Những con chữ tay thon

Thứ Bảy, 16/07/2016, 06:49
Như một mê đắm, Phương Huyền và Tiểu Quyên miệt mài theo đuổi nghiệp viết, thăng trầm với con chữ. Gọi họ là nhà báo cũng đúng mà bảo là người viết văn cũng chẳng sai. Bởi, viết với họ là một phần máu thịt, là khí trời của cuộc sống.

Những trang viết ấy, dù là văn hay báo đều lấp lánh nỗi buồn. Thứ buồn mơ hồ, mênh mông, xa vắng của những người đàn bà trót nặng nợ văn chương, chữ nghĩa.

1. Phương Huyền thuộc thế hệ 8X, hiện đang là phát thanh và biên tập viên nhận được rất nhiều sự yêu mến của thính giả Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM. 

Nếu lấy cột mốc 2005, kể từ Nắng trong lòng phố - cuốn sách đầu tay của chị ra đời, đến nay đã mười năm có lẻ. Mười năm ấy đủ cho một đứa trẻ lớn lên, cho một tâm hồn mơ mộng thêm từng trải và trưởng thành. Bảy quyển sách đủ thể loại, một gia tài không nhỏ đối với những người theo nghiệp viết cùng lứa tuổi của chị. 

Huyền viết cho tuổi mới lớn, cho những người phụ nữ trĩu nặng yêu thương đến thiếu nhi. Địa hạt nào cũng thấy một Phương Huyền tha thiết với cuộc đời, với yêu thương. 

Ở đó, độc giả còn chứng kiến cả những va vấp, những khổ đau, những nghĩ suy của chính Phương Huyền đến nỗi không phân định được đâu là mình, đâu là của tác giả; những mảnh đời, những thân phận mà chị, từ công việc ở Đài đã tiếp nhận biết bao câu chuyện ngang trái, éo le và nghiệt ngã, nước mắt cạn khô hõm má. Huyền đã phải thốt lên chua xót, rằng: “Phụ nữ sao mà khổ thế!”.

Huyền viết Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình, và sau đó là Không gì là mãi mãi, hai cuốn sách dành riêng cho phụ nữ, cái tựa đã không vui, những câu chuyện trong đó lại càng không vui. 

Mỗi trang viết của Huyền như một trang nhật ký tâm sự với nhân vật “Anh”, gửi gắm vào “Anh” nhiều thứ: nỗi vui, niềm nhớ, hạnh phúc nhỏ nhoi, kỷ niệm vụn vặt và cả ám ảnh chia lìa. Nghe chênh vênh, bất định, nghe thiếu niềm tin vào hạnh phúc, nghe chực chờ tan vỡ, nghe mọi yêu thương hiện hữu chợt trở nên mơ hồ, mong manh. Người ta không biết rốt cục thì trong hai quyển sách ấy, là tâm trạng của một hay nhiều cô gái, là nhân vật hay là chính Huyền?

Phương Huyền.

Huyền cười bí ẩn: “Thôi cứ để người đọc đoán định”. Điểm đồng nhất là cô gái ấy yêu tới mức ngờ nghệch, hay lo sợ và hỏi những câu ngớ ngẩn kiểu “biết rồi, hỏi mãi” khiến đối phương bực mình và luôn thèm khát đi đến tận cùng, dẫu là dang dở. 

Huyền dường như có một mối đồng cảm đặc biệt dành cho người thứ ba. Có phải là tình yêu hay không, ai mà biết được. Chỉ thi thoảng ở khoảnh khắc nào đấy trong cuộc đời, người ta bỗng dưng đồng cảm với một tâm hồn. Nếu văn là người thì Huyền giống như nhân vật của chị, dịu dàng, hay mơ mộng và ngốc nghếch khi yêu.

Độc giả trách Phương Huyền tàn nhẫn với nhân vật. Tôi lại thấy Phương Huyền tàn nhẫn với cả chính bản thân chị. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt từng “thú nhận” rằng, cho đến bây giờ anh vẫn không dám mở tập thơ đầu tay ra đọc vì mỗi lần mở sách là mỗi lần cứa từng nhát vào tim. 

Có những kỷ niệm nên để nó ngủ yên đâu đó trong ký ức. Còn Huyền, hết viết thì lôi ra “gặm nhấm” như một “căn bệnh” nghề nghiệp. Đọc rồi nghe thử, chưa ưng thì bắt đầu thu âm lại. Huyền ngoài trang sách vui tính, rất đời, thậm chí bạn bè còn trêu “hơi khùng”. Nhưng thẳm sâu trong chị, tôi thấy một nỗi cô đơn không gì khuất lấp được. 

Người ta có thể giấu nỗi buồn trong mắt, trong tim nhưng chẳng thể nào giấu được khi đối diện với chính mình. Viết, với Huyền thành ra như một người bạn sẻ chia. Huyền đắm chìm trong nỗi buồn như cái ý niệm “phía cuối đường hầm là ánh sáng, sau đêm đen mặt trời sẽ lên” từng tái hiện trong rất nhiều truyện. Tưởng tan nát đó, vụn vỡ đó mà chấp chới hy vọng đó. 

Đúng như tựa đề, vui buồn, đớn đau hay hạnh phúc, không có gì là mãi mãi. Chỉ có những khoảnh khắc đọng lại là vĩnh viễn và nhắc nhớ người ta phải nâng niu, giữ gìn nó. Khi yêu không nên thề hẹn mãi mãi và khi tan nát cũng nên can đảm mà đối diện, mà bước qua. Như câu hát: “Đâu có ai biết mai sau/ Đâu có ai mãi thương đau/ Đâu có ai phải muôn kiếp xa nhau”. Có thể xem đấy là sợi dây xuyên suốt trong hai quyển sách này của Phương Huyền.

2. Vừa làm báo vừa viết văn, Tiểu Quyên được xem là một trong những cây bút chăm chỉ nhất của làng văn nghệ. Quyên có thể viết mọi lúc mọi nơi, ngồi ở quán cho một cuộc hẹn, đợi tàu xe cho một chuyến đi,… hết thảy thời gian đều được Quyên tận dụng. Và khi cuốn tạp văn đầu tay lên kệ thì Quyên đã chuẩn bị cho cuốn thứ hai được nửa chặng đường.

Chọn điểm dừng ở góc nhìn rộng hơn, chú ý đến hình thức thể hiện hơn, hành trình văn chương của Tiểu Quyên đến nay đã bước sang cuốn sách thứ năm. Sau hai tập truyện nhuốm màu sắc ma mị là Cỏ đồi phương ĐôngCỏ lau vạn dặm (trước đó nữa là hai tập truyện ngắn Đi ngược chiều thương, Con tàu đi tìm sân ga) với nhiều thân phận, nhiều câu chuyện Quyên nghe thấy, tiếp cận trong đời sống và quá trình làm nghề thì Quyên chọn cách nhìn lại cùng Nửa đêm nằm nhớ, cuốn tạp văn gợi từ cái tựa. 

Mơ - Yêu - Di - Lặng, bốn phần trong quyển sách là bốn gam màu khác nhau, mà như lời chia sẻ của tác giả: “Cho tuổi thơ, tuổi trẻ và cuộc đời của chúng ta. Và không ngoái lại…”. 

“Nếu không viết, có thể đến một lúc nào đó tôi sẽ quên hết đi. Ký ức là món quà quý giá nhất trong hành trình của mỗi con người. Nỗi đau là một bài học, những chuyến thiên di là những trải nghiệm. Và cúi đầu với chính mình để nhận diện cuộc sống, nhận diện bình an”. 

Cá nhân tôi mạo muội đánh giá đây là một bước chuyển trong tâm hồn của Tiểu Quyên. Quyên đã biết cách sống an nhiên hơn, tỉnh táo hơn để tránh khỏi những tổn thương không đáng có cho một tâm hồn vô cùng nhạy cảm.

Quyên thường bị bạn bè trêu là “bánh bèo”, là “tiểu thư” bởi cách nói chuyện lúc nào cũng văn chương, bởi vẻ ngoài trông mong manh, dễ vỡ, bởi cái tính mau nước mắt, hay nũng nịu và cái sự trẻ con quá sức. 

Sinh năm 1985, Quyên vẫn mê gấu bông, búp bê và nhiều thứ tương tự thế. Facebook của Quyên lúc nào cũng đầy những thứ hồn nhiên như hoa lá, nơ bướm, chó mèo. Hay là vì tâm hồn Quyên cứ neo mãi giấc mơ tuổi thơ của một đứa trẻ thảng thốt chưa kịp lớn mặc dù Quyên liên tục “phản kháng” rằng mình “men” lắm và… già rồi? 

Có lẽ Quyên “già” thật bởi đằng sau những mơ mộng của văn chương, Quyên vẫn giữ được sự tỉnh táo, sắc bén của một người làm báo, của một người phụ nữ cần vén khéo cuộc sống cho tương lai giữa lòng đô thị và biết giữ cho riêng mình những vết thương không bao giờ lành và cả những khát khao, những nỗi muộn phiền. Quyên ý thức rất rõ trách nhiệm của một người cầm bút, “là để cuộc sống này tốt đẹp hơn lên”, để lạc quan hướng về phía mặt trời.

3. Trên dặm dài con chữ, các cây bút phê bình thường truyền miệng câu chuyện muốn đánh giá một cây bút có thể đi đường dài với văn chương hay không phải đợi đến cuốn sách thứ ba. Là vì cuốn đầu tiên họ viết cho bản thân, rút ruột rút gan ra mà viết. 

Cuốn thứ hai đo lường cuốn thứ nhất, gom góp những trải nghiệp, tình cảm còn sót lại, cộng dồn những bổ sung mới. Cuốn thứ ba, người ta thường dễ sa vào hai con đường mà chẳng con đường nào vui vẻ: vì quá ham thích những điều mới mẻ mà lạc mất giọng văn đã định hình hoặc không đủ trưởng thành để vượt thoát, để tránh sự lặp lại và trở nên nhàm chán. 

Tiểu Quyên.

Thật may là cả Phương Huyền và Tiểu Quyên đều đã bước qua được cái ranh giới ấy để mà đi đường dài, để mà tung tẩy với văn chương. Cần phải khẳng định rằng, Huyền và Quyên là hai người làm báo rất giỏi. Nếu Phương Huyền lên sóng với giọng văn điềm tĩnh, nhẹ nhàng và tình cảm thì Tiểu Quyên mang điều đó vào trang viết.

Tôi nghe Phương Huyền từ thuở còn học phổ thông, khi Huyền còn là cô sinh viên báo chí về Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM cộng tác. 

Tôi đọc Tiểu Quyên từ dạo Quyên còn viết cho Người lao động. Chất văn ấy ngày càng mượt mà, da diết và lay động lòng người. Có lẽ bởi họ nhìn nhân vật bằng đôi mắt đồng cảm và sẻ chia, bằng chính trái tim đập từng nhịp run rẩy, nóng hổi trước thời cuộc và bằng sự nhạy cảm của một người phụ nữ.

Như hạt nảy mầm từ đất - mạch nguồn nuôi dưỡng vạn vật, những trang viết của Phương Huyền và Tiểu Quyên dần lớn lên và trưởng thành nhờ gom góp ngọt - đắng, nhờ dông bão của cuộc đời. 

Cũng có những lúc đớn đau, quỵ ngã tưởng chừng buông xuôi, tưởng chừng không gượng dậy được nữa nhưng rồi, như Tiểu Quyên viết, bình tĩnh nhìn lại mình, nhìn ra xung quanh, nhìn lại cuộc đời để thấy nỗi đau của mình thật bé nhỏ. 

Hóa ra, trong những trang viết ngỡ mong manh, yếu đuối kia là hai tâm hồn mạnh mẽ, khát khao đi đến tận cùng của nỗi buồn, những nỗi buồn thê thiết, thậm chí là u uẩn nhưng lóng lánh và chắc chắn soi vào đấy, người đọc thấy lòng mình được ru, được xoa dịu, được sẻ chia, được chữa lành, được hàn gắn.

Văn chương, sau trống trải, sau những đêm dài mất ngủ, sau những ngày dài tháng rộng góp nhặt nỗi đau là một giấc mộng lành. Bởi ở đấy có hai người phụ nữ chọn cách hát ru nỗi buồn.

Hoàng Dung
.
.