Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II: Sự quyền quý bình dân

Chủ Nhật, 30/01/2011, 15:05
Trị vì ở đất nước luôn được đánh giá là nơi hạnh phúc nhất thế giới, nữ hoàng Đan Mạch chỉ có một mức thu nhập ở cuối bảng hoàng gia quốc tế. Bà cũng là người không ngại làm gia tăng thu nhập cá nhân bằng những công việc hợp sở thích và sở trường của mình.

Và không bao giờ "lấy đó làm điều", nữ hoàng Margrethe II luôn có thể tự hào vì vương quốc của bà, với nền kinh tế hỗn hợp và hệ thống phúc lợi quốc gia lớn, theo các đánh giá quốc tế, luôn là mảnh đất xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập, có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới và cũng là nước yên bình vào loại hàng đầu hành tinh đang bị chủ nghĩa khủng bố quốc tế đe dọa sát sàn sạt của chúng ta. Đan Mạch hiện nay cũng là nước được xếp vào nhóm ít tham nhũng nhất trên thế giới trong những năm gần đây.

Nghiệp nhà phải nối

Trong số các hoàng gia trên thế giới có lẽ ít có ai lại có những "dây mơ rễ má" với Việt Nam như hoàng gia ở xứ sở của Andersen. Cách đây hơn một năm, vào tháng 11/2009, nữ hoàng Đan Mạch cùng với chồng mình là hoàng thân Henrik và hoàng thái tử Frederik cùng công nương Mary Elizabeth đã sang thăm Việt Nam. Người con thứ của nữ hoàng là thái tử Joachim cũng từng tới thăm Việt Nam

Và điều này không phải là ngẫu nhiên vì hoàng thân Henrik thời trẻ đã từng sống ở Việt Nam và cho tới hôm nay vẫn lưu giữ trong lòng mình những kỷ niệm ấm áp về đất nước của chúng ta. Trong chuyến thăm  Việt Nam tháng 11/2009, hoàng thân  Henrik đã trở lại ngôi nhà trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, nơi ông từng sống những năm đầu đời, khi cha ông phụ trách các doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực công nghiệp.

Ở tuổi trưởng thành, hoàng thân từng trở lại Việt Nam vào năm 1950-1952 và năm 1958 khi ông theo học tại Sài Gòn… Hoàng thân Henrik sinh ngày 11 tháng 6 năm 1934 ở Gironde, Frankrig. Gia tộc ông xuất thân từ  Cahors (tỉnh lị của tỉnh Lot, thuộc vùng hành chính Midi-Pyrenees của Pháp).

Đây là vùng làm nên thứ rượu vang Cahors nổi tiếng thế giới. Tại Cahors, hoàng thân có trang trại trồng nho rất lớn và làm ăn rất phát đạt cho tới tận hôm nay. Hoàng thân Henrik được đánh giá như một người rất giàu cảm tính, thậm chí còn hơi quá nhạy cảm và dễ bị tác động từ bên ngoài.

Nữ hoàng Margrethe II và Hoàng thân Henrik.

Theo truyền thống, phu quân của nữ hoàng chỉ là nhân vật đứng thứ sáu trong danh sách hoàng gia, sau không chỉ vợ mình mà còn sau cả các con trai, các cháu nội. Thành ra, như các nhà báo Đan Mạch kể,  hoàng thân Henrik có vẻ như hơi tự ái với trình tự này, chẳng gì ở trong nhà ông cũng là người đàn ông quan trọng nhất!..

Có lẽ những ngày từng ở trên đất Việt  đã khiến cho hoàng thân Henrik cảm thấy khoái khẩu với món cầy tơ mặc dù ông là Chủ tịch danh dự Hội những người Đan Mạch yêu chó Dachshund…Nữ hoàng Margrethe II sinh ngày 16/4/1940 tại lâu đài Amalienborg. Cha bà là vua Frederik IX, mẹ bà nguyên là  công chúa Thụy Điển Ingrid.

Theo từ điển mở Wikipedia, gọi bà là  nữ hoàng Margrethe II là hơi mâu thuẫn vì trong lịch sử hoàng gia Đan Mạch đã từng có hai phụ nữ nắm quyền  tối thượng ở đây: bà Margrethe I (1353-1412), cai quản Kalma runionen,  bao gồm cả Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển và Margrete  Sambiria (1230?-1282), người phụ nữ cũng từng có thời gian nắm quyền tối thượng ở Đan Mạch nhưng không được hậu thế nhớ tới nhiều vì bà không phải là một bậc quân vương tử tế và giỏi giang…

Hoàng gia Đan Mạch là một trong những hoàng gia cổ kính nhất thế giới: hơn 1.100 năm.  Vị vua đầu tiên ở đây tên gọi là Gorm den Gamle (910-958). Người con trai huyền thoại của ông - vua  Harald Blantand đã thống nhất đất nước Đan Mạch và hoàn thành sứ mệnh Thiên chúa giáo hóa xứ sở này.  Từ đó đến nay đã trải qua 53 đời vua...

Thân phụ của nữ hoàng Margrethe, vua Frederik chỉ có ba con gái. Theo truyền thống ở Đan Mạch, ngai vàng chỉ được truyền cho các hoàng tử. Khi hiểu ra mình không thể có con trai được nữa, vua Frederik IV đã âm thầm "đào tạo" cô con gái trưởng như một người thừa kế ngai vàng trong tương lai.

Và khi thời điểm chín muồi, nhà vua cùng với các hệ thống quyền lực ở Đan Mạch đã tiến hành những thay đổi cần thiết để ngai vàng có thể được chuyển giao cho cả công chúa chứ không chỉ cho các hoàng tử. Ngày 27/3/1953, Hiến pháp Đan Mạch đã được thay đổi một số chi tiết, cho phép công chúa Margrethe được nhận tước vị công chúa thừa kế để về sau lên ngôi.

Thời trẻ, nữ hoàng tương lai từng học tại Trường N. Zhahles ở Copenhaghen năm 1959. Rồi bà học về môn Xã hội ở Trường Đại học Tổng hợp ở Copenhaghen, Khảo cổ học ở Đại học Cambridge trong hai năm 1960-1961, học về lịch sử ở Đại học Orhus (thành phố lớn thứ hai ở Đan Mạch) từ năm 1961 tới năm 1963, học nhiều môn khác nhau ở Sorbonne năm 1963, học kinh tế ở London năm 1965, nhưng bà lại không có bằng tốt nghiệp bất cứ đại học nào.

Rõ ràng là bằng cấp không phải là điều quan trọng nhất đối với nữ hoàng mà cái chính là càng biết được nhiều điều thì càng có thể thực thi được tốt hơn chức phận của bậc "mẫu nghi thiên hạ", mặc dầu trong bộ máy Nhà nước Đan Mạch, ngôi vị nữ hoàng không có quyền lực chính trị. Nữ hoàng có quyền tuyên bố chiến tranh hay ký các hòa ước.

Bà cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Đan Mạch, nhưng lại không được có những quan điểm chính trị theo tính đảng phái. Nữ hoàng có nghĩa vụ ký vào các đạo luật nhưng những đạo luật này chỉ bắt đầu có hiệu lực sau khi được lãnh đạo chính phủ ký…

Khi lên ngôi, khẩu hiệu mà nữ hoàng Margrethe II  đã chọn là: "Ơn  của Chúa, tình thường của loài người, Đan Mạch thịnh vượng". Và bà đã luôn cố gắng để thực hiện phương châm này. Theo các cuộc điều tra quốc tế, người Đan Mạch được coi là một dân tộc hạnh phúc nhất trên trái đất.

Nữ hoàng lý giải: "Tôi nghĩ có lẽ vì Đan Mạch là một quốc gia nhỏ với số lượng dân không nhiều nên mọi người gắn kết với nhau hơn. Tại đây không có những khác biệt lớn giữa con người với nhau, cả về địa lý lẫn tính cách".

Tùng tiệm làm vua

Hoàng gia Đan Mạch hiện nay được coi là tương đối khiêm tốn hơn cả so với các hoàng tộc khác ở châu Âu: Tại đây chỉ có khoảng 140 người phục vụ trong triều. Cung điện hoàng gia không có vệ binh, ngoài những người gác mang tính trang trí, trông bên ngoài rất giống các yeomen warders, tức là những người nếm thử để kiểm tra thức ăn trong triều đình Anh quốc).

Nữ hoàng Margrethe II có nếp sinh hoạt rất giản dị. Bà thường xuyên tự xách làn đi chợ. Thậm chí, khi đi máy bay, cũng đã có không ít lần nữ hoàng chỉ ngồi ở hạng ghế bình dân. Các công dân Đan Mạch nếu muốn đều có thể đăng ký để đích thân vào gặp nữ hoàng. Bà rất tôn trọng các thần dân, nhưng trong sinh hoạt đời thường, bà cũng biết giữ một số thói quen riêng không phải lúc nào cũng hợp lòng thiên hạ.

Thí dụ, dư luận Đan Mạch từng tha thiết cầu khẩn nữ hoàng bỏ thuốc lá để không làm tấm gương xấu đối với các thần dân. Thế nhưng, nữ hoàng đã không bỏ… Nhìn chung, các thần dân rất yêu quý và kính trọng nữ hoàng của mình, không chỉ vì trí tuệ của bà, mà còn vì sự cởi mở và phong cách giao tiếp giản dị, dễ gần…

Nữ hoàng Margrethe II cũng được coi là người bảo trợ cho những ai đi xe đạp… Ngay từ thời trẻ, bà đã đam mê các hoạt động trong lĩnh vực khảo cổ và đã tham gia nhiều chuyến khai quật các di tích cổ…

Sưu tầm nhiều bức tranh của những nghệ sĩ nổi tiếng…

Sáng tạo nghệ thuật luôn là niềm đam mê lớn của nữ hoàng Margrethe II.  Bà rất mê hội họa, vẽ nhiều thể loại khác nhau. Nghệ thuật của bà vẽ ra một khung cảnh tự nhiên và thực tế - đưa cho người xem một cái nhìn cụ thể. Nhiều tác phẩm hội họa của bà đã được trưng bày cả ở Đan Mạch cũng như ở nhiều nước khác.

Gần như là trong gia đình nào ở Đan Mạch cũng có một bộ bài mà trên đó có hình các nhân vật từ truyện cổ tích của Andersen do chính nữ hoàng vẽ. Dàn nhạc giao hưởng Tolkien Emsemble đã sử dụng các bức ký họa của nữ hoàng để làm bìa các album của mình, sau khi được bà cho phép…

Cũng phải nói rằng, không phải ai ở Đan Mạch cũng đánh giá cao những tác phẩm hội họa của nữ hoàng Margrethe II nhưng bà không hề tự ái vì điều đó. Trái lại, bà luôn tỏ ra bình tĩnh trước những phê phán của báo giới về chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm của bà…

Và phải nói rằng, mặc dầu những bức vẽ của bà không được các nhà phê bình đánh giá cao, nhưng chúng đã được bán với giá cao tại các buổi đấu giá. Nữ hoàng Margrethe II còn dịch các tác giả văn học Pháp sang tiếng Đan Mạch. Bà cũng là một trong những tác giả của bản dịch "Chúa nhẫn" ra tiếng Đan Mạch. Cuốn sách được in cùng với minh họa của bà.

Nữ hoàng Margrethe II không sử dụng các công nghệ hiện đại vì theo như chính lời bà thổ lộ, bà không hiểu nhiều về chúng nên tốt nhất là không dụng chạm là hơn: "Tôi tiếp cận với Internet rất  kém. Nhưng gia đình tôi thì lại làm tốt, cả chồng tôi cũng thế"...

Hương Hà
.
.