Nhạc sĩ quân đội Huy Thục: Một thời tử biệt sinh ly

Thứ Tư, 04/05/2005, 09:37

Những người bạn nói nhiều về ông, một người hết mình với công việc, sống chỉ có hai chữ "cống hiến" đặt lên đầu.

Công chúng hồ như chỉ biết đến ông, một nhạc sĩ Quân đội vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, với những ca khúc chứa chan niềm vui chiến đấu và chiến thắng, gắn chặt với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi cùng năm tháng: "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", "Cô gái Pa Cô", "Tiếng đàn Ta Lư", "Tiếng hát trên đường quê hương", "Con suối La La"... Hoặc những người gần gũi ông hơn chút nữa, cũng chỉ nhớ và yêu quý một nhạc sĩ nhẹ nhàng, tình cảm, sống kín đáo và giản dị. Trong suốt 2 cuộc chiến tranh, ông và gia đình phải sống trong cảnh sinh ly tử biệt theo đúng nghĩa của chữ đó nhất, vậy nhưng ông vẫn gác lại tất cả để có được những ca khúc còn lại cho đời.

30 năm tròn, cô em gái út Lê Thị Nga của ông đã quen với nắng gió miền Tây kể từ ngày theo chồng vào Cần Thơ đoàn tụ cùng gia đình chồng trong mùa xuân lịch sử nước nhà thống nhất. Nhạc sĩ Huy Thục nhớ lại, năm ấy, sau những ngày tháng hành quân vào Nam theo nhịp bước của đoàn quân giải phóng Sài Gòn, ông ra Hà Nội để đoàn tụ cùng gia đình, cũng là lúc ông gạt nước mắt tiễn người em gái mà ông rất yêu quý ra sân ga Hà Nội để theo chồng về Nam.

Bà Nga gặp và nên duyên cùng bác sĩ Bùi Văn Chân năm 1960, ngày ông theo học Quân y sĩ tại Hà Nội. Năm 1964, một ngày sau khi nhận bằng bác sĩ, ông Chân lên đường vào chiến trường B và biền biệt suốt 11 năm trời cho đến ngày đất nước được giải phóng. Bà nhớ lại: "Khi ông Chân đi, tôi đã chuẩn bị tinh thần nhỡ một ngày ông không trở lại. Ngày nhận đôi hoa tai của ba mẹ chồng trong ngày "cưới lại" để ra mắt họ hàng đằng nội, tôi không biết là thực hay mơ. Gặp lại con, ba mẹ ông Chân mừng lắm, lại càng mừng hơn vì sau 21 năm ra Bắc tập kết, con trai mình trở thành một bác sĩ, lại về quê cùng cô con dâu xứ Bắc và 2 đứa cháu nội, đã 12 và 14 tuổi".

Trong niềm vui đoàn tụ, bao nhiêu đêm bà khóc thầm vì phải xa gia đình mình nơi đất Bắc, một gia đình cũng vừa mới được đoàn tụ sau đạn lửa của hai cuộc chiến, tính nhẩm ra cũng hơn ba chục năm trời. Tuổi thơ bà thật êm đềm cùng ba mẹ và 2 người anh trai ở Hà Nội. Ba là thợ khắc con dấu đồng vào bậc nhất Hà thành những năm trước Cách mạng Tháng Tám, nhưng cũng là một người rất lãng tử và thường giao du với những anh em văn nghệ sĩ nổi tiếng ngày ấy. Nhưng rồi cửa hàng khắc dấu ăn nên làm ra nổi tiếng phố Gia Long của ông cụ bị thực dân Pháp chèn ép đủ đường, cuối cùng bị tịch thu hết tài sản. Năm 1942, cụ cùng người con cả là Lê Huy Thuần phải bỏ Hà Nội vào Nam an cư. Năm 1945, cụ đi theo kháng chiến, tham gia phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, người con trai cả cũng vào bộ đội. Kháng chiến thành công, cụ về Sài Gòn mở cửa hàng khắc dấu trên đường Ca-ti-na cùng người bạn, còn người anh cả Lê Huy Thuần tập kết ra Bắc và tìm lại mẹ và 2 em (là bà Lê Thị Nga và một người anh trai nữa của bà chính là nhạc sĩ Huy Thục).

Ngôi nhà xưa đã có chủ mới, lặn lội hết mọi ngóc ngách của Hà thành, ông Thuần cũng không thể tìm được mẹ và em, rồi ông đăng báo tìm suốt 2 năm nhưng không ai hay tin tức, cứ ngỡ mẹ và em đã chết. May mắn thay, ông gặp được người chú, được biết năm 1944, Nhật đánh chiếm Hà Nội, mẹ và em Nga đã tản cư về quê nội ở Phủ Lý, còn em Thục đi kháng chiến, chú không biết tin tức gì. ông Thuần lặn lội về Phủ Lý tìm được mẹ và hai em. Tết năm 1957, họ đoàn tụ trong mừng tủi sau bao nhiêu năm chiến tranh và những xô đẩy cuộc đời. Người mẹ vui mừng nhưng không giấu được giọt nước mắt chảy vào trong vì ngày gặp lại sau 15 năm xa cách không có bóng người chồng.

Đáng lẽ ra, ông Thuần vào Nam báo tin về gia đình cho ba sau một thời gian dự định, nhưng rồi đế quốc Mỹ xâm lược, lập bè lũ tay sai biến dòng Bến Hải thành dòng sông ngăn cách 2 miền, từ đó người cha muốn ra thăm các con và vợ mình cũng không thể được nữa. Về nhạc sĩ Huy Thục, một lần nữa tạm biệt mẹ và em, ông theo những cuộc hành quân thần tốc với vai trò của một người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng vào Nam để kịp Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong đoàn gồm có nhạc sĩ Nguyễn Thành, biên đạo múa Kim Tiến, nhạc sĩ Lê Lan dọc theo đường chiến lược Trường Sơn và đã trải qua những cơn sốt tưởng chừng không qua khỏi, nhưng đến đâu họ cũng được sống trong tình yêu thương của đồng bào các dân tộc biên giới phía Tây. Chặng hành quân dài, nhạc sĩ gần như cháy hết tuổi thanh xuân của mình cho những nhịp điệu thần tốc của chiến dịch, những nốt nhạc chỉ kịp ghi lại như những dòng nhật ký.--PageBreak--

Ông đi mải miết từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đến Quảng Bình, Khe Sanh, Đường 9, Đà Nẵng. Ngày 26/3/1975, ông đã có mặt ở Huế trong ngày thành Huế được giải phóng. Đến 29/3, ông đã có mặt tại căn cứ Chu Lai giải phóng căn cứ này rồi về Đà Nẵng chờ lệnh thần tốc và ngày 30/4, ông đã có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh và đến ngày 1/5 dự buổi lễ toàn thắng với toàn quân và nhân dân miền Nam. Trong ngày lễ mừng xuân đại thắng ấy, nhạc sĩ Huy Thục trong bộ quần áo giải phóng quân, đầu đội mũ tai bèo ngồi đệm piano cùng bạn bè mình hát làm cho không khí Sài Gòn thêm rộn rã. Những bản nhạc chiến thắng từ đôi tay của những người nhạc sĩ cộng sản tài hoa đã khiến cho một số người dân Sài Gòn dưới chế độ cũ vốn bị tuyên truyền nhảm rằng, cộng sản là gớm ghiếc, là ngu dốt, là không có văn hóa, phải thay đổi suy nghĩ đó.

Sau ngày lễ chiến thắng ở Sài Gòn, ông  cùng vài người bạn vừa cùng ông đi suốt cuộc hành quân thần tốc tìm đến đường phố Ca-ti-na với hy vọng gặp được người cha của mình sau 33 năm xa cách, nhưng khi đến cửa hàng thì người bạn làm cùng cửa hàng với cụ thân sinh ông, báo cho ông một tin ngoài sự chờ đợi: "Ba cháu bị bệnh và đã mất từ năm 1962 rồi". Người bạn của bố ông nhìn ông trong bộ quân phục nhuốm bụi đường rồi rơm rớm nước mắt: "Chiến tranh là vậy đấy con ạ". Ông lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, khẽ gật đầu tạm biệt người thợ ấy, tạm biệt dòng địa chỉ mà ông cũng như nhiều người cùng cảnh ngộ, chiến đấu tới cùng để có một ngày hòa hợp, vậy mà...

Tháng 6/1975, ông về Hà Nội đoàn tụ cùng mẹ, anh trai, em gái và gia đình riêng của mình (lúc này ông đã có vợ và 2 người con trai). Mẹ ông mừng lắm vì con trai và con rể qua bom đạn vẫn sống trở về và hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân. Một lần nữa, lòng ông nhói buốt, mặc dù ông biết trước mình phải trả lời các câu hỏi: "Con đã gặp ba chưa?", "Sao ba lại không về cùng anh?"... 33 năm binh biến, 33 năm thấp thỏm, 33 năm đợi chờ và hy vọng, người vợ, người mẹ cạn kiệt nước mắt sau một sự thật đau lòng.

Rồi những niềm vui thông thường cũng làm dịu ngọt dần nỗi đau trong trái tim người phụ nữ ấy, khi những mùa xuân yên bình đi qua cuộc đời bà và hạnh phúc của những người con thành đạt.

Nói riêng về cô con gái, sau khi gia đình đoàn tụ được 1 ngày và biết tin ba mình, cô lại theo chồng vào Nam, túi bụi với công việc của một người cán bộ làm công tác tiền lương nên ít về Hà Nội. Năm 1985, ngày mẹ lâm chung, bà Nga nghỉ việc ra Bắc chăm sóc, túc trực cho đến giây phút cuối của mẹ. Năm nay, bà Nga cũng ra Hà Nội, bà muốn được ở lại cùng gia đình nhạc sĩ Huy Thục đến hết mùa xuân, muốn được mãi là cô bé Nga được anh đệm đàn cho hát hơn 50 năm về trước, muốn cùng anh ôn lại kỷ niệm về một gia đình hạnh phúc của xa xưa, nhắc về ba mẹ để càng thêm quý trọng hạnh phúc.

Những người bạn nói nhiều về ông, một người hết mình với công việc, sống chỉ có hai chữ "cống hiến" đặt lên đầu. Một quãng thời gian đi cùng đạn lửa chiến tranh, ông trở về làm Trưởng đoàn Ca múa Quân đội. Thời ấy, ngôi nhà của Trưởng đoàn chỉ 9m2 nhưng với 6 nhân khẩu, những trận mưa của Hà Nội khiến tất cả 6 con người ấy, gồm một mẹ già và thêm 3 đứa con nhỏ ngày nọ sang ngày kia nằm bập bềnh trên nước. 10 năm trời như thế không một tiếng phàn nàn, cho đến ngày các con ông đủ lớn, chợt nhận ra "bố sống quá Bôn", ông cũng biết đe con và lại tiếp tục công việc của mình. Căn nhà đó bây giờ đã được xây dựng lại - một căn nhà bình thường khiêm tốn giữa những nhà cao tầng đồ sộ của một khu đô thị mới. Chiếc piano cũ đặt giữa phòng khách, kỷ niệm một đời giảng dạy của cô giáo piano Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội kiêm nhạc sĩ Thúy Nga, vợ ông.

Hai ông bà hiện sức khỏe rất yếu, trải qua những trận ốm thập tử nhất sinh, họ lại ngồi bên cây đàn để sáng tác. Ai cũng hiểu, những bản tình ca của ông bà hôm nay đã khác, không còn sức xuân trẻ như ngày nào, nhưng cũng không xô bồ giữa nhịp sống hiện đại. Vâng, đó là nốt trầm của những người lính trở về suốt một đời cháy hết tuổi thanh xuân của mình cho đất nước!

Hoàng Nguyên Vũ
.
.