Nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Buồn vui một thuở

Thứ Ba, 27/08/2013, 15:01
Bây giờ ngồi viết những dòng này giữa Hà Nội đông đúc, ồn ào 7-8 triệu dân, bụi khói, nhà chọc trời, xe pháo nghẹt đường, đất Hà Nội hôm nay rộng đến tận Chùa Hương, sang đến tận Hòa Bình. Thế mà tôi vẫn tiếc nuối một Hà Nội xưa và càng nhớ thương anh Vũ chị Quỳnh. Sao lại thế? Xin kể bạn nghe một vài kỷ niệm của tôi với anh chị Vũ - Quỳnh

Hồi ấy, những năm 60 của thế kỷ trước, Hà Nội chưa to như bây giờ, chừng 1 triệu dân. Một Hà Nội cổ kính “mái ngói rêu phong”, một Hà Nội thanh bình không ồn ào, nhiều hồ, nhiều cây xanh, có tàu điện và còn nghèo.

Ai sang lắm (bây giờ gọi là “đại gia”) thi đi Vespa, Mobilet và Solec, xe đạp thì “Pô giô”…

Vì ít người nên ai nổi tiếng thì biết ngay. Ví dụ: Cà phê ngon của Giảng Hói; phở ngon thì có Thìn Bờ Hồ và Tư Lùn; bún chả Hàng mành của bà Đắc; chả cá Lã Vọng. Chụp ảnh thể thao thì có Phan Sang; chụp ảnh nghệ thuật thì có Văn Phụng; múa thì có Chu Thúy Quỳnh; xiếc thì có Ngô Ngọc Yêng; cua rơ thì có Mạc Đình Trường, Mạc Đình Chính. Bắn súng điệu nghệ thì có Tạ Đình Đề. Chơi guitar hay thì có Tạ Tấn, Hải Thoại, Văn Vương. Hát hay thì phải kể Trần Khánh, Trần Thụ, Thanh Hiếu, Quý Dương, Minh Đỗ, Quốc Hương, Bích Liên… Sau đó là lớp trẻ hát hay có Huy Túc, Trọng Nghĩa, Ngọc Bé, Văn Sáu…

Mỗi một bộ môn đều có người tài, thế rồi bỗng nhiên xuất hiện những cái tên trẻ: Nguyễn Ánh (anh trai Tất Bình) viết kịch Kim Đồng, Tố Uyên đóng bé Nga trong phim Con chim vành khuyên, Đỗ Chu viết Phù sa, Hương cỏ mật và Lưu Quang Vũ có bài thơ Vườn trong phố v.v. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang viết và dựng Những người quyết  tử  (chuyển thể từ tiểu thuyết Lũy hoa của Nguyễn Huy Tưởng v.v).

Ở bài viết này tôi muốn nói những điều mọi người chưa nói về Lưu Quang Vũ (LQV) - Xuân Quỳnh (XQ) và sự nghiệp của họ cùng những chuyện của Hà Nội những năm đó.

Tôi nhớ lúc đó mình lên 7, 8 tuổi thì phải, ông bố tôi cứ “tha lôi” tôi đến những ngôi nhà cũ ọp ẹp, cầu thang ngoắt ngoéo để đàm đạo với mọi người. Các cụ nói những chuyện gì mà say sưa tới cả buổi, rồi đàn ca sáo nhị, rồi chuyện trời chuyện đất dài ơi là dài mà không hề chán. Lúc đầu mình buồn lắm, ngứa ngáy chân tay, trẻ con mà, đang tuổi hiếu động. Nhưng về sau mình nghe lâu dần cũng quen tai, rồi thấy thích các bác ấy.

Những cái tên: Bể, Mầm, Ba, Mật, Ngôn, Bưởi, Bông, Phụng…, rồi các bà Vân Đài, Ngân Giang, Hoàng Thị Thế, Lê Thị Vĩnh, bà Tham, bà Đốc, bà Dịu Hương. Song nhớ nhất là mấy ông bạn cực thân của bố tôi: Lưu Quang Thuận, Bửu Tiến, Lộng Chương, Nguyễn Hoàng Quân, Hải Âu, Tào Mạt, Trần Huyền Trân, Chu Ngọc, Ngọc Đĩnh, Quý Bôn…

Vì các bậc cha mẹ chơi thân và quý hóa nhau mà dần dần lây sang các con.  Chúng tự tìm đến nhau. Bố tôi bảo: “Nhà bác Lưu Quang Thuận có thằng Lưu Quang Vũ sau này nó sẽ giỏi hơn bố nó cho mà xem”.

Vì thế tôi càng để ý nhiều về anh Vũ để xem lời tiên đoán của bố tôi có đúng không? Dưới anh Vũ có anh Hiệp (bạn anh Bằng Sơn), có Lưu Khánh Thơ. Tôi cũng là người yêu thơ văn và nghiện sân khấu, vì thế yêu và phục LQV là chuyện bình thường. Sau này anh Vũ nổi như cồn ở sân khấu, anh được gọi là “hiện tượng Lưu Quang Vũ”. Sau khi mất anh được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuộc đời Vũ đã dành quá nhiều cho sân khấu, phải kể đến các vở Nàng Si ta, Tin ở hoa hồng, Tôi và chúng ta, Vụ án 2.000 ngày, Lời thề thứ chín, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Hồn Trương Ba da hàng thịt v.v.

Thuở đó kịch bản hay lắm, diễn viên giỏi lắm, khán giả yêu chuộng sân khấu lắm, người đông nườm nượp, có vở tới cả mươi đoàn dựng. Thời điểm đẹp nhất này Vũ đang có tình yêu và hạnh phúc với vợ là nhà thơ  Xuân Quỳnh. Vũ gặp Quỳnh như cá gặp nước, ngược lại, Quỳnh cứ âm thầm yêu và chăm chút Vũ, thỉnh thoảng lại ra một bài thơ “đắng đót” và da diết tình yêu với chồng...

 Cứ thế họ đỡ nghèo, bắt  đầu có tí chút đỡ đần nội ngoại bạn bè và những người thân. Nhưng họ vẫn yêu ngôi nhà 96 phố Huế. Tôi nghĩ sau này có lẽ nên xây dựng nhà 96 phố Huế là điểm du lịch văn hóa, vì ở đó có gia đình Lưu Quang Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Văn Ký, Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuân và nhiều thi nhân, tài tử khác. Hà Nội là thế. Một góc phố nhỏ Ngô Sĩ Liên dài non nửa cây mà có Quốc Sỹ, Hải Như, Hoàng Tích Chù, Vân Đài, Quý Dương và… cứ thế hôm nay tôi như lần giở lại cuốn “từ điển” về Hà Nội trong đó có tình yêu với Vũ và Quỳnh. Yêu về tài năng trí tuệ của người Hà Hội những năm ấy.

Nhưng ngoài những thứ trên, tôi còn khâm phục và yêu anh Vũ ở nhiều nhẽ khác.

Trước hết,  anh là một người giàu tự trọng. Có một chuyện khi anh ở binh ngũ, một vị tướng thấy anh có tài, gọi đến, tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh sáng tác, và có nhắn nhủ anh viết hộ hồi ký về vị chỉ huy đó. Anh nói thẳng: “Nếu viết thì tôi sẽ viết về Bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chứ tôi chưa thể viết về  thủ trưởng được”. Thế là muôn nỗi cay cực đến với Vũ. Vũ chấp nhận, về Hà Nội, không biên chế, không sổ gạo, không hộ tịch… và nhiều cái không khác.

Nhưng bù lại Vũ có một gia đình bao bọc chở che cho mình. Vũ được dạy dỗ, học hành chu đáo (được cả Nguyễn Viết Song dạy học vẽ). Mối tình đầu cho Vũ đứa con trai kháu khỉnh Lưu Minh Vũ (Kite) và cô vợ đẹp  Tố Uyên. Sau này trục trặc chia tay Uyên, tưởng là hết, thế rồi ông trời “thương” lại cho Vũ gặp Xuân Quỳnh. Chuyện tình yêu của họ đủ cho thiên hạ tốn nhiều giấy mực, rồi đến sự nghiệp đang thời sung mãn nhất của Vũ và Quỳnh thì cả nước lại một phen tá hỏa, nuối tiếc, đớn đau vì sự ra đi “có một không hai” của cả nhà Vũ, trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Đám tang ấy phải kể là to nhất Hà Nội. Mà không phải chỉ ở Hà Nội mà ở đâu người ta cũng xôn xao vì sự ra đi này. Đau đớn thay! Bạc mệnh thay!

Bây giờ ngồi viết những dòng này giữa Hà Nội đông đúc, ồn ào 7-8 triệu dân, bụi khói, nhà chọc trời, xe pháo nghẹt đường, đất Hà Nội hôm nay rộng đến tận Chùa Hương, sang đến tận Hòa Bình. Thế mà tôi vẫn tiếc nuối một Hà Nội xưa và càng nhớ thương anh Vũ chị Quỳnh. Sao lại thế? Xin kể bạn nghe một vài kỷ niệm của tôi với anh chị Vũ - Quỳnh.

Hôm đó tôi cùng vợ (Minh Huệ) có công việc lên Hà Nội. Tôi bảo vợ: “Chúng mình đến thăm vợ chồng anh Vũ”, Huệ đồng ý ngay vì bác Lưu Quang Thuận là thần tượng của Minh Huệ. Huệ kể trong đời làm sân khấu thì vai diễn “để đời” của Huệ là cô Tấm, tác giả vở chèo Tấm Cám chính là bác Thuận. Có lần xuống Quảng Yên để xem đoàn chèo Quảng Ninh tập vở này, bác Thuận nói: “Huệ đóng Tấm đạt nhất trong các cô Tấm ở Việt Nam”. Chả biết là để động viên hay bác Thuận “thích” cô Tấm Minh Huệ, song có một điều là ngay sau đó bác Thuận về Hải Phòng có việc, trên đường đi qua phà Rừng, bác chợt nghĩ ra một câu thơ hay cho vở diễn, bác đạp xe ngược lại Quảng Yên để chép cho Huệ một câu:

“Bụt thương con mồ côi khổ sở
Đội ơn người đến thác không quên
Thấy Bụt về cõi Phật đường Tiên
Để con trẻ lên đường xem Hội”.

Cũng chỉ vì 4 câu này mà ông già Thuận phải lọc cọc với chiếc xe đạp đi vài chục cây số. Thế mới hay cái tài, cái tâm, cái tình của nghệ sĩ - nhà soạn chèo Lưu Quang Thuận.

Ta nói tiếp về số nhà 96 phố Huế, trong căn hộ chừng 12m2, ở tầng 3 căn gác đó là nơi ở của vợ chồng Vũ - Quỳnh. Nhà toàn sách, không có bàn ghế cho khách ngồi. Cả chủ và khách cùng ngồi bệt xuống nền nhà. Hôm đó gặp đúng bữa trưa, Vũ bảo Quỳnh: “Hôm nay chúng mình thết khách Quảng Ninh món cơm rang đặc biệt nhé!”. Quỳnh và Huệ xuống bếp, vừa rang cơm vừa chuyện trò. Hai vị hợp nhau là cùng “cạ” lấy chồng ít tuổi nên xem ra ý hợp tâm đầu lắm. Tôi nhớ bữa đó là cơm rang, có xá xíu, lạp xường, kiệu, Quỳnh hỏi Vũ: “Hai vợ chồng mình, hai vợ chồng Thái - Huệ thì cho mấy quả trứng?”, Vũ cười lớn  “Mỗi người hai quả!”. Nghe thấy tám tiếng đập trứng, rồi mùi hành khô phi lên thơm lừng, ngồi nói chuyện kịch mà cái mùi thơm ấy khiến hai người đàn ông của thời kỳ bao cấp chộn rộn. Một người là lính, một người là thợ mỏ “ăn sóng nói gió”  nên hiểu nhau. Vũ bảo: Kệ chị em họ, chúng mình cố đợi.

Lát sau một đĩa to vật cơm rang được bê lên, các cánh tay đón vội rồi ăn ngấu nghiến. Bữa cơm rang đó có màu vàng rộm của trứng, đỏ au của lạp xường, trắng nõn của xá xíu, xanh ngắt của mấy cọng hành. Đến giờ tôi vẫn không quên được. Đấy là chưa kể một con cà cuống được Quỳnh cắt nhỏ rắc lên trên rưới một ít magi màu nâu sẫm vàng sánh như mật ong. Chao ôi, sao nó lại ngon đến vậy?  Khiếu ẩm thực của người Hà Nội qua đôi tay Quỳnh sao nó lại “ấn tượng” như vậy?

Để đáp lễ, sau đó một thời gian, vào mùa hè, tôi mời vợ chồng Vũ - Quỳnh xuống Quảng Ninh. Hồi đó tôi ở xóm chài Hùng Thắng, ngôi nhà nhỏ cạnh biển lợp giàng giàng, suốt ngày sóng vỗ ì oạp. Gặp hôm nước “cường” sóng đánh mạnh vào giữa sân, củi rác lềnh phềnh. Vợ chồng Quỳnh - Vũ thích lắm, khuyên: “Đừng có dại mà ra phố, ở nhà ống khổ lắm, chúng mày sướng thật, nhà có hàng sào đất, cây cối um tùm, dứa trên đồi vàng rực, trong khi đó anh chị ở tầng 3 có hơn chục mét vuông”. Nói xong, Quỳnh thở dài. Còn Vũ thì cười khùng khục: “Cứ bám biển hoang dã thế này mà sống, anh chị mơ không được đâu!”.

Sau một vài ngày chơi, lúc về, tôi biếu anh chị ít tôm mà mình đi đánh “xiết” được. Ra đến cổng ngõ rồi, chị Quỳnh tần ngần mãi. Hỏi chị muốn gì? Chỉ lên cây mít đầu cổng, chị bảo mấy hôm vừa rồi ăn mít ngon lắm,  “mật” cũng ngon mà “dai” cũng ngon. Thế là Thái Linh (lúc đó lên 7) trèo lên mồm ngậm con dao để “hạ” mít. Anh Vũ bảo thằng này giống “Tô Kai Tô” (nhân vật chính trong bộ phim Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại), cả nhà cười ầm vì thằng bé lúc đó cởi trần, mặc quần đùi rộng lòi “cả chùm”.

Sau đó cả nhà quyết định tiễn anh chị Vũ - Quỳnh ra tận bến xe khoảng chừng hơn ba cây số. Tất cả đều đi bộ vì hồi đó gia đình tôi chỉ có 1 chiếc xe Điamăng. Hai quả mít đó sau này anh chị Vũ - Quỳnh kể lại: Không những nhà mình thưởng thức mà còn mời được mấy người hàng xóm ở 96 phố Huế ăn mới hết…

Bằng Thái
.
.