Những ngày cuối cùng của trùm phát xít Hitler

Thứ Hai, 09/05/2011, 15:23
Sinh nhật lần thứ 56 của Hitler (sinh năm 1889). Nhân dịp này trong văn phòng Quốc trưởng đã họp lại đủ mặt các  nhân vật chóp bu của chế độ phát xít: Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels, Thống chế SS Heinrich Himmler, Chánh văn phòng đảng Quốc xã Martin Bormann, Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Công nghiệp quốc phòng Albert Speer, Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop cùng một số cán bộ cao cấp của đảng Quốc xã và một số viên tướng.

20/4/1945. 10 giờ 30 phút sáng.

Nhân vật số 2 của chế độ Quốc xã, Thống chế Hermann Goring cũng tới ngay sau khi đã tống tiễn một đoàn 24 xe tải chở gia sản riêng (tranh, đồ gỗ, đồ cổ…) sơ tán xuống miền nam nước Đức.

Sau câu chào hỏi ngắn gọn, Quốc trưởng bắt đầu đi vòng quanh để nghe những lời chúc sinh nhật, đưa bàn tay run rẩy ra bắt từng thuộc hạ và nói mấy câu đáp lễ. Không khí bữa gặp mặt như một tiệc chia ly. Buổi tối hôm trước đám thuộc hạ đã đề nghị Hitler "bỏ của chạy lấy người" rời khỏi Berlin để trực tiếp lãnh đạo những kháng cự chống lại đối thủ ở miền nam nước Đức. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuyên truyền Goebbels đã khuyên Hitler nên cố thủ ở thủ đô và nếu như mọi sự không thành thì hiên ngang chết dưới những đổ nát của Berlin. Và Quốc trưởng quyết định ở lại thủ đô.

20/4/1945. 9giờ 45 phút tối (21giờ 45 phút)

Hitler trở lại hầm ngầm trú ẩn. Y ra lệnh  "phân tán" Bộ Tham mưu của y. Chia tay với bác sĩ riêng Theodor Morell,  người vừa nhận được lệnh xuống miền nam lẩn trốn, Quốc trưởng buông thõng một câu: "Bây giờ thì chẳng thứ ma túy nào giúp được tôi nữa đâu!".

Một bữa tiệc nhỏ được bày ra tại nơi ở của Hitler. Cùng ăn có người tình của trùm phát xít, Eva Braun, Bormann và vài ba nhân viên thân cận nhất. Họ uống rượu vang rồi khiêu vũ. Máy hát cứ quay đi quay lại cái đĩa duy nhất còn trong hầm ngầm trú ẩn với điệu tango về bông hồng thẫm đỏ.

21/4/1945. 8 giờ sáng.

Hitler tỉnh dậy muộn hơn thường lệ hai giờ. Y bị đánh thức bởi tiếng pháo bắn rền vang. Lúc này pháo binh Xôviết đang nã đạn vào tòa nhà Quốc hội và Cổng Brandenburg (một trong ba biểu tượng chính của Berlin). "Sao vậy? Ai bắn thế? Chẳng lẽ quân Nga đã vào gần vậy ư?" - y tức tối hét lên hỏi. Quốc trưởng vớ lấy ống điện thoại, bấm số rồi gào lên sùi cả bọt mép: "Phải treo cổ tất cả bọn chỉ huy phòng không không quân mới được!". Các sĩ quan tùy tùng tái xám mặt mày, đứng ngây như tượng. Hitler ném ống điện thoại xuống rồi mệt mỏi thốt lên: "Lũ phản trắc!".

Chính lúc đó Gobbels thông qua nữ thư ký Truadel Yunge xin phép Quốc trưởng cho vợ và 6 đứa con của hắn vào ở trong hầm ngầm trú ẩn.  Hitler ra chỗ của viên Bộ trưởng Tuyên truyền và nói: "Anh muốn làm gì thì làm! Tôi sẽ không ra bất cứ một mệnh lệnh nào nữa!".

Rồi y gọi viên sĩ quan tùy tùng Julius Schaub vào, lấy từ trong tủ sắt ra một bộ tài liệu và bảo đem đi đốt. Thống chế Wilhelm Keitel tới để báo cáo tình hình với Hitler nhưng đã không được cho vào gặp. "Tôi sẽ không rời bỏ Berlin! Tôi sẽ chết trước cửa văn phòng Quốc trưởng!" -  Hitler lẩm bẩm rồi đóng sập cửa phòng lại.

23/4/1945. 3 giờ 20 phút chiều (15 giờ 20 phút)

Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Công nghiệp quốc phòng Albert Speer tới hầm ngầm trú ẩn để đích thân chia tay với Quốc trưởng. Ông ta nhận thấy có điều gì đó bất bình thường: trong phòng chờ đặc khói thuốc, trên bàn là những chai rượu uống dở. Khi Hitler lồng lộn đi từ phòng này sang phòng khác, không nhân viên nào đứng dậy ở tư thế nghiêm trước y nữa. Họ thậm chí còn không ngừng trò chuyện với nhau khi y tới. Mắt đẫm lệ, Hitler đứng nghe Speer báo cáo: "Đời không tha thứ cho sự yếu đuối", - y nói bâng quơ.

26/4/1945. 6 giờ sáng.

Bình thường, sĩ quan hầu cận sẽ tới đánh thức Hitler dậy vào giờ này.  Nhưng hôm nay Hitler không còn ngủ nữa mà nằm nguyên trên giường bất động. Y gọi bánh ngọt và nước ca cao để ăn sáng. Trong những ngày cuối cùng đó, Hitler gần như là nghiện bánh ngọt, có lẽ rốt cuộc y cũng đã ý thức được rằng y đã thua. Y mong được chết như một sự giải thoát khỏi thực tế không thể nào chịu nổi.

Ăn sáng xong, Hitler ra ngoài hành lang trong hầm ngầm trú ẩn. Y đi lại rất khó khăn, lếch thếch. Mắt y vằn đỏ, nước bọt sùi đầy hai bên mép. Vốn là người thường rất tươm tất, ở thời điểm này, trông Hitler rất nhếch nhác: áo ngoài đầy vết bẩn, những miếng vụn bánh ngọt dính cả vào bộ ria. Y trò chuyện với các sĩ quan tùy tùng về loài chó và cách dạy dỗ chúng, về đồ ăn thức uống và những sự ngu ngốc trên cõi thế…

Rồi Hitler vào phòng trực, nơi đang giữ mấy con chó. Y ngồi chơi rất lâu với con chó chăn cừu Blondi và năm đứa con của nó.

28/4/1945. 2 giờ 40 phút chiều (14 giờ 40 phút)

Hitler nhận được báo cáo là trùm SS Himmler đã thử bắt đầu đàm phán với những nước phương Tây trong phe Đồng minh về việc đầu hàng. Quốc trưởng nổi khùng lên và tung ra hàng tràng những lời nguyền rủa Himmler.

Đúng lúc ấy có viên sĩ quan liên lạc của Himmler là Hermann Fegelein, em rể của Eva Braun, gọi điện thoại tới hầm ngầm trú ẩn cho chị vợ và nói: "Eva, chị phải  rời khỏi Quốc trưởng thôi. Đây là chuyện sống chết đấy chứ không phải đùa". Hitler tức giận ra lệnh bằng mọi cách tìm Ferelein và bắn chết anh ta không cần xét xử. "Anh Adolf tội nghiệp, - Eva rên rỉ. - Tất cả đều bỏ anh, tất cả đều phản bội anh!".

28/4/1945. 11 giờ 40 phút đêm (23 giờ 40 phút)

Hitler ra lệnh đưa tới một nhân viên có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn chính thức giữa y và Eva Braun theo đúng luật định. Nhân viên này được đưa tới bằng xe tăng vào lúc gần nửa đêm. Hai người làm chứng buổi đăng ký kết hôn đó là Goebbels và Bormann. Dưới mục ghi rằng cả hai "đều là người Arier thuần chủng và không có những bệnh truyền nhiễm", Eva định ký bằng tên họ thời con gái của mình nhưng rồi lại sửa thành: "Eva Hitler, họ khai sinh Braun".

29/4/1945. 2 giờ 15 phút  chiều (14 giờ 15 phút)

Vào giờ ăn trưa, Hitler tiếp tướng SS Wilhelm Mohnke, người chịu trách nhiệm phòng thủ khu vực có các trụ sở của chính phủ Đức. "Các anh còn có thể trụ được bao lâu nữa?" - y hỏi. "Thưa Quốc trưởng, cùng lắm là một ngày đêm nữa, không thể nào hơn" - viên tướng đáp.

Hitler gọi người nuôi chó của mình lên và ra lệnh đánh bả cho Blondi chết để nó khỏi rơi vào tay binh lính Xôviết. Và phải dùng loại thuốc độc mà y đang giữ trong két sắt. Sau sự phản bội của Himmler, Hitler trở nên hoài nghi ngay cả với những loại thuốc độc mà lực lượng SS đã pha chế trong các phòng thí nghiệm của chúng.

Nhưng gói thuốc độc này cũng tốt: Blondi lăn ra chết ngay "như bị sét đánh". Và người nuôi chó của Quốc trưởng sau đó đã mang 5 chú chó con ra ngoài để bắn chết. Quốc trưởng lần cuối cùng rời khỏi hầm ngầm trú ẩn để từ giã những con chó yêu quý của mình.

Khi y quay lại hầm, thuộc cấp đã báo cáo chi tiết cho y nghe về cái chết của trùm phát xít Italia, Benito Mussolini, đồng minh thân cận của chế độ Quốc xã.  Hitler bỗng thay đổi thái độ và đòi mang tới cho y những thông tin về việc tập trung các đơn vị phát xít còn sức chiến đấu và khả năng lực lượng này có thể tham chiến tới đâu để giải cứu Berlin. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua mà mãi vẫn không có đủ những thông tin cần thiết. Cỗ máy điều hành chiến tranh của "đế chế thứ ba" đã bị tan rã hoàn toàn.

30/4/1945. 7 giờ sáng.

Pháo binh Xôviết đã hai giờ liền nã đạn vào khu tập trung các cơ quan đầu não của nước Đức Quốc xã. Tướng Mohnke báo cáo: "Chúng tôi chỉ có thể trụ lại vài ba giờ nữa".

Eva Hitler bước vào văn phòng của chồng và mời y ra ngoài hầm ngầm để "lần cuối cùng nhìn ánh nắng mặt trời". Tuy nhiên, do ở bên ngoài đạn nổ quá rát nên Quốc trưởng mãi vẫn không dám thò mũi ra. Quay trở lại văn phòng trong hầm ngầm trú ẩn, Hitler đụng phải viên sĩ quan tùy tùng Otto Gunsche và ra lệnh mang vào hầm một can xăng càng to càng tốt. Lượng xăng này cần để thiêu xác y.

Hitler và Eva cùng lũ trẻ.

30/4/1945. 2 giờ chiều (14 giờ)

Hitler ăn trưa cùng với các thư ký và viên bác sĩ thực phẩm riêng của mình.  Phi công riêng của y, Hans Baur, vào gặp Quốc trưởng báo cáo rằng, máy bay với lượng nhiên liệu đủ để bay tới 11 nghìn cây số đã được chuẩn bị sẵn sàng và Hitler có thể thích bay sang một nước Arab nào đó hay sang châu Mỹ Latinh hoặc sang Nhật thì đều được cả. Tuy nhiên, trùm phát xít đã từ chối đi.

Quốc trưởng tặng cho viên phi công bức chân dung của Friedrich Đại đế. Lúc chia tay, y buông lời đầy cảm khái: "Trên mộ chí của tôi cần phải tạc lời: Nạn nhân của chính các viên tướng thuộc hạ"

30/4/1945.  3 giờ 20 phút chiều  (15 giờ 20 phút)

Hitler và Eva ẩn mình trong khu sinh hoạt riêng của Quốc trưởng. Gần ba rưỡi chiều, nữ thư ký Yunke nghe thấy một tiếng súng nổ. Sĩ quan hầu cận Heinz Linge bước vào phòng. Một lát sau tên này ra báo cáo với Bormann: "Thưa ngài Chánh văn phòng, việc đó đã xảy ra".

Xác Hitler bất động, mắt mở trừng trừng, ngồi trên ghế sô pha. Ở thái dương bên phải hiện ra lỗ thủng to bằng đồng xu. Cạnh đó là khẩu Walter. Quốc trưởng đã mở viên thuốc độc trước rồi mới bóp cò súng. Liền bên xác y là xác  Eva) thị cũng ngồi, hai chân bắt chéo vào nhau). Thị mặc bộ váy màu thiên thanh với cặp môi tô hồng rực. Thị cũng đã uống thuốc độc.

Xác của Hitler và vợ y đã được viên sĩ quan tùy tùng Gunsche và lái xe riêng của Quốc trưởng là Erich Kempka mang ra ngoài hầm. Hai người này đã rưới xăng lên xác trước sự chứng kiến của Bormann và sĩ quan hầu cận Linge. Mấy que diêm đầu bị ẩm nên vừa cháy đã lụi. Linge đành lấy vài tờ giấy từ tập tài liệu công vụ rồi đốt chúng. Ngọn lửa bùng lên xác của trùm phát xít và vợ y…

Thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã lại rất gần.

Hầm ngầm trú ẩn của Hitler nằm ở độ sâu 8m so với mặt đất. Diện tích của nó khoảng 250m2. Độ dày của tường là 4m. Giá thành của nó là 1,4 triệu mark Đức Quốc xã (ở thời điểm đó, đấy là số tiền khổng lồ!).

 

Căn hầm này có 20 phòng với những đồ gỗ tối thiểu. Khu sinh hoạt riêng dành cho Quốc trưởng có hai phòng. Phía trên ghế sô pha có treo bức tranh phong cảnh của một họa sĩ thuộc trường phái Hà Lan. Trên bàn viết là bức chân dung của Friedrich Đại đế trong khung hình ôvan.

 

Dưới gầm giường là két sắt. Ở một góc phòng là bình ôxi (phòng trường hợp không khí bơm vào bị ngắt). Tất cả các phòng đều được soi bởi đèn nóng sáng (Incandescent light bulb) mà ánh sáng lạnh lẽo của nó tạo nên cảm giác những người đi ngoài hành lang trông giống như những bóng ma.

 

Sau chiến tranh, phế tích hầm ngầm trú ẩn của Hitler nằm ở phía Đông Berlin. Lãnh đạo nước CHDC Đức cũ  đã kiên quyết từ chối kế hoạch biến nó thành một điểm du lịch như ở Ba Lan đã làm với hầm ngầm trú ẩn của Hitler "Wolfsschanze" (Hang sói). Tại đây người Đông Đức đã xây dựng tòa nhà 7 tầng để che không cho nhìn sang phía bức tường Berlin  từ phía đại lộ Otto-Grotewohl Strasse (nay là  Wilhelm Strasse).

Năm 1988 trên mặt hầm người ta đã xây dựng một công trình đặc biệt che kín để khỏi có ai tò mò rồi phá hủy nó đi. Công việc đã được tiến hành trong vài tháng liền. Rồi sau đó tại đây đã xây một sân chơi trẻ con, một vườn hoa và một bãi để xe.

Trường Long
.
.