Nhạc sĩ Võ Thiên Thanh: Màu hiền lành, mơ đêm, trong lòng phố

Thứ Bảy, 22/06/2013, 15:02
Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên chập chững bước chân vào Sài Gòn này. Hồi đó, tôi chưa có bạn bè nào và mỗi cuối tuần luôn là những ngày cực hình nhất. Đó là những ngày tôi chỉ có mình tôi. Đơn. Lẻ...

Một ngày hè 2001, T. từ Hà Nội vào công tác, hay nói đúng hơn là nó nằm vùng, để mở văn phòng đại diện cho công ty của nó ở Sài Gòn. T. điện cho tôi. Nó cũng không có nhiều bạn ở đất phương Nam này. T. cũng thèm được xoá sạch nỗi cô đơn sau mỗi chiều tan sở và đặc biệt là trong mỗi ngày cuối tuần Sài Gòn vắng người.

Hai thằng tìm đến nhau, như cứu tinh của nhau, cho nhau những phúc âm thực sự từ những rong chơi lang bạt mọi ngóc ngách thành phố. Và cứ thành lệ, sáng chủ nhật mỗi tuần, chúng tôi lại cùng nhau hẹn hò cà phê ở một quán yên tĩnh nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Cái tên quán đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Quán Nhịp Sống Sài Gòn. Và tôi đã lần đầu gặp Võ Thiện Thanh ở đó…

Tôi còn nhớ như in buổi sáng ấy, trong ánh nắng gay gắt sớm thường nhật của Sài Gòn mỗi cữ 9 giờ, ô cửa quán cà phê ấy mở ra một vùng sáng khác hẳn với sự dịu mát, bóng tối mờ mờ, khói thuốc cuộn cuộn bên trong… khi anh Thanh bước chân lên ngưỡng cửa. Người bạn đi cùng tôi và T. kéo anh Thanh lại gần và mời anh ngồi xuống bàn hồ hởi giới thiệu: “Đây là nhạc sỹ Võ Thiện Thanh, tác giả bài Bạn Tôi”.

Tôi đã không ấn tượng gì mấy, vì thú thực tôi không thích bài hát đó. Chẳng phải vì chất lượng mà vì tạng người tôi không phù hợp với thứ âm nhạc của Bạn Tôi. Nhưng trong đầu tôi lúc đó vẫn bật ra cái giai điệu và ca từ của nó. “Bạn tôi, sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số”, những lời ấy không hiểu sao lại nằm trong trí nhớ của tôi khi đó. Có thể, vì đó là thời điểm nó đang “hit”, qua giọng ca của Quang Linh, nên ngẫu nhiên bị nghe quen thành nhập tâm?

Song, tôi vẫn không thể ấn tượng gì thêm về Bạn Tôi và Võ Thiện Thanh dù đã ngồi đối diện nhau. Lần gặp ấy, anh Thanh không nói gì nhiều, chỉ im lặng gật đầu, khẽ cười nếu có ai đặt câu hỏi. Và anh Thanh đi cũng vội, hình như không phải anh đã có hẹn trước với cậu bạn của T. mà chỉ là ngẫu nhiên gặp, ngẫu nhiên ghé lại vì sự nể vì???

Sau đó, bẵng đi vài năm, tôi thi thoảng có gặp anh Thanh, ít thôi, vì một công việc nào đó chung thỉnh thoảng phát sinh. Và tôi cũng bắt đầu để ý đến anh hơn, một cách thầm lặng. Lúc ấy, anh Thanh đã nổi tiếng lắm rồi, qua những bài “hit” anh làm cho Cẩm Ly, cho Mỹ Tâm. Song tôi vẫn không ấn tượng quá về những tác phẩm của anh.

Cái tạng nghe nhạc của tôi nó khác và tôi đã để bộ lọc của mình quá hẹp hòi cả một thời gian dài. Nhưng rồi tôi đã phải giật mình, một lần cho cả sau này, khi nghe một bài anh Thanh mới viết ngày đó, năm 2005 thì phải. Đó là một sản phẩm thương mại hoàn toàn, được đặt hàng bởi một hãng dầu gội nào đó. Lúc ấy, tôi và Trí mới bắt tay làm việc với Hà được chừng hơn 1 năm gì đó. Hãng dầu gội ấy muốn mời Hà ghi âm bài hát mới của anh Thanh, để tặng khách hàng, để phát ở các siêu thị, tiệm tóc…

Đó là bài Tóc hát, một bài với 3 bản ghi được phối khí khác nhau cho 3 nữ ca sỹ mà nếu tôi nhớ không lầm, ngoài Hà ra còn có cả Hiền Thục. Và Tóc hát đã “tát” cho tôi một cú phải “hóc” vì anh Thanh. Nó mở luôn cái bộ lọc hẹp hòi của tôi ra, để đón nhận âm nhạc ngoài cái cơ thể âm nhạc của chính mình. Từ ấy, không chỉ nhạc của anh Thanh mà của bất kỳ ai tôi đều mở lòng để nghe, để đón nhận cái đẹp của người sáng tạo bất kể thể loại. Phải thừa nhận, Võ Thiện Thanh đã vô cùng trác tuyệt.

Một sản phẩm thương mại đơn thuần, viết để kiếm sống nhờ quảng cáo thôi, mà anh đã thể hiện nó đẹp như một tác phẩm. Sau này, Tóc hát vẫn vang lên và người ta lãng quên ngay, thậm chí là không thể ngờ rằng, nó từng là một thứ được đặt hàng. Mà nhạc sỹ ở Việt Nam xưa nay, thú thực, viết nhạc theo đơn đặt hàng của quảng cáo vẫn còn dễ dãi lắm…

Hai năm sau Tóc hát, tôi đã gần anh Thanh hơn nhiều. Thỉnh thoảng tôi cà phê cùng anh và bạn bè, khi thì ở Hồ Xuân Hương, khi thì ở Tú Xương, trong những quán cà phê quen của anh. Lúc đó, trong mắt tôi, anh Thanh đã hoàn toàn khác, nếu không nói là có chút thần tượng, tôn sùng. Anh đã khiến tôi đi từ hết bất ngờ này sang bất ngờ khác khi có thể viết/ sản xuất từ nhạc quê hương (nôm na là hơi sên sến) sang những thứ cao cấp như jazz hay những thứ hiện đại như electronic…

Tôi cảm thấy anh Thanh không chỉ còn là một nhạc sỹ nữa mà anh đã và đang là một mỏ nguồn của nhạc nhẹ Việt Nam thời đại này. Sự đa dạng ấy của anh, lạ lùng thay, lại không khiến anh bị nhạt nhòa, mất chất như nhiều nhạc sỹ/ nhà sản xuất khác. Mỗi thể loại âm nhạc anh Thanh đụng đến, anh đều làm cho ra trò cả. Điều đó khiến việc định hình “dung nhan âm nhạc” Võ Thiện Thanh khó quá.

Nó khiến người nghe nhiều khi có cảm giác là có đến bốn, năm ông Võ Thiện Thanh đang tồn tại. Nhạc sỹ/ nhà sản xuất ở Việt Nam bây giờ đa số bị một màu. Chính vì thế, anh Thanh tồn tại như một hiện tượng dị biệt mà chính vì điểm dị biệt đó, tất cả những đồng nghiệp của anh, từ người tài năng cho tới người vô cùng nổi tiếng, đều phải nể trọng. Anh Thanh được coi như bậc đàn anh, trưởng tràng dù chưa chắc gì tuổi tác của anh đã hơn tất thảy.

Ấn tượng về sự đa dạng, đa diện của khuôn mặt âm nhạc Võ Thiện Thanh lắm nhưng tôi không bao giờ quên được cảm giác lần đầu tiên nghe bản ghi âm (bản nháp) bài Con hạc giấy và bài Em sẽ quay về của anh ở phòng thu của Đức Trí. Hôm đó có tôi, có Trí, có anh Tuấn Khanh và qua tiếng hát của một ca sỹ mới toanh không nổi tiếng chút nào, tôi đã nổi da gà khi nghe những chồng lớp giai điệu đó. Tôi cảm giác thân mình tê lại. Rời. Rã. Trống hoác. Tất cả những hoài niệm cũ quay về với tôi khi tiếng hát trễ nải cất lên câu “giống con hạc giấy kia, cứ xoay tròn mãi, xoay tròn mãi trên đỉnh đầu”.

Tôi nhặt được tôi ở trong hoàn cảnh ấy, của bài hát ấy và tai tôi không còn nghe thấy bất kỳ điều gì khác chỉ ngoài dòng mỹ điệu đó của anh. Chỉ đến khi tất cả lặng lại, và anh Tuấn Khanh thốt lên “lâu rồi chưa thấy cái gì hay như thế Thanh ơi”, tôi mới giật mình tỉnh khỏi cơn mê man từ nó. Sững. Hẫng. Khát.

Tôi muốn sở hữu nó ngay lập tức, như thèm muốn luôn luôn của tôi khi mới lần đầu được nghe một bài hát nhập tâm. Tôi muốn có nó ngay lập tức, để có thể chụp cái headphone lên tai và băng qua những con phố dài, trên bàn chân bất chấp mỏi mệt, thách thức tất cả những ồn ào phố thị bằng những gì anh Thanh mới viết qua tay…

Anh Thanh là người hiền lành, hiền lành đến lạ. Sự ít nói, kiệm lời của anh rất dễ khiến người đối diện nghĩ là anh lạnh. Nhưng thực tế thì khác, giữa bạn bè, anh rất hòa đồng dù không quá sôi nổi, ồn ào. Anh không thích nói nhiều và đó là ưu điểm lớn nhất của anh mà mỗi khi nói chuyện với bạn bè cùng giới, tôi vẫn thường nhắc tới.

Anh Thanh là tương phản lớn đối với một lớp nghệ sỹ đương thời. Trong khi họ không làm gì, chỉ nói thì ngược lại, anh Thanh chỉ làm, không nói gì. Nhưng thực ra thì anh đã phát ngôn rất nhiều, đã đối thoại rất nhiều. Anh phát ngôn, đối thoại bằng chính tác phẩm của mình mỗi năm. Đó chính là những ngôn từ xuất sắc nhất, cô đọng nhất, hiệu dụng nhất.

Mấy ai biết được để có những thứ như thế, anh Thanh đã phải làm gì mỗi ngày. Giờ lao động nghệ thuật của anh, thú thực, nó như giờ công chức mà nhắm mắt lại tôi cũng có thể hình dung ra sẽ nhiều kẻ giật mình khi biết lịch làm việc của anh là: sáng đưa con đi học - tranh thủ cà phê 30 phút - về lao động 8 tiếng - đón con về cữ tan tầm rồi tối lại làm việc tới khuya. Thế nên ít ai thấy anh Thanh ra đường, đặc biệt là đàn đúm ăn nhậu cùng bạn bè trong giới. Lần duy nhất tôi nhậu khuya với anh cũng đã 6 năm rồi, hồi tháng 3/2007. '

Khi ấy, anh vừa được nhận giải Cống hiến, hạng mục Nhạc sỹ của năm. Nó là cái cớ để Trí, Huy Tuấn, tôi kéo anh vào quán beer Đức bên hông nhà hát thành phố uống tê tê rồi sau đó lại đưa nhau về nhà uống tiếp. Bữa đó anh Thanh rất vui, tất cả cũng vui cho anh bởi ai cũng hiểu đó là một ghi nhận xứng đáng dù hơi muộn màng.  Lần hiếm hoi đó anh Thanh đã bộc lộ cái chất nghệ sỹ anh giấu thẳm sâu trong mình để chia sớt với bạn bè. Rồi sau đêm ấy, anh lại trở về nguyên bản là anh thường nhật, con người mà nhiều lần chúng tôi tếu táo với nhau “một công chức âm nhạc”…

Lâu rồi tôi không gặp lại anh, kể từ sau khi anh làm xong đĩa Classic meets Chillout. Nhưng tôi vẫn nhớ cái dáng vóc vội vàng mỗi buổi cuối chiều anh bất thần tạt ngang đâu đó, như Cafe Ciao chẳng hạn, để giao sản phẩm cho một ai đó.

Anh đến thoáng, anh rời rất nhanh, y như lần đầu tiên tôi gặp anh ở Nhịp sống Sài Gòn. Phải chăng, anh tiếc thời gian, anh sợ không có đủ thời gian để viết, để biến những ý tưởng ngồn ngộn trong anh thành hình dáng, thành những mỹ điệu, những tuyệt khúc như tên anh: Thiện Thanh? Nhưng cứ hình dung ra anh, với nụ cười hiền hiền, tôi lại thấy anh chính là hiện thân của thành phố.

Đó là sôi nổi như những tiết tấu sinh động, là êm đềm như những giai điệu mượt mà, là day dứt như những ca từ đồng vọng, là trăn trở - băn khoăn như những hòa âm đột phá, sáng tạo riêng mình. Và trên tất cả, đó là màu sắc, rất xanh, màu hiền lành, như những vòm cây xung quanh, vẫn ngày ngày mơ/êm, trong lòng thành phố…

Hà Quang Minh
.
.