Nhân cách "Tào Mạt chèo"

Thứ Bảy, 30/01/2010, 09:46
Tào Mạt không mấy gây thiện cảm khi lần đầu gặp mặt. Mới nhìn chẳng có tướng mạo vẻ dáng gì là một khách văn chương. Người cao, gầy, to xương, chân tay thô cứng. Bộ tóc rễ tre rất dày, rất xanh, húi ngắn lấn xuống vầng trán thấp. Mặt mũi lúc nào cũng xương xẩu, hốc hác. Duy đôi mắt sâu, nhìn bao giờ cũng thẳng, toát lên nỗi suy tư, ánh sáng trung hậu, cả tin và đôi môi rộng nụ cười thật thà, cởi mở. Đặc biệt giọng nói, bao giờ cũng to tát, gẫy gọn. Một người vụng về nhưng giản dị, và thành thật.

Ông tên thật là Nguyễn Đăng Thục, bút danh Tào Mạt. Tự mình hay do ai đặt cho bút danh ấy và có ý nghĩa gì trong cuộc sống cũng như đeo đuổi suốt cuộc đời sáng tác của ông. Chuyện đó tới nay cũng chưa mấy ai tường tận. Chỉ biết rằng ngay từ ngày đầu thoát ly đi tòng quân, Đăng Thục đã có tên thường gọi như thế. Đồng đội có người đùa Tào Mạt là con cháu Tào Tháo, chúa đa nghi. Thục chỉ cười trừ. Khi vở kịch đầu tiên viết mang bút danh ấy, bạn văn nghệ giễu, Trung Quốc có Tào Ngu kịch tác gia nổi tiếng với vở Lôi Vũ, đặt bút danh này là chơi trội. Đăng Thục chỉ cười mỉm.

Hồi năm sáu tuổi, cha cho đến ở cùng ngôi nhà cao to đồ sộ. Đây là nhà thờ họ của một quan lại phong kiến cỡ lớn, làm việc trên tỉnh. Vị quan lớn giao cho cha trông coi, quét dọn thường ngày, xuân thu nhị kỳ cả đại gia tộc mới kéo về lễ Tết. Lúc rảnh cha thường kể cho Thục nghe  nhiều chuyện Tàu, Đông Chu liệt quốc, Tây du ký, Thuỷ Hử, Hán Sở tranh hùng, Tam quốc diễn nghĩa.. Giữa bạt ngàn hàng trăm vua quan văn nhân võ tướng quân sư lừng lẫy trong khu rừng đại ngàn ấy, một nhân vật chỉ xuất hiện một lần trong Đông Chu liệt quốc là Tào Mạt lại  vô cùng ấn tượng trong đầu óc thơ ngây của bé Thục.

Tào Mạt là mưu sĩ của vua nước Lỗ. Nước Lỗ ba lần chống trả quân Tề đều bị thua, để mất đất Vân Dương. Vua Tề cho mời vua nước Lỗ sang hội thề. Tào Mạt xin đi cùng phò tá Lỗ Trang Công trong tư thế một nước yếu kém. Tề Trang Công cậy thế nước mạnh buông lời sỉ nhục, lên giọng trịch thượng. Vua nước Lỗ  cam chịu mọi bề. Trước cảnh trái ngang Tào Mạt căm uất trợn trừng, máu toé ra cả đuôi mắt, hầm hầm nổi giận, xông đến túm vạt áo vua nước Lỗ, một tay rút gươm lớn tiếng trách mắng Tề Trang Công. Vua Tề vừa sợ vừa nể phục người mưu thần đầy dũng khí đành phải hạ mình xin lỗi vua Lỗ và trả lại đất Vân Dương cho nước Lỗ.

Chàng thanh niên Đăng Thục lấy tên Tào Mạt ngay trong thời gian kháng chiến, hoạt động trong vùng địch hậu Hà Tây sau khi được kết nạp Đảng để tỏ rõ ý chí bất khuất trước thế mạnh của kẻ thù. Khi làm cán bộ tuyên huấn, rồi viết kịch, bút danh Tào Mạt trở thành tên gọi quen thuộc, người ta quên bẵng cái tên Đăng Thục của ông…

Tào Mạt không mấy gây thiện cảm khi lần đầu gặp mặt. Mới nhìn chẳng có tướng mạo vẻ dáng gì là một khách văn chương. Người cao, gầy, to xương, chân tay thô cứng. Bộ tóc rễ tre rất dày, rất xanh, húi ngắn lấn xuống vầng trán thấp. Mặt mũi lúc nào cũng xương xẩu, hốc hác. Duy đôi mắt sâu, nhìn bao giờ cũng thẳng, toát lên nỗi suy tư, ánh sáng trung hậu, cả tin và đôi môi rộng nụ cười thật thà, cởi mở. Đặc biệt giọng nói, bao giờ cũng to tát, gẫy gọn. Một người vụng về nhưng giản dị, và thành thật. Ai quen biết đều yên tâm, cảm thấy là người tin cậy mỗi khi gặp chuyện vất vả, nguy hiểm, mỗi khi có việc nhờ cậy, chẳng nề hà gì.

Có lần nghe tôi giới thiệu về Đa Sĩ, quê vợ tôi, ngoại ô thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông). Một làng nổi tiếng nghề dao kéo, nhiều bậc Nho sĩ, Khoa bảng, trước kia cũng như bây giờ. Nhân ngày hội làng tôi mời ông về, cho họ tộc nhà tôi đôi câu đối. Ông đồng ý ngay và hai anh em đạp xe từ Hà Nội hơn 10 cây số vào Đa Sĩ. Câu đối Tào Mạt cho hồi nào vẫn còn ở nhà thờ họ Trịnh Đa Sĩ. Lại có chuyện rất chi là Tào Mạt: Thường Tết Nguyên đán, ông chẳng mấy khi ăn Tết ở nhà. Sáng mồng một nào cũng sắm đôi cặp bánh chưng, một khoanh giò, hộp mứt... cho vào một bọc đèo sau xe đạp ra chân cầu Long Biên cùng mấy người cù bơ cù bất ăn Tết. Giai thoại về Tào Mạt còn nhiều, nhiều lắm. Chuyện nào cũng đầy ắp tình nghĩa, chuyện nào cũng làm ta xốn xang...

Nói về sự viết thì cũng không ai như Tào Mạt. Cái tướng người vất vả, lúc nào cũng tất bật, xốc xếch, lam lũ. Nhà văn Chu Văn đồng đội cũ của ông hồi nhớ: Thời cơ quan sơ tán, rộng vườn đất nhưng hẹp nhà cửa, bao giờ tới thăm tôi anh cũng đeo một ba lô to, trong đủ chăn áo, màn võng. Còn bản thảo, đó là một tập giấy, mép quăn tít, một mặt in rônêô (công văn hoặc tài liệu bỏ đi) còn mặt kia là giấy trắng tận dụng, nhiều chỗ nhọ nhĩnh. Tào Mạt lập "doanh trại" viết luôn. Bàn viết là một mảnh chõng tre, và ngồi bệt xuống manh chiếu rách. Hoặc là một góc vườn, có gốc tre cành nhãn gì đó, mắc lên cái võng bạt. Thế là đủ. Nhà viết kịch quê mùa của chúng ta ngồi trên võng, gù gù lưng gấu, gật gù mái tóc rễ tre lởm chởm, đưa bút lia lịa. Thỉnh thoảng đứng dậy, vươn vai ngáp dài, cái áo cổ vuông màu nghệ đẫm mồ hôi, và ống quần đùi xoà xoà trên đôi chân gộc gạc. Tào Mạt giải lao, tu bi đông nước chè khô, hút thuốc lá quấn, thở ra từng đụt khói dày, se sẽ hát, rồi lại hát to. Anh đang nhập vào hồn nhân vật. Hát rồi lại viết, viết rồi lại hát. Lại bỗng dưng nhăn nhó bóp trán. Có thể anh đang nắm bắt một ý nào thoáng hiện trong đầu. Trang giấy trước mặt đen kịt những chữ, ngang dọc, chéo, không còn lấy một chỗ hở. Anh đưa lên ngang tầm mắt, ngắm nghía, đọc lại, bệt xuống chiếu, hoặc thong thả đung đưa võng bạt. Con người đánh vật với câu chữ như cày ruộng. Không thấy cái phong thái thanh thản, tài hoa thường có ở một văn nhân.

Đấy là trong thời gian khó. Đến cả sau này, khi đã thành một tên tuổi, đã có nhà cửa tương đối đàng hoàng, phong cách Tào Mạt vẫn không đổi. Đi đâu cũng chung thân bộ áo lính. Nhà vẫn chỉ có cái bàn viết thấp tè đặt trên chiếu trải ở góc nhà. Và khi viết, nhất là lúc đang "lên đồng, nhập cốt" thì vợ con phải đi chỗ khác. Vừa viết, vừa múa, hát, thoắt cái lại buông người bệt xuống chiếu gù lưng viết. Có khi lại đánh mấy nhịp trống con gây... không khí.

Hồi ông ở Lý Nam Đế, đôi lần tới thăm ông, thấy cảnh ấy, tôi phải len lén đứng bên ngoài, đợi ông "hết cơn"  mới dám đánh tiếng. Hồi Tào Mạt vào trong Xuân Đỉnh, trực tiếp dàn dựng vở  chèo "Bài ca giữ nước" cho Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần, trong căn phòng dành riêng cho nghệ sĩ, hằng đêm sửa lại kịch bản, viết lại một làn hát, ông vẫn thế. Có đêm thức giấc giữa đêm, trời chưa sáng, hứng lên ông xuống khu tập thể diễn viên gọi dậy tập tành. Một khuôn múa, một làn hát, một khúc thơ ngâm, một điệu thức... mới nghĩ ra hoặc mới chỉnh sửa. Các nghệ sĩ trong đoàn đã quen cách làm việc của ông thầy, nên chẳng ai dám trách cứ. Giờ đây Tào Mạt đã đi xa 15 năm rồi, nhắc lại kỷ niệm xưa, các nghệ sĩ mặc áo lính vẫn rưng rưng...

Bàn về " Kịch hát dân tộc" Tào Mạt có bài kệ. Bản viết tay ngày 17/5/1986 tôi còn giữ đây. Bài kệ như tỏ bày quan niệm của ông rất khúc chiết, rành mạch: Văn là ý nghĩ/ Tiếng nói con người/ Phải, trái, ngược, xuôi/ Chính, tà phân biệt/ Văn mà rõ rệt/ Nhạc cất lên lời/ Cao, thấp, buồn, vui/ Yêu thương, giận, ghét/ Cầm, buông, nhanh, lướt/ Tình cảm muôn màu/ To, nhỏ, nông, sâu/ Tai nghe đã tỏ/ Trong mà đầy đủ/ Ngoài khắc rõ ràng/ Tròn, méo, dọc, ngang/ Dáng người, nét cảnh/ Cứng, mềm, nóng, lạnh/ Mắt phải dễ coi/ Vào ngọt lòng người/ Văn, nhạc, múa, vẽ/ Kết hợp chỉnh thể/ Mọi nhẽ, mọi người/ Trò diễn xong xuôi/ Nên công, nên quả...

Tào Mạt là người đắm đuối với Chèo. Trước số phận lênh đênh dặm trường của Chèo, bị thiên hạ ghẻ lạnh, ông  tái tê, đau buốt, nhiều lúc muốn rũ bỏ tất cả. Lại chứng kiến nhiều hiện tượng tiêu cực của xã hội, đạo đức truyền thống xuống cấp, niềm tin bị tổn thương, ông bi quan, phát bệnh. Có thời gian dư luận đồn thổi Tào Mạt bị bệnh tâm thần, không ít người xa lánh, sức khoẻ giảm sút. Nhưng may mắn thay còn rất nhiều anh em gần gũi, cảm thông, chia sẻ cùng ông. Cơn bệnh tinh thần qua đi, Tào Mạt lại phấn hứng, lại hào sảng. Ông lớn tiếng. Cứ cho là nghệ thuật chèo bị coi rẻ, bị phá phách nữa đi. Nhưng trong bối cảnh lịch sử nào? Trong lúc xã hội đang có nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực, phải không? Trong những lúc khó khăn về kinh tế, xã hội đang phát sinh nhiều vấn đề. 

Không chỉ tỏ bày "máu lửa" bắng lời nói, hơn ai hết, Tào Mạt dốc tâm huyết, sức lực vào tác phẩm. Chỉ có sân khấu, phương tiện nghệ thuật đến với quảng đại công chúng trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất, hữu dụng nhất.

Có lẽ trò nhời được Tào Mạt ưu ái dành phần nhiều cho nhân vật Hề. Chưa có vở chèo nào hề thành nhân vật có thân phận, có tính cách đàng hoàng chứ không phải như kiểu hề gậy, hề mồi... thường gặp. Nhân vật Hề xuyên suốt cả  bộ ba vở chèo, tập I là anh Hề, tập hai là chú Hề, tập III "lên chức" ông Hề mặc dù không con cái mà lớn dần theo tuổi tác. Ông Hề đã bị bọn người xấu ám hại khi  tuổi mới 60. Xuyên suốt cả ba tập, xuyên suốt tích chèo, có can hệ tới các nhân vật chính, đến cả thời cuộc, đấy là điểm sáng tạo độc đáo chỉ Tào Mạt mới có. Hề đây là gương mặt, là ảnh hình của nhân dân, tâm hồn nhân dân. Hề ý thức là người làm trò vui cho người khác. Nhưng "người làm trò cũng như người truyền giáo, giữ danh giá cho mình là giữ danh giá cho nghề". Rất biết mình biết người, có thể "tự hát" về mình như thế này:

Được hay mất chẳng hề vương vấn
Khen ta, vâng. Chê ta, vâng, coi thoáng trận nồm đông
Khi thơ, khi rượu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, chẳng thanh chẳng tục
Nhìn phía trước, chẳng tham hồng, tiếc lục
Ngước mắt nhìn muôn dặm trời xuân.
Làm vui trong cõi nhân quần
Người vui, ta cũng có phần vui chung...

Đây là tâm sự của ông Hề già hay chính tâm sự của Tào Mạt ? Như đã nói, lớp "chôn hề" gây hiệu ứng nơi khán giả nỗi xúc động lớn lao. Trước khi về cõi hư huyền, ông Hề già bộc bạch: Suốt đời ta làm vui cho người/ Thấy kẻ ăn bám, tham lam thì ta cười tủm, cười ruồi/ Thấy nịnh hót, ác gian thì ta cười khinh, cười bỉ/ Thấy kẻ nhố nhăng ta cười ầm, cười ĩ/ Thấy chuyện  bất công ta cười đắng, cười cay/ Ta cười cho sáng lẽ dở hay/ Kẻ gian hoảng vía, người ngay hả lòng... Nếu còn kẻ nhung nhăng bậy bạ/ Thì dân ta lại nảy ra hề... Và ông hề cất lên lời hát cuối cùng :

Nhắn ai trong cõi hồng trần
Làm người phải lấy chữ Nhân làm đầu.
... Ta say, ta say uống cạn bầu trời
Ta về với đất là nơi ta sinh thành
Trời là Cha, đất là Mẹ
Trời cha đất mẹ ân tình...

Trò nhời của Tào Mạt thấm đẫm tình điệu sâu xa, đầy ý vị triết lý nhân sinh khiến người xem không thể không nghĩ ngợi, không liên tưởng... Cũng trong bộ ba vở chèo này, đã có những mảnh trò hay, trong nghề gọi là lớp trò mẫu, như Xuý Vân giả dại, Thị Màu lên chùa, Việc làng, Phù thuỷ sợ ma... trong các vở chèo cổ nổi tiếng. Đấy là lớp " Lột áo quan Tri châu" hài hước phê phán, lớp " Chôn hề" đầy cảm thán lãng mạn...

Nhà nghệ sĩ mang bút danh con người "uy vũ bất năng khuất" trong Chiến Quốc đã về với đất Mẹ, nhưng những gì ông đã dâng hiến cho đất nước, cho nhân dân, nhất là tác phẩm " Bài ca giữ nước" làm rạng danh cho bộ môn kịch hát dân tộc thời hiện đại, còn mãi với thời gian. Và còn mãi một nhân cách văn chương, nhân cách nghệ sĩ lớn - Tào Mạt Chèo

NSƯT Vũ Hà
.
.