Nữ nhà văn Elizabeth Gibert: Viễn du tìm lại chính mình

Chủ Nhật, 05/04/2015, 15:12
Elizabeth Gilbert, từng lọt vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008, là người đam mê viết văn từ nhỏ. Cô có quãng đời sống như một “nhà văn lang thang”, trải nghiệm nhiều nghề khác nhau tại khắp các bang trên lãnh thổ nước Mỹ, thậm chí còn tới châu Âu và châu Phi, với chỉ một mục đích duy nhất: Viết về con người và những chuyện rất đỗi quen thuộc thường ngày.

Vì vậy mỗi sáng tác của Gilbert đều phảng phất hình ảnh của những chuyến đi, nó mang cả những nét cá tính mạnh mẽ, thế giới nội tâm giằng xé đầy trải nghiệm của cô. Giờ đây, sách của Gilbert được cả giới phê bình lẫn độc giả ở khắp nơi chào đón và gặt được thành quả đáng ghi nhận cho những năm tháng trên hành trình giải phóng mình khỏi những bế tắc.  Cho dù sẽ tiếp tục hay dừng lại, người phụ nữ kỳ lạ ấy, trong hành trình vô định của bản thân, vẫn luôn nỗ lực để tìm lại niềm tin trong cuộc sống sau những dư chấn tinh thần nặng nề…

“Sống trên đường”

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở bang Connecticut (Mỹ) hoàn toàn không có truyền thống văn chương, cô bé Elizabeth Gilbert nhanh chóng thể hiện một đam mê cháy bỏng với nghiệp viết lách. Khi mới 18 tuổi, Gilbert đã bắt đầu gửi đăng các bản thảo truyện ngắn tới các tạp chí, với mục đích “đem đến cho công chúng một cái gì đó trước khi chết”. Nhưng liên tục nhiều năm sau đó, cô chỉ nhận được những lá thư từ chối.

Mãi đến năm 1993, tạp chí Esquire mới chọn đăng truyện ngắn Người hành hương của Elizabeth Gilbert với lời quảng cáo “sự ra mắt của một nhà văn Mỹ” và ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng yêu văn chương. Người hành hương được ca ngợi là tác phẩm của một tài năng trẻ rực sáng, được tờ báo The New York Times bình chọn là cuốn sách nổi bật nhất và lọt vào đề cử Giải thưởng Hemingway năm 1998. Thành công của truyện ngắn này giúp Elizabeth Gilbert có công việc viết báo khá ổn định cho nhiều tạp chí có uy tín như SPIN, GQ hay New York Times Magazine.

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học New York, ngành Chính trị học năm 1991, Gilbert đã chọn con đường sống nay đây mai đó, làm đủ thứ nghề để tìm kiếm chất liệu sáng tác từ hiện thực cuộc sống. Cô dùng số tiền tích cóp được khi còn phục vụ tại một tiệm ăn bình dân để thực hiện chuyến đi đầu tiên đến miền Tây nước Mỹ. Tại đó, cô vừa làm việc ở các tiệm ăn, quán bar hay chân sai vặt cho các tạp chí, vừa tập trung viết lách. Tất cả những gì cô học để trở thành nhà văn, nhà báo đều nhờ vào quãng thời gian phục vụ và “chạy sô” quầy bar.

Elizabeth Gilbert từng sống như một “nhà văn lang thang” với chỉ một mục đích duy nhất: Viết về con người và những điều rất đỗi quen thuộc thường ngày.

“Bài học sâu sắc nhất tôi rút ra là người ta có thể kể cho bạn đủ mọi chuyện vì họ muốn, khi bạn có thiện chí hỏi và lắng nghe. Ai cũng muốn kể câu chuyện mà mình sở hữu”, Gilbert cho biết. Đi khắp thế giới, viết về những con người và sự việc gặp trên đường, nhân vật của cô có thể là bất kỳ ai - người câu tôm hùm, bác tiều phu, chàng chăn bò, vũ nữ thoát y hay nhà khoa học.

Năm 2003, Elizabeth Gilbert li dị chồng. Quyết định đầy khó khăn này khiến cô trở nên thu mình, với những câu hỏi đầy ngang trái về cuộc đời: Tại sao không hề muốn có con, tại sao đã có tất cả những gì có thể tự hào và thỏa mãn mà vẫn không tìm thấy niềm vui, tại sao vẫn ngập chìm trong cô đơn và bị trầm cảm hành hạ. Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nữ nhà văn khi cô đã dành trọn vẹn một năm “sống trên đường”.

Lần này, Gilbert không phải “đi tìm giọng điệu riêng cho mình” mà cô muốn giải phóng bản thân và “đi tìm câu trả lời cho những bế tắc”. Cô đi qua Italia, Ấn Độ và Indonesia để tìm kiếm những trải nghiệm mới cho sự nghiệp sáng tác dù khi đó đã 34 tuổi. Kết quả của chuyến đi là cuốn tự truyện Ăn, Cầu nguyện, Yêu ra đời trong sự đón chào nồng nhiệt của cả giới phê bình và độc giả. Hơn thế, trong chuyến đi đến (Indonesia), cô đã gặp gỡ và yêu người bạn đời thứ 2, chính là nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật Felipe trong cuốn tự truyện.

Elizabeth Gilbert thực sự gây chấn động giới văn chương với cuốn tự truyện này. Ngay sau khi xuất hiện tại các hiệu sách, cuốn tự truyện lập tức có tên trong danh sách các tác phẩm ăn khách thể loại phi hư cấu trên tờ The New York Times. Tác phẩm này gây ấn tượng với độc giả không phải bằng những thủ pháp thông thường như đánh vào cảm giác mạnh, khêu gợi những bản năng hay thú tính tầm thường, mà đặt ra vấn đề đầy mới mẻ và thời sự.

Elizabeth Gilbert luôn có cách vào truyện khá hấp dẫn và tôn trọng quan điểm cá nhân rằng: Văn chương vốn nghiệt ngã và khó tính. Chính chất lượng văn chương sẽ định hình tác giả trong lòng người đọc, chứ không phải số lượng. Ăn, Cầu nguyện, Yêu được tạp chí Entertainment Weekly vinh danh là 1 trong 10 tác phẩm phi hư cấu hay nhất năm 2006, đến tay hàng triệu độc giả trên khắp thế giới, mà đa phần là độc giả nữ mong muốn sẻ chia và đồng cảm với hành trình của Elizabeth Gilbert.

Thành công từ tuyệt vọng

Với Elizabeth Gilbert, lòng nhiệt tình chính là bệ phóng của thành công. Mọi tác phẩm của cô đều ra đời trong hoàn cảnh Gilbert trải qua quãng thời gian khó khăn, đen tối, tồi tệ và thậm chí rùng rợn nhất. Như Ăn, Cầu nguyện, Yêu đã nói thay lời của nữ nhà văn về một phần bi kịch trong vở kịch cuộc đời: Tác phẩm ấy và cuộc hành trình của Gilbert bắt đầu ở phòng tắm, vào lúc 4 giờ sáng, khi cô đang khóc than trong nỗi tuyệt vọng. Thật khó tưởng tượng niềm vui sống và lý do viễn du để tìm lại chính mình có thể bắt nguồn từ một nơi tối tăm như vậy.

Không có mấy nhà văn tạo được “thành công bất ngờ”. Elizabeth Gilbert là một nữ nhà văn đã nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi, bởi cô chỉ mất chừng 6 năm để độc giả biết đến mình. Tất nhiên, những sáng tác của Gilbert hiện tại đang được các nhà phê bình chào đón với những nhận xét: Thông minh, hài hước, duyên dáng, cởi mở và lôi cuốn gần như không thể cưỡng lại được.
Tác phẩm “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” chứng minh quan điểm của Gilbert: Chất lượng văn chương sẽ định hình tác giả trong lòng người đọc.

Người biên tập sách cho Gilbert gọi cô là “nữ hoàng châm biếm”, luôn viết như nói và nói như viết - hóm hỉnh và đầy biểu cảm. Bên cạnh đó cũng có một số lời phê bình khá gai góc, chẳng hạn như lửng lơ, thiếu bất ngờ, thỉnh thoảng lại phải cố gắng quá sức để chiều lòng người đọc, sự tôn vinh phản tác dụng đối với tư tưởng và văn hóa phương Đông.

Những năm dài bị từ chối đăng bản thảo các sáng tác chưa từng khiến quyết tâm của Elizabeth Gilbert bị hạ gục. Cô đã “thề” sẽ sống cuộc đời của một người viết lách, bởi không muốn và cũng không thể làm được công việc gì khác. Elizabeth Gilbert là một nhà văn và chỉ là một nhà văn mà thôi, từ điếu thuốc lá đầu tiên cho tới tận ngày cuối cùng của cuộc đời khi thành nắm tàn tro.

Khi tác phẩm của Gilbert được xuất bản, cánh cửa văn chương nhanh chóng rộng mở trước mặt và cô đã mạo hiểm mà bước qua cánh cửa đó, tới một thế giới hoàn toàn mới để tiếp tục những hành trình ngôn từ bất tận. Nhiều người nói Elizabeth Gilbert sẽ thay đổi, như một quy luật tất yếu khi ám ảnh bởi vinh quang thành công. Nhưng dường như cô vẫn thế, vẫn là nhà văn miệt mài sáng tạo với những mối quan tâm đến những điều vụn vặt của đời sống, thêm chút hài hước và hi vọng lạc quan.

Sau thành công bất ngờ của tác phẩm Ăn, Cầu nguyện, Yêu, Gilbert đã rơi vào trạng thái nhụt chí và chán nản. Những bản thảo được chăm chút cẩn thận, nhưng cuối cùng trở thành một mớ giấy lộn tào lao với chất lượng thật kinh khủng. Cô viết một lá thư cho biên tập viên, thừa nhận đã hoàn toàn thất bại. Lần đầu tiên trong đời, nữ nhà văn cảm thấy hoàn toàn không có đam mê viết lách, như thể cơ thể và trí não cô đã bị đốt cháy tới khô kiệt. “Tôi không còn nhớ mình từng là ai khi không có ngọn lửa đam mê thân thuộc đó. Tôi thấy mình giống một tấm bìa đã bị cắt bỏ”, Gilbert chia sẻ.

Đương nhiên không thể từ bỏ đam mê viết lách mãi mãi. Elizabeth Gilbert lựa chọn giải pháp tạm thời tự làm dịu bớt áp lực bằng cách trải nghiệm những điều mới mẻ, với một chút nỗ lực và sáng tạo để thực hiện những kế hoạch cô thấy hứng thú mà chỉ cần “đầu tư” ít cảm xúc hơn so với văn chương. Cô đã tránh xa bàn làm việc và dành suốt 6 tháng đắm mình trong những luống đất.

Gilbert đã gặt hái được một số thành công (là những quả cà chua ngon tuyệt vời), và cũng gặp vài thất bại (là những cây đậu không thể mọc được). Chính công việc làm vườn đã đưa Elizabeth Gilbert trở lại thành một nhà văn, khi cô đang cắm cúi thu hoạch cà chua thì bất ngờ nhận ra chính xác những chi tiết cần sửa cho bản thảo một cuốn sách mới.

Thế đấy, cuộc đời vốn dĩ là những hành trình, dù ngắn hay dài, dễ dàng hay gian khổ, cũng sẽ lưu lại những vết chân trên con đường đi tìm lại chính mình. Elizabeth Gilbert thoát khỏi những bi kịch “mang tính cá nhân và phần lớn do bản thân tự tạo ra” không hề dễ dàng. Những lúc vui vẻ nhất cũng chính là khi cô tự vấn nhiều nhất: Chẳng lẽ phải bỏ tất cả chỉ để đổi lấy những thú vui này sao? Nhưng một khi đã tìm thấy niềm tin thì cuộc sống sẽ lại trở nên tươi đẹp.

Chẳng vậy mà nữ nhà văn từng đưa ra lời khuyên có vẻ kỳ quặc: “Đừng toát mồ hôi nếu bạn đánh mất niềm đam mê thực sự của cuộc đời hoặc phải tranh đấu một cách tuyệt vọng để tìm ra niềm đam mê thực sự ấy. Hãy tạm lùi lại, và thử làm những điều khác biệt mà bạn không thực sự quan tâm. Đi theo sự tò mò nhỏ nhặt nào đó, và rồi phép màu sẽ quay lại”…

Nam Hồng - Hồng Hạnh
.
.