Nhạc sĩ Vũ Hoàng: Mấy chuyện nhớ lại

Thứ Hai, 14/11/2016, 23:07
Một ngày kia, ngày 16-1-2015 đang ngồi làm việc bỗng nhận được tin nhắn của nhà báo Hữu Thân: “Nhạc sĩ Vũ Hoàng vừa đột quỵ”. Quá đột ngột, hôm nọ mới vừa tay bắt mặt mừng, trông anh còn khỏe khoắn. Vậy mà...

Ngay sáng hôm sau, y đã cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền vào Bệnh viện 115 thăm anh. Leo lên mấy tầng lầu, vừa đi vừa sực nhớ câu thơ xướng họa giữa Tú Mỡ và Nguyễn Công Hoan: “Gối hạc thằng tôi còn lỏng lẻo/ Mình vân của bác cũng lao đao”. Ấy là lúc sức khỏe của người đi thăm bệnh lẫn người bệnh chẳng còn bảnh tỏn.

Trước kia, lúc bình thường, vẫn công việc hào hứng mỗi ngày, vẫn bia bọt “bán trời không mời thiên lôi”, ai cũng nghĩ sức mấy thèm lui tới bệnh viện. Nhưng hỡi ôi, ai lại không có lúc sẽ nằm lì một chỗ? Bước vào phòng, nhìn dung nhan bạn, y thốt lời khen bằng câu thơ Tú Mỡ: “Tốt lắm! Cái già tai ác thật/ Nó không nể bác chẳng từ tao”. “Tốt lắm”, bởi lẽ nhờ đồng nghiệp, gia đình phát hiện kịp thời nên mọi việc khả quan hơn.

Với nhạc sĩ Vũ Hoàng, anh nổi tiếng ngay từ ca khúc Hương thầm phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Thập niên 1980, đi đến đâu, tận hang cùng ngõ hẻm đến các hàng quán bình dân, nhà hàng sang trọng cũng đều nghe tiếng nhạc réo rắt, mê đắm hồn người. Nói cách khác, giới yêu nhạc, am hiểu về âm nhạc đã chính thức cấp cho nhạc sĩ Vũ Hoàng một passport để đi vào thế giới của âm thanh.

Từ đó, như một kẻ suốt đời bị ám ảnh bởi mùi hương, Vũ Hoàng hoảng hốt kêu lên như Xuân Diệu đã từng mơ ước: “Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi”. 

Bằng các cung bậc, Vũ Hoàng trói buộc những làn hương mà anh đã tìm thấy qua thơ của bè bạn: Hương biển (Nguyễn Thái Dương), Hương xưa (Cao Vũ Huy Miên), Hương cúc (Lê Minh Quốc), Hương tràm (Đỗ Trung Quân), Hương đêm (Nguyễn Nhật Ánh)… Những ca sĩ La Sương Sương, Bảo Yến, Thùy Dương, Phương Thảo… một thời đã hát.

Ngày đó, tháng 7-1994, khi nghe đĩa nhạc Mười khúc tình tự của anh do Công ty VHTH Q.11 sản xuất, y phát biểu: Có những mùi hương quyến rũ người này nhưng lại phụ bạc người kia. Hơn nữa, từng mùi hương cũng mang sắc màu đậm nhạt khác nhau để ám ảnh khôn nguôi hoặc để phai mau trong khoảnh khắc… 

Vũ Hoàng muốn níu giữ lại tất cả. Vì lẽ đó, sẽ có mùi hương ở lại với anh, và cũng có làn hương theo gió bay đi. Dù sao, đôi khi chỉ một làn hương mong manh như tơ trời, như sương khói cũng trở thành một ám ảnh trong trí nhớ chúng ta. Vũ Hoàng bằng âm nhạc của mình thầm mong như thế. Và tôi cũng thầm mong như thế”. Lời giới thiệu này, Vũ Hoàng “chịu” lắm. 

Đôi khi viết về bè bạn, dù một dòng cũng khó, nếu không có kỷ niệm cùng nhau. Nhớ về anh, tôi luôn nghĩ đến một kỷ niệm cũ: Khoảng cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, lúc y vừa ra trường và bắt đầu bước vào nghề, cộng tác với nhiều tờ báo. Ngày kia, nhà văn Trần Thanh Tâm giao đi viết bài phỏng vấn Vũ Hoàng. 

Bấy giờ, anh Tâm đang làm tờ Bản tin Quận 6 và nhận “thầu” Tạp chí Tuổi 18 - ấn bản phụ của tờ Tây Ninh thuộc cơ quan Đảng bộ Tây Ninh. Tờ Tuổi 18 ra đời phù hợp với xu thế báo chí lúc ấy. Sau một thời gian dài chỉ đọc các tờ báo “chính thống” với tin tức chính trị - xã hội khô khan thì nay đã có những tạp chí chỉ thuần về giải trí, làm đẹp, tình yêu, hôn nhân, nấu bếp... nên cực kỳ “hút” khách.

Nhân đây nói luôn, loại ấn phẩn tương tự ấy, chẳng hạn Hãy nuôi dưỡng tình yêu - phụ trương của Báo Phụ nữ TP HCM mỗi kỳ in đến vài trăm ngàn bản. Cũng như Hãy nuôi dưỡng tình yêu, tờ Tuổi 18 đều do nhạc sĩ Từ Huy trình bày. Lúc ấy, trình bày đơn giản, ngoài bìa chỉ là hình nữ diễn viên hoặc nữ sinh mặc áo dài trắng, đi xe đạp hoặc người đẹp cầm hoa, cười tươi roi rói là được. 

Do đáp ứng nhu cầu giải trí, bàn về chuyện đời thường thiết thực, hình ảnh đẹp nên hầu hết các tờ phụ san đều bán rất chạy. Cũng là nét mới mẻ của một giai đoạn do người làm báo phía Nam “bung ra” với nhiều ấn bản khác nhau. Thị trường báo chí thêm sinh động, nhiều sắc màu. 

Từ Tuổi 18 dưới sự chỉ huy của nhà văn Trần Thanh Tâm, một loạt sinh viên mới ra trường, sau này, đã trở thành nhà báo chuyên nghiệp như Hữu Bảo, Trần Kim Sơn, Lê Khắc Cường…, tất nhiên có cả y nữa. Nhận lời phân công của anh Tâm, y đạp xe cọc cạch đến Nhạc viện, ngồi ngay quán cóc lề dường Nguyễn Du thực hiện bài viết về Vũ Hoàng. Tiếc không còn giữ bài báo này. 

Dần dần mối thâm tình ngày một đầy và y cũng bắt đầu có tác phẩm xuất bản. Rồi trong một cuộc trò chuyện, không nhớ ai đề xướng, hình như Nguyễn Văn Hiên thì phải, anh em đồng tình bắt tay thực hiện chương trình “Thơ nhạc vòng quanh ký túc xá”.

Cứ mỗi cuối tuần luân phiên đến các ký túc xá thực hiện chương trình văn nghệ, thành phần luân phiên nhau gồm có nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Thế Hiển, Từ Huy…; về phía nhà thơ, có Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Đỗ Trung Quân, Đoàn Vy, Đoàn Vị Thượng, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc… Thời đó, còn trẻ nên còn sung. 

Có bài báo y đã viết đăng Báo Phụ nữ TP HCM -  không nhớ số nào, kể lại chuyện các bạn sinh viên leo lên cây nghe thơ, nhạc do hào hứng quá, vỗ tay nên... rớt té ạch đụi! Bây giờ nhiều người tưởng bịa, nhưng sự thật là thế. Thời ấy, đời sống còn thiếu thốn lắm, không có gì giải trí vào cuối tuần nên lúc anh em nhạc sĩ, nhà thơ đến ký túc xá làm chương trình văn nghệ là cả ngàn sinh viên tham dự. Ôi, những ngày tươi đẹp đến thế là cùng.

Lúc vào Bệnh viện 115 nhìn tác giả Hương thầm tự dưng “thương thầm”. À, cũng may. Trước lúc tai biến, Vũ Hoàng đã điện thoại cho biết sắp in một tuyển tập nhạc và có nhờ anh em viết giúp đôi lời cảm nhận, in trong sách như kỷ niệm bạn bè. Y nhận lời. Nhận e-mail các ca khúc của anh đã sáng tác, bỗng giật mình. Anh viết nhiều đề tài. Cả hàng trăm ca khúc đã phổ biến.

Viết gì cho bạn? Đôi khi chơi với nhau, nhưng rồi để hiểu rõ những gì bạn đã làm, đã viết, đến lúc “tổng kết” lại thấy không dễ. Bởi lẽ, biết là biết vậy, đọc/ nghe là vậy nhưng cụ thể nó ra làm sao? Cũng khó. Thôi  thì, chịu khó vậy. Mà chẳng lẽ là sự liệt kê, chẳng hạn, các thành tích, danh hiệu, bằng khen? Xoàng lắm. 

Với người sáng tác, điều còn lại cuối cùng vẫn là tác phẩm kia chứ? Những giấy xanh đỏ, mộc đỏ chói, rền vang tiếng vỗ tay, tràng hoa tươi thắm, lời chúc tụng hào phóng trong hội trường, hội nghị… có là gì không? Không là gì nếu sau đó, tác phẩm mất hút theo ngọn gió lãng quên vốn khốc liệt đến tàn nhẫn.

Cảm nhận từ Hương thầm, Nói với em, Bụi phấn (chung với Lê Văn Lộc), Phượng hồng (thơ Đỗ Trung Quân) và các ca khúc viết về thanh niên tình nguyện Việt Nam, mùa hè xanh, y viết: “Trên cung bậc của sáu sợi dây đàn đã gắn kết với một số phận tài hoa, Vũ Hoàng hầu như đã chạm đến nhiều đề tài khác nhau. Sự nghiệp có chiều sâu, bề dày của Vũ Hoàng đã phản ánh một quá trình lao động bền bỉ theo năm tháng. Muốn được như thế, chắc chắn từ trong sâu thẳm của tâm hồn, Vũ Hoàng phải sống cùng, sống với những cảm xúc có thật để thăng hoa thành nhạc. Trong nhạc có thơ, có lúc anh phổ thơ bạn bè, có lúc những dòng thơ của anh đã tung tăng trên phím đàn”.

Riêng nhà văn Đoàn Thạch Biền lại nhìn nhận anh ở các ca khúc thiếu nhi, nhắc lại một kỷ niệm ấm áp lúc anh giao Vũ Hoàng phụ trách mục “Ca khúc phổ thơ” trên Tập san Áo trắng. Anh viết: “Hiện nay, trên các đài phát thanh, truyền hình đang nở rộ các cuộc thi tiếng hát thiếu nhi, tiếng hát học trò… 

Một số phụ huynh đã than phiền: Trong các cuộc thi đó các em đã phải hát những ca khúc dành cho người lớn, không thích hợp với lứa tuổi các em. Ban tổ chức cuộc thi thì biện bạch: Tại có rất ít nhạc sĩ viết ca khúc thiếu nhi dành cho các em. 

Tuyển tập 216 ca khúc nhi đồng, mẫu giáo, thiếu niên, trung học phổ thông, sinh viên với tiêu đề Từ “Bụi phấn”... đến “Mùa hè xanh” của nhạc sĩ Vũ Hoàng được xuất bản, chắc chắn ban tổ chức các cuộc thi sẽ chọn được những ca khúc thiếu nhi thích hợp với cuộc thi. Các em thí sinh cũng sẽ chọn được những ca khúc hay để thể hiện đúng với tâm tư và nguyện vọng của các em”.

Bạn bè chơi với nhau. Viết cho nhau như thế, được quá.

Trước đây, y viết câu thơ: “Thời tôi sống nhà thơ thì viết báo/ Để kiếm cơm hơn một chút danh hờ”. Không chỉ thế, ngay cả nhạc sĩ Vũ Hoàng cũng vậy thôi. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác, lý luận, chỉ huy - Nhạc viện TP. HCM (1984-1989), anh về làm Báo Công nhân giải phóng (nay là Báo Người Lao động). 

Rồi làm Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP HCM. Thời anh làm báo Người Lao động, từ năm 1991, tờ báo này lần đầu tiên tổ chức giải thưởng văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm, nay gọi là Giải Mai vàng - nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Riêng cái tên “Mai vàng” tôi đồ rằng, do chính Vũ Hoàng nghĩ ra vì hai lý do: Thứ nhất, bấy giờ, anh là Trưởng ban Văn hóa nghệ thuật; thứ hai, không thể tìm ra một người thứ hai trên trái đất này mê đắm, đắm đuối sắc màu hoàng kim bằng Vũ Hoàng. 

Thân thiết với nhau từ thập niên 1980, chưa bao giờ, y thấy anh mặc áo gì khác ngoài màu vàng, ngay cả bút viết, dây đeo đồng hồ, nhẫn đeo tay… cũng chỉ mỗi màu vàng đậm nhạt khác nhau. Có phải do “Hoàng” còn có nghĩa là sắc vàng; hay còn vì lý do gì về… phong thủy? Chịu, không thể biết. Đã thân tình, thôi thì, biết vậy. Tò mò làm chi.

Còn chuyện này, có lẽ ai ai cũng thừa nhận: do nhạc sĩ nắm tờ báo nên từ lúc còn đương chức, chắc chắn Du Lịch TP HCM vẫn là tạp chí chuyên ngành in văn bản… nhạc nhiều nhất. Số báo nào cũng có thơ phổ nhạc, nhạc mới sáng tác, nhạc một thời vang bóng v.v… Kể ra cũng là điều thú vị.

Nay, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã nghỉ hưu. Về nhà, và tất nhiên anh vẫn tiếp tục sáng tác. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”. Chỉ tiếc, sức khỏe không cho phép nên anh không thể lai rai, đàn đúm cùng bồ tèo chiến hữu. Có lẽ sẽ khó còn có thể nhìn thấy hình ảnh Vũ Hoàng lúc đã say bao giờ cũng “chữa cháy” bằng… vài lon nước ngọt.

Nếu ông nhà văn Nguyễn Quang Sáng trước lúc rời khỏi “tửu điếm”, mặc các “hiệp khách” đã buông đũa, ông vẫn tì tì với món cơm ăn chung với cá kho mặn;  còn Vũ Hoàng, lúc ấy, với anh khoái khẩu nhất vẫn là ăn bún tươi chan với nước tương dầm ớt xanh cay đến xé lưỡi. Ôi, bạn bè của một thời còn khỏe mạnh, có thể mỗi lúc bước vào quán, cứ cảm tưởng như cả nhà máy bia cũng không thể cung cấp nổi!

Vậy mà, thoáng đó đã xa. Xa đến độ nhìn lại, đã thấy… sắp nghỉ hưu. Thử hát lại ca khúc Phượng hồng phổ thơ Đỗ Trung Quân: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?”.

Lòng buồn hay vui?

Lê Văn Nghệ
.
.