợp tự nhiên thấy trong lòng mình dâng trào cảm xúc. Chị không ngờ tiếng hát ấy cất lên trong một không gian nhỏ với những giai điệu đẹp của ca từ khiến trong lòng chị có cảm hứng lạ lùng. Chị nghĩ ngay đến việc sáng tác, dù trước đó, việc sáng tác thật cao sang và xa vời đối với chị. Ngay đêm hôm ấy trở về, chị đã viết như lên đồng những nốt nhạc đầu tiên trong cuộc đời mình, ca khúc Em là chiến sĩ thông tin và một thời gian sau thì chị đã đĩnh đạc bước lên sân khấu hát luôn một lúc 6 bài hát về Binh chủng Thông tin do chính mình sáng tác, trong đó có 4 bài phổ thơ. Hình ảnh ấy của chị được phát trên Đài Truyền hình trong chương trình  âm nhạc Quân đội.

Cũng từ đó, một danh xưng mới xuất hiện trong làng nhạc Việt: nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Nẻo đường đi của số phận luôn có những ngả rẽ bất ngờ không báo trước. Rồi Quỳnh Hợp đã chuyển từ Đoàn Văn công Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc về Đoàn Nghệ thuật Không quân. Cũng nhân dịp đó, chị đã được đoàn cử đi học Khoa Sáng tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ba năm “dùi mài kinh sử” với những khó khăn chung của thời đại, có những thời điểm phải ăn bánh mì trừ bữa nhưng dường như niềm say mê âm nhạc đã giúp chị vượt qua mọi sự gian nan, thử thách. Một cột mốc đánh dấu bước đường sáng tác của Quỳnh Hợp là tác phẩm Những ngày bay hữu nghị đã đoạt giải ba cuộc thi viết do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (không có giải nhất).

Không dừng lại ở đó, Quỳnh Hợp thi đỗ vào Nhạc viện học tiếp 5 năm chương trình Đại học Sáng tác. Chị lại say sưa ôn luyện và nâng cao những kiến thức đã học trước đó. Quỳnh Hợp cho rằng, một nhạc sĩ đi được dài hơi trên con đường âm nhạc là người biết cách tự trang bị cho mình một hành trang tri thức bằng cách học những người thầy giỏi, những người bạn hay. Lấy nhạc cảm từ cảm hứng tự nhiên nhưng phải có kiến thức về văn hóa.

Biết cách sử dụng ca từ lấy từ nguồn văn học dân gian để gần gũi hơn với đại chúng, nhưng cũng biết nâng tầm bác học cho ca khúc của mình được thăng hoa cùng giai điệu. Quỳnh Hợp quan niệm, những người viết mang tính chuyên nghiệp thì cảm xúc chỉ là cái cớ. Cảm xúc chiếm một tỷ lệ vừa phải trong bố cục tổng thể gồm kiến thức âm nhạc, kỹ thuật viết, vốn sống… Tất cả phải được sắp xếp logic để tạo nên một tác phẩm chặt chẽ, hài hòa. Bởi thế, đối với chị, sáng tác âm nhạc không phải là một điều gì quá khó. Quỳnh Hợp thường phổ thơ của các nhà thơ. Có người nổi tiếng khắp cả nước, có người chỉ là một nhà thơ ở tỉnh lẻ mà chị quen biết, thậm chí, có người chỉ mới viết những bài thơ đầu tiên trong cuộc đời, nhưng khi lời thơ đã vào được nguồn cảm hứng, Quỳnh Hợp có thể sáng tác một bài hát trong vòng một vài tiếng đồng hồ.

Quỳnh Hợp cho rằng, lợi thế của các nhà thơ là ngôn ngữ, khi đã trở thành một tác phẩm, bản chất của ngôn ngữ thơ ca cũng đã có chất nhạc rồi, chị tận dụng điều đó để âm nhạc của mình bay cao, bay xa hơn. Bởi thế, trong số 36 album của chị (tổng cộng gần 400 bài hát) thì hầu hết đều là những ca khúc phổ thơ. Chị thường viết theo từng chủ đề như: người lính biển, các nữ thanh niên xung phong, viết về Hà Nội, về Đà Lạt, về Đà Nẵng… với những tên album đầy chất thơ như: Lặng thầm, Có một Hà Nội như thế trong tôi, Bất chợt mùa xuân gõ cửa, Cảm xúc tháng tư, Nẻo quê, Chỉ là giấc mơ, Thì thầm với biển khơi, Dấu yêu xưa, Bâng khuâng mùa hạ, Huế và Em, Lung linh Sông Hàn, Mùa thu níu bước em về, Cỏ hát, Đi trong nỗi nhớ…

Đặc biệt năm nay, album Tổ quốc nhìn từ biển (DVD - CD & Karaoké) – viết chung với nhạc sĩ - tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn (Phó giám đốc BV 175 Bộ Quốc phòng) gồm 30 ca khúc về biển đảo và Bộ đội Hải quân, phát hành đầu tháng 10 - 2011 nhân kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011) đã có tiếng vang  trong lòng những khán giả nghe nhạc cũng như các nhà chuyên môn. Cũng trong dịp này, chị đã đoạt được Giải A dành cho ca khúc Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa) - Giải thưởng 5 năm (2006 - 2011) của Quân chủng Hải quân.

Từng là một “yểu điệu thục nữ” của Hà thành, tưởng rằng cuộc đời của một nữ ca sĩ từng làm xiêu lòng không ít những khán giả hâm mộ một thời ấy sẽ có một cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che” giống như nhiều cô gái hồng nhan khác trong chiếc áo khoác âm nhạc sang trọng, kiêu sa, nhưng ca sĩ, nhạc sĩ Quỳnh Hợp không dừng lại ở đó.

Khi theo chồng vào Sài Gòn lập nghiệp, chị đã xông pha đến mọi nẻo đường đi thực tế, đến tận mọi ngóc ngách của các miền quê xa xôi để có thể có những cảm nhận chân thực nhất cho các sáng tác của mình. Điều may mắn của chị là có một người chồng luôn biết thông cảm, chia sẻ và luôn dõi theo những bước đường sáng tác của vợ. Anh không bao giờ để chị phải lo lắng về kinh tế nhưng cũng không vì thế mà trói buộc vợ trong khuôn khổ gia đình, anh luôn ủng hộ chị, lắng nghe tất cả những ca khúc chị đã hát, đã sáng tác. Nói về điều này, nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự rằng, đối với chị, dù đã có một bề dày các sáng tác với cái tôi trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng là một người phụ nữ thì cuộc sống gia đình, chồng con vẫn là điều chị trân trọng nhất. Chính gia đình là điểm tựa vững chắc để chị bền bỉ với con đường sáng tác của mình.

Khi câu chuyện của chúng tôi kết thúc cũng là lúc tách cà phê đã nguội dần trong tiết trời đông lạnh của Hà Nội. Có lúc nhạc sĩ Quỳnh Hợp dừng ánh mắt dõi theo những con phố dài của Hà Nội từ trên cao với một nét buồn buồn trên gương mặt. Chị bận rộn với đủ mọi công việc ở Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh, bận rộn với những chuyến đi tới những vùng đất mới, vậy nên trở lại với Hà Nội lần nào chị cũng thấy chưa đủ lâu để ôn lại những ký ức một thời, chưa đủ lâu gặp lại bạn thuở hoa niên của mình.

Chị như một người mắc nợ với Hà Nội, vì thế dù đã có tới 36 album, nhưng có một album về những khúc tình ca dành cho Hà Nội mà chị đã có ý định ra mắt từ những ngày đầu tiên đến với âm nhạc thì đến giờ này chị vẫn chưa xuất bản. Đó là món nợ lòng khiến chị nhiều băn khoăn, trăn trở nhất, nhưng cũng là lý do để mỗi lần ra Hà Nội chị như gặp lại một người tình đầy mộng ảo của đời mình, để lại đắm say hơn với những giai điệu đẹp chưa bao giờ phai mờ trong ký ức

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.