Nhạc sĩ Việt Anh: Trong thế giới của riêng mình

Chủ Nhật, 19/06/2016, 16:58
Tôi vẫn nghĩ, trong mỗi người đều tồn tại một thế giới của riêng mình. Để mà nương náu, để mà an trú, để mà thở than, để mà bay bổng với những giấc mơ, để mà thành thật, với chính mình và cả cuộc đời. Nhẹ nhàng, rung cảm, man mác và đầy chất thơ là những gì tôi hình dung về thế giới của Việt Anh, qua những bài hát và cả sau khi đã trò chuyện cùng anh.


1. Có những dấu yêu đi xa để nhớ về, cũng có những dấu yêu thành hình ngay trong lòng phố. Phố của Việt Anh là khung cửa nhỏ ở khu tập thể ngoại ô Hà Nội, trông ra khoảng trời trong veo trước mắt. Tiếng í ới bắn bi, đánh đáo của lũ trẻ trong khu gọi mời, hấp dẫn. 

Việt Anh tuyệt nhiên không bao giờ dám bước qua ngạch cửa ấy, kể cả khi bố mẹ vắng nhà. Cậu tô vẽ thế giới của mình bằng những hình dung qua tiếng piano chầm chậm lướt. Cây đàn từ một nỗi sợ dần dà trở thành người bạn thiết thân nhất, sẻ chia cùng cậu những vui buồn, nỗi niềm. Như Việt Anh từng thổ lộ: "Với âm nhạc, thật khó để giấu lòng mình…".

10 tuổi, Việt Anh theo chân bố mẹ vào Sài Gòn. Cũng là một khu tập thể nhưng ở giữa lòng đô thị nhộn nhịp. Cậu bé quen sự tĩnh lặng ấy còn quá nhỏ để hiểu khác biệt, song tâm hồn đa cảm của cậu thì đủ sức nhận thấy những lạ lẫm. 

Và cậu lại nương náu vào thế giới của mình, tô vẽ nó bằng những hình dung đẹp đẽ nhất, chân thành nhất. Nó đã cùng cậu lớn lên, nhận thức, bổ sung sắc màu, âm thanh của cuộc sống. Nó giữ lại những niềm vui, nỗi buồn, những cô đơn lộng lẫy và tuyệt đẹp, thậm chí là đầy ám ảnh nhưng nó cũng biết cách khước từ oán hờn trách giận. Nó cứ thế diễn ra như tự nhiên bốn mùa, như trạng thái của chàng trai lãng mạn chọn cách phong kín tâm hồn trước người xa lạ, trước cuộc sống bề bộn muôn trùng. 

"Với tôi, âm nhạc là nhật ký tâm trạng qua từng giai đoạn. Nó khiến mọi thứ trở nên hài hòa, ổn thỏa. Tôi chọn cho mình cách sống hết sức tự nhiên. Tôi không cố để sâu sắc, không cố để khiến người nghe chìm trong lãng mạn, xúc động. Tôi đơn giản chỉ là viết lại những gì tôi đang cảm thấy, đang trải qua trong thời điểm ấy mà thôi…".

Thế giới của Việt Anh còn có tình yêu lạ lùng dành cho Đà Lạt - vùng đất mà tôi hay gọi là đá núi cũng nở hoa, Nguyễn Vĩnh Nguyên thì thâm trầm: "Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách". 

Tôi không biết với Việt Anh, Đà Lạt là lữ khách, là mộng địa hay là những khắc khoải nhớ thương của đôi tình nhân Lê Uyên - Phương nhưng chắc chắn nó là tình yêu thẳm sâu và thủy chung nhất. 

Chỉ có yêu mới khiến người ta đi ở nhớ về, mới gửi lại lòng mình theo cái lãng đãng mơ hồ sương khói của xứ cao nguyên vào từng bài hát, vào cả những cơn xúc động thắt tim nơi đất lạ khi bỗng dưng đọc được hoặc nhớ đến hai tiếng "Đà Lạt". 

Đôi khi, tôi tin tâm hồn người ta như thế nào sẽ khiến người ta dâng một nỗi yêu nào đấy với cảnh vật, với một người dẫu chỉ đôi lần gặp gỡ. Là nghĩ vậy thôi chứ đi tìm cơn cớ cho một tình yêu thì thật buồn cười, phải thế không?

Thế giới của Việt Anh còn có những cuộc tình được ghi lại trong khoảnh khắc bởi thanh âm, ca từ, giai điệu. Để rồi… lãng quên. "Tất cả mọi chuyện tôi đã giữ cho mình và có những cảm hứng bắt đầu từ một cuộc tình để cho mình viết mãi. Nhưng giờ những chuyện đó đã xa quá rồi, sắp quên hết rồi. Tôi quên như một lẽ tự nhiên cần phải thế".

2. Lớn lên trong một gia đình có bố mẹ làm nghệ thuật, con đường Việt Anh đi là lựa chọn được sắp đặt. Anh cứ thế ngoan ngoãn cặm cụi. Không chia sẻ kỳ vọng ấy là gì, anh chỉ kể do không thực hiện được nên anh chuyển qua học sáng tác. 

Nếp nhà và những cuộc tiếp xúc với bạn của bố đã hình thành cho Việt Anh suy nghĩ rằng, lao động nghệ thuật là một nghề nghiêm túc, thành công không nằm ở sự nổi tiếng mà phụ thuộc vào việc ta biết hôm nay mình ở đâu để nỗ lực từng ngày. Thành thử ra, Việt Anh viết nhạc như một nỗi vui, để được tỏ bày suy nghĩ trong lòng. Còn danh vọng ư? Việt Anh hồi ấy nghĩ: "Có lẽ đến cuối đời, may ra sáng tác của mình mới được biết đến!".

Những năm tháng tuổi trẻ của Việt Anh gắn liền với ban nhạc Saigon Boys. Việt Anh là gương mặt trẻ nhất trong 6 thành viên, về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Việc thành lập ban nhạc lúc ấy xuất nguồn từ dự định, cần một ê-kíp gắn bó và làm việc lâu dài với nhau. 

Thành công ngoài mong đợi, từ ý định thành lập một ban nhạc đệm, Saigon Boys được biết đến như một ban nhạc độc lập. Đấy đồng thời là giai kỳ nhạc Việt vô cùng sôi nổi và rực rỡ với những giọng hát đẹp nhất, những nhạc sĩ trẻ trung, hồn nhiên nhất, những ca khúc mãi neo vào lòng người yêu nhạc đến tận hôm nay.

Đấy là những tháng năm Việt Anh cùng bè bạn, ngoài âm nhạc thì thơ thẩn đi chơi, "như thể tuổi trẻ của mình là vô tận". "Đấy là những năm mà nếu tả về cuộc sống của tôi và cả đời sống âm nhạc thì phải nói là hết sức trong sáng. Chúng tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cốt làm sao thực hiện tốt công việc của mình mà thôi" - Việt Anh hoài niệm.

Sáng tác của Việt Anh được nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Nguyễn Hà phối khí, hòa âm và xuất hiện trên Làn sóng xanh. Nỗi vui của Việt Anh khi đó chỉ gói gọn trong việc bài hát của anh được lưu hành trong thị trường âm nhạc nhiều sắc màu. 

Cho đến một ngày, Việt Anh nhận được lá thư từ người hâm mộ qua chương trình Làn sóng xanh - dấu son có sức ảnh hưởng sâu rộng không chỉ với người yêu nhạc mà còn với cả người làm nghề giai đoạn đó. Lá thư bày tỏ sự yêu thích với ca khúc Dòng sông lơ đãng và tình thương quý với người sáng tác.

"Tôi bắt đầu không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rồi thư mỗi ngày một nhiều. Tôi nhận ra rằng, không được để những chuyện đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Tất nhiên là có một chút sức ép về thời gian sáng tác, không thể nào cứ ba năm mới viết một bài nhưng tôi luôn giữ không để mình bị gò bó, bắt buộc cảm xúc".

Tiếp nối đó là những Đánh rơi bên hồ, Những mùa hoa bỏ lại, Hoa có vàng nơi ấy, Không còn mùa thu... và sau hơn một chút là Đêm nằm mơ phố... Giai điệu sâu lắng, ca từ khắc khoải, tâm trạng, lãng đãng khói sương neo lấy lòng người yêu nhạc trong suốt hơn hai mươi năm.

3. Đương lúc danh tiếng vang khắp trong Nam ngoài Bắc, Việt Anh đột ngột quyết định ra nước ngoài, vượt thoát khỏi vùng an toàn của những điều quen thuộc. Nguyên nhân xuất phát từ một biến cố cá nhân, "muốn đi đâu đó cũng được". Và từ nỗi khát khao "muốn đi đường dài với âm nhạc". 

Một người bạn trong Saigon Boys, sợ bạn bè buồn, sát ngày đi New Zealand mới thông báo cho nhóm biết dự định. Việt Anh nghĩ: "Ồ, tại sao mình không đi nhỉ?". Vậy là Việt Anh lao về làm giấy tờ, thủ tục, bay sau bạn một tuần.

"Người ta bảo New Zealand rất buồn và tĩnh lặng. Quả là buồn thật, nhưng tôi thích sự tĩnh lặng đó. Buổi chiều ở đấy, hiếm hoi lắm mới thấy một chuyến xe chạy qua. Có những ngày mây xám xịt, có những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ, tôi ngồi ngắm mọi thứ và nghĩ thôi. Ừ thì, nếu không nghĩ thì biết làm gì? 

Tôi nghĩ, những năm hai mươi của mình trôi nhanh quá. Nhanh đến nỗi người sáng nay gặp mai đã không còn nhớ nữa. Nhiều thứ vội quá, mình không thể cảm nhận được trong khi ở đây, hút một điếu thuốc, uống một ly café, tưởng mình có thể chạm vào được từng vòng khói, từng giọt café".

"Thì cũng như nhiều du học sinh khác ở nước ngoài, hai năm đầu tôi làm bồi bàn và những công việc liên quan đến bưng bê trong quán café, nhà hàng. Quán vắng thì lương giảm nhưng quán đông thì vô cùng vất vả vì diện tích rất rộng mà chỉ có một mình tôi phục vụ. Chuyện đổ nước, bể ly xảy ra thường xuyên. Có những lúc khách đông đến nỗi tôi tả xung hữu đột, chạy qua lối thoát hiểm cho nhanh để đi từ bên này qua bên kia. Nhờ cuộc sống lao động như thế, tôi khỏe hơn trước rất nhiều".

"Tôi không thấy buồn, thấy hối hận gì đâu khi rời Việt Nam trong giai đoạn ấy. Bởi đó là lựa chọn của mình. Đôi khi mình cần bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức, để đi một con đường dài hơn. Tôi chỉ tiếc, giá như có ai đó tư vấn, tôi đã có thể tập trung vào những môn cần học và hưởng thụ tuổi sinh viên của mình nhiều hơn" - Việt Anh kể về những ngày trên đất khách mà giờ đây đã lưu giữ cùng anh biết bao ký ức.

Việt Anh trở về, đầu quân vào một nhà hát với cơ chế quản lý nhà nước. Âm thầm viết nhạc cho khá nhiều phim mà anh không muốn liệt kê như một "thành quả" hay "chiến tích". 

Cho đến khoảng giữa năm 2016, hai ca khúc trong hai bộ phim đình đám, Đồi thông và Ngày em xa quê, Việt Anh mới chính thức trở lại. Vẫn khiêm tốn và thích cuộc sống lặng lẽ như ngày nào. Có người hỏi, liệu rằng Việt Anh có trở lại với những ca khúc từng định hình tên anh như ngày xưa? 

"Tôi nghĩ, mọi thứ quan trọng ở việc mình hết mình với cuộc sống. Đừng bắt tôi phải giống như ngày hôm qua. Tôi rất hạnh phúc và bằng lòng với hiện tại. Nếu có sự thay đổi, tôi chỉ muốn nó diễn ra bên trong thôi. Có lẽ, sau này tôi có khuynh hướng thiên về tâm linh nhiều hơn. Tôi không nghĩ sẽ lựa chọn bi kịch, mâu thuẫn lớn lao cho sáng tác của mình. Tôi muốn tâm hồn mình an lành và tĩnh lặng".

Hoàng Hoài Hương
.
.