Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Lần này đã gặp

Thứ Năm, 22/09/2016, 08:24
Đã mấy lần hẹn mà không thành, bởi Lê Phi Phi luôn là người bận rộn với lịch làm việc của mình mỗi khi về nước, nhưng tôi vẫn kiên trì, bởi anh là một nhạc trưởng mà tôi ngưỡng mộ, tên tuổi của anh được nhắc đến ở nhiều quốc gia, là gương mặt rất đáng kể trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại.

1. Không chỉ có tầm vóc cao lớn và điển trai như nhạc sĩ Hoàng Vân hồi cùng độ tuổi 40, Lê Phi Phi giống cha ở sự đĩnh đạc, giọng nói nhỏ ấm, phong thái tự tại, nho nhã, lịch lãm và chừng mực... kiểu người Hà Nội cổ. 

Mỗi lần bước chân lên cầu thang gỗ cũ, nho nhỏ, tôi tối của ngôi nhà số 14 Hàng Thùng, tôi càng thêm kính trọng tài năng của cha con nhạc sĩ Hoàng Vân - Lê Phi Phi. Có lẽ với họ, nội tâm là quan trọng, sự nghiệp là cái thôi thúc; khả năng sáng tạo của họ không mấy phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, trí tưởng tượng của họ luôn vượt khỏi những thực tại thiếu hoàn chỉnh... 

Người ta vẫn nói, chừng mực là yếu tố làm nên sự sang trọng. Nhạy cảm, tinh tế, biên độ hiểu biết rộng nhưng Lê Phi Phi luôn giữ vẻ chừng mực trong xã giao, trong phát ngôn, chỉ trong nghệ thuật anh mới thăng hoa, vượt ngưỡng. 

Lê Phi Phi có một bề dày cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, với hàng trăm buổi diễn tại Macedonia, nơi anh đang sinh sống và ở các nước khác như: Nga, Pháp, Đức, Ý, Hi Lạp, Nam Tư cũ, Thụy Điển, Albania, Bulgaria... chưa kể, từng làm việc với rất nhiều dàn nhạc khác trên thế giới.

Lê Phi Phi sống cùng vợ con ở Macedonia, cách Bulgaria, một đất nước có cùng tầng văn hóa với Macedonia chỉ mấy giờ xe chạy, nơi tôi cũng từng sống ở đó nhiều năm, biết vị thế của một nhạc trưởng, cả xã hội kính trọng, gọi là quý ngài. 

Lê Phi Phi cũng hiểu vị thế ấy của mình, nhưng khi trò chuyện với ai đó, anh không để lộ cái vị thế quan trọng ấy như người khác, mà tỏ ra rất dễ chịu, gần gũi, khiêm nhường. 

Trong câu chuyện, thấy ở anh phong thái của người Tây học nhưng vẫn còn nguyên cái dung dị của người Á Đông trong sự giáo dục kỹ lưỡng, nghiêm ngặt, song đầy tình cảm của một gia đình trí thức Việt. 

Nhạc sĩ Hoàng Vân, cha anh là cây đại thụ trong âm nhạc Việt Nam, mẹ anh là bác sĩ khoa nhi, bây giờ những người ở khu vực Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Dầu vẫn còn nhớ hồi nhỏ được bà cho thuốc miễn phí, khám bệnh miễn phí... Phi Phi có vợ là người Macedonia, sinh ra và lớn lên ở Nam Âu, gần Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ảnh hưởng của văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ nên vợ anh có phong cách sống và nếp sinh hoạt gần với văn hóa phương Đông. Họ quen nhau từ thời sinh viên, là bạn học cùng, kết hôn, có 1 cậu con trai 19 tuổi, sau hơn 20 năm chung sống, họ khá hiểu nhau, sống hạnh phúc và tâm đầu ý hợp. 

Điều đó cho phép hằng năm, hoặc mỗi khi cha mẹ có vấn đề sức khỏe, anh vẫn về Việt Nam, ngoài việc tham gia chương trình nghệ thuật, anh làm tròn nghĩa vụ người con có hiếu, nhiều khi chị cũng cùng về.

2. Thích nghe giao hưởng, tôi không chỉ chú ý đến trình độ biểu diễn, hòa tấu của dàn nhạc mà rất thích chú ý đến nhạc trưởng. Nhạc trưởng là linh hồn của dàn nhạc, một dàn nhạc dù có đẳng cấp đến đâu mà người chỉ huy kém thì đêm diễn hỏng. 

(Ngay cả vĩ đại như Beethoven, mà khi ông tự chỉ huy đêm nhạc của mình, cũng không thành công. Các nhạc công trong dàn nhạc đã thỏa thuận ngầm với nhau đánh theo bè trưởng violon 1, chứ không nhìn đũa của Beet)... Với tôi, mỗi đêm diễn thành công hay thất bại đều gắn với tên tuổi các nhạc trưởng.

Lê Phi Phi dành cho tôi khoảng 2 giờ, buổi sáng. Thời gian này anh chuẩn bị chỉ huy Điều còn mãi, một chương trình được nhiều người trông đợi, và trước đó nữa là 2 buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn với Subscription Concert vol.93…

Trước khi vào chuyện, tôi kể tên và đưa ra cảm nhận về khả năng, cá tính nghệ thuật của những vị nhạc trưởng người nước ngoài đã từng chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, mà tôi đã đi xem/nghe nhiều lần như: Colin Metters, Y.Fukumura,G. Sutculiffe, Tetsuji Honna... cùng một số nhạc trưởng người Việt với hàm ý thán phục cây đũa chỉ huy của Lê Phi Phi. 

Tôi muốn nghe Phi kể quá trình chinh phục tác giả, tác phẩm của anh, một quá trình không chỉ gian khó, nỗ lực mà còn cần đến khả năng thiên bẩm, hoặc ngược lại. Lê Phi Phi giản dị kể về thời đi học sơ trung ở Việt Nam, thời sang Nga học đại học. 

"Con nhà nòi, chỉ có ý nghĩa là được sống trong cái nôi văn hóa nghệ thuật, còn việc trưởng thành từ cái nôi ấy như thế nào cũng là một vấn đề. Tôi yêu âm nhạc, ban đầu tôi học khoa lý luận phê bình, sau mới học chỉ huy. Nhưng chả có gì mất đi cả, việc nghiên cứu tác phẩm luôn cần thiết cho sau này, khi tôi chuyển sang học chỉ huy và làm nghề chỉ huy. Muốn làm nên sự khác biệt của một chỉ huy, để lại dấu ấn của mình lên dàn nhạc, làm cho đêm diễn thành công cần nhiều yếu tố lắm. Tôi nghĩ mình có thêm yếu tố may mắn nữa, trời thương, trời cho, ngoài sự nỗ lực của mình...", anh nói.

Nhạc viện Tchaikovsky, nơi Lê Phi Phi tu nghiệp là một địa chỉ danh giá, sức ảnh hưởng của Nhạc viện rộng khắp thế giới. Dĩ nhiên, không phải tất cả những người được đào tạo ở đấy ra đời đều lớn lao, nhưng với những ai có tiềm năng thì đó là nơi làm cho tiềm năng tỏa sáng. 

Tôi cho rằng, nghề chỉ huy dàn nhạc thực sự có yếu tố huyền bí. Phải là duyên trời định. Không chỉ bao gồm những kỹ năng: phản xạ nhanh, truyền tài cảm xúc tốt, nhạc cảm tốt, trường văn hóa rộng, đẹp về ngoại hình... mà còn là "được ơn soi sáng của thánh thần", như những người mộ đạo châu Âu thường nói. 

Lê Phi Phi mỗi khi đứng trên bục chỉ huy, không chỉ là đôi tay vung đũa theo nhịp, mà toàn bộ con người anh, từ các cơ mặt, ánh mắt, điệu bộ, hình thể đều là một ngôn ngữ biểu cảm, huy động, truyền cảm hứng cho dàn nhạc. 

Không chỉ làm tăng nhiệt huyết cho nghệ sĩ, mà còn "nâng đỡ" những thiếu hụt nếu có của solist, "dìm bớt" những thái quá của các bè, chủ động co dãn nhanh - chậm để tạo ra cá tính và sức cuốn hút... 

Nhạc công có thể buông bỏ một nhịp, còn nhạc trưởng, bên trong phải căng hết mọi giác quan, nhưng bên ngoài phải hào hoa... Tôi nghĩ, Lê Phi Phi đạt tới điều đó. Những nhạc trưởng vĩ đại của thế giới luôn làm việc chăm chỉ, khổ luyện, kết hợp lòng đam mê với khả năng thiên bẩm, những thứ không phải nhờ vào đào tạo mà có, mà là dấu chỉ của thiên tài.

"Để tạo ra một buổi hòa nhạc thật quyến rũ không chỉ với khán giả mà với cả nhạc công và bản thân mình, là điều tôi luôn nỗ lực thực hiện. Với tôi, dàn nhạc như một nhạc cụ, nhạc trưởng như một nhạc công đủ khả năng tấu lên những âm thanh hoàn mỹ. Muốn thế, mình phải nắm bắt được tâm lý của nhạc công, của nghệ sĩ, mình yêu mến tôn trọng họ...". Lê Phi Phi nói.

Từ năm 1995 Lê Phi Phi đã thường xuyên về Việt Nam làm nhiều chương trình hòa nhạc, cộng tác chặt chẽ với các dàn nhạc trong nước, đồng thời anh cũng là chiếc cầu nối chặt chẽ giữa các nghệ sỹ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài với các đơn vị biểu diễn ở Việt Nam.

Năm 2005, Lê Phi Phi được vinh dự bầu chọn là một trong những Việt kiều "Vinh danh nước Việt", là chỉ huy thường trực cho các chương trình từ thiện do quỹ học bổng "Thắp sáng niềm tin" tổ chức hằng năm. Anh cũng là chỉ huy khách mời thường xuyên cho trương trình mang âm nhạc cổ điển tới thanh niên, học sinh, sinh viên "Giai điệu trẻ" do Nhà hát Nhạc vũ kịch TP HCM tổ chức.

Tôi cũng có con lập gia đình ở quốc gia khác, tôi hiểu nỗi lòng của người xa quê hương, một mặt thấy những điều tiên tiến, văn minh ở xứ người, một mặt luôn đau đáu, canh cánh làm thế nào để quê hương mình vươn đến tầm nhân loại.

Nói đến chuyện mỗi cá nhân nên làm gì cho đất nước, Lê Phi Phi bảo: "Nói ra có vẻ hơi giáo điều nhưng tôi nghĩ, không cứ ở trong nước mới là người đóng góp được nhiều cho đất nước... Chỉ nói riêng trong sự nghiệp thôi, tôi luôn tự hào rằng, mình, người Việt, đứng ở bục chỉ huy những dàn nhạc có tên tuổi trên thế giới, cũng đã làm cho 2 chữ Việt Nam có thêm trọng lượng rồi". 

Hỏi đến thu nhập, đời sống, anh nói rằng: "Đối với những người làm nghệ thuật, phần thưởng lớn nhất là sự cổ vũ, yêu mến, tôn trọng của khán giả. Ở Việt Nam đời sống kinh tế còn thấp kém so với các nước phát triển, và bởi số lượng người quan tâm đến nhạc cổ điển chưa nhiều. Nhưng không vì thế mà tôi không có mặt trong những chương trình muốn có sự hiện diện của tôi. 

Ở các nước phát triển, thù lao của một nhạc trưởng như tôi rất cao, (dĩ nhiên không nên so sánh với thù lao của một người làm nhạc nhẹ), số lượng khán giả đông hơn, tiền bán vé cao hơn, nhưng... sự cao hơn về thu nhập ấy không mấy ý nghĩa đối với những người yêu nghề như chúng tôi, bởi cuối cùng, điều gì làm mình hạnh phúc thì điều đó có giá trị nhất".

3. Các nhà xã hội học cho rằng, muốn có một đời sống an bình, xã hội phải được thiết lập trên nền tảng của triết học và tôn giáo, mà âm nhạc cổ điển thì chứa đựng cả hai thứ đó. 

Có một nghịch lý rằng, hiện nay không chỉ ở Việt Nam, mà khắp nơi trên thế giới, nhạc nhẹ đều có lượng khán giả khổng lồ, gấp nhiều lần nhạc giao hưởng cổ điển, nghệ sĩ âm nhạc cổ điển không chỉ có năng khiếu mà phải khổ luyện từ nhỏ đến hết đời, nhưng thu nhập thường thấp hơn nghệ sĩ nhạc nhẹ. 

Vẫn biết rằng, cái khó luôn là cái hiếm, là số ít, nhưng là cái số ít không thể thiếu, nhưng tôi vẫn ước ao, các trường học ở Việt Nam một năm nên có ít nhất một lần tổ chức cho học sinh, sinh viên được làm quen với nhạc cổ điển, thứ âm nhạc làm khuôn mẫu, có sức tác động đến nhận thức, đến phong cách ứng xử, đến môi trường văn hóa cho xã hội.

Tôi nói với anh: "Đúng vậy, nhạc cổ điển là chuẩn mực của nhiều chuẩn mực. Chỉ nói việc đến nhà hát thôi, người ta cũng sửa soạn cho mình một tâm thế giống như bước chân vào thánh đường, vì thế con người thanh cao lên nhiều lắm...". Lê Phi Phi đồng tình.

Ngày 10-9 tới chúng ta sẽ gặp lại người nhạc trưởng xuất sắc này trong chương trình giao hưởng của Học viện Âm nhạc quốc gia, nằm trong chuỗi kỷ niệm 60 năm thành lập trường.

Hà Nội 7/9/2016

Trần Thị Trường
.
.