Nỗi trầm tư định phận

Thứ Tư, 22/08/2012, 11:15
Hạnh Thủy có nét Di gan trên gương mặt, trong khóe mắt nâu và nụ cười khá tây, nhưng Thủy lại không có cái nét hoang dã, mê đắm và đa tình trong ngôn ngữ, hay trang viết. Không sự bạo liệt, mê muội trong từng nhân vật, trong từng tình huống số phận nhân vật nhưng vẫn đủ lôi cuốn và ám ảnh người đọc về những thân phận người. Ở Thủy có sự chín chắn, sâu sắc, trầm tư của một cây bút sớm nhận ra định phận của mình.

1. Tôi chỉ bắt đầu nhớ lâu hơn, nhiều hơn, ám ảnh hơn cái tên Võ Thị Hạnh Thủy sau tập truyện ngắn đầu tay có tên Mưa ngược sáng mà tôi đã đọc của Thủy. Tập truyện ngắn đầu tay mỏng manh, vỏn vẹn 13 truyện ngắn. Nhưng tôi đã phải dừng lại lâu trên mỗi trang viết, mỗi câu chuyện mà Hạnh Thủy kể lại. Không biết có phải tôi là người quá khó tính trong thẩm đọc văn chương không, nhưng từ lâu những tác phẩm mới ra, những cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết của người viết trẻ, những cuốn sách làm nhạt nhòa những cái tên của người viết khiến tôi không nhớ nổi chân dung văn chương của họ. Tôi cũng đã suýt nghĩ Hạnh Thủy có thể rồi cũng trong số đó, những người trẻ yêu văn chương và có chút năng khiếu viết lách, sáng tác… Mưa ngược sáng của Thủy làm tôi có lúc lặng người đi khi đọc. Tập sách mang nặng một nỗi trầm tư định phận về số phận mong manh của con người, về những nỗi đau, sự đồng cảm chia sẻ và sự giằng xé suy tư của một cây bút mang tâm thế, định phận của nhà văn. 13 truyện ngắn, con số đó ít ỏi nhưng đủ để cái tên Võ Thị Hạnh Thủy không nhạt nhòa trên văn đàn của những người viết trẻ.

Đến với văn chương như vậy là muộn, nói đúng hơn là không sớm. 34 tuổi, lần đầu tiên trình làng tập truyện ngắn đầu tay chị viết rải rác từ những năm tháng ra trường, đơn độc, loay hoay trong cuộc kiếm tìm chính bản thân mình ở những môi trường khác nhau như thử viết văn, đi dạy học tại vùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hạnh Thủy bắt đầu viết văn từ những năm tháng ấy, rồi thử nghiệm trên các lĩnh vực khác như viết phê bình, tiểu luận… cho đến khi Hạnh Thủy làm một cuộc vượt quẫy mạnh mẽ từ Hà Tĩnh bỏ hết công việc dạy học đang rất ổn định để ra Hà Nội học thạc sỹ và dấn thân vào một môi trường mới, cuộc sống mới để tìm cho mình một vị trí công việc khác, một chỗ đứng mới.

Không thể kể hết những khó khăn cực nhọc của một cô gái bé nhỏ dám bứt phá số phận để đến được một chỗ đứng xứng đáng với những gì mà mình dày công học tập. Hạnh Thủy đã thành công khi thi đậu vào Đài Tiếng nói Việt Nam và có một công việc phù hợp với đam mê sở thích của Thủy, đó là làm BTV một chương trình chuyên biệt về văn hóa, văn học của Đài VOV.

Chương trình Tiếng thơ trên VOV do Hạnh Thủy làm BTV kiêm dẫn chương trình ít nhiều đã để lại dấu ấn trong khán giả truyền hình một góc bình yên, nhẹ nhõm, đậm sắc màu văn chương trong tâm hồn khán giả yêu thơ. Đó là chương trình đến với những bài thơ hay, những bài thơ đi cùng năm tháng với những phát hiện mới, góc nhìn mới, tư tưởng mới về tác phẩm đã được định danh trong văn chương. Tôi chắc Hạnh Thủy đã tìm thấy hạnh phúc, tình yêu và niềm đam mê trong công việc. Bởi thực ra, trong cuộc đời này mấy ai may mắn như Thủy được làm đúng chuyên môn, với ngành học mà chị đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu. Hạnh Thủy, cô gái bé nhỏ, người đàn bà kiên trì khơi gợi tình yêu thơ và làm sống dậy những  bài thơ hay bị phủ lấp bởi thời gian và bộn bề cuộc sống.

Con đường đến với văn chương của Hạnh Thủy là lập nghiệp, lập thân rồi mới đến lập văn. Văn chương là thứ sau rốt được tính đến trong hành trình 34 năm về trước của Thủy nhưng tôi tin rằng, trong sâu thẳm, văn chương đã đến từ những năm tháng tuổi thơ của chị, trong đôi mắt của một cô bé biết cười, biết khóc, biết sẻ chia trước những buồn vui của những thân phận người nơi làng quê chị, và văn chương, sẽ là tri kỷ đồng hành cùng chị suốt cuộc đời này, như một định phận của riêng chị. Sáng tác văn chương với Võ Thị Hạnh Thủy như là một cuộc đào xới tâm can mình, rút ruột mình với những hồi ức sống hằn sâu trong tâm khảm. Có phải vì Hạnh Thủy đã viết về những gì thân thuộc nhất, về cái đời sống, ngôi làng và những thân phận trong ngôi làng nơi Thủy sinh ra, lớn lên đầy trải nghiệm. Mà tôi thấy cái chất đời sống thực tái hiện và quẫy đạp, day dứt chảy qua ngôn ngữ và trang viết của Thủy thấm đẫm, làm cho một người đọc từng có cái ký ức làng quê như Thủy, cũng vượt thoát từ làng quê ấy để ra đi, và từng để lại những trang viết về cái ký ức buồn thương ấy đã gặp lại xúc cảm của mình, rung động của mình trên những trang viết của Thủy. 

Có nhiều khi tôi đọc một số truyện mà như đang đọc những trang nhật ký riêng của Thủy, hay một tự sự, một ký sự đầy xúc cảm của Thủy về cái đời sống mà Thủy đã ngụp lặn ở trong đó. Văn phong không cầu kỳ, không phá phách, hình thức chữ không có gì cách tân, hiện đại như một số người trẻ khác đang cố gắng bứt phá khỏi cái mặt bằng cổ điển. Những trang viết của Thủy như không màng đến hình thức, phong cách hay sự chứng tỏ một cái gì đó mới mẻ vượt thoát. Thủy viết tự nhiên như thể mọi thứ nó là vậy. Viết như trút một hơi thở dài từ sâu trong lồng ngực. Như rót trong tận tâm can mình những đau đớn, dằn vặt, suy tư mà mình đã trải nghiệm. Để đẩy nó thoát ra khỏi tâm trí mình, để nó ào ra như một cơn sóng thủy triều cuốn người đọc đi trong vô vàn tầng tầng cảm xúc. Đó là khi Thủy chia sẻ một nỗi đau, sự bất lực của chính mình trước số phận của con người. Bình dị, không có gì mới lạ mà sao những nhân vật trong Mưa ngược sáng 1, Mưa ngược sáng 2, Thung Lạp Sa, Người bên kia núi, Người về từ phía biển lại bước ra từ trang viết của Thủy, ám ảnh tôi, đọng lại trong tôi dư vị nhói buốt.

Tôi tin rằng Hạnh Thủy đã không đặt ra bất cứ một ham ước lớn lao nào trước trang viết. Đơn giản Thủy là người kể chuyện, kể lại những mảnh đời, những số phận, những thân phận đã gặp, đã sống cùng họ, trải qua cùng họ những ký ức. Thủy kể ra trong những ngày rảnh rỗi, trước tiên là từ những nỗi xúc động của mình, rồi mới đến việc kết nối lại trong ý thức tạo ra một tác phẩm văn chương. Giản dị thế thôi, đó là những trang nhật ký cuộc sống mà chị đã trải nghiệm. Từ cái ngày thơ bé, ở ngôi nhà mấp mé triền sông, nơi mùa lũ đi qua, cô bé Hạnh Thủy bé như cái kẹo chanh đã phải sấp ngửa cùng người mẹ đau yếu di chuyển đồ đạc, quần áo, dắt các em thơ đi chạy lũ. Cái ký ức chạy lũ, hay lúc nào cũng trĩu nặng nỗi buồn hiu hắt của bốn mẹ con trong mái nhà dột ẩm, cha đi bộ đội xa, mẹ đau yếu triền miên, Thủy phải gồng lên để vượt qua nỗi buồn đeo đẳng thời thơ ấu. Mẹ ốm nhiều quá, bố đi xa nhiều quá, thành ra nỗi cô đơn đã ngự trị trong trái tim nhiều nhạy cảm của Thủy. Ký ức ấy đã như một sự thôi thúc Thủy vượt lên số phận. Hay là vì đam mê văn chương, vì mơ ước được học lên nữa mà Thủy đã bỏ ngang nghề dạy học để ra Hà Nội học tiếp thạc sỹ. Hay là những năm tháng khốn khó không việc làm, không đồng lương, hai vợ chồng lang thang chuyển nhà với đứa con còn nhỏ xíu, vật lộn với cuộc sống để tìm cho mình một chỗ đứng vừa là mưu sinh, vừa là ước mơ nghề nghiệp. Ví dụ như Chiếc áo đỏ, Thèm ngồi bệt, Người mài dao là những trang viết có chút của riêng mình, bạn bè mình? Tôi thấy, đó là những trải nghiệm, chia sẻ của một cô gái mạnh mẽ, sâu sắc, quyết liệt trong từng trải nghiệm thẳm sâu về đời sống.

2. Tôi đã đến tổ ấm nhỏ bé của Hạnh Thủy ở khu tập thể Phương Mai. Căn nhà tập thể cũ cả cơi nới hết cỡ cũng chỉ bốn năm chục mét vuông là tổ ấm quây tròn của nữ văn sỹ trẻ. Có được một chốn nhỏ nhoi của riêng mình để tá túc nơi thành phố đông đúc như Hà Nội là cả một sự nỗ lực của vợ chồng Thủy và người bạn gái thân thiết của Thủy đã vun vào, đã cùng nhau tạo dựng. Những người viết lam lũ từ miền quê nghèo như Thủy bước ra Hà Nội nào có phải dễ dàng gì. Nhưng có một sự thật, càng ở nơi miền quê nghèo, càng ở những vùng heo hút khó khăn, sức sống, bản năng sống của con người càng dẻo dai, bền bỉ. Không bao giờ chịu khuất phục trước số phận, khát vọng vươn lên, thay đổi cuộc sống bất chấp những nhọc nhằn mưu sinh, những hiềm kị nhỏ nhen của thói đời… những người như Thủy vẫn kiên trì vươn lên, sống mạnh mẽ như loài xương rồng sa mạc… Thủy đang âm thầm, mạnh mẽ nuôi những hạt giống văn chương trên chiếc bàn con nơi hằng đêm sau giờ học của con, Thủy vặn nhỏ chiếc đèn bàn để hỳ hục viết.

Nghề văn có bao giờ nhàn hạ sung sướng, mà nghề văn đâu có kỳ vọng mang lại tiền bạc giàu sang. Nhưng đã trót yêu và sống chết với văn chương rồi, đâu dễ dàng buông bỏ được. Thủy vẫn ấp ủ những dự định trong sáng tác văn chương, ấp ủ một cách quyết liệt nhưng không có nghĩa là vội vã. Văn chương là chữ thiêng, không ngại khi vật vã lắm mới ra đời được một tập sách, hay lâu lắm tự nhiên vắng bóng trên văn đàn. Mặc kệ, Thủy đang âm thầm phát triển Mưa ngược sáng thành tiểu thuyết và Thủy đang miệt mài với công việc không thể vội của mình.

Đã có lúc Thủy sợ hãi trước nỗi cô độc của chính mình, nếu một ngày nào đó mình buông viết. Thủy trở thành một công chức bình thường, thậm chí có thể làm đến tiến sỹ văn chương, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó mà không tiếp tục sáng tác. Thủy làm việc ở cơ quan, sống hưởng thụ những gì tươi đẹp của cuộc sống mà không buồn màng đến chữ nghĩa, không bận tâm đến những day dứt quanh mình? Không có nhu cầu được hành hạ mình trước chiếc máy tính, để vò đầu bứt tai, để khổ sở vì không hài lòng trước tác phẩm của mình thì những người viết như Thủy còn lại những gì? Thủy đã nghĩ đến cuộc chia ly văn chương đầy sợ hãi và cô độc. Thủy đã ngã lòng  trước những giằng xé đó. Trước câu hỏi nếu một ngày mình quẳng bút đi mà nhẹ nhõm sống?

Quẳng bút đi liệu có thể vui sống khi định phận của một người đã lỡ trót đa mang nghề viết như Thủy? Thế nên tiểu thuyết Mưa ngược sáng vẫn đang hoàn thành nốt những chương cuối, dù trong cơn vật vã, Thủy đã có lúc muốn xé bỏ đi bởi sự không hài lòng. Không hiểu sao với Võ Thị Hạnh Thủy, dù mọi thứ còn mong manh, chưa quá rõ rệt. Dù những trang viết đến được với độc giả của Thủy còn ít ỏi, nhưng tôi có một niềm tin, bằng những gì tôi cảm nhận từ trang viết của Thủy, tôi tin về định phận của riêng em với văn chương và cuộc đời này

N.B.
.
.