Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Trót say một giấc mộng dài

Thứ Bảy, 07/11/2015, 23:16
Giả mà uống được, Nguyễn Á sẽ đưa hai tay nâng chén rượu sóng sánh mà cạn chén hồ trường. Giả mà hút được, Nguyễn Á sẽ cuộn một điếu thơm lựng, to càng, khói váng cả một góc trời. Song, Nguyễn Á không cần những thứ hình thức đó để “giới thiệu”, để “đánh dấu”, điểm tô chất nghệ sĩ trong mình. Nguyễn Á cứ là Nguyễn Á thôi. Mải mê từ cơn này sang cơn khác, say một giấc mộng, đắm một cơn mê. Rất dài và rất rộng…

1. Một gã ham chơi nào đó, vào một ngày có thể đặc biệt, hoặc không có gì đặc biệt, trong phút giây có thể ngẫu hứng hoặc bình thường như mọi ngày, ví von nhẹ bẫng rằng, cuộc đời là một chuyến rong chơi. 

Ai biết được, lúc đó gã say hay tỉnh. Tuy nhiên, chắc chắn là, ở những cuộc chơi đó, gã đã đem hết ruột gan mà bày, mà tỏ để người ta tường tận. Cuộc chơi nào, gã cũng hăng say, nhiệt thành, cũng hào sảng, khẳng khái và đau đáu như thể đấy là lần cuối. Để hoàn thành, những người như gã thường hiếm khi ngoái đầu lại. Bởi lúc ấy, gã đang túi bụi chúi vào một cuộc chơi khác. Viết điều này, nghĩ là gần như trong cuộc đời của chính mình, gã thường hiếm khi tỉnh!

Nhiếp ảnh, với Nguyễn Á, là một cuộc chơi như vậy. Va vào nhau trong một lần rồi yêu, thương, rồi say, mê, rồi hồn nhiên tận hiến. Chưa bao giờ toan tính thiệt hơn, chưa bao giờ than vãn hay mưu cầu bất cứ điều gì cho bản thân, kể cả thứ danh vọng mà Nguyễn Á đang sở hữu. Mấy lúc bớt “điên”, Nguyễn Á có tự vấn? “Nhiều khi tôi vẫn tự hỏi, cực khổ như vậy để làm gì? Mấy anh chị em trong nhà thấy tôi đi túi bụi, cực quá mà túi thì không bao giờ có tiền, mượn chỗ này chỗ kia, xót lắm! Cũng hỏi hoài, cực như vậy để làm gì? Mà hỏi vậy thôi chớ tôi không có trả lời được!” - Nguyễn Á cười hề hề, miệng tươi hết cỡ. Nguyễn Á hay cười. 

Và một khi đã cười thì thể nào cũng rạng rỡ như cách Nguyễn Á cho đi. Nghĩ là phải nói, một khi nói thì phải hết lời hết lẽ, hết ý hết tứ. Cái tính bộc trực, cởi mở này giúp Nguyễn Á có thêm nhiều bạn song cũng khiến nhiều người không được vui. Thì đời sống vốn dĩ làm sao có thể và có thời gian để làm vui hết tất cả mọi người. Làm gì có cái gọi là giá trị tuyệt đối?

Cắc cớ “truy” Nguyễn Á: “Nhiếp ảnh có ma lực gì khiến anh mê dữ thần vậy?”. “Ý tưởng trỗi dậy thì mình phải làm chớ, không làm chịu đâu có được. Tiền thì lúc nào chẳng thiếu. Nên ý tưởng và cơ hội đến thì mình cứ mượn làm tiếp rồi từ từ trả. Biết đâu, mốt có nhiều tiền rồi mình lại không có ý tưởng gì nữa!”. 

Là tự an ủi vậy chứ lúc nào có nhiều tiền, Nguyễn Á không trả lời được, cũng không ai biết được. Mỗi cuốn sách của anh là cả một công trình, tập hợp nhiều câu chuyện được dụng công và đầy tâm huyết, nặng ký về cả hình thức lẫn nội dung. Giá thành do thế cũng không dễ tiếp cận. Mặt khác, người mình lại chưa quen với thể loại sách ảnh.

Mấy lúc, ở những đoạn khốn khó của đời sống, Nguyễn Á ngồi ngó ra khoảng vườn nho nhỏ trước phòng làm việc, thầm mong: “Phải có ai mua chừng trăm cuốn sách cũng đủ để mình xoay tiền triển khai những ý tưởng tiếp theo!”. Mong đợi vậy chứ Nguyễn Á chưa khi nào ngỏ lời xin tài trợ và cũng khước từ không ít lời đề nghị hỗ trợ, dẫu với quan hệ và tiếng tăm của Nguyễn Á, tôi tin anh hoàn toàn đủ uy tín thực hiện. Đơn giản là vì anh muốn thỏa sức sáng tạo, tự do bay nhảy với ý tưởng, với đam mê.

2. Nguyễn Á, lần nào xuất hiện cũng mới mẻ, cũng đầy bất ngờ và khiến những ai yêu mến anh đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác lẫn thán phục. Con người ấy lấy đâu ra ý chí và sức lực để lăn trải nhiều đến vậy.

Gia tài của Nguyễn Á tính đến thời điểm hiện tại là 6 triển lãm và 5 quyển sách ảnh, quyển nào cũng ăm ắp tâm tư, tình cảm của người cầm máy - hướng về cộng đồng, phục vụ cộng đồng. Là vô vàn kỷ niệm, là hàng ngàn bước chân in dấu trên khắp mọi miền đất nước, từ đất liền đến biển đảo, từ thị thành đến vùng sâu vùng xa. Là tình thương quý của rất nhiều cá nhân, từ người lao động cho đến trí thức, từ những con người bình thường, những cá nhân chẳng may chịu một vài khiếm khuyết trên cơ thể cho đến những cá nhân kiệt xuất mà Nguyễn Á từng tiếp xúc. Là âm thầm động viên của gia đình, là ân tình nồng hậu của bè bạn tứ xứ. Triển lãm nào của Nguyễn Á cũng tấp nập bạn bè, tấp nập nhân vật, dù xa xôi, dù nghèo khó, ai cũng muốn được tụ hội, được ôm hôn, được quàng vai, siết tay, nói lời hân hoan.

Có lẽ, không chỉ riêng Nguyễn Á mà sẽ còn nhiều người nữa rưng rưng khi chứng kiến những nghệ nhân, những đứa con của đờn ca tài tử đủ mọi độ tuổi, đủ mọi vùng miền từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận,… rủ nhau về Sài Gòn trong một ngày nắng đẹp. Họ dậy từ lúc gà chưa gáy, lót dạ vội vội vàng vàng bằng ổ bánh mỳ mua ở bến xe, bắt chuyến sớm nhất để kịp về thành phố chúc mừng người con/đứa cháu/người anh/người bạn từng ghi lại câu chuyện của họ trong vài khoảnh khắc. Buổi mai hôm ấy, Nhà Văn hóa Thanh niên chật ních người.

Chia sẻ suy nghĩ về cuốn sách mới nhất Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương của Nguyễn Á, Tiến sĩ Văn hóa – nghệ sĩ đờn tranh Hải Phượng bày tỏ: “Những tài tử không phải là người mặc trang phục đẹp lên sân khấu, cần được nổi tiếng, hay cần được báo chí săn đón… Họ là những người ở trong nghề ít nhất phải chục năm mới dám tự tin cầm lấy cây đàn. Vậy nên, đi theo họ để thực hiện được một bộ sách ảnh ghi nhận lại những cống hiến của họ phải thực sự là một người có tâm. 

Phải nói rằng, anh Á là một người cực kỳ say mê. Có lẽ bây giờ, mọi người chưa cảm thấy quý cuốn sách. Nhưng về sau, đây sẽ là thành quả vô giá, là những tư liệu quý báu về đờn ca tài tử để con cháu xem lại”. Trộm nghĩ, nào chỉ riêng cuốn sách này mà 4 cuốn sách còn lại của Nguyễn Á nữa, đều quý báu và vô giá.

3. Điều khiến những cuốn sách của Nguyễn Á trở nên đặc biệt nhưng ít được đề cập chính là tính báo chí và chất thời sự của nó. Hẳn là, những ngày còn trẻ, gắn với công việc bán báo, giao báo của gia đình và sau này chụp ảnh bìa cho các báo đã rèn cho Nguyễn Á tính tinh nhạy, biết thu nạp lượng thông tin cần kíp. Nguyễn Á hồn nhiên với nghề song cũng hết sức tỉnh táo trong tư duy, lựa chọn đề tài. Anh biết rất rõ điều gì đang được cộng đồng quan tâm. Và cần phải làm gì để trả lời những quan tâm đó.

Cầm máy từ năm 22 tuổi, khi còn đang chơi thể thao cho đội tuyển thành phố, Nguyễn Á mê chụp ảnh từ một lần tình cờ. Được người anh thứ sáu hướng dẫn thêm, rồi cố nhạc sĩ Phùng Huy, bấy giờ đang là họa sĩ phụ trách bìa báo cho báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh dìu dắt, Nguyễn Á bước chân vào chụp ảnh người nổi tiếng, chụp ảnh bìa báo. 

Lúc ấy, đam mê thể thao vẫn còn lớn, Nguyễn Á chụp ảnh như một nghề tay trái cho vui. Ai ngờ càng gắn bó, đâm mê mẩn hồi nào không hay. 5 năm làm việc trong studio, hứng ánh đèn flash liên tục, mắt Nguyễn Á trở nên chậm phản xạ với banh bóng. Anh chuyển hẳn sang chụp ảnh chuyên nghiệp. Hai mươi mấy năm nay, anh sống được nhờ nghề chụp ảnh cưới, ảnh sự kiện, quảng cáo, làm lịch.

Nguyễn Á trong một lần tác nghiệp.

Bước ngoặt đến với Nguyễn Á khi anh tham gia hướng dẫn sinh viên tình nguyện mùa hè xanh vào năm 2008. Ý nghĩ ghi lại những khoảnh khắc sôi nổi, trẻ trung của những người trẻ lóe lên. Cùng năm đó, triển lãm ảnh đầu tiên của Nguyễn Á ra đời với tên gọi “Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh”. Trở lại công việc thường nhật, Nguyễn Á chợt thấy thiếu thiếu. Anh muốn chụp một cái gì đó lớn hơn, hướng đến nhiều người hơn. Thế là, lần lượt những cuộc triển lãm và sách ảnh của anh ra đời. Họ đã sống như thế! (2008), Tâm và tài, họ là ai? (2012), Nick Vujicic & Những ngày ở Việt Nam (2013), Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam (2014) và năm nay là Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc - quê hương.

Những nhân vật của Nguyễn Á, dù thầm lặng hay nổi tiếng đều được anh tôn vinh như người hùng ở những góc độ, khía cạnh khác nhau. Làm được điều đó, Nguyễn Á đã đảm bảo được tính khách quan của người cầm máy, khiến những bức ảnh của anh có giá trị hơn rất nhiều.

Đáng quý hơn, Nguyễn Á rất chịu khó tìm hiểu văn hóa vùng miền, tạo nền cho nhân vật vẫy vùng. Nguyễn Á bộc bạch, càng đi nhiều, gặp nhiều, tiếp xúc nhiều, anh thấy mình chỉ là một chấm nhỏ, thấy mình mỗi ngày lớn hơn lên. Anh học được nhiều từ những cá nhân ấy. Sự lạc quan, bản lĩnh, tình yêu cuộc sống,…

Càng đi, anh càng muốn chụp nhiều hơn, kể nhiều câu chuyện hơn, kể một cách đặc biệt nhất mà dung dị nhất để những ai chưa có dịp đi, chưa có dịp tiếp xúc thêm tin và thêm yêu cuộc sống này. Nguyễn Á nhiều lần thú nhận, anh không giỏi nhưng anh làm được là nhờ ý chí và tấm chân tình. Và, anh sẽ không thể vững tâm nếu phía sau không có ba, không có gia đình.

Luôn đặt ra thử thách để chinh phục và bước về phía trước, tránh lặp lại chính mình, con đường của Nguyễn Á nhiều chông chênh song cũng hết sức thú vị và mới mẻ. Nguyễn Á ngại ngần khi ai đó gọi anh là nhiếp ảnh gia. Anh thích cứ là Nguyễn Á thôi, chân phương như tên anh trên sách, trên bảng hiệu studio, không có bất cứ định danh nào đi kèm, cũng chẳng cần màu mè xanh đỏ. Tôi nói vui, Nguyễn Á là kẻ mộng mơ, lãng mạn của thế kỷ trước còn sót lại. Anh cười phá lên: “Cái này là liều mạng!”. Sao cũng được, định danh không làm thay đổi bản chất. Nguyễn Á đã trót say một giấc mộng. Rất dài và rất rộng.

Hoàng Hoài Hương
.
.