Những giọt nước mắt Nga của thiên tài âm nhạc Piotr Tchaikovsky

Thứ Bảy, 12/06/2010, 15:45
Đối với nhiều người trên thế giới, âm nhạc của Piotr Ilich Tchaikovsky là một trong những biểu tượng rạng rỡ nhất của nước Nga, của tâm hồn Nga mang nặng nữ tính. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, chính thiên tài âm nhạc này lại có ham thích nam tính trong tình yêu, dù chỉ ở cấp độ tư duy, thần giao cách cảm…

Thời nhỏ, anh trai của tác giả "Hồ thiên nga", Nikolai Tchaikovsky đã có lần trêu chọc em mình: Tại sao là đấng mày râu mà lại thích một công việc của đàn bà là cứ ngồi gõ phím dương cầm đến thế? Thế là cậu em đã nổi nóng và bảo: Đừng có chọc tức, em tất nhiên là không sánh được với Glinca nhưng rồi có ngày anh sẽ phải tự hào vì anh là anh của em! Có lẽ lúc ấy cậu bé Piotr đã không thể ngờ được câu nói chơi chơi ấy của mình sẽ trở thành sự thật không một ai chối bỏ được…

Piotr Tchaikovsky là người con trai thứ hai của kỹ sư Ilia Tchaikovsky. Anh trai Nikolai lớn hơn nhạc sĩ tương lai hai tuổi (sinh năm 1838). Piotr còn có bốn người em: em gái Aleksandra và em trai Ippolit sinh năm 1842; cặp em sinh đôi khác là Anatoli và Modest sinh năm 1850.

Cả cha mẹ của Piotr Tchaikovsky đều rất thích âm nhạc. Người mẹ hay chơi dương cầm và hát. Trong nhà có một cây đàn ống cơ khí mà nhờ nó, lần đầu tiên cậu bé Piotr được nghe những giai điệu từ nhạc kịch Don Juan của Mozart… Tuy nhiên, khi Piotr còn nhỏ, anh em của ông hầu như không nhận thấy một thiên bẩm gì đặc biệt về âm nhạc ở cậu bé ruột thịt này. Chỉ về sau họ mới thực sự tự hào vì đã là người thân của một thiên tài và bắt đầu hồi tưởng lại một vài chi tiết gì đó có thể chứng tỏ rằng ông đã sớm có năng khiếu âm nhạc.

Người em Modest về sau đã không chỉ một lần kể về người nhũ mẫu chung của mấy anh em, Fanny Durbach: "Bà ấy ít để ý tới ham muốn âm nhạc của Piotr, bà không muốn cho anh ấy một tương lai như thế và bởi vậy, không hề động viên Piotr quan tâm hơn tới âm nhạc. Thậm chí đôi khi bà ấy còn mắng mỏ anh Piotr vì sự say mê âm nhạc thái quá của anh. Anh Piotr hay kêu ca rằng, lúc nào âm nhạc cũng nằm ở trong đầu anh và không cho anh yên tĩnh, khiến cho mọi người vô cùng lo lắng".

Nếu không có một tai nạn xảy ra thì có lẽ khó có ai biết được một tương lai như thế nào sẽ đến với thiên tài âm nhạc của nước Nga. Một lần, sau giờ học nhạc, cậu bé Piotr suốt cả ngày cứ bấm tay vào bất cứ việc gì để tưởng tượng ra những giai điệu đang tràn ngập trong lòng mình. Và bất ngờ cậu bấm tay vào cửa kính, làm nó vỡ ra, đâm vào ngón tay cậu chảy máu… Sau sự cố này, cha mẹ của nhà soạn nhạc tương lai mới quyết định không để cho con trai mình "tự tung tự tác" với tình yêu âm nhạc nữa mà đi thuê cho cậu một cô giáo dạy nhạc riêng.

Cô giáo rất tận tâm kèm cặp cậu học trò nồng nhiệt nhưng, mặc dù công nhận là Piotr chơi dương cầm không tồi nhưng đã không thấy ở cậu một điều gì quá đặc biệt về tài năng âm nhạc. Cô đã nghĩ, có lẽ cùng lắm thì cậu chỉ là một người chơi nhạc nghiệp dư tài hoa thôi… Cả cha mẹ của Piotr cũng nghĩ như thế nên khi đứa con trai của họ bước vào tuổi 12 (năm 1852), đã cho cậu vào học ở Trường Luật hoàng gia St. Peterburg. Tiếng là học luật, nhưng Piotr vẫn không bỏ thú vui âm nhạc của mình mà trái lại, còn rất chú trọng tới các tiết học nhạc. Cũng tại Trường Luật, Piotr Tchaikosky còn cố gắng trau dồi các kỹ năng chơi dương cầm và có thể ngẫu hứng đánh đàn khá ấn tượng.

Năm 19 tuổi, tốt nghiệp Trường Luật hoàng gia, Piotr Tchaikovsky về làm ở Bộ Tư pháp. Chẳng ai biết nhà soạn nhạc tương lai ở trong vai trò viên chức luật như thế nào - còn lại quá ít những thông tin về giai đoạn này trong cuộc đời của Piotr Tchaikovsky. Chỉ biết rằng, sau bốn năm đóng vai một luật gia, Piotr Tchaikovsky đã quyết định bỏ việc để toàn tâm toàn ý với âm nhạc.

Efim Volkov, một họa sĩ thuộc phong trào Peredvishniki, cũng từng là một cựu viên chức luật cùng thời với tác giả của "Hồ thiên nga", về sau đã viết trong thư gửi một người bạn: "Có một anh chàng cũng mài đũng quần với tôi ở Bộ, một người luôn miệng huýt sáo… Anh ta chẳng muốn làm gì và chẳng biết làm gì cả, không ghi tên những người tới và không trả lời những người hỏi, lúc nào cũng tấu lên những giai điệu gì đó… Và anh ta đã gặp hạn. Và cả tôi nữa, hai chúng tôi là những người đầu tiên bị đuổi việc. Tôi đi làm họa sĩ, còn anh ta đi vào làm ở nhạc viện. Họ của anh ta là Tchaikovsky. Cậu đã bao giờ nghe thấy họ của anh ta chưa?". Nhưng họa sĩ Volkov viết như thế khi tên họ của Piotr Tchaikovsky đã lừng lẫy khắp nơi. Còn năm 1863, ông chú của nhà soạn nhạc tương lai đã than thở: "Ôi, cái thằng Petia nhà ta, thật tệ. Nhục ơi là nhục, sao lại đổi nghiệp luật gia để làm nghề nhạc nhẽo thế!".

Vinh quang kèm tai tiếng, đó sẽ là số phận tiếp theo của Piotr Tchaikovsky, kể cả sau khi ông đã qua đời. Về chuyện vinh quang thì rõ rồi - một nhạc sĩ thiên tài với những tác phẩm bất hủ trong tất cả các thể loại giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, nhạc thính phòng, hòa tấu, romance… Nhưng tai tiếng là gì? Đó là một câu chuyện không đơn giản. Những năm gần đây, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm 170 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc vĩ đại (7/5/1840 - 7/5/2010), trên các phương tiện thông tin đại chúng có một mẩu tiếu lâm châm chọc hay được kể đi kể lại: "Piotr Tchaikovsky này, Elton John này, Ricky Martin này… Toàn bọn đồng tính. Anh có còn muốn cho con trai anh đi học hát nữa hay không?".

Đã có quá nhiều bài viết về sự đồng tính của Piotr Tchaikovsky. Và đã có quá nhiều những thông tin khiếm nhã không hẳn đã xác thực. Thậm chí có tác giả còn tưởng tượng ra những trận mê hồn rối rắm có vẻ như liên quan tới nhà soạn nhạc vĩ đại và các thành viên hoàng gia Nga, dẫn tới việc dường như Piotr Tchaikovsky đã bị sát hại (?!). Thực ra, những thông tin như thế chỉ tuyền là những tin đồn đại ngồi lê đôi mách, ít có điểm chung với sự thật.

Có lẽ người nói gần đúng nhất về câu chuyện này là nhà phê bình âm nhạc Aleksandr  Amfiteatrov, người sống cùng thời với Piotr Tchaikovsky: "Nếu hiểu đồng tính chỉ là sự thỏa mãn thô thiển những thèm khát tình dục thì hiển nhiên những tin đồn như thế là bịa đặt: Piotr Tchaikovsky không hề bị dính vào những chuyện như vậy. Sẽ là một việc khác nếu đó là sự đồng tính trong tư duy, hoàn toàn thoát tục. Khó có thể phủ nhận một thiên hướng như vậy ở ông!". Chính Piotr Tchaikovsky cũng đã công nhận điều này, trong một lá thư viết cho người em trai Modest ngày 19/1/1877, một lá thư rất chân tình mà ông chẳng cần phải nói dối làm gì: "Tuy nhiên, anh cực kỳ xa lạ với ham muốn quan hệ thể xác. Anh sẽ cảm thấy rất ghê tởm nếu cậu thanh niên tuyệt vời đó lại hạ mình để có quan hệ thể xác với anh. Nếu thế thì thực là tệ bẩn và anh thực là sẽ rất kinh tởm bản thân mình. Anh đâu có cần như thế".

Theo một số nhà nghiên cứu, sự đồng tính trong tâm tưởng của Piotr Tchaikovsky đã được nhà soạn nhạc vĩ đại tìm ra nguồn thỏa mãn trong chính thứ âm nhạc mà ông sáng tác: cực kỳ lãng mạn du dương, dịu dàng và thậm chí, đầy nữ tính, thứ âm nhạc đã giúp ông trở nên cực kỳ nổi tiếng. Nói cho cùng, trên sân khấu âm nhạc châu Âu thuở ấy, Piotr Tchaikovsky đã bị chậm chân - trước ông, nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner đã cực kỳ thành công trong thể loại nhạc kịch với những nhân vật chiến binh hung hạo với những thủ pháp du dương náo động thích ứng. Bản thân Piotr Tchaikovsky đã không nghĩ ra được thêm những thủ pháp mới - ông chỉ hoàn tất thời đại của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc mà thôi, hoàn tất một cách xuất sắc với những kiệt tác của bi kịch lãng mạn.

Nhà bảo trợ cho thiên tài âm nhạc Nga, ông Nikolai Rubinstein đã không ngừng trêu: "Petia lúc nào mắt cũng đầm đìa lệ!". Nhưng trêu thế chính là khen vì ở nước Nga cho tới bây giờ, một khi muốn ca ngợi nhà soạn nhạc nào thì người ta đều nói: "Nhạc hay lắm! Tôi nghe mà không thể nào cầm được nước mắt!". Còn các nhà phê bình âm nhạc phương Tây thì lại đánh giá khác về âm nhạc của Piotr Tchaikovsky: "Ở đây có quá nhiều chối bỏ và nỗi buồn tê buốt. Nếu bạn có thể sống trong thế giới của những cảm xúc như thế thì đó là sự lựa chọn của bạn. Tuy nhiên, một người bình thường thì khó có thể chịu đựng chuyện này lâu được".

Có lẽ chính Piotr Tchaikvosky cũng đã không thể chịu đựng được lâu những cảm xúc tràn ngập trong âm nhạc của mình - những tình tiết liên quan tới cái chết của ông cho tới nay vẫn còn chưa sáng tỏ và không thể loại trừ rằng, có thể ông đã tìm tới cái chết vì bị khủng hoảng tinh thần vì không thể tiếp tục chịu đựng… Cũng không có gì lạ nếu âm nhạc của Piotr Tchaikovsky cho tới hôm nay vẫn được đồng nghĩa với nước Nga. Trong con mắt nhân gian, nước Nga vẫn được coi là nơi có tâm hồn đầy nữ tính. Và bộc lộ được tâm hồn đầy nữ tính như thế của nước Nga chỉ có thể là một nhà soạn nhạc luôn vật vã và đầm đìa nước mắt như Piotr Tchaikovky…

Khánh Hạ
.
.