Nữ đạo diễn truyền hình Quỳnh Châu: Cha tôi, người thầy đầu tiên của tôi

Thứ Hai, 21/04/2014, 15:36

Tôi thoáng chút ngỡ ngàng khi bà thổ lộ rằng, bà đã sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hy. Bởi vì gương mặt và dáng hình bà vẫn trẻ lắm, những ký ức từ thời thơ bé vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà, không sót một chi tiết nào. Bà là Quỳnh Châu, con gái đầu lòng của nhà văn Thanh Châu. Bà từng là nữ đạo diễn truyền hình “có tiếng” của Đài Truyền hình Việt Nam.

Thời gian qua bà cùng với chồng mình, đạo diễn sân khấu Hoàng Sự (nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học sân khấu điện ảnh) và gia đình đã làm được một công việc vô cùng ý nghĩa đối với đấng sinh thành, đó là đi dọc theo chiều dài đất nước, khắp các thư viện trong Nam ngoài Bắc, sưu tầm những truyện ngắn, bài viết, các vở kịch của nhà văn Thanh Châu để in tuyển tập, góp phần hoàn thiện tác phẩm của nhà văn hiện thực lãng mạn Thanh Châu với câu chuyện tình về hoa Ti-gôn đẹp nhất nhì trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Căn nhà của nữ đạo diễn Quỳnh Châu tĩnh lặng và yên bình trong một con ngõ nhỏ của Hà Nội. Mọi thứ được sắp xếp đơn giản, gọn gàng với nhiều tranh vẽ thiên nhiên, một tủ đầy sách, một quầy bar nhỏ nhắn đủ chỗ cho dăm ba người bạn thân thiết ngồi nhâm nhi ly rượu ngon trong những lần gặp gỡ. Góc sân nhỏ trước cửa nhà và mảnh vườn xinh xắn trên sân thượng đang trổ hoa khoe sắc. Mùi thơm của những bông ngọc lan đầu mùa vương vấn níu giữ lòng người. Nữ đạo diễn Quỳnh Châu chăm chút cho khu vườn bé xinh ấy như chăm những đứa con.

Bà bảo, niềm vui của người phụ nữ ở tuổi của bà, ngoài việc bếp núc cho chồng và người con trai duy nhất, cũng là một đạo diễn, thì công việc mỗi buổi sáng sau giờ tập yoga là được chăm sóc cho khu vườn yên tĩnh của mình. Bà yêu thiên nhiên, cỏ cây đến độ không chỉ thuộc “tính nết” của những cây cảnh trong vườn nhà, mà bà còn biết được “mùa nào cây ấy” khi dõi theo mỗi góc phố, mỗi hàng cây trên những con đường Hà Nội. Bà thường xuyên “nuông chiều” bản thân, thưởng ngoạn những giây phút ngồi cà phê đôi khi chỉ để ngắm vài cây sưa trổ bông trắng xoá hay những cây bằng lăng khẳng khiu, trơ trụi khô cong sau mùa đông. Bà bảo, nhiều người tả mùa thu là mùa lá rụng, nhưng không phải thế, chỉ đến sau mùa xuân, khi cái lạnh đã ngấm vào từng thớ cây, thì những chiếc lá mới lìa cành, đặc biệt là những cây cổ thụ như xà cừ. Đó cũng là thời điểm bà thích đi bộ rong ruổi một mình trên những thảm lá vàng để cảm nhận niềm xao xuyến chuyển mùa và nỗi nhớ về ký ức tuổi thơ.

Nữ đạo diễn Quỳnh Châu tâm sự rằng, bà cảm ơn số phận đã cho bà được làm con gái của nhà văn Thanh Châu. Ngoài việc cho bà một hình hài, thì cụ đã truyền cho bà một ngọn lửa đam mê đọc sách từ thuở nhỏ cùng một tình yêu thiên nhiên kỳ lạ, có thể trải lòng, có thể nương nhờ tâm hồn đầy nỗi niềm trắc ẩn và cô đơn trước thiên nhiên, hoa lá. Bà kể: “Ba tôi là người giàu tình cảm, ông yêu quê hương, thiên nhiên, gia đình và bè bạn. Mỗi lần nhớ đến ba tôi lại mơ về ngôi nhà nhỏ xinh đẹp bên bờ sông Mã mà ông đã xây để bà cháu, mẹ con tôi ở khi ông đi bộ đội thời chống Pháp. Ngôi nhà ấy có một khu vườn với lối đi là hai dãy hoa hiên rực rỡ. Mẹ tôi đã dùng khu vườn ấy làm cảnh trí, mở một hiệu ảnh lấy kế sinh nhai. Mỗi lần đi công tác ghé qua nhà, ba tôi thường có các bạn văn nghệ hoặc các chú bộ đội đi cùng.

Ngày hòa bình lập lại, cả nhà tôi về Thủ đô, chỉ còn bà tôi ở ngôi nhà cũ. Khoảng năm 1960 trong kỳ nghỉ hè, ba tôi đưa tôi về Thanh Hóa để đón bà tôi ra Hà Nội. Về lại khu nhà cũ, sáng nào tôi cũng thấy ba tôi dậy sớm cuốc xới làm vườn. Tôi hỏi: “Ba ơi nhà mình sắp chuyển đi rồi, ba trồng cây làm gì nữa ạ?”. Nhìn bao quát cả khu vười rồi chăm chú nhặt từng con kiến nhỏ trên cành na đã có quả đang mở mắt, ba tôi thủng thẳng: “Mình thương những cái cây con ạ. Ba cố chăm cho khu vườn tốt tươi nhiều hoa lắm quả, người chủ sau họ được hưởng họ sẽ không nỡ chặt…”.

Nhắc lại những kỷ niệm về cha mình, ánh mắt của nữ đạo diễn Quỳnh Châu ánh lên nét tự hào, như thể bà đang tìm lại được những kỷ niệm chưa giây phút nào mờ phai trong tâm trí. Những kỷ niệm vẹn nguyên như mới hôm qua, dù cô bé Quỳnh (tên gọi thân mật ở nhà của bà) đã không còn là cô bé ngày xưa ấy. Bà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố trong cuộc sống, những đa đoan của một diễn viên múa “có hạng” trong lòng người cùng thế hệ.

Mười ba tuổi, Quỳnh Châu thi đỗ vào khóa múa đầu tiên của trường múa Việt Nam. Một cô bé đậm người, có gương mặt bầu bĩnh và lém lỉnh đã trở thành tâm điểm của khóa học ngày ấy bởi sự thông minh, mạnh dạn, tiếp thu bài nhanh và có nhiều tố chất để trở thành nghệ sĩ múa giỏi. Tốt nghiệp ra trường, bà và 4 người bạn khác khoác ba lô lên Việt Bắc để cùng các thế hệ diễn viên nơi đây xây dựng Đoàn múa Khu tự trị Việt Bắc (tiền thân của Nhà hát ca múa Việt Bắc sau này) lớn mạnh hơn. Bà Quỳnh Châu kể lại rằng, đó là một chuyến đi định mệnh đối với cuộc đời bà. Lên với núi rừng, những đôi chân chưa quen nắng gió, bụi đường đã phải trải qua rất nhiều khổ cực. Họ tự chặt cây về đóng thành sàn tập cơ bản, tập không sót một ngày nào. Năm người họ đã phân công nhau đạp xe đến tận các huyện, các xã để tìm diễn viên cho đoàn múa của mình.

Những ngày đi bộ rát chân, những chuyến đạp xe bở hơi tai đi các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên… tìm tài năng để truyền nghề. Vùng núi heo hút, ăn không đủ, người bản địa làm sao nghĩ đến việc học múa… Có lần đang đạp xe rong ruổi trên đường làng, ven cánh đồng, bà bỗng nhìn thấy một đôi chân lội ruộng dài, trắng ngần đang lấm bùn cấy lúa. Bà dừng xe lại, ngồi chờ cô bé cấy lúa xong trở về nhà rồi lặng lẽ đi theo. Vào nhà bà vận động bố mẹ cô để cô được đi học múa. Khi họ không đồng ý, bà đã phải tác động lên huyện, lên tỉnh để cán bộ tác động trở lại. Mãi rồi gia đình họ cũng chấp nhận cho cô gái ấy về đoàn. Từ một người chân lấm tay bùn chỉ quanh năm đồng áng, sau này cô bé ấy đã trở thành một diễn viên múa chủ chốt của Đoàn múa Khu tự trị Việt Bắc.

Sau ba năm tuyển lựa, truyền nghề, đoàn múa Khu tự trị đã bắt đầu có tiếng vang trong nghề. Năm 1970, trong Hội diễn múa toàn quốc tại Quảng Ninh, đoàn múa của Khu tự trị Việt Bắc đã đoạt giải nhì (Sau đoàn ca múa Trung ương). Kịch múa “Bắc Sơn” (tác giả Lê Khình) của đoàn đã đoạt Huy chương vàng. Tác phẩm đầu tay của nghệ sĩ Quỳnh Châu là “Những cô gái vót chông” (nhạc Mai Đức Vượng) đã đoạt huy chương bạc trong hội diễn. Đam mê, yêu nghề, say nghề, diễn viên múa Quỳnh Châu là một trong những ngôi sao sáng của Khu tự trị lúc bấy giờ. Trong một đêm diễn, có khi bà vừa là người dẫn chương trình, vừa là người hát tốp ca, lại vừa sáng tác, biểu diễn múa và dàn dựng các tiết mục cho học trò của mình như các tác phẩm Cửa hàng rẻo cao, Cánh bướm mùa xuân… Đến năm 1975, trong một lần tập luyện, do bị bị chấn thương ở cổ chân, bà ngừng biểu diễn và chuyển sang nghiên cứu các điệu múa của các bản làng Việt Bắc, nhằm đưa điệu múa nguyên bản kết hợp với hiện đại và trở thành một nét đặc trưng của hệ thống múa của Đoàn múa Khu tự trị.

Năm 1976, sau 10 năm gắn bó tại Việt Bắc, bà trở về Hà Nội và chính thức trở thành nữ đạo diễn truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam sau khi tham gia một khóa học về đạo diễn truyền hình tại Tiệp Khắc. Bà là một trong những nữ đạo diễn có tay nghề “đáng nể” trong làng truyền hình. Các chương trình âm nhạc của bà ngoài việc mang đến một cái nhìn toàn cảnh về âm nhạc, còn là một cầu nối để khán giả có thể đồng cảm, trải lòng và sẻ chia những tâm trạng. Bà chia sẻ rằng, không ai khác, chính nhà văn Thanh Châu là người thầy đầu tiên của bà. Cụ từng dạy: Nghệ thuật là một nghề khó khăn và phải lao động một cách nghiêm túc. Muốn làm tốt thì phải am hiểu nhiều bộ môn khác như cầm, kỳ, thi, họa… để tác phẩm của mình trở thành một tác phẩm văn hóa, phải mang đến một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, về con người…

Vì cầu toàn, nên trong công việc, bà là một người cẩn thận đến mức khó tính và nghiêm khắc. Có những chương trình, đã được lãnh đạo duyệt để phát sóng, nhưng khi xem lại thấy có những khuôn hình chưa ưng ý, bà xin dừng để làm lại cho toàn vẹn. Bạn bè, vì thế mà nhắc đến nữ đạo diễn Quỳnh Châu, họ đều rất nể trọng tài năng, sự chăm chỉ, sự tận tụy và sức làm việc khủng khiếp của bà. Có được điều này, đạo diễn Quỳnh Châu khẳng định, đó là do sự ảnh hưởng tuyệt đối từ cha mình. Cụ không chỉ là thần tượng của bà trong nghề nghiệp, mà còn cả ở đức hy sinh, vượt qua hoạn nạn và những khó khăn trong đời sống.

Năm 2002, nữ đạo diễn Quỳnh Châu nghỉ hưu, song hành với việc giảng dạy, làm các chương trình cộng tác với các Đài truyền hình, bà bắt đầu một công việc khác hẳn với quãng thời gian tuổi trẻ, đó là tiếp xúc với văn chương và công cuộc đi tìm những tác phẩm còn lưu lạc của cha mình. Một công việc liên quan đến chữ nghĩa mà sinh thời, nhà văn Thanh Châu từng mong muốn con gái sẽ theo đuổi. Bà cùng chồng, đạo diễn Hoàng Sự cùng các em trai của mình góp công sức để sưu tầm, tuyển chọn các tác phẩm của nhà văn Thanh Châu, in tuyển tập gần 70 tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, phóng sự, hồi ký, bút ký, tác phẩm dịch, thơ của nhà văn Thanh Châu và nhiều bài viết về ông của các nhà lý luận phê bình, nghiên cứu văn học các nhà văn có tên tuổi, góp phần đưa ông đến với độc giả đương đại, đặc biệt là các tác giả trẻ, giúp họ có một cái nhìn toàn diện hơn về ông. Một nhà văn không chỉ khẳng định với lối viết lãng mạn và những trang văn đẹp như tranh thủy mặc, mà ông còn là một nhà văn giàu lòng nhân ái khi thể hiện nỗi niềm trắc ẩn của mình trước những cảnh đời éo le, ngang trái…

Nghệ sĩ Quỳnh Châu là một người phụ nữ sắc sảo, thông minh nhưng cũng đầy nhạy cảm và đa cảm. Bà giống mẹ mình ở sự tháo vát, năng động, nhưng lại giống cha với đức tính cả nghĩ và đa cảm. Giờ đây, sau những giờ bận rộn, niềm vui của bà là những giây phút lắng đọng và sẻ chia được cùng âm nhạc. Trời đã cho bà một năng lực cảm thụ âm nhạc giao hưởng hiếm có, để có thể hiểu và yêu nó đến độ bà có thể ngồi hàng buổi để nghe. Bà đắm chìm và trôi đi trong không gian và thời gian của thể loại âm nhạc quý phái ấy, hiểu được, nhớ được từng giai điệu để có thể dựa vào âm nhạc mà quên đi những nỗi niềm trắc ẩn, những nỗi cô đơn hiện hữu trong cuộc đời người phụ nữ…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.