Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo: Người đi nhặt những mảnh tình

Thứ Tư, 21/10/2015, 16:44
Có người Việt nào, dù sinh ra và lớn lên ở phố, lại không có cội rễ làng trong máu của mình. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã viết như thế trong triển lãm ấm áp của Nguyễn Hữu Bảo, “Ký ức làng” tại Hà Nội. Những ngôi làng trong ký ức, còn - mất trong biến thiên của đời sống.

Làng của Nguyễn Hữu Bảo là những con người, những chị, những cô, những em bé, những thân phận người. Ông không hướng ống kính của mình vào những góc rộng, của đồng quê, làng mạc, mà trung và cận, để nhìn thấy những mặt người. Phận làng, cũng chính là phận người nổi trôi theo đời sống. 

Làng của Nguyễn Hữu Bảo, có sự êm đềm, bình dị của một vẻ đẹp khởi nguyên của cây đa, bến nước, đồng chiều, cuống rạ của đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng làng của ông, cũng bắt đầu những rạn nứt, đứt gãy khi va đập với đời sống đô thị. Những buồn vui, những đổi thay của làng, cũng chính từ những gương mặt người. Vì sao lại là làng, sau nhiều năm không triển lãm, trong khi Nguyễn Hữu Bảo có cả một kho tàng ảnh về Hà Nội, về miền núi. 

Ông nói: “Tôi là người Hà Nội, bố tôi cũng là người Hà Nội, nhưng gốc gác của mình là từ làng. Tôi sống với làng trong những năm tháng tuổi thơ. Ký ức đó giúp tôi lớn lên, giúp tôi trưởng thành”. 

Đó là những năm tháng đi sơ tán theo gia đình, đi qua những ngôi làng khác nhau. Ký ức đầu đời ấy đã găm vào ông nỗi ám ảnh làng. Và những lúc buồn, ông vẫn thường về làng chơi, dù làng giờ đã đổi thay. Hồi đó, những ngôi làng của Việt Nam nghèo, vẫn còn mái tranh, nhà lá, có lũy tre làng, bếp rạ, vẫn còn những cái bếp đơn sơ được dựng nên từ 3 viên gạch đất nung. 

Những ngôi làng ấy, giờ chỉ còn đâu đó trong ký ức. Làng quê Việt đã biến đổi trong cơn lốc đô thị hóa. Nhưng ông nói, đó cũng là sự biến đổi tất yếu của đời sống. Chúng ta không thể khư khư giữ lại những ngôi làng hoang sơ xưa, vì nó quá nghèo, không thể hoài cổ một cách cực đoan, bởi phía sau sự bình yên đó, ẩn chứa những bi kịch, những nỗi đau.

Làng của Nguyễn Hữu Bảo có vẻ bình yên của những ngôi làng xưa, của đồng rạ, của ráng chiều, của vạt nắng. Nhưng làng của ông, với những con người, những gương mặt ẩn chứa vết dấu thời gian, sự được mất. Có thể là to tát, khi nói rằng mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Điều đó không giống với cách của Nguyễn Hữu Bảo, vốn không thích làm trầm trọng hóa vấn đề. Ông chụp ảnh như hơi thở. Ông coi chụp ảnh cũng là chơi, một gã lãng tử phong trần ngao du trong đời sống, vô tình chộp được những khoảng lặng của cuộc sống mà thôi.

Cứ tự nhiên, an nhiên như thế, cuộc sống đi vào ảnh của Nguyễn Hữu Bảo một cách gần gụi, chân thực nhất. Và những cảm xúc chân thực từ trái tim sẽ chạm tới những trái tim. “Tôi chụp ảnh cũng là cách tôi đang vẽ lòng mình. Vì sao ư, vì lòng tôi như thế, nó sẽ ra những bức ảnh như thế, không thể khác”. 

Tôi hỏi ông, bao nhiêu gương mặt người, bao nhiêu những phận người đã đi qua ống kính của ông. Ông sẽ nhớ ai trong số họ. Ông kể: “Có hai nhân vật, một quen, một xa lạ nhưng đã để lại trong ông rất nhiều cảm xúc. Đó là bức ảnh chụp nghệ sĩ Y Moan và cô bé bán bánh mỳ dạo trong mưa. Bức ảnh chụp cận cảnh một cô bé đang bưng cả một ổ bánh mỳ nóng trong cơn mưa nhòe nhoẹt. “Bánh mỳ nóng chú ơi”. Khi chụp lại khoảnh khắc đó, tự dưng tôi cảm thấy mình có lỗi, cả chuyến đi trong cơn mưa mịt mùng đó, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh cô bé và không chụp được bức ảnh nào nữa.

Đến bây giờ, ở triển lãm này, mỗi lần đi qua bức ảnh ấy, tôi cũng phải bước nhanh vì không chịu đựng nổi những cảm xúc của mình. Còn bức ảnh một người vô cùng thân quen, mà tôi đã may mắn chụp được những khoảnh khắc đầu tiên và cuối cùng của đời ông, đó là nghệ sĩ Y Moan. 

Bức ảnh này tôi chụp ở Tây Nguyên năm 1993, Y Moan ngồi hát giữa núi rừng. Còn bức ảnh sau này, tôi chụp những khoảnh khắc cuối của Y Moan khi ông ra Hà Nội làm live show đầu tiên và cũng là cuối cùng của đời mình”. Những cảm xúc chân thực ấy, chỉ có thể từ một trái tim giàu rung cảm trước đời sống. Và cảm xúc ấy của ông, đã chạm tới trái tim người xem.

Tôi xin mạn phép trích đăng lời của một người bạn của Nguyễn Hữu Bảo đã viết như thế này: “Tôi thích vô cùng bức ảnh chiếc nón đa năng. Dẫu trai phố hay gái thành thị, chưa nói sinh ra và lớn lên ở nông thôn miền Bắc những năm kháng chiến, những năm xa xưa... Có chiếc nón che nắng che mưa đội đầu, có ai mà không một lần dùng nón múc nước sông, nước giếng làng, thậm chí nước ao, nước ruộng uống đỡ cơn khát vào những ngày hè chói chang.

Mấy ai chưa một lần ngả nón đặt mông ngồi vệ cỏ, hay dùng nón làm quạt ráo mồ hôi. Chạm mắt vào bức ảnh mà mọi dây thần kinh rung lên, nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ những buổi ra đồng ngày sơ tán máy bay Mỹ những năm 60-70. Chả thể không động lòng với hình ảnh trời mưa, ngồi trong xe ôtô nhìn qua tấm kính đang chảy từng dòng nước, gương mặt cô bé mặc áo mưa mỏng, cố ngước vọng lên mời: “Bánh mì nóng chú ơi”... 

Bánh mì nóng chú ơi - Bức ảnh ám ảnh Nguyễn Hữu Bảo rất nhiều.

Những bức ảnh đen trắng ghi lại đời sống tự nhiên, là những khoảnh khắc anh bắt gặp, ghi bằng tâm hồn dung dị, dịu dàng, chẳng cần chờ đợi, mai phục, sắp đặt hay chọn lọc. Ý tứ cả mà lại tự nhiên như ai có máy ảnh cũng đều có thể có bộ ảnh như thế”.

Nguyễn Hữu Bảo kỹ đến như không, như chơi, như đến thì đến mà không thì thôi. Không cố tình chờ, cũng không cầu mong, khắc khoải. Những khoảnh khắc đến và đi như cuộc sống vẫn từng ngày từng giờ đi qua. “Tôi chụp ảnh như người đi chơi mang theo máy ảnh, buông bỏ và nhẹ nhõm, cứ như không ấy, thì mọi thứ sẽ đến. Cứ cố làm màu, chờ đợi, sắp đặt thì hỏng hết”. 

Bởi ông chụp ảnh trong tâm thế của một kẻ ngao du trong đời sống rộng dài. Và cuộc sống vô tình lọt vào ống kính của ông những lát cắt chân thực nhất. “Tôi tôn trọng tối đa sự chân thực, bởi điều đó làm nên giá trị cuộc sống, ánh sáng trong ảnh của tôi là ánh sáng của đời sống. Khi chất hiện thực được đẩy lên cao thì sự truyền cảm mới lớn”. Đó là ánh sáng của một buổi chiều tà, khiến ai đó xem thấy rưng rưng, xúc động. Không phải thứ ánh sáng được làm màu bằng son phấn, lòe loẹt. Tự nhiên và nhẹ nhõm đến lạ. Chỉ là một cú chộp, trong một khoảnh khắc nào đó của đời sống, chân thực đến lạ lùng. 

Và chính sự chân thực, không tô vẽ, không làm màu của ông đã chạm tới trái tim người xem. Nó khước từ mọi sự sắp đặt, mọi sắc màu, ảnh của Nguyễn Hữu Bảo đưa chúng ta trở về với những thứ khởi nguyên nhất, đen trắng. 40 năm cầm máy, đi qua những đổi thay của thời cuộc, Nguyễn Hữu Bảo vẫn giữ cái nhìn riêng về đời sống. Với ông, đen trắng chuyển tải đời sống một cách chân thực nhất, chạm tới vẻ đẹp khởi nguyên nhất của cuộc sống, đó cũng là cảm xúc của ông, dòng chảy của tâm hồn ông.

Ông đi nhiều, rong ruổi trên những nẻo đường. Hành trang khi ra đường của Nguyễn Hữu Bảo 40 năm nay vẫn thế, máy ảnh, đồng hồ, thuốc lá, chìa khóa và ví. Chỉ với hành trang đó, bạn gọi: “Có đi ấy không”, chưa cần biết là đi đâu, ông đã trả lời ngay rằng “có”. Một tuần không ra khỏi phố là bị ốm. Đi để thay đổi cảm giác, để thay đổi một tâm trạng và đi để yêu Hà Nội hơn. Đi trong tâm thế của một kẻ rong chơi, tự do ngao du trong đời sống rộng dài. Chụp ảnh để hiểu chính mình. Chụp ảnh là cách soi rọi lòng mình rõ nhất.

Nguyễn Hữu Bảo coi mỗi bức ảnh là một mảnh tình của mình, có thể rất xa lạ, có thể rất gần gụi, giản dị, nhưng nó đi từ một cảm xúc thật, điều đó quý giá hơn một cuộc tình ầm ĩ, mà trống rỗng. Ông quan niệm: “Cái quan trọng nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh là thấy, nhìn không thấy coi như mù”. Ông không phủ nhận cái mới, hay sự cách tân. Nhưng ông không thỏa hiệp với chính mình, hay tự làm nhòe mình vì nó. 

Nỗi buồn trong ảnh của Hữu Bảo, là nỗi buồn có thật của một bà bán hàng rong đi qua phố mà ông chụp được, chứ không phải là nỗi buồn gán ghép. Ông đã phá kiểu dàn dựng, hãy trả cho nhiếp ảnh sự chân thực của nó. Những sự dàn dựng chỉ là màu mà thôi. “Tôi bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tân hiện thực Ý. Điện ảnh Pháp duy mỹ hóa khuôn hình, còn điện ảnh Ý lại chú trọng tính hiện thực”.

Nguyễn Hữu Bảo kể, ông từng mang “Ký ức làng” sang Pháp triển lãm. Những bức ảnh dung dị của ông đã khiến nhiều người xúc động, khiến họ thấy ấm áp như được trở về ngôi nhà trong ký ức của mình. Họ bắt gặp ở đó ký ức về mảnh đất mình sinh ra, nghèo khó, thân thuộc, mộc mạc. Những ký ức đã chìm lấp đâu đó trong tâm hồn mỗi người vì bộn bề đời sống. Và có lẽ, với “Ký ức làng”, Nguyễn Hữu Bảo đã đánh thức những ký ức đẹp đẽ, sơ khởi nhất trong tâm hồn mỗi người.

Việt Hà Nguyễn
.
.