Nỗi buồn Vương Đức

Thứ Ba, 20/12/2011, 14:00
Vương Đức ngồi đó, bên cạnh hàng xếp bản thảo, công văn, giấy tờ cần phải đọc, duyệt, ký… Anh cặm cụi và trầm tư như một công chức mẫn cán với công việc của mình. Xung quanh chỗ anh ngồi là hàng chục kỷ niệm chương, bằng khen mà nhiều năm liền Hãng Phim truyện Việt Nam cũng như bản thân anh đã nhận được qua các kỳ liên hoan phim trong và ngoài nước.

Gặp Vương Đức lần này, khác với những lần gặp phỏng vấn đầy hào hứng và nhiệt huyết trước đó, khi anh vừa kết thúc một bộ phim và chuẩn bị “mang chuông đi đánh đất người”. Dù Vương Đức của chiếc ghế lãnh đạo cũng rất vừa vặn, cũng đủ uy nghiêm, cũng đầy sáng suốt trước những quyết sách không phải lúc nào cũng dễ dàng của một lĩnh vực đặc thù. Nhưng dường như, ẩn sâu bên trong một con người bận rộn và có vẻ cẩn trọng hơn với câu chữ khi phát ngôn ở tư cách của một nhà quản lý, là một Vương Đức với nỗi buồn cố hữu và khó chia sẻ trong tâm thế của một người đạo diễn luôn yêu nghề, cẩn trọng với nghề, kỹ tính đến độ cực đoan trong từng thước phim của mình…

Bây giờ, chắc chắn nhiều bạn bè thân thiết không còn thường xuyên nhìn thấy một Vương Đức của những bữa say rượu quên hết đất trời và lối về. Cũng ít khi nhìn thấy anh ở các cuộc hội thảo, ra mắt phim hay tọa đàm nào đó thuộc lĩnh vực văn nghệ, nơi mà các bạn hữu của anh vẫn thường kéo anh lui tới… Lại càng chắc chắn rằng, ít ra là thời gian này, Vương Đức sẽ không xuất hiện với vai trò của một vị đạo diễn của những bộ phim đã từng làm lay động hàng triệu trái tim khán giả. Một Vương Đức ở điểm dừng chân mới trong vai trò của một nhà quản lý với nhiều lo toan mà ngẫm lại, anh cho rằng, chặng đường đi đó là sự an bài của số phận.

Khác với một số nghệ sĩ thành danh có thể liệt kê hàng list dài các tác phẩm thì dấu ấn của Vương Đức trong cuộc đời làm nghề tính cho đến nay chỉ vỏn vẹn có bốn bộ phim nhựa Những người thợ xẻ, Cỏ lau, Của rơi và Rừng đen. Bốn phim nhưng toàn là phim “bom tấn” của điện ảnh Việt. Đó là bốn khoảnh khắc của đời người, của chặng hành trình mà Vương Đức đã sống, đã tiếp nhận cuộc sống và cống hiến cho điện ảnh nước nhà.

Trong mỗi một bộ phim, Vương Đức đều gửi gắm hồn cốt của mình vào từng nhân vật. Có khi anh hóa thân thành một trí thức trẻ cô đơn trong thế giới con người đầy biến động, có khi lại đau đớn trước sự biến thái, tha hóa của nông thôn đang oằn chuyển mình vươn lên cơ chế thị trường, có nhân vật lại khắc họa tiếng kêu cứu của cánh rừng già bởi những tàn phá của con người cũng như sự trả giá của con người khi chạm vào sự linh thiêng đã có từ nghìn năm...

Vương Đức từng thừa nhận rằng, sau bao nhiêu thành bại, khổ đau, thất vọng, thậm chí là những nếm trải nhục nhã của kiếp sống, thì thứ đã mang lại cho anh sự bình ổn và niềm khát khao không bao giờ nhàm chán, đó chính là những thước phim. Anh yêu nhân vật trong Của rơi vì tâm trạng của nhân vật giống anh nhất, nhưng niềm ơn huệ anh lại dành trọng cho bộ phim đầu tay Cỏ lau vì nếu không có nó với những giải thưởng lớn thời bây giờ thì Vương Đức mãi chỉ là một anh đạo diễn vô danh làm đủ thứ việc không ra gì để kiếm miếng ăn qua ngày và nuôi sống gia đình. Đó là thời điểm khó khăn, anh đã từ bỏ điện ảnh chấp nhận ngồi sau một chiếc xe máy, quay ngược đầu lại để đi quay phim, chụp ảnh đám ma, đám cưới.

Làm lụng mãi, thức đêm thức hôm, đi hết hợp đồng tỉnh này, làng nọ để có chút lưng vốn, tưởng anh sẽ đầu tư làm kinh doanh lớn nhưng rồi vào một ngày đẹp trời, anh và vợ, nghệ sĩ Ngọc Bích, quyết từ bỏ tất cả để đầu tư vào làm phim. Bởi vì Vương Đức nhận ra rằng, mọi thứ ở cuộc sống này đối với anh thật là vô nghĩa nếu như anh không được làm nghề một cách thực thụ, dù phải đi vay mượn, dù phải chịu thua lỗ cho đủ tiền chi trả, anh vẫn quyết tâm quay trở lại với phim trường. Và anh đã làm được.

Sau bộ phim Cỏ lau, tên tuổi Vương Đức đã định hình trong làng điện ảnh như một hiện tượng độc đáo, một tài năng bị ẩn khuất, dù anh, thực tế là lúc nào cũng đầy nhiệt tâm, đầy nghĩ ngợi, trăn trở, lo âu với cái nghề đã trót yêu và gắn bó như chính một phần cơ thể đang hiện hữu và mất đi phần nào cũng đầy đau đớn, khổ sở. Về chuyện này, Vương Đức khẳng định lại rằng, anh phải cảm ơn cố nhà văn Nguyễn Minh Châu vì ông như một người cha đã sinh ra anh lần thứ hai.

Tôi hỏi Vương Đức, tại sao anh lại chọn làm quản lý trong khi chưa bao giờ anh thỏa mãn với công việc làm phim của mình. Bởi vì khi làm quản lý, là đồng nghĩa với việc người ta không có nhiều thời gian, cơ hội để làm chuyên môn? Vương Đức trầm ngâm: “Buồn chứ, tiếc chứ, thèm chứ. Mỗi lần thấy bạn bè, đồng nghiệp có một bộ phim mới, tôi cũng đứng ngồi không yên, nếu không ở vai trò của một người quản lý, mình biết đâu đã có thể nhận dự án đó?

Đợt vừa rồi tôi vào Sài Gòn một tuần để bấm máy dự án phim lớn về con đường 1C huyền thoại do Thanh Vân đạo diễn. Nhìn những cảnh quay hoành tráng bởi dàn trực thăng năm chiếc cùng đoàn xe tăng khổng lồ và bối cảnh rộng lớn… tôi nghĩ, không chỉ tôi mà bất cứ một đạo diễn yêu nghề nào cũng muốn được thử sức mình ở những bộ phim tầm vóc như thế.

Vương Đức thời trẻ và người bạn gái Nga Kachia.

Thực tế mà nói, dừng làm phim để lo chu toàn công việc quản lý có cái buồn nhưng cũng nằm trong sự toan tính của tôi. Đây là thời kỳ tôi đang tích lũy mọi điều kiện tốt nhất về quan hệ xã hội, tìm hiểu máy móc phương tiện lẫn hứng thú, cảm xúc và đặc biệt là “tu bổ” sức khỏe cho mình để chuẩn bị cho một cuộc marathon mới. Vì không có đủ sức khỏe thì sẽ không còn làm được bất cứ điều gì…”.

Sau giây phút trải lòng, NSƯT Vương Đức mở Ipad và “khoe” ảnh mới chụp sau tuần lễ phim Việt Nam tại Nga. Trong đó có những bức chụp thầy hiệu trưởng, rồi thấy giáo cũ Vadim Iyxov, tác giả của những bộ phim đã quen thuộc với màn ảnh Việt Nam như Tuổi thơ Ivan, Andrey Rulov, Stanker… cùng rất nhiều bạn cũ của mình giờ đây đầu đã hai thứ tóc.

Trong khi lật giở từng bức hình, có lúc tôi nhìn thấy thoáng vẻ buồn buồn lẩn khuất trên gương mặt Vương Đức. Thỉnh thoảng lại thấy anh dừng hình rất lâu trước ngôi trường cũ đã nuôi nấng ước mơ, khát vọng hơn 10 năm thời tuổi trẻ học quay phim, đạo diễn điện ảnh của anh trên đất nước Nga.

Rồi như theo dòng hồi tưởng của hành trình trở về từ nước Nga xa xôi, Vương Đức kể lại một câu chuyện tình buồn mà anh chưa bao giờ chia sẻ với độc giả, một câu chuyện tình yêu đã trở thành quá khứ xa lắm rồi nhưng anh lại luôn neo giữ nó như một kỷ niệm lớn đối với cuộc đời mình. Đó là câu chuyện với cô bạn gái học cùng trường thời Vương Đức đang là một anh sinh viên Việt Nam lớ ngớ với mọi thứ thuộc về xứ bạch dương xa xôi. Cô gái có cái tên rất đẹp và một gương mặt phúc hậu rất Nga: Êkaterina (tên gọi thân mật là Kachia).

Vương Đức kể lại: “Năm cuối cùng của lớp học quay phim, tôi gặp phải một tai nạn hy hữu trong lúc đang làm bài tập tốt nghiệp. Khi đỡ cái chân máy quay lên cho các bạn của mình đang quay một cảnh từ trên cao thì bị cái chạc ba nhọn của máy quay quệt mạnh vào ngực. Ngay lúc ấy, tôi không cảm thấy gì nhưng đến đêm thì tôi bị sốt cao và khó thở. Trong đêm, bạn cùng phòng đã đưa tôi đến bệnh viện và bác sĩ khám cho biết tôi đã bị rách và tràn dịch màng phổi, nếu không phẫu thuật ngay thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Ở xứ người xa xôi không bóng một người thân bên cạnh, những lúc ốm đau tật bệnh là lúc phải chống chọi thêm một nỗi đau về tinh thần. May mà lúc ấy, có một người con gái tình cờ mới quen đã ở bên cạnh tôi để chia sẻ với tôi, chăm sóc tôi từng li từng tí, giúp tôi vượt qua cơn phẫu thuật để trở lại với cuộc đời. Cô đã chăm tôi như chăm một người thân yêu nhất của cô cho dù trước đó, chúng tôi chưa hề biết gì về nhau. Cô nấu cho tôi những món ăn bổ dưỡng của xứ sở bạch dương để tôi có thể phục hồi sức khỏe một cách nhanh nhất.

Tôi như một người đang bơ vơ giữa dòng nước gặp được một chiếc phao cứu sinh. Những tháng ngày vật lộn chiến đấu với những cơn đau dường như ngắn lại dù phải mất gần nửa năm tôi mới tiếp tục đến lớp để học một nghề hoàn toàn mới. Những giáo sư đầu ngành thời ấy khuyên tôi không nên tiếp tục với nghề quay phim vì phổi bị tổn thương khá nặng, mà quay phim là một nghề lao lực cần sức khỏe tốt để túc trực ở phim trường. Trong cái rủi có cái may. Vụ tai nạn khiến tôi mất sức, cơ thể không lúc nào vượt quá 50kg nhưng lại mang cho tôi một mối tình đẹp và một nghề nghiệp mới để đam mê và theo đuổi: nghề đạo diễn điện ảnh”.

Trở lại Nga lần này, Vương Đức đã muốn đi tìm lại người con gái năm xưa. Tìm lại để biết rằng cô vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc trong cuộc sống. Tìm lại để như một lời cám ơn vì những năm tháng tuổi trẻ cô đã mang lại cho anh tình yêu cuộc sống, vượt qua vận hạn để sống vì những mục đích và lý tưởng tốt đẹp đang đợi chờ phía trước. Biết tìm lại chính mình ngay cả trong những khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua được…

Nhưng rồi mải mê gặp gỡ, giao lưu và… uống rượu, rồi say rượu cho nên đến ngày phải trở về nước, anh đã không còn thời gian để tìm lại bóng hình xưa. Dù bức ảnh chụp chung, kỷ vật duy nhất anh còn giữ lại, lúc nào Vương Đức cũng mang theo bên mình như một vật hiện hữu của niềm tin và ký ức.

Khi tôi rời khỏi căn phòng của NSƯT Vương Đức trời đã sẩm tối. Bước xuống từ cầu thang cheo leo bằng bê tông đầy vết nứt vỡ, rêu mốc vì nằm ở ngoài trời và cầu thang bé đến nỗi chỉ có thể đi được cho một người, khiến tôi có cảm giác, căn nhà số 4 Thụy Khuê từng làm nóng bao nhiêu trang báo về những vấn đề như sổ đỏ, giải tỏa… quả thật là ngôi nhà hiếm hoi ở xứ mình cũng như trên thế giới để dành cho những nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm điện ảnh từng công diễn khắp nhiều nước trên thế giới.

Còn NSƯT Vương Đức, dù anh nói rằng anh đang tích lũy cho một bước làm nghề tiếp theo, nhưng tôi đồ rằng, đến một lúc nào đó, có thể anh sẽ… uể oải bởi bên cạnh anh hàng ngày vẫn là một loạt nào các công văn giấy tờ từ cấp trên, rồi đơn thư của anh em cấp dưới, nào là hợp đồng sản xuất phim ảnh, nào là thuế má phải xử lý, rồi khách khứa liên miên đến hỏi từ việc nhỏ đến việc to, tham mưu việc công lẫn việc tư, v.v. Tôi có cảm giác chỉ cần giải quyết chừng ấy thứ thôi cũng đã gần hết cả một cuộc đời công chức. Dù sao, sáng tạo nghệ thuật đối với một đời người đam mê thì chẳng bao giờ là muộn và mong rằng, Vương Đức sẽ làm khán giả hài lòng khi đã trót đợi chờ, yêu mến anh…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.