Những nữ thi sĩ trong làng báo: Trái tim nóng nuôi một cái đầu lạnh…

Thứ Tư, 23/07/2014, 13:00

Họ - những nữ thi sĩ với hồn thơ mạnh mẽ, cá tính hay dịu dàng, sâu lắng. Đến với nghề báo như một sự đẩy đưa của số phận. Đừng mặc định rằng phụ nữ “dan díu” với văn chương thì luôn ngơ ngác, mơ màng với thời cuộc. Với ngòi bút, cuốn sổ tay, chiếc máy ảnh, họ có thể sắc bén, tỉnh táo chẳng hề kém các đấng mày râu. Trái tim thi sĩ đập dồn dập vì tình yêu nhân gian khi cần lại là nguồn khởi sinh để nuôi dưỡng những “cái đầu lạnh”, bản năng nhạy bén thiên phú để làm nghề.

Mỗi mảnh ghép nữ thi sĩ - nhà báo được nhắc đến trong bài, đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, buồn có vui có, ngậm ngùi, xót xa cũng có…

Nhà thơ - nhà báo Đặng Thị Thanh Hương: “Em ở giữa bầu trời và mặt đất!”

Đó là tên một bài thơ của Hương mà tôi rất thích. Điều dễ thấy nhất ở con người Hương là sự dung hòa những điều đối nghịch một cách rất đỗi tự nhiên. Phàn nàn với Thanh Hương, thơ chị sao mà “nẫu”, sao mà tội nghiệp quá thể như thế. Chị chỉ cười, nụ cười hoang hoải và mênh mang.  Chị nói chị chẳng cố ý “làm hàng”, chẳng muốn ai thương cảm. Nhưng, giống như người họa sỹ tự họa chân dung chính mình. Thơ đã phô bày trọn vẹn gương mặt chị luôn ẩn giấu. Ban ngày rổn rảng nói cười, đêm về, lại lặng lẽ tự đẽo gọt chính mình: “Ta vẽ đời ta/ Khao khát sắc cầu vồng” (Họa sỹ).

Tốt nghiệp đại học, chị trở về mảnh đất Yên Bái để làm một giảng viên dạy Mỹ học và lập gia đình. Trong những ngày tháng ở mảnh đất mà theo Hương “sao mà buồn, sao mà lê thê”, chị tìm đến thơ văn hồn nhiên như một đứa trẻ háo hức tô thêm màu cho bức tranh cuộc sống. Thế rồi, chị nghiện thơ, say thơ lúc nào không hay. Bất chấp sự phản đối của gia đình chồng, Hương quyết theo tiếng gọi của văn chương, bỏ công việc giáo viên ổn định để quay lại Hà Nội, thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du để học… làm thơ! Ngày chị sống trọn vẹn với đam mê của mình cũng là lúc hạnh phúc gia đình bay xa như cánh chim trời…

Hương làm báo “đầu gấu” lắm. Liều và lì. Có lần chị đã phải giả làm gái mại dâm, đột nhập vào một nhà hàng. Lơ ngơ thế nào mà bị bọn bảo kê phát hiện, bị đuổi chạy trối chết, chiếc chứng minh thư để lại lúc vào cửa bị bọn chúng giữ lại, Hương cứ nơm nớp lo chúng mò đến trả thù… Ngòi bút của Hương không biết cong, nên cái giá phải trả cũng chẳng hề rẻ. Chả là, trong một phóng sự, chị viết về thân phận những người ôsin tha hương, cơ cực, gần như đó là bài viết đầu tiên về người giúp việc lúc bấy giờ. Chị có nhắc đến nhân vật “nuôi ô-sin” trong bài là gia đình một anh bạn thân của chị, thuộc dạng “quý tộc”.

Nhà thơ - nhà báo Đặng Thị Thanh Hương.

Sau bài viết ấy, gia đình anh khá lao đao trước những búa rìu dư luận. Anh đã tìm gặp chị và khóc: “Anh có làm gì có lỗi với em đâu, mà em lại nỡ viết như thế?”.  Mấy năm sau, anh em mới có thể nói chuyện lại bình thường. Nhưng, những giọt nước mắt của anh năm ấy vẫn khiến chị thấy lấn cấn mãi. Khi tôi hỏi: “Nếu quay lại thời điểm đó chị còn dám viết không?”. Hương trả lời không chút lưỡng lự: “Có, trước những cuộc đời bất hạnh. Chị khó cầm lòng lắm!”.

Bây giờ, công việc chính của Hương là biên tập cho trang tintuconline. Ngoài làm thơ, làm báo, kinh doanh, chị còn bước sang một địa hạt mới mẻ là mở salon tóc. Salon của Hương khiêm nhường tại 46 Nguyễn Văn Tố, gần chợ Hàng Da. Như một nơi chốn để bạn bè trong giới văn chương tìm đến tụ tập nhiều hơn là kinh doanh. Rất ngộ nghĩnh, thay vì chiêu đãi một chầu café, Hương lại hóm hỉnh ấn dúi bạn bè xuống chiếc ghế nệm êm ái: “gội đầu nhé”. Và nhất quyết lắc đầu nguầy nguậy không lấy tiền: “để lần sau!”. Chị bảo lúc nào cũng cần phải làm một cái gì đó để cho bận rộn, để lấp đầy thời gian và giữ cho chị không tự cám cảnh thân phận một người phụ nữ  luôn thua thiệt trong tình yêu…

Nhà thơ - nhà báo Bùi Sim Sim: “ Trái tim ắt sẽ chạm đến trái tim”

Nhìn Sim Sim, có lẽ không ai nghĩ chị là một người phụ nữ theo nghiệp báo chí. Huống chi lại là Trưởng ban phóng viên của Thời báo Ngân Hàng, một tờ báo chuyên ngành gắn với những con số khô khan. Tôi nhớ đã từng nghe một anh nhà thơ si mê chị khen: “Một người phụ nữ tràn trề nữ tính theo cách rất đàn bà”. Thế nhưng, đáp lại lời tán tụng, nữ sĩ chỉ nhẹ nhàng vén những sợi tóc mềm mại xõa xuống trán: “Sen mùa đến độ sen hương/ Ta mùa đến độ… tự thương lấy mình”. Gạt phắt: “Ai bảo thế?”. Lại nhẹ nhàng: “Cần chi ai bảo, cần chi soi gương. Chỉ cần soi mình vào ánh mắt của đàn ông là biết ngay mà”. Cười buồn. Sim Sim nhạy cảm, mong manh là thế…

Nhà thơ - nhà báo Bùi Sim Sim.

Trái với dáng vẻ mảnh mai, Sim Sim giống như cây xương rồng, nghị lực vươn lên trên sa mạc khô cằn. Tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp, cô gái đến từ miền Trung nắng gió dấn thân vào một địa hạt vô cùng lạ lẫm, đó là làm phóng viên cho một tờ báo chuyên về kinh tế. Những ngày tháng đầu thật kinh khủng với một nữ nhà thơ mới chỉ hai mấy tuổi đầu, những thuật ngữ về kinh tế, những ma trận số khiến chị chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi, chị luôn nhủ: “Trời thương nên mới phú cho mình tâm hồn để biết nhìn thấy niềm vui từ những công việc khô cứng”.

Đến giờ Sim Sim bật cười khi nhớ lại: “Có lần, chị đến phỏng vấn xin ý kiến một chuyên gia kinh tế. Ông đòi phải có thuốc lá ông mới tập trung trả lời chị được. Thế là, trên đôi giày cao gót ngất ngưởng, giữa trời nắng, chị lóc cóc tận mấy cây số lặn lội đi tìm mua thuốc lá. Đến khi quay lại, lại thấy ông bận tiếp các phóng viên khác, không có thời gian dành cho mình. Tức quá, chị đã bật khóc ngon lành “ăn vạ”. Thế là vị chuyên gia ấy cuống quýt, dỗ dành và đồng ý tiếp chị”. Sim Sim nói đừng nên lúc nào cũng nguyên tắc, lý trí quá. Chị tin “trái tim ắt sẽ chạm đến trái tim”. Nhà thơ làm báo, đôi lúc cảm tính như thế đấy.

Chị cười, nhẹ như gió thoảng. Nhưng tôi biết không thành công nào không đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Sim Sim vẫn hay nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần câu chuyện hồi chị mới vào nghề báo bằng một giọng nuối tiếc. Đó là lần chị phải đấu tranh mãi mới có cơ hội được ngồi trực thăng ra giàn khoan ở Vũng Tàu để viết về thân phận những người công nhân khoan dầu. Chắc mẩm mình sẽ cống hiến được một bài phóng sự độc đáo, đặc sắc. Nhưng khi chòng chành trên phi cơ, trên là bầu trời rộng lớn, dưới là mặt nước đen đặc, xung quanh chỉ toàn là đàn ông, Sim cảm thấy mình quá ư mong manh, nhỏ bé và cô độc, những nỗi sợ hãi vu vơ ùa đến. Để rồi, sáng hôm sau, Sim Sim vội vã đặt chuyến bay về như chạy trốn, đề tài thì bị bể.

Sau này, không còn cơ hội nào để chị có thể quay lại đó nữa… Mỗi khi nhắc lại, Sim Sim đều chép miệng: Tiếc quá, giá mà hồi đó vượt qua được chính mình…

Nhà thơ - nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim: “Thơ ca là nghiệp, làm báo là nghề, cả hai đều cần đam mê”

Kim, luôn nửa đùa nửa thật. Kim, chưa thấy mặt đã thấy giọng cười rộn rã. Kim, luôn tạo cho người đối diện sự thoải mái, để rồi bị cuốn theo lúc nào không hay. Có lẽ, tôi chưa thấy ai làm báo mà lại “phơi phới” như Kim. Cái nghề gắn liền với ti tỉ thứ áp lực tin bài, thời gian, phương tiện. Tôi rất khâm phục Kim về khả năng “phân thân” tài tình. Vừa là người vợ chu đáo, vừa là mẹ của hai nhóc tì ngộ nghĩnh, vừa làm phóng viên, vừa là một nhà thơ với những vần thơ đầy chiêm nghiệm sâu lắng: “Sự tồn tại của chúng ta thuộc về nhau?/ Khi nỗi cô đơn xích lại, như thể đó là điều cuối cùng của nỗi nhớ!/Căn phòng không có ai/ Bầu trời không áng mây/ Cỏ cây không gió đưa/ Vạn vật như thể triệu triệu năm hoang tàn sau những đảo lộn của vũ trụ/ Còn em với nỗi nhớ không biết về đâu cho hết cơn ngái ngủ...” (Sau giấc ngủ - Trần Hoàng Thiên Kim). Kim than: “Đôi lúc cũng thấy mình khá lao lực với nhiều chức phận”. Bù lại chị được trải nghiệm những cảm xúc đích thực mà cuộc sống ban tặng.

Nhà thơ- nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim.

Đừng tưởng Kim hay bông phèng là Kim thiếu nghiêm túc. Kim kiên trì và cần mẫn, như một chú ong thợ xây tổ từ những mảnh vụn nhỏ nhặt. Ngay từ khi là sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du, chị đã cộng tác với rất nhiều tờ báo. Sau này, khi được giữ lại công tác trong Trường Đại học Văn hóa, chị vẫn luôn cố gắng không để những công việc hành chính, giấy tờ  làm niềm đam mê bị mai một. Kim viết say sưa, viết không ngừng… cho đến khi được nhận về Báo Công an Nhân dân, trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Kim rạch ròi: “Thơ ca là nghiệp còn báo là nghề”. Đối với Kim, cả hai đều đòi hỏi sự nghiêm túc, lòng đam mê.

Kim có tài năng biến những điều phức tạp trở nên đơn giản chỉ bằng tiếng cười. Ít nhân vật nào đã bị “nhắm” lại nỡ từ chối Kim. Không đao to búa lớn, Kim cứ thủ thỉ, dí dủm mà đi vào lòng người như vậy. Công việc giao tay chị đều được hoàn thành trơn tru và nhanh gọn. Mới đây Kim vừa đạt giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2014. Trái ngọt đến với Kim như một sự đền đáp cho những nỗ lực thầm lặng của chị. Nhưng, là Kim mà…! Vẫn gương mặt sáng bừng nhiều lúc ngây thơ như con nít, vẫn giọng cười sang sảng mà đồng nghiệp vẫn hay nói đùa là: “Từ tầng một đến tầng bốn vẫn nghe thấy Kim cười”, Kim xua tay khoáng đạt: “Giải thưởng to lắm, cả nhà chuẩn bị ăn khao!”.

Nhưng đôi lúc, trong những cuộc vui, có đôi khi tôi thoáng lén nhìn Kim, thấy đôi mắt chị ánh lên một nỗi niềm suy tư, một chút gì lạc lõng. Khi đó, phải chăng con người thơ trong Kim đang cựa mình? Để đêm về, trong góc khuất nhỏ xinh và dung dị mà chính tay ông xã chị sắp xếp, những vần thơ đầy khắc khoải lại có cơ hội được tuôn trào…

Huyền Vũ
.
.