Những quý bà vẫn chắc tay cương

Thứ Hai, 20/01/2014, 10:43

Vừa bước vào năm mới 2014, ngày 6/1, thế giới đã được chính thức biết tên người phụ nữ đã phá được “trần thủy tinh thường lệ”, tức là trở thành người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen. Đây là chức vụ quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế, có quyền xác định tỉ giá của đồng USD. Bà Janet Yellen đã trở thành nhà kinh tế học quyền lực nhất trong phái đẹp và theo không ít nhà quan sát, cũng là người phụ nữ quyền lực thế giới.

Vai mềm cứng cỏi

Bà Janet Yellen sinh ngày 13/8/1946, đã được Thượng viện Mỹ xác nhận với tỉ lệ đồng thuận cao. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử già thế kỷ của FED giữ vị trí tối quan trọng này đối với nền kinh tế không chỉ của riêng nước Mỹ mà còn là của toàn thế giới (ngày 23/12/2013, FED đã chính thức kỷ niệm 100 năm thành lập).

Bà Janet Yellen sinh ra ở  Brooklyn, New York, trong một gia đình có cha là người gốc Do Thái làm bác sĩ. Ngay từ nhỏ, bà đã nổi tiếng là người thông minh và năm 1967 đã tốt nghiệp với danh hiệu cao nhất tại Đại học Brown ngành Kinh tế học. Năm 1971, bà đã bảo vệ thành công  Luận án Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Yale. Chồng bà là Tiến sư George Akerlof, Giáo sư danh dự tại Đại học California, Berkeley, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế học. Con trai của bà, Robert Akerlof, hiện cũng là  giáo sư tại Đại học Warwick.

Bà Janet Yellen từng làm trợ lý giáo sư tại  Đại học Harvard trong những năm 1971-1976. Trong giai đoạn 1977-1978, bà có chân trong Hội đồng Dự trữ Liên bang của Thống đốc. Bà cũng đã là giảng viên của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London từ năm 1978 tới năm 1980. Từ năm 1980, bà  Yellen đã tham gia các công trình nghiên cứu tại Trường Haas, đồng thời đảm nhận vị trí giảng viên môn kinh tế vĩ mô. Đã hai lần bà Yellen được trao tặng giải thưởng giảng dạy xuất sắc của Trường Haas...

Ngày  9/10/2013, bà Janet Yellen đã được Tổng thống Barack Obama đề cử vào chức Chủ tịch FED. Tới ngày 6/1/2014, bà được Thượng viện Mỹ phê chuẩn với 56 phiếu thuận...  Bà trở thành đại diện đầu tiên của Đảng Dân chủ ngồi vào ghế Chủ tịch FED sau gần 35 năm (từ năm 1979), kể từ khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Jimmy Carter đề cử ông Paul Volcker vào chức Chủ tịch FED... Trong bài phát biểu trước Thượng viện, sau khi cám ơn những vị đã ủng hộ mình, bà Janet Yellen cam kết: “Sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ảnh hưởng của việc kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt sẽ đem lợi ích đến tất cả mọi người Mỹ”.

Không ít nhà phân tích cho rằng, Theo nhiều nhà phân tích, bà Janet Yellen hội đủ mọi điều kiện cần và đủ để làm tốt nhiệm vụ của Chủ tịch FED và có thể sẽ làm được nhiều chuyện vượt xa các vị tiền nhiệm...

Từ trái sang: Janet Yellen. Michelle Bachelet. Yingluck Shinawatra. Angela Merkel. Dilma Rousseff. Hillary Clinton.

Đầu tàu gương mẫu

Thế giới bước vào năm 2014 với không chỉ một quốc gia có phụ nữ đang giữ vị trí nguyên thủ, thí dụ như  Hàn Quốc, Đan Mạch,  Na Uy,  Thụy Sĩ, Argentina, Brazil... Đấy là chưa kể tới nữ Tổng thống sắp chính thức nhậm chức ở Chile, bà  Michelle Bachelet vào ngày 11/3 tới... Trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2013 do tạp chí Forbes biên soạn có 9 nhà lãnh đạo quốc gia.

Cần phải nói rằng, trong những tình huống khó khăn nhất, các nữ nguyên thủ quốc gia luôn luôn thể hiện được bản lĩnh rất cứng cỏi của mình. Nhìn cách ứng xử của nữ Thủ tướng Thái Lan hiện nay, bà  Yingluck Shinawatra, chúng ta không thể nào không khâm phục. Xem ra, phe đối lập càng gia tăng hoạt động  thì nữ Thủ tướng mỏng mày hay hạt này càng tỏ rõ quyết tâm bám trụ đến cùng...

Một trong những gương mặt nữ nổi trội nhất làng chính trị thế giới năm qua vẫn là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Năm 2013, bà Merkel đã chứng minh được rằng, bà chứ không phải ai khác đã là chính trị gia quan trọng nhất châu Âu, gương mặt tiêu biểu nhất trên “lục địa cũ”. Tháng 12/2013, bà đã lần thứ ba liên tiếp được bầu vào vị trí mang trọng trách lớn nhất ở Đức. Và cũng đã ba lần liên tiếp bà có tên trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes lập ra. Trước đó, tháng 10/2013, với tư cách Chủ tịch Liên minh Dân chủ - Cơ đốc giáo (CDU), bà đã giành được chiến thắng cả trong cuộc bầu cử quốc hội Đức. Bà Merkel hiện đang đứng đầu nội các của “Liên minh rộng rãi” mà trong đó, bên cạnh nhóm bảo thủ CDU/CSU còn có cả đối thủ của bà trong bầu cử là đảng Xã hội - Dân chủ Đức.

Nữ Thủ tướng Đức trong năm 2013 đã được biết rằng chính bà cũng đã phải trở thành nạn nhân của những trò theo dõi điện thoại của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Và bà đã tỏ ra rất công phẫn với việc này nên khởi xướng dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc về việc gia tăng bảo vệ bí mật đời tư. Dự thảo nghị quyết này về sau đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua.

Bà Merkel cũng đã tham gia tích cực vào việc thương lượng để Điện Kremli ân xá cho nhà tài phiệt Nga Mikhail Khodorkovsky. Bà đã rất cứng tay cương trong việc tiến hành chính sách liên bang hóa Liên minh châu Âu (EU) và bước đầu đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ của chính sách thắt lưng buộc bụng đối với những nước thành viên EU đang là các con nợ công oằn vai, đang được các ngân hàng Đức hà hơi tiếp sức nhiều tỉ euro với những khoản đầu tư của chính họ. Bất cứ nơi đâu có thể mở ra cho nước Đức thị trường mới thì nữ Thủ tướng Merkel sẽ rất tích cực tiến hành chính sách can dự...

Người phụ nữ đứng thứ hai trong danh sách phái đẹp quyền lực nhất thế giới năm 2013 là Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff . Tháng 10-2010, bà đã là người phụ nữ đầu tiên ở xứ sở bóng đá đắc cử Tổng thống ở quốc gia có nền kinh tế đứng thứ bảy trên thế giới. Bà là người của đảng Công nhân, xuất thân từ gia đình của một đảng viên cộng sản người Bungaria nhập cư vào Brazil. Nhiệm vụ chính của nữ Tổng thống Brazil hiện nay là đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và khuyến khích tinh thần doanh nhân lên cao hơn nữa...

Cũng trong năm 2014, dư luận đang chờ đợi xem cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, có chính thức tuyên bố tham gia cuộc chạy đua mới vào Nhà Trắng hay không.  Trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2013 do tạp chí Forbes lập ra, bà Hillary Clinton đứng ở vị trí thứ 5. Mới đây bà đã ký một hợp đồng viết sách trị giá 14 triệu USD...

Theo kết quả thăm dò dư luận, hiện nay đã có tới 65% số người Mỹ được hỏi ý kiến tuyên bố rằng họ sẵn sàng ủng họ cựu đệ nhất phu nhân trong vai trò ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Dù rằng từ nay tới lúc tổ chức bầu cử Tổng thống mới ở Mỹ còn ngót nghét hai năm nữa nhưng tại các hiệu sách ở nước này đã xuất hiện cuốn Cần gì để phụ nữ có thể trở thành tổng thống? (What Will It Take to Make a Woman President). Mọi sự sẽ không đơn giản vì sẽ phải “thay đổi cách đánh giá các vai trò thể hiện giới tính và hỗ trợ các gia đình mà cả hai vợ chồng đều làm việc”,  “thay đổi phương thức thể hiện phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng” và thúc đẩy phụ nữ nhìn nhận mình với tư cách thủ lĩnh...

Và một khi đã nói tới phụ nữ và sách thì cũng nên nhắc tới việc, trong tháng 3/2014 sẽ xuất hiện tác phẩm Hãy ăn nên làm ra (Thrive) của  tên tuổi gạo cội trong làng truyền thông Mỹ là bà Arianna Huffington. Trong cuốn sách này, người sáng lập ra tờ  Huffington Post đã đưa ra những ý kiến của mình về cách quy ước lại khái niệm “thành công” để nó không chỉ thể hiện quyền lực của tiền bạc mà còn mang trong mình cả sự anh minh, hào phóng và sáng tạo. Tác phẩm này hứa hẹn lặp lại thành công vang dội của cuốn best-seller năm 2013 Bên trong (Lean In) mà ở đó, giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook, bà Sheryl Sandberg, đã kêu gọi phụ nữ hăng hái lập nghiệp hơn nữa. Hãy ăn nên làm ra là cuộc trò chuyện không chỉ với riêng phụ nữ mà với cả giới mày râu nữa...

Hằng Nga
.
.