Những bài học của Thủ lĩnh KGB Yu. Andropov

Thứ Ba, 11/07/2006, 09:19
Yuri Andropov (1914-1985) bước chân vào Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) tháng 5/1967, trong một thời điểm khá nhạy cảm đối với đời sống siêu cường XHCN này. Một mặt, CIA và các thế lực thù địch đã gia tăng đến đỉnh điểm các nỗ lực phá hoại chế độ Xôviết từ mọi phía. Mặt khác, bản thân KGB sau nhiều biến động vì các lý do chính trị cũng bị thiệt hại khá nặng nề trên phương diện chuyên môn nghiệp vụ.

Trước tình hình đó, BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định cử một trong những nhà lãnh đạo dày dạn nhất của mình về làm Chủ tịch KGB để khôi phục và phát triển uy lực của tổ chức tối quan trọng này. Đấy mới là lý do đích thực chứ không phải như một số tài liệu thù địch viết rằng, sở dĩ YU. Andropov phải về KGB chỉ vì ông đã có mâu thuẫn với Thủ tướng Kosygin nên Tổng Bí thư Leonid Brezhniev buộc phải đưa ông ra khỏi bộ máy Trung ương. 

Nhà nước và xã hội

Ngồi vào ghế lãnh đạo KGB, Yu. Andropov cư xử rất cẩn trọng đối với đội ngũ cán bộ nhân viên đã có từ trước. Và với sự thận trọng vốn có, ông đã đưa ra một định nghĩa mới về chức năng và nhiệm vụ của các cán bộ an ninh. Theo ông, KGB cần phải là đội quân tiên phong trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, và bảo vệ không chỉ riêng quốc gia Xôviết mà cả toàn bộ xã hội và tất cả các công dân khỏi những mưu ma chước quỷ của các thế lực thù địch. Đối với Andropov, luận điểm này quan trọng tới mức trên cơ sở của nó, ông đã trình bày cách nhìn mới của mình về công tác an ninh trong một bản báo cáo chính thức.

Cụ thể, ông nhấn mạnh rằng, khi chúng ta nói tới "an ninh quốc gia", chúng ta đã, nhìn từ một góc độ, làm hẹp lại đối tượng cần chúng ta bảo vệ vì coi đó chỉ là mỗi Nhà nước; nhìn từ góc độ khác, ngay cả với cách nhìn đã bị thu hẹp như vậy, chúng ta còn làm cho đối tượng cần được chúng ta bảo vệ bị thu hẹp hơn nữa khi đồng nghĩa quốc gia với chế độ chính trị. Theo Yu. Andropov, Nhà nước Xôviết với xã hội Xôviết ở trong trạng thái hòa quyện và đồng thuận đến mức tuy hai mà một và rất cần phải trân trọng điều này.

Ông nói: "Quốc gia của chúng ta là một quốc gia thực sự, do nhân dân giành lại được, do nhân dân tạo nên và tồn tại  vì nhân dân. Vì thế không thể để cho nó biến chất, bởi nếu vậy nó sẽ trở thành kẻ thù tệ hại nhất đối với nhân dân. Đấy chính là lý do khiến sự an ninh của quốc gia và của xã hội luôn gắn liền với nhau, điều mà trong một đất nước tư bản chủ nghĩa không thể nào có được". Đồng thời, Yu. Andropov cũng nhắc nhở rằng, giữa nhà nước và xã hội có những khác biệt khá cơ bản, đặc biệt nếu nhìn qua lăng kính của nhu cầu đảm bảo an ninh cho chúng...

Không có gì xa lạ

Yu. Andropov đã rất hiểu rằng, dưới ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền thù địch, do những vấn đề nội bộ chưa được giải quyết triệt để, những bất ổn khách quan và chủ quan, căn bệnh quan liêu tương đối phổ biến ở các cấp chính quyền, những tệ nạn không dễ gì xóa bỏ tận gốc trong ngày một ngày hai... có thể sẽ nảy sinh trong một số bộ phận, một số tầng lớp dân cư những tiến trình xã hội tiêu cực.

Ai đó cho rằng những hiện tượng như thế không phải là đối tượng quan tâm của KGB; theo họ, đó là việc của những cơ quan Đảng và chính quyền các cấp. Nhìn trên phương diện hình thức thì đúng là như vậy. Nhưng Yu. Andropov vẫn thường xuyên nói với cấp dưới của mình, KGB cũng cần phải nhìn thấy trong những hiện tượng đó cả phần việc của  mình nữa. Vấn đề là ở chỗ, như mèo thấy mỡ, những phần tử "có vấn đề" hoặc mang tâm lý phiêu lưu, nổi loạn sớm hay muộn cũng đều tới "dây máu ăn phần" trong những tiến trình tiêu cực để điều chỉnh đi theo hướng mà chúng mong muốn.

Chính bởi vì thế nên KGB, theo lời của Yu. Andropov, cần phải quan tâm tới các tiến trình xã hội. Nhiệm vụ của các cán bộ an ninh là phải kịp thời phát hiện ra những tiến trình như thế, nghiên cứu tính chất đặc thù của chúng, tìm hiểu những nguyên nhân khiến chúng phát sinh và trình bày thông tin kịp thời lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có những biện pháp "hóa giải" chúng kịp thời. Đặc biệt, KGB cần phải có phản ứng kịp thời trước những tiến trình tiêu cực nảy sinh trên cơ sở sắc tộc, những tiến trình có xu hướng phản xã hội và phản quốc. Yu. Andropov thường nhắc đi nhắc lại, tất cả chúng ta đang ngồi trên cùng một con thuyền, không thể để nó bị lật. Chính vì thế nên không có việc gì xảy ra trong xã hội Xôviết lại xa lạ với KGB!

Những việc diễn ra sau khi Yu. Andropov qua đời ở Liên Xô cũ đã cho thấy, quả thực ông đã đi trước thời đại quá xa. Liên bang Xôviết về sau đã tan rã chính từ những tiến trình xuất hiện trên cơ sở sắc tộc mà sinh thời, ông đã rung lên hồi chuông báo động và cố gắng ngăn chặn. Bắt đầu từ năm 1988 cuộc xung đột Nagornyi-Karabakh đã được khơi dậy dưới tác động của một nhóm trí thức Armenia, làm rối loạn quan hệ giữa hai nước cộng hòa anh em là Azerbaijan và Armenia. Điện Kremli với Mikhail Gorbachev làm "chủ xị" đã không đưa ra những biện pháp cần thiết để loại trừ hiện tượng tiêu cực này một cách kịp thời và mọi sự cứ thế "quá mù ra mưa".

Chính quyền Xôviết ở Azerbaijan và Armenia vì thế càng ngày càng suy yếu và tới năm 1990 gần như đã bị xóa bỏ ở đây; những nhân vật được bầu lên làm lãnh đạo hai nước cộng hòa này là những người theo chủ nghĩa dân tộc với chủ trương tách ra khỏi thành phần Liên bang Xôviết bằng mọi giá. Như dịch cúm gà, virus li khai đã lan từ đó sang Gruzia rồi nhiều nước cộng hòa khác nữa không chỉ ở phía Nam mà cả ở phía Tây. Bắt đầu tiến trình tan rã Liên bang Xôviết không có gì cưỡng nổi.

Chống tham nhũng như chống một quốc nạn

Yu. Andropov đã rất lo lắng trước việc xuất hiện ngày một nhiều những phần tử tham nhũng trong bộ máy Đảng và chính quyền. Trên cương vị lãnh đạo KGB, ông đã bắt tay vào tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng theo cách có phần mạo hiểm đối với cá nhân ông.

Vấn đề là ở chỗ, dính vào nạn tham nhũng khi ấy chủ yếu là một số nhà lãnh đạo các nước cộng hòa ở vùng Trung Á, những người được các nhân vật gần gụi với Tổng Bí thư lúc đó là Leonid Brezhniev sủng ái. KGB đã thu thập được đầy đủ chứng cớ về việc tại Uzbekistan, Moldavia, Tajikistan, Gruzia, Khu Krasnodar và nhiều nơi khác đã hình thành thông lệ thường xuyên biếu và tặng cho các nhà lãnh đạo cao cấp những khoản tiền cực lớn hay những đồ vật cực kỳ quý hiếm. Và mỗi khi các nhà lãnh đạo cấp cao ở địa phương lên Moskva công tác, đi theo họ là rất nhiều tiền bạc cùng của ngon vật lạ sở tại, vừa để cho họ tiêu pha và thưởng thức, vừa dùng làm quà cho các nhà lãnh đạo Trung ương...

Chính sự hưởng thụ tới mức vô độ đó đã dần dà làm hư hỏng một bộ phận không nhỏ các nhà lãnh đạo. Được dễ dàng tiếp cận và sử dụng của công nhờ vị trí quan trọng của mình, họ quen dần với suy nghĩ rằng, chỉ cần khôn khéo chiều trên và nạt dưới là họ có thể làm chủ được cuộc chơi và biến thành của riêng tất cả những gì quý giá nhất. Lâu dần, họ đánh mất đi những phẩm chất đạo đức cần có của người cộng sản và khi thời thế thay đổi, chính họ lại trở thành những phần tử chống cộng dữ dội nhất. Nói tóm lại là họ sẵn sàng làm mọi việc để duy trì cho mình quyền làm chủ các tài khoản khổng lồ, kể cả việc xoay lưng lại với những tín điều mà họ từng coi là thiêng liêng dưới chế độ Xôviết.

Yu. Andropov dường như đã sớm nhìn thấy rõ chân tướng của những "ngụy cộng sản" đó và dũng cảm đương đầu với tệ nạn tham nhũng, bất chấp việc có thể vì thế mà ông công không thành, danh không toại. Đích thân ông, trên cơ sở những tài liệu mà KGB thu thập được, đã trực tiếp gặp và báo cáo với Tổng Bí thư L. Brezhniev về những vụ biển thủ hay tham ô của những người thân cận của nhà lãnh đạo tối cao, thậm chí của cả một số thành viên trong gia tộc Brezhniev.

Theo chỉ thị của Yu. Andropov, cơ quan an ninh các địa phương đã tiến hành hàng loạt vụ khởi tố và nhờ thế, những thông tin đã có về các vụ tham nhũng động trời không những được xác minh mà còn thu thập được nhiều bằng chứng mới. Thí dụ, khi khám xét nhà một vị lãnh đạo cơ quan nội vụ một tỉnh ở Uzbekistan, KGB đã thu giữ được hơn 90kg (!) vật dụng từ vàng, platin, bạc và rất nhiều tiền. Tại tư gia của nhiều nhà lãnh đạo bị buộc tội tham nhũng khác cũng thu được nhiều vật dụng quý hiếm và những khoản tiền khổng lồ, tất cả đều được cất giữ trong những hòm tủ bí mật...

Bản thân Yu. Andropov rất đơn giản trong đời sống ngày thường nên ông luôn được coi như một tấm gương liêm khiết. Những cán bộ làm việc dưới quyền ông cho biết, mặc dầu trên cương vị Chủ tịch KGB, Yu. Andropov cũng được tặng rất nhiều quà cáp nhưng ông không bao giờ sử dụng chúng cho những mục đích cá nhân. Thậm chí trong nhiều trường hợp, ông còn không buồn nhìn xem quà tặng là gì. Tất cả những món quà gửi tới Chủ tịch KGB đều được ghi vào danh sách cụ thể; những món quý nhất được chuyển vào công quỹ quốc gia, những thứ còn lại được chuyển tới các trại trẻ mà cán bộ KGB nhận bảo trợ hoặc được chuyển cho các bếp ăn tập thể, các trại an dưỡng của KGB...

Một lần, Yu. Andropov được đoàn đại biểu CHDC Đức tặng cho một bộ đồ ăn rất quý và đoàn đại biểu Czech tặng bộ ly pha lê để uống bia. Ông đã ra lệnh mang tất cả những thứ đó xuống tặng nhà ăn tập thể dành cho cán bộ lãnh đạo. Rồi ông cho trợ lý yêu cầu những nhân viên phục vụ khi mang bia ra cho khách đều phải nói rằng đấy là ly bia mà Chủ tịch KGB đã đưa xuống khi được tặng. Bằng cách này, ông muốn các cán bộ cấp phó của ông cũng nên biến những món quà mà họ có thể được tặng thành của công. Cách làm như thế của Yu.

Andropov rất có tác dụng và giúp cấp dưới của ông trở nên những người chí công vô tư hơn...

Phan Trọng Nhân
.
.