Nhớ Nguyễn Đình Thi… một người Hà Nội
- Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi và những bài ca đi cùng năm tháng
- Nhà văn Nguyễn Đình Thi: Dồn nén bao năm để có một "Vỡ bờ"
- Nhà thơ Nguyễn Đình Thi: Sóng mãi còn reo
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng có lẽ, trong tâm thức của những người Hà Nội, mỗi khi giai điệu ca khúc “Người Hà Nội” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi vang lên thì không khí của một Hà Nội hào hoa, hào hùng như được tái hiện trong tâm thức những người con Hà Nội với những ca từ vừa ngọt ngào, vừa hùng tráng: “Đây Hồ Gươm Hồng Hà Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung Hà Nội vùng đứng lên/ Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên/ Hà Nội đẹp sao!/ Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn/ Ngàn nguồn sống tràn đầy dâng”…
Sinh thời, trong một bài phỏng vấn về cảm hứng sáng tác ca khúc Người Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã chia sẻ: “Bài Người Hà Nội tôi viết vào đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội còn đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thuỷ bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà bên kia sông lúc bấy giờ là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về.
Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học với tôi từ hồi còn học ở Trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành đúng vào đêm 19-12 tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội cứ bốc cháy - một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau đã xuất hiện trong bài hát: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời...".
Trong ngôi nhà tôi ở làng Khúc Thủy có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại vì bị hỏng. Tôi ở đấy và hàng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu thành ra có ý làm một bài hát về Hà Nội.
Một buổi tối, tôi ngồi và đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu óc tôi vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng và bầu trời Hà Nội cháy hiển hiện trở lại. Tứ nhạc cứ thế hiện ra. Cảnh đầu tiên là "Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên... ", rồi nhớ Hà Nội có "Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao..." rồi kết thúc trở lại những câu đầu.
Lúc đó bài Người Hà Nội tôi chỉ viết đến đấy. Anh Thép Mới tình cờ đọc được những dòng nhạc tôi viết nháp trên một tờ giấy. Anh khuyến khích và thế là bài hát ấy được in ở báo Cứu quốc Tết 1947 gởi tặng các chiến sĩ trung đoàn quyết tử ở Liên khu Một (sau được tổ chức thành Trung đoàn Thủ đô).
Lúc đầu bài hát có tên là Bài hát của một người Hà Nội. Sau trận đánh ở Hà Nội, các cơ quan chuyển lên Việt Bắc.
Thu Đông Việt Bắc năm 1947, Pháp lại nhảy dù xuống Bắc Cạn đánh lên Thái Nguyên, Tuyên Quang. Chính trong những ngày ấy tôi mới nghĩ đến việc viết đoạn kết cho bài hát, đến khoảng Tết năm 1948 thì xong.
Vào năm 1951, bài hát được biểu diễn ở Berlin tại Liên hoan Thanh niên thế giới. Khi viết Người Hà Nội, tôi mới hơn 20… Chính tôi cũng không hiểu sao hồi đấy mình lại viết bài hát như thế, tự nhiên viết được thôi. Và chính vì nó tự nhiên nên lại biểu hiện cái chất tâm hồn mình nhiều hơn. Vì không phải là nhạc sĩ nên tôi coi bài hát là một sự sáng tác quý trong đời mình…”.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi quê ở Hà Nội nhưng ông sinh ở Luang Prabang (Lào). Đến 5 tuổi, ông theo bố mẹ trở về nước và đi học ở Hà Nội rồi Hải Phòng.
Từ nhỏ, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng thông minh, học rất giỏi tất cả các môn, đặc biệt là môn Triết. Đang đi học mà ông đã viết sách triết học như Triết học nhập môn (1942), Triết học Căng (1942), Triết học Nitsơ (1942), Triết học Anhxtanh (1942), Siêu hình học (1942) và cùng một số người bạn học bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông học Luật ở Đại học Đông Dương và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hoá Cứu quốc. Là trí thức yêu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Ông đã từng là đại diện của Việt Minh trong Đảng Dân chủ. Hai lần bị kẻ thù bắt bớ, tra tấn, mua chuộc nhưng ông vẫn một lòng thuỷ chung với cách mạng.
Tháng 7-1945, Nguyễn Đình Thi được đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Từ đó cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Thi liên tục đảm nhận những cương vị quan trọng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam.
Ông được đánh giá là một người đa tài, hào hoa. Mặc dù ông là một nhà hoạt động chính trị, song, mỗi lần nhắc đến ông, độc giả lại nhớ đến một nhà thơ với những sáng tác đầy chất riêng vừa lãng mạn, bay bổng, vừa lắng đọng những suy tư nhưng cũng đầy quật khởi, phóng khoáng. Ông đã để lại những áng thơ bất hủ trong văn học hiện đại Việt Nam như Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ...
Ông là người mở đầu cho đổi mới thơ ca và là “chủ nhân của đề tài gây tranh luận ngay từ năm 1949 với những thể nghiệm mới mẻ trong cấu tứ, hình ảnh và thể loại. Ở địa hạt văn xuôi, ông nổi lên với tiểu thuyết Xung kích, tiểu thuyết đầu tay của ông đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng trung du (1951). Tác phẩm này đã đạt giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952.
Đặc biệt là hai tập tiểu thuyết Vỡ bờ, bộ tiểu thuyết sử thi tái hiện bức tranh nhiều chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939 – 1945 với những thăng trầm của những số phận đại diện cho một số tầng lớp xã hội trước biến cố lớn lao của lịch sử dân tộc…
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi còn nổi danh với hàng chục vở kịch sáng đèn trên sân khấu Việt Nam như Con nai đen (1961) đến Hoa và Ngần (1975), Giấc mơ (1983), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Người đàn bà hóa đá (1980), Tiếng sóng (1980), Cái bóng trên tường (1982), Trương Chi (1983) và Hòn Cuội (1983 - 1986)…
Trong cuộc đời riêng, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng là một người đa đoan. Ông có ba người con với người vợ đầu tiên. Trong đó, có người “nối dõi” nghiệp văn chương của cha mình là nhà văn Nguyễn Đình Chính với những tiểu thuyết để lại dấu ấn như Đá trắng trong thung lũng, Đêm thánh nhân…
Trước khi qua đời, ông sống cùng NSND Tuệ Minh, năm nay bà đã 82 tuổi. Bà vốn là diễn viên của đoàn văn công Trung ương từ năm 15 tuổi trong vai trò là một diễn viên kịch, hát chèo và múa. Bà có giọng nói mượt mà, biểu cảm, trẻ trung, nên được Xưởng phim Việt Nam tuyển làm công việc lồng tiếng. Nhưng dường như con người diễn viên trong bà vẫn thổn thức, khao khát, nên bà đã có cơ hội để có được vai diễn nhỏ trong bộ phim Chung một dòng sông.
Sau này, khi đã nổi tiếng với nhiều vai diễn chính, nghệ sĩ Tuệ Minh chia sẻ rằng, bà vẫn không quên được ấn tượng của cái "vai không thành vai" ấy khi bà hăng hái chạy trên cánh đồng khô nứt nẻ, ngã lên ngã xuống dưới ánh nắng chói chang...
Sau này bà nổi tiếng với những vai diễn như chị Thơm trong Một ngày đầu thu (Đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh), chị Y trong Nguyễn Văn Trỗi (Đạo diễn Bùi Đình Hạc), Hương trong Vợ chồng anh Lực (Đạo diễn Trần Vũ), Thương trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (Đạo diễn Hải Ninh), chị bán gạo trong Em bé Hà Nội (Đạo diễn Hải Ninh), xơ Khuyên trong Ngày lễ thánh (Đạo diễn Bạch Diệp)...
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi và NSND Tuệ Minh có một mối tình đẹp và thơ mộng. Theo nữ diễn viên, ông làm nhiều bài thơ tặng bà, trong đó có bài thơ Nhớ nổi tiếng: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây/ Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn/ Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi và vợ NSND Tuệ Minh. |
NSND Tuệ Minh từng chia sẻ với báo chí về cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Đình Thi: "Tôi và nhà văn Nguyễn Đình Thi gặp nhau từ trong kháng chiến chống Pháp. Anh Thi gửi bà mẹ vợ và 2 con nhỏ mồ côi mẹ cho đoàn tôi, khi anh đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi coi anh Thi như một người anh cả. Chính anh Thi đã gả chồng cho tôi, một người chồng có học, tử tế, có tâm hồn nghệ sĩ...
Sau ngày tiếp quản thủ đô năm 1954, hai anh em rủ nhau thăm Hà Nội và đi lên cầu Long Biên. Rét cứ là run lên! Khi anh Thi tới xin phép đơn vị cho tôi đi chơi cùng với anh, anh đã mua cho tôi một bó hoa hồng. Anh bảo, anh rất thích nhìn những cô gái xinh đẹp ôm hoa hồng.
Tôi lúc ấy cứ thấy ngại vì thương anh Thi chỉ có đồng lương bộ đội, lại còn phải nuôi con nữa, mua hoa hồng thế này thì tốn tiền lắm!... Rồi hai anh em đi chơi khắp nơi và đi lên cầu, ngắm cảnh, chuyện trò, quên cả thời gian... Chợt tôi nhận ra rằng sắp tới giờ biểu diễn rồi, nếu tôi không về kịp giờ mở màn thì thể nào cũng bị kỷ luật. Tôi bối rối. Anh Thi bình tĩnh cầm tay tôi bước qua lan can vào đường tàu hỏa. Hai anh em nhích từng bước nhỏ, đi tắt nên cũng rút ngắn được thời gian!
Tôi như rơi cả tim khi nhìn xuống phía dưới chân mình, nước sông Hồng cuồn cuộn chảy. Tới nơi, cũng kịp giờ mở màn. Sau này có lúc tôi nói, em sợ quá, sao anh bạo thế! Anh đáp, không thể để em muộn giờ được!
Sau này, khi tôi và anh Thi đã sống cùng nhau, anh đã thổ lộ, anh mến em ngay từ trong kháng chiến, nhưng anh cảm thấy mình không có quyền tỏ tình với em vì em còn trẻ quá, còn anh thì góa vợ, lại có thêm mấy đứa con nữa... Sống với anh, tôi cố gắng làm tròn chức phận người vợ, săn sóc anh, bù trì cho anh...
Có lần, anh nói, em chiều anh quá, anh giờ cứ sướng như một ông vua ấy! Nhưng anh ấy là một người chồng mà khi còn sống, tôi chưa cảm thấy hết được tất cả tình cảm của anh ấy. Chỉ khi anh ấy qua đời rồi, tôi mới cảm nhận được hết tôi đã bị mất một điều to lớn thiêng liêng thế nào. Tôi cảm thấy một nỗi thiếu hụt khủng khiếp và đau đớn…”.
Bây giờ nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã là người thiên cổ. NSND Tuệ Minh cũng đã già yếu và không thể chuyện trò nhiều. Bà sống ở trung tâm dưỡng lão cùng những người già cô đơn khác bên cạnh mình. Thỉnh thoảng có bạn bè cũ đến thăm bà và nhắc lại những câu chuyện xửa xưa về bà và nhà thơ Nguyễn Đình Thi khiến bà xúc động chắt từng giọt nước mắt mặn chát trên gương mặt già nua…
Cuộc đời trôi qua như chớp mắt, con người không thể cưỡng lại được những khắc nghiệt của thời gian và số phận. Chỉ có những tác phẩm là sống mãi, như khúc ca về Người Hà Nội, đã bao nhiêu tháng năm trôi, qua bao nhiêu sự đổi dời, giai điệu đó vẫn còn sống mãi với thời gian…