Nhạc sỹ Vũ Thảo - Chờ ai nên trăng muộn

Thứ Sáu, 20/02/2009, 16:56
Vũ Thảo đợi tôi ở cổng chùa Quán Sứ. Trông ông hệt như một chú gấu xù xì và thô mộc với chiếc áo dạ choàng đi đường và cặp kính râm to quá cỡ. Gương mặt trầm tư, giọng nói ấm và cũng xù xì thô mộc như ngoại hình của ông vậy.

Thế mà trong tưởng tượng, khi tôi chưa gặp ông, khi chỉ có giai điệu những ca khúc trong các bộ phim nhựa và phim truyền hình nổi tiếng một thời vang lên: "Mùa hoa cải bên sông", "Mặt trời bé con của tôi", "Mẹ chồng tôi", "Những người sống trong tôi","Gió qua miền tối sáng", "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng", "Cảnh sát hình sự", "Chạy án" v.v… vang lên, nương theo những giai điệu trầm lắng, trữ tình, thoảng chút day dứt "nghe thương đến lạ" từ mà Vũ Thảo thường nói về những đứa con tinh thần của mình, những bài hát lồng trong phim, thì tôi cứ ngỡ Vũ Thảo phải là một ông nhạc sỹ trung tuổi, thậm chí hơi già, tóc đã pha sương, và có dáng vẻ bề ngoài thư sinh, và lãng đãng đi một mình trầm tư bên dòng đời.

Tôi hẹn ông vội vàng trong một cái hẹn cuối năm. Cà phê nóng giãy áp chặt vào lòng tay giữa quán cà phê tựa vào lòng phố mà vẫn thấy lạnh cóng. Hà Nội cuối năm tấp nập dòng người, không có lấy một chỗ trống giữa lòng đường cuồn cuộn người đi, giữa phố xá nhà cửa chật ních san sát kia, sao vẫn thấy cái lạnh tứ phía thổi về xơ xác.

Có lẽ, tâm hồn của những người nghệ sỹ, dù ở đâu, dù thả vào dòng đời bộn bề kia, dù ấm áp trong một gia đình đề huề con cháu hạnh phúc, thì tận trong vu vơ nào đó không rõ hình hài, một nỗi cô đơn ngự trị. Nỗi cô đơn của một kiếp nghệ sỹ đa đoan.

Vũ Thảo không giống như một người nghệ sỹ mà ngay từ phút đầu tiên thoạt nhìn, chất nghệ sỹ đó đã thấm đẫm hết ông, đã toát ra tứ phía con người ông, đến nỗi cái nháy mắt, nụ cười, hay cái khoát tay thôi trong biển người thì vẫn nhận ra họ là nghệ sỹ. Vũ Thảo không thuộc về số đó. Bởi nếu trong đám đông, ông sẽ lẫn đi, khuất đi sau bao dáng vẻ xù xì khác, mà gương mặt hằn những vết dấu của cuộc đời…

Nhưng nếu bất ngờ như một buổi sáng hồn nhiên này, tôi không lạc vào căn gác nhỏ nơi dành để làm việc của ông trong ngôi nhà xinh đẹp ở phố Cầu Giấy, nơi mà sự khéo léo của những thành viên trong gia đình, nhất là bàn tay chịu đựng và tảo tần luôn ẩn nhịn nép mình sau chồng con của vợ ông đã xếp đặt và đưa vào khoảnh sân rộng một mảnh vườn trong phố với đủ hàng cau cao vọi đón nắng dười trời xanh, có hoa mộc lan hé nụ và khóm trúc vàng óng trong cái nắng hanh hao áp Tết… 

Một sự yên tĩnh lạ thường, khoảnh sân đủ cho cây xanh, chim chóc hót vang và hoa và nắng vời vợi… đến lúc này thì tôi mới chợt hiểu vì sao Vũ Thảo có được những khoảng lặng bình yên, những khoảnh khắc rung động tinh khiết trong tâm hồn của người đàn ông Hà Nội gốc để viết nên những giai điệu khí nhạc cho những tác phẩm điện ảnh vốn đòi hỏi âm nhạc rất cao và khắt khe.

Và cũng trong buổi sáng bình yên này, ngồi trong căn phòng làm việc của ông, mở cửa sổ sau lưng ngôi nhà là một khoảng không của giếng trời đủ cho tâm hồn ông có chỗ để bay thoát ra trong không gian bốn bức tường chật hẹp, để ông có thể ngân lên những giai điệu, để âm nhạc có thể vụt bay thoát ra từ lồng ngực xù xì kia, réo rắt những thanh âm lan xa…

Và bất ngờ hơn, trong buổi sáng mà cả Hà Nội như đang đổ ra đường để hối hả mua sắm Tết, công việc cuốn tôi và ông vào một khoảng lặng lẽ thanh bình nhất. Tôi ngồi bên ông, nghe lại những bản nhạc ông viết cho phim truyện nhựa và phim truyền hình.

Chiếc máy nghe nhạc cũ, bàn làm việc cũng cũ, cả những chiếc đĩa nhạc cũng cũ và những bản nhạc viết tay còn cũ hơn thế, đã hoen ố dấu ấn thời gian… như thể ông viết xong rồi buông xuống, không còn kịp quay lại thêm một lần nào nữa để nghe chính giai điệu đó ngân vang lên.

Công việc của người viết nhạc cho phim ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam lấy đi của ông quá nhiều thời gian, và không cho ông dư những khoảng trống, những khoảng lặng để ngoái lại những tác phẩm đã viết…

Thế mà giờ đây, có những giây phút chật hẹp và sục sôi trong mấy ngày Tết, ông lại bỗng nhiên thư giãn ra và rưng rưng nghe lại những giai điệu cũ. Âm nhạc không bao giờ cũ cho dù người viết ra những nốt nhạc ấy theo thời gian giờ đã cũ xưa đi quá nhiều rồi, tóc đã nhuộm tuyết sương, đi lại đã chậm rãi, ý nghĩ cũng chậm hơn, chùng hơn với ký ức.

Thật lạ lùng, ông đã chọn cho tôi nghe 3 bài hát viết cho phim mà cố Nghệ sỹ nhân dân Lê Dung đã thể hiện. Đó là các bài cùng tên với tên phim: "Trăng muộn", "Lặng lẽ tuổi trăng tròn", "Mặt trời bé con của tôi".

Điều đặc biệt nhất của nhạc sỹ Vũ Thảo là tất cả các ca khúc của ông ông đều tự viết lời. Đó là rượu cay ông chưng cất lên từ những năm tháng cuộc đời, từ những trải nghiệm, và cả những sự đồng cảm chia sẻ khi trái tim đập run lên trước một kịch bản phim xúc động.

Và ông đã viết nó, chưng cất nó từ tâm hồn trong trẻo và hồn hậu nhất của ông, ông đã đưa nó ra hoà quện với nội dung kịch bản bộ phim mà ông đã thức suốt đêm để đọc nó, và vì thế bao giờ cũng vậy, những giai điệu vang lên từ bắt đầu bộ phim, có sức lay động hồn người.

Lúc này đây, ông mở cho tôi từ cái đĩa cũ ấy, trên chiếc máy nghe hát cũ ấy, giọng ca của cố Nghệ sỹ nhân dân Lê Dung cất lên thánh thót và trong ngần. Cả tôi và Vũ Thảo ngồi lặng đi trong giọng hát họa my của Lê Dung, tôi là người dễ xúc động, nên khi nghe Lê Dung hát, tôi đã mặc nhiên để cho dòng nước mắt của mình trào ra. --PageBreak--

Vũ Thảo cũng vậy, tưởng sau cái thô ráp xù xì kia, tâm hồn ông an nhiên tự tại và không còn dễ xúc động. Vậy mà khi nghe Lê Dung hát, Vũ Thảo gỡ kính lau mắt. Giọng hát Lê Dung cất lên từ đâu đó trong thinh không vọng về, những âm thanh mang đến cho người nghe những cảm nhận về nỗi đau, sự mất mát và cả niềm hạnh phúc dang dở: "Trăng muộn vì trăng đợi chờ ai/ Trăng chờ hai người yêu đi tìm nhau/… Ta đi bên nhau cuộc đời đẹp lắm/ Như con sông kia trần trụi mưa nắng vẫn cuồn cuộn trôi về với biển khơi/ Quên đi quên đi lỡ làng cay đắng/ Bao năm chia xa mắt đầm nước mắt/ Ta còn gặp nhau kịp nói lời yêu/ Duyên phận bắc cầu cho ta gặp nhau".

Hay bài "Mặt trời bé con của tôi": "Mặt trời bé con của tôi/ Mặt trời bé con của mẹ/ Nụ cười thắm nở trên môi/ Chập chờn mộng mơ đưa nôi/ Mặt trời cho ta giọt nắng/ Cho ta giây phút bình yên/ Mặt trời long lanh sông xanh/ Có cây óng ánh nắng vàng/ Mặt trời hong khô nước mắt/ Bừng lên thiêu cháy buồn đau/ Mặt trời cho ta nắng ấm/ Như ta cho nhau tình thương cho cuộc đời mãi ngát hương...".

Vũ Thảo kể rằng, khi thu bài "Lặng lẽ tuổi trăng tròn" cho phim, Lê Dung đã rất xúc động. Hồi ấy Lê Dung vẫn còn sống với người chồng cuối cùng của đời mình. Thế nhưng không hiểu sao, khi cất giọng hát bài hát ấy, Lê Dung đã rơi nước mắt.

Bài hát kể về tâm trạng một đứa trẻ khi bố mẹ ly hôn. Tiếng gọi khẩn thiết của đứa trẻ với bố mẹ của mình, hãy quay về. Lần đó, Lê Dung hát như khóc, khiến cho cả phòng thu lặng đi vì xúc động. Vũ Thảo cũng rưng rưng khi Lê Dung thể hiện quá thành công ca khúc này.

Mãi sau này, Vũ Thảo mới hiểu rằng, lúc ấy, Lê Dung hát với tất cả sự dự cảm đớn đau về một cuộc tình rồi sẽ qua. Vũ Thảo cũng kể rằng, phong cách làm việc của Lê Dung luôn để lại cho mọi người cùng làm việc với chị một sự kính trọng ngưỡng mộ. Không giống như các ca sỹ trẻ khác thời đó và cả bây giờ, đưa bản nhạc Dung xướng âm rất nhanh và tập nghiêm túc.

Khi đến phòng thu, chị đã có thể đứng trước micro và làm việc được ngay. Đẳng cấp, phong cách và sự nghiêm túc trong công việc luôn luôn tôn vinh Lê Dung ở vị trí đỉnh cao. Có lần, khi thu bài "Trăng muộn", Lê Dung đi xích lô đến phòng thu của Hãng phim Truyền hình, đứng trước micro, hát hết mình và sau đó vội vã ra về ngay. Bao nhiêu lần, Vũ Thảo phải chạy vội theo để đưa tiền thù lao thu bài hát.

Nói đến tiền thù lao nhạc viết cho phim, Vũ Thảo hài hước kể về những đoạn trường căn cơ khổ sở vì tiền. Không giống như một số nhạc sỹ vẫn thường viết nhạc cho phim truyền hình như là viết giai điệu rồi nhưng chưa đặt lời. Còn Vũ Thảo, vốn là người được đào tạo cơ bản ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia).

Vũ Thảo tốt nghiệp Khoa Kèn và được học Khoa Sáng tác và nhiều năm là nhạc công của dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam nên khí nhạc của ông rất vững. Viết nhạc cho phim, ông viết khí nhạc và sáng tác rất nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Nhuận bút âm nhạc của mỗi một tập phim, gần đây nhất, sau bao nhiêu lần tăng vẫn chưa đủ để huy động một dàn nhạc như mong muốn để phục vụ hiệu quả nhất cho phim. Chút tiền cỏn con ấy Vũ Thảo phải chia nhỏ ra cho người sáng tác là ông và phối khí, nhạc công, lẫn ca sỹ thể hiện.

Có lẽ khi nói ra những chuyện bếp núc tiền bạc của phim truyền hình, thế giới sẽ xem đây như là một câu chuyện không thể tin nổi nhưng lại có thật. Với một số tiền nhỏ nhoi như vậy, Vũ Thảo vẫn nhận viết nhạc cho phim, vẫn còm cõi làm như thể đó là số phận của ông, là sứ mệnh trời định, là công việc mà thiếu nó ông sẽ trở nên vô nghĩa.

Ông đi tìm những ca sỹ trẻ hát tốt ở các trường nghệ thuật, tìm những tay đàn organ cừ khôi để có thể giúp ông phô tô lại được cả một dàn nhạc giao hưởng qua tiếng đàn organ. Và cứ thế, ông miệt mài, chắt chiu làm lụng. Tiền bạc không còn là vấn đề cản trở những cảm xúc âm thanh đang vang lên trong ông trước một kịch bản hay. Ông thức suốt đêm, trong căn gác nhỏ này, và hì hụi viết. Ông cứ mặc lòng để cho cảm xúc tuôn chảy, để cho những rung động cất thành lời…

Tôi cứ nghĩ mãi, nếu Hãng phim Truyền hình không có những con ong mật cần cù chịu thương chịu khó như nhạc sỹ Vũ Thảo, làm sao có thể hoàn hảo được những bộ phim hay để mang đến cho người xem truyền hình nước nhà một món ăn tinh thần bổ ích.

"Vi vu tiếng ong ca bài ca đất trời ngọt ngào cỏ hoa. Siêng năng cánh mong manh dọc theo cánh rừng bạn cùng nắng gió. Qua bao miền đất tươi xanh lòng thêm say mê ong hát… Chắt chiu từng giọt mật cho đời" (Bài hát "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng" đoạt giải vàng liên hoan phim vừa qua).

Hà Nội còn lại một người như Vũ Thảo. Một nhạc sỹ tài hoa nhưng không xuất hiện trực diện trước công chúng. Bởi, công việc của ông là cả đời âm thầm lặng lẽ, viết hàng ngàn bản nhạc cho phim nhựa và phim truyền hình.

Năm 2004, ông “giữ kỷ lục Guinness” viết 300 bản nhạc cho phim nhựa và phim truyền hình. Đến năm vừa qua, con số đó đã nhiều gấp đôi gấp ba, thế nhưng chưa bao giờ Vũ Thảo có được một đêm nhạc của riêng mình biểu diễn trước công chúng. Âu cũng là nỗi éo le của phận nghề, hay cũng có thể Vũ Thảo thích lặng lẽ giấu mình phía sau những bản nhạc như thế chăng?

Người đàn ông Hà Nội gốc, cha vốn là thợ kim hoàn nức tiếng của Hà Nội xưa kia, mẹ là con gái xinh đẹp của một vị quan nổi tiếng ở cố đô Huế xưa. Bố ông, vì công việc làm ăn bôn ba mà mê đắm một thiếu nữ ở Hà Tĩnh.

Vũ Thảo sinh ra ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, từ mối tình đắm say của một thương gia với tiểu thư con quan… Giờ đây, thảng hoặc trong ký ức nhạt nhòa của mình, Vũ Thảo vẫn nhớ về gương mặt mẹ như nhớ về một nỗi tha hương mà gia đình ông đã trải qua

Khánh Thy
.
.