Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II: Vị vua dân túy
Là người cai trị đất nước, song Nữ hoàng Margrethe II không quan tâm nhiều tới những tục lệ, quy ước vốn có trong xã hội. Bà từng vấp phải sự hoài nghi khi mới lên ngôi ở tuổi 31, nhưng với tài năng và những đức tính đáng quý như khiêm tốn, không phô trương và sự gần gũi, bà đã nhanh chóng chiếm được lòng dân và giành được sự nể phục của họ. Bà cũng luôn thể hiện mình là một vị vua “dân túy”.
Tính bình dân của Nữ hoàng đã “ngấm” vào thần dân, kể cả khi bà “phì phèo” thuốc lá tại các bữa tiệc tối, trong thính phòng hòa nhạc và thậm chí tại nhà nghỉ bà thường lui tới để điều trị căn bệnh hen suyễn thì mọi người cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Sự quyền quý bình dân
Theo một số nguồn tin, gọi bà là nữ hoàng Margrethe II là hơi mâu thuẫn vì trong lịch sử hoàng gia Đan Mạch đã từng có hai phụ nữ nắm quyền tối thượng. Đó là bà Margrethe I (1353-1412), cai quản Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển; và bà Margrete Sambiria - người phụ nữ cũng từng có thời gian nắm quyền tối thượng ở Đan Mạch nhưng không được hậu thế nhớ tới nhiều vì bà không phải là một bậc quân vương tử tế và giỏi giang. Thân phụ của nữ hoàng Margrethe II, vua Frederik IV có ba người con gái.
Theo truyền thống ở Đan Mạch, ngai vàng chỉ được truyền cho các hoàng tử. Khi biết mình không thể có con trai được nữa, vua Frederik IV đã âm thầm “đào tạo” cô con gái trưởng để cô sẽ trở thành người thừa kế ngai vàng trong tương lai. Và khi thời điểm chín muồi, nhà vua cùng với các hệ thống quyền lực ở Đan Mạch đã tiến hành những thay đổi cần thiết để ngai vàng có thể được chuyển giao cho cả công chúa chứ không chỉ cho các hoàng tử. Ngày 27/3/1953, Hiến pháp Đan Mạch đã được thay đổi một số chi tiết, cho phép Margrethe được nhận tước vị công chúa thừa kế để về sau lên ngôi.
Thời trẻ, bà theo đuổi đam mê nghệ thuật, văn học, ba lê, khảo cổ và triết học. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Nữ hoàng còn nói được 5 thứ tiếng khác, trong đó có tiếng Đức. Kể từ khi lên ngôi, bà đã tới những trường đại học danh giá nhất thế giới để học kinh tế, lịch sử và luật.
Nữ hoàng từng học tại Trường N. Zhahles ở Copenhaghen năm 1959. Rồi bà học về môn Xã hội ở Copenhaghen, Khảo cổ học ở Trường Đại học Cambridge trong hai năm 1960-1961, Lịch sử ở Trường Đại học Orhus (thành phố lớn thứ hai ở Đan Mạch) từ năm 1961 tới năm 1963, và Kinh tế học ở London năm 1965. Tuy nhiên cuối cùng, bà lại không có bằng tốt nghiệp của bất cứ trường đại học nào. Rõ ràng, bằng cấp không phải là điều quan trọng nhất đối với Nữ hoàng.
Với bà, càng biết được nhiều điều thì càng có thể thực thi tốt hơn chức phận của bậc “mẫu nghi thiên hạ”, mặc dù trong bộ máy nhà nước Đan Mạch, ngôi vị nữ hoàng không có nhiều quyền lực chính trị.
Nữ hoàng Margrethe II có quyền tuyên bố chiến tranh hay ký các hòa ước. Bà cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Đan Mạch, nhưng lại không được có những quan điểm chính trị theo tính đảng phái. Nữ hoàng có nghĩa vụ ký vào các đạo luật nhưng những đạo luật này chỉ bắt đầu có hiệu lực sau khi được lãnh đạo chính phủ ký. Khi lên ngôi, khẩu hiệu mà Nữ hoàng Margrethe II đã chọn là: “Ơn của Chúa, tình thương của loài người, Đan Mạch thịnh vượng”. Và bà đã luôn cố gắng để thực hiện phương châm này.
Nữ hoàng lý giải: “Tôi nghĩ có lẽ vì Đan Mạch là một quốc gia nhỏ với số lượng dân không nhiều nên mọi người gắn kết với nhau hơn. Tại đây không có những khác biệt lớn giữa con người với nhau, cả về địa lý lẫn tính cách”. Chính vì điều này mà người Đan Mạch được coi là một dân tộc hạnh phúc nhất trên trái đất.
Người dân Đan Mạch mừng sinh nhật Nữ hoàng Margrethe II. |
Ở tuổi 75, Nữ hoàng Margrethe II vẫn gây ấn tượng mạnh với ngoại hình uy nghi, cao 1 mét 90 của mình. Nữ hoàng có nếp sinh hoạt rất giản dị, thường xuyên tự xách làn đi chợ. Thậm chí, khi đi máy bay, cũng đã có không ít lần bà chỉ ngồi ở hạng ghế bình dân. Các công dân Đan Mạch nếu muốn đều có thể đăng ký để đích thân vào gặp nữ hoàng. Bà rất tôn trọng người dân, và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng để lấy được niềm tin của công dân đối với hoàng gia Đan Mạch.
Cuộc hôn nhân của bà với ông Henri de Laborde de Monpezat vẫn nồng ấm trong suốt gần 5 thập kỷ qua. Và không giống với các triều đại hoàng gia khác, hoàng gia Đan Mạch hiếm khi xảy ra bê bối. Margrethe II luôn được coi là luồng không khí trong lành, một con người vĩ đại với tấm lòng nhân ái, một Nữ hoàng thân thiện nhất thế giới với đức tính khiêm tốn, không phô trương. Tại một cuộc họp báo mới đây, Margrethe II cho biết bà định cầm quyền cho tới khi tay mỏi, chân run mới thôi.
Tất nhiên, trong sinh hoạt đời thường, bà giữ một số thói quen riêng không phải lúc nào cũng hợp lòng thiên hạ, nhiều khi bị coi là lối sống lập dị. Bà thường xuyên vội vàng tới các cuộc tiếp khách, xuất hiện trong các cuộc diễu hành với những chiếc áo choàng sặc sỡ, tươi cười trước ống kính và nhả khói thuốc như ống khói. Dư luận Đan Mạch từng tha thiết cầu khẩn nữ hoàng từ bỏ thói quen này để không làm ảnh hưởng xấu tới các thần dân. Tuy vậy, mọi công dân đều rất yêu quý và kính trọng Nữ hoàng, không chỉ vì trí tuệ của bà, mà còn vì sự cởi mở và phong cách giao tiếp giản dị, dễ gần.
Quyết không từ bỏ đam mê
Margrethe II là người sống rất “nặng” về tinh thần, rất ưa sự phù phiếm, quan tâm tới nhiều loại hình sáng tạo nghệ thuật. Sau khi lên ngôi, bà vẫn theo đuổi đam mê hội họa, vẫn vẽ tranh phong cảnh. Nghệ thuật của bà vẽ ra một khung cảnh tự nhiên và thực tế - đưa đến cho người xem một cái nhìn cụ thể. Với bút danh Ingahild Grathmer, bà còn vẽ minh họa cho nhiều cuốn sách và thậm chí còn thiết kế tem.
Gần như gia đình nào ở Đan Mạch cũng có một bộ bài mà trên đó có hình các nhân vật từ truyện cổ tích của Andersen do chính nữ hoàng vẽ. Dàn nhạc giao hưởng Tolkien Emsemble đã sử dụng các bức ký họa của nữ hoàng để làm bìa các album của mình, sau khi được bà cho phép. Cũng phải nói rằng, không phải ai ở Đan Mạch cũng đánh giá cao những tác phẩm hội họa của Nữ hoàng Margrethe II nhưng bà không hề tự ái vì điều đó. Trái lại, bà luôn tỏ ra bình tĩnh trước những phê phán của báo giới về chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm.
Tác phẩm nghệ thuật của Margrethe II đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Đan Mạch và hải ngoại. Tranh phong cảnh của bà thường tinh tế và tối giản, song bà còn cho ra đời nhiều tác phẩm cắt dán phong phú và vẽ tranh trừu tượng. Hồi năm 2012, bảo tàng Arken nổi tiếng ở thủ đô Copenhagen đã tổ chức triển lãm tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật của Nữ hoàng với khoảng 130 bức tranh màu nước. Nữ hoàng Margrethe II coi đây là một vinh dự lớn đối với một nghệ sĩ vẽ theo sở thích như bà.
Một tác phẩm hội họa của Nữ hoàng Margrethe II. |
Sau này, Margrethe từng kể, bà thấy vô cùng choáng ngợp khi xuất hiện trong buổi khai mạc triển lãm, có cảm giác chộn rộn khó tả khi giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của mình với công chúng. Đó là những cảm giác bà chưa hề trải qua khi đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia. Khi là Nữ hoàng Đan Mạch, bà tự tin trước cả những người chỉ trích mình. Thế nhưng, trong vai trò là một họa sĩ, bà chỉ coi mình là người phụ nữ muốn bộc lộ tâm tư thông qua màu sắc và nét vẽ.
Và phải nói rằng, mặc dầu những bức vẽ của bà không được các nhà phê bình đánh giá cao, nhưng chúng đã được bán với giá cao tại các buổi đấu giá. Bà còn dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Đan Mạch, thiết kế áo lễ nhà thờ, các trang phục sân khấu. Bà thường xuất hiện trong các buổi tiếp khách tầm cỡ nhà nước với các bộ trang phục tự tay thiết kế. Mọi công việc bà thực hiện đều không sử dụng các công nghệ hiện đại vì theo như chính lời bà thổ lộ, bà không hiểu nhiều về chúng nên tốt nhất là không nên đụng chạm.
Dù khá “bận rộn” với những đam mê cá nhân, nhưng với Nữ hoàng Margrethe II, vị trí nguyên thủ của Đan Mạch vẫn là quan trọng nhất. Đó là công việc mà bà dành cả cuộc đời mình để cống hiến, gắn liền với nhận thức từ khi còn nhỏ. Thời gian để theo đuổi những sở thích bản thân chỉ đem lại thêm những góc nhìn mới bên cạnh công việc cai trị một quốc gia luôn được đánh giá là nơi hạnh phúc nhất thế giới. Nữ hoàng Margrethe II từng chia sẻ rằng bà không ngại làm gia tăng thu nhập cá nhân bằng những công việc hợp sở thích và sở trường để bù thêm vào mức thu nhập chỉ xếp ở cuối bảng hoàng gia quốc tế.
Việc Margrethe II trở thành nữ hoàng thực tế không phải là thành tựu cá nhân mà đó là trọng trách. Nữ hoàng không bao giờ xem bản thân mình là một biểu tượng của phong trào nữ quyền, bởi vì cha mẹ bà không có con trai nên bà là người gánh trọng trách rất quan trọng và ý nghĩa này. Những việc bà đang thực hiện hoàn toàn không bị bó buộc bởi những ràng buộc về giới tính. Bà thành công trong mọi việc, và chứng tỏ bản thân với tư cách của một người phụ nữ.
Giờ đây, Nữ hoàng Margrethe II có thể tự hào vì vương quốc của bà, với nền kinh tế hỗn hợp và hệ thống phúc lợi quốc gia lớn, luôn là mảnh đất xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập, có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới và cũng là nước yên bình vào loại hàng đầu thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang lên cao…