Nhà bác học vĩ đại Stephen Hawking đã đến tuổi “nhân sinh thất thập”

Những ý tưởng anh minh

Thứ Bảy, 07/01/2012, 08:08
Trước dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 (8-1-1942 – 8-1-2012), nhà khoa học đại tài người Anh Stephen Hawking đã tìm mọi cách lẩn tránh các nhà báo. Lý do là, theo ông, các nhà báo không mấy quan tâm tới những câu chuyện mà ông kể về kết cấu của cõi thiên hà: “Họ chỉ quan tâm theo cách đời thường về việc làm sao tôi lại có thể trở thành một nhà vật lý lý thuyết bất chấp những bệnh tật của mình”. Chính vì thế, để hiểu về ông, nên tìm lại những điều ông đã viết.

Về mình

“Trước đây cuộc sống có vẻ như nhàm chán. Giờ thì tôi hạnh phúc hơn hẳn. Nguy cơ có thể sẽ chết sớm đã buộc tôi phải hiểu rằng, cuộc đời rất xứng đáng để ta sống nó. Có biết bao nhiêu việc có thể làm, mỗi chúng ta đều có bao nhiêu việc có thể làm! Tôi thực sự có cảm giác rằng, bất chấp tình cảnh của mình, tôi vẫn đã có đóng góp đáng kể vào kho tàng tri thức của nhân loại. Tất nhiên, tôi đã rất may mắn…”.

“Mẹ tôi thường nói rằng, tôi có cảm giác mạnh mẽ về điều kỳ diệu. Bà đã chứng kiến cảnh tôi ngay từ nhỏ đã rất hướng tới các vì sao”.

Về trường học

“Trong lớp, tôi luôn là học sinh trung bình. Nhưng các bạn cùng lớp đã gọi tôi là Einstein - có lẽ họ đã cảm thấy những tư chất nào đó. Khi tôi 12 tuổi, một trong những người bạn của tôi đã cá cược cả một bao tải kẹo rằng, tôi sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì cả. Tôi không rõ đã có lúc nào vụ cá cược này đã có kết quả chưa và phần thắng nghiêng về phía ai”.

Về gia đình

“Sau ca phẫu thuật mở khí quản, tôi lúc nào cũng cần có người ngồi trực bên cạnh. Điều này đã làm gia tăng ngày một lớn sự căng thẳng trong cuộc hôn nhân giữa tôi với Jane (người vợ đầu tiên của Hawkings). Và rốt cuộc là tôi đã phải chuyển đến căn hộ mới ở Cambridghe”.

Năm 1995, Hawking đã cưới người đã trông nom mình là Elaine Maison. Hai người đã chung sống với nhau 11 năm. Tháng 10-1986, họ đã li dị nhau. Hiện nay, Hawking có ba người con và một người cháu.

Về sách

“Người ta mua cuốn Lược sử thời gian của tôi (đây là tác phẩm từng được lọt vào sách Guinness vì đã trụ lại lâu hơn tất cả trong top best-seller và hiện vẫn ở trong danh sách này - TG) vì họ đã nhìn thấy những lời hưởng ứng nó trong danh sách sách best-seller, nhưng họ lại không đọc nó mà lại chỉ để trong tủ sách hoặc đặt lên bàn uống nước để khoe việc mình đã mua nó chứ không bỏ ra chút sức nào để hiểu nó. Tôi không hoài nghi rằng chuyện này cũng hay xảy ra nhưng tôi nghĩ, không nhiều hơn so với các tác phẩm nghiêm túc khác, kể cả Kinh Thánh và sách của Shakerspeare”.

Về khoa học

“Vật lý và thiên văn học cho tôi hy vọng thấu hiểu, chúng ta tới đây từ đâu và tại sao chúng ta lại ở đây”.

“Tôi đã nhìn ra hai lĩnh vực căn bản trong vật lý lý thuyết mà tôi có thể nghiên cứu: một là vũ trụ học; và hai là các hạt cơ bản, nghiên cứu cái vô cùng nhỏ”.

“Ai đó có lần đã nói: các nhà khoa học và các cô gái bán hoa cầm tiền vì những việc đã mang lại cho chính họ khoái cảm”.

“Việc vũ trụ xuất hiện như thế nào, có thể xác định bằng các định luật khoa học. Tôi đã hoàn toàn có thể ve vuốt lòng tự ái của mình bằng cách phát hiện ra cách mà vũ trụ xuất hiện. Nhưng cho tới giờ tôi vẫn không sao hiểu, vì sao nó lại xuất hiện”.

Về những người từ hành tinh khác

“Trong vũ trụ với cả trăm tỉ hệ thiên hà, mỗi một hệ thiên hà mang trong mình hàng trăm triệu ngôi sao, rất ít khả năng là chỉ riêng trái đất mới là nơi duy nhất mà sự sống phát triển. Nhìn từ góc độ thuần túy toán học, chỉ riêng các con số cũng đã cho phép chấp nhận ý nghĩ về sự tồn tại của cuộc sống ở hành tinh khác là hữu lý. Vấn đề thực tế ở đây là, những người từ các hành tinh khác trông như thế nào, hình thức của họ có làm cho người trên trái đất thích hay không… Bởi lẽ họ hoàn  toàn có thể là những sinh vật đơn bào hay những con giun từ sống trên trái đất trong nhiều triệu năm”.

“Ngay cả nếu như chúng ta tránh được nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, thì vẫn còn lại những mối đe dọa có thể huy diệt toàn bộ chúng ta. Có một câu chuyện cười khá u ám: chúng ta dường như chưa xác lập được mối liên lạc với các nền văn minh khác vì chúng có xu hướng tự hủy diệt khi đạt được mức độ như chúng ta hiện nay”.

Hawking đã đánh giá giả thuyết về sự tồn tại của một đời sống có lý trí ở đâu đó trong vũ trụ là hữu lý. Và ông đã nói thêm rằng, trái đất có thể sẽ bị đô hộ. “Chỉ cần chúng ta nhìn lại chính mình là đủ thấy một thứ gì đó có trí tuệ có thể biến đổi thành thứ mà chúng ta không hề muốn đụng độ, - nhà khoa học vĩ đại lý giải. - Tôi có cảm giác rằng, họ có thể sống trong những con tàu khổng lồ khi đã sử dụng hết mọi tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh của mình. Những người từ các hành tinh khác ấy ở một trình độ phát triển rất cao và sẽ bắt đầu ra đi nhằm mục đích chiếm lấy bất cứ một hành tinh nào thích hợp.

Ham muốn cướp bóc chúng ta - đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không nên tiếp cận với các chủng tộc từ hành tinh khác đến: Nếu những người từ các hành tinh khác khi nào đó xuất hiện ở đây thì việc này có thể so sánh với sự kiện Cristof Colombo đặt chân lên châu Mỹ. Và khi ấy đối với người da đỏ thì mọi sự đã xảy ra không mấy hay ho”.

Về chúa trời

“Giả thuyết về sự vô tận có ý nghĩa sâu sắc để đánh giá vai trò của chúa Trời trong công việc của vũ trụ. Giờ thì chủ yếu đã công nhận rằng vũ trụ phát triển theo những định luật đã được xác định rõ ràng. Những định luật này có thể được chúa Trời tạo nên nhưng có lẽ Người không can thiệp hơn nữa vào cuộc sống của vũ trụ để làm thay đổi chúng. Công việc của chúa Trời chỉ là lên dây đồng hồ và cho nó chạy theo ý muốn của Người. Trong trường hợp như thế, hiện trạng của vũ trụ đã là kết quả của sự lựa chọn các điều kiện ban đầu mà chúa Trời đã thực hiện”.

Tuy nhiên, trong cuốn sách mới xuất bản gần đây Ý định vĩ đại (2010), Hawking đã loại bỏ đấng tối cao khỏi quá trình tạo dựng vũ trụ: “Nói chung không cần phải đụng tới chúa Trời để khai trương vũ trụ”. Theo ý của ông, nền khoa học hiện đại và cụ thể là hiện nay vật lý đã ở trình độ khiến cho không còn chỗ nào dành cho chúa Trời nữa - các nhà khoa học bây giờ có thể lý giải một các chính xác nguồn gốc của tất cả mọi thứ trên đời. Và tranh luận được với cả Isaac Newton, người đã tin ở sự tham gia của chúa Trời vào việc tạo nên vũ trụ  khi cho rằng vũ trụ không thể tự sinh ra từ cõi hỗn mang. “Vì đã có định luật rằng, cũng như sức hút, vũ trụ có thể tự tạo ra mình từ sự không có gì. Quá trình tự xuất hiện - đó chính là nguyên nhân, vì sao đang tồn tại cái gì đó chứ không phải là cái không có gì đó, vì sao tồn tại vũ trụ, vì sao chúng ta tồn tại”. Hawking kết luận: “Để châm ngòi và khởi động vũ trụ, không nhất thiết là phải có chúa Trời”.

Về tương lai

“Kỹ nghệ gien và computer - đó là hai thành tựu có lẽ sẽ làm thay đổi nếp sống tương lai của chúng ta”.

“Nếu dựa vào các quan sát, có thể khẳng định rằng, vũ trụ sẽ nở ra vô cùng tận. Và sau 5 tỉ năm nữa, mặt trời sẽ cạn năng lượng hạt nhân, mặt trời sẽ phồng ra thành một quả cầu đỏ khổng lồ và nuốt chửng trái đất cùng các hành tinh ở gần nó. Rồi nó sẽ chuyển sang trạng thái một ngôi sao lùn với đường kính chỉ có vài nghìn dặm”.

Hawking luôn gắn tương lai của nhân loại với vũ trụ. Ông cho rằng chúng ta phải làm chủ được cách hành tinh khác để tìm kiếm nơi ở mới.

- Nhân loại sẽ không có tương lai nếu không đi chinh phục vũ trụ, - Hawking thường nhắc. - Sự cứu rỗi chính là ở đó. Thoạt tiên, họ có lẽ sẽ lên một trong những hành tinh thuộc hệ mặt trời. Sau đó, tìm đường tới những ngôi sao gần.

“Sự phát triển chủ yếu của khoa học trong thiên niên kỷ tiếp theo - đó là phát minh ra các định luật đang điều hành vũ trụ. Sự tiến hóa của thân xác chúng ta chỉ là ở trong sự thay đổi nguyên tử AND, trong các thành tựu kỹ nghệ gien. Kỹ nghệ gien thực vật và động vật sẽ được giải quyết  theo các nguyên nhân kinh tế, và ai đó sẽ thử áp dụng nó vào con người, còn ai đó nữa sẽ nghĩ tới việc hoàn thiện con người. Rõ ràng là sự phát triển của những công việc như thế sẽ làm nảy sinh vô số những vấn đề xã hội và chính trị… Tôi nghĩ, chủng tộc loài người và AND của nó sẽ làm gia tăng rất nhanh sự phức tạp của chính mình, sẽ cải thiện phẩm chất tư duy và thể chất của con người.

Nhìn từ một góc độ, điều này sẽ được xác định bởi những đòi hỏi xuất hiện từ các điều kiện du hành lâu ngày trong vũ trụ, nhìn từ góc độ khác - từ cuộc đấu tranh giành phần đứng trên với robot điện: về độ phức tạp computer hiện đã có thể sánh với não người, vì rằng những nguyên tử hóa học rất phức tạp có thể điều chỉnh hoạt động của trí tuệ con người và những mạch cộng hưởng điện tử ngang bằng về độ phức tạp với não người có thể hoạt động ở mức độ trí lực tương đương”.

Hawking không cho rằng con người là đỉnh cao sáng tạo và tin rằng, chúng ta cần phải hoàn thiện mình hơn nữa, không chỉ bằng cách tự cố gắng mà còn cần nhờ các phương tiện kỹ thuật như kỹ nghệ sinh hóa và liệu pháp gien…

Theo ông, sự phát triển quá nhanh của công nghiệp máy tính đang tiềm ẩn một nguy cơ nghiêm trọng đối với toàn thể nhân loại: “Khác với trí tuệ của chúng ta, công suất của máy tính cứ 18 tháng lại được nhân lên gấp đôi. Nguy cơ chúng cũng sẽ có trí tuệ và sẽ chính phục thế giới là hoàn toàn có thật”.

Hawking đề nghị tìm lối thoát khỏi bế tắc tương lai bằng cách hoàn thiện nhân tạo gien của mình hoặc phối kết não người với computer: “Chúng ta buộc phải đi theo cách đó nếu chúng ta muốn các cơ thể sinh học vẫn vượt trội các máy điện tử như trước”.

Về kế hoạch tương lai

“Tôi muốn biết điều gì xảy ra với hố đen khi nó bốc hơi”

Hoàng Dũng
.
.